TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Câu truyện bà mẹ và bảy anh em tử đạo

Thứ năm - 23/11/2023 05:29 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   656
Câu truyện này cho thấy một gia đình được giáo huấn lòng đạo thuần khiết như thế nào để kiên trung giữ đạo, dù có phải chết.
Câu truyện bà mẹ và bảy anh em tử đạo
Câu truyện bà mẹ và bảy anh em tử đạo. Bàn về Lòng Đạo
 
Sách Macabê trình thuật cho ta câu truyện của một bà mẹ và bảy người con tử đạo trong một ngày. Câu truyện này cho thấy một gia đình được giáo huấn lòng đạo thuần khiết như thế nào để kiên trung giữ đạo, dù có phải chết. Gia đình là nơi quan trọng nhất để ươm mầm lòng đạo sâu xa và kiên trung.

Theo điều luật của đạo Do Thái thời xưa: “Không được ăn thịt heo là thức ăn theo luật Môisê cấm”. Luật thật đơn giản, chỉ là không ăn thịt heo. Giả sử như ăn loại thịt khác được thay thế để tránh vi phạm luật Môisê như người ông Êlada, thì sao? (Xem 2 Mcb 6, 18 – 31). Ông Êlada quyết tâm từ chối dù có chết để giữ luật đạo.

Ta thấy lòng đạo khác xa với việc giữ đạo. Giữ đạo có thể theo hình thức, có ăn rồi sám hối có sao đâu mà phải chấp nhận cái chết, hoặc phải bị chịu hành hạ róc da, róc thịt? Giữ đạo thiếu lòng đạo sâu xa, ta có thể nhiều cách biện minh cho việc giữ đạo của ta. Ta chọn điều nhẹ nhàng, ít tổn thương đến thân xác của ta, danh dự của ta. Hằng tuần, ngày Chúa Nhật đến nhà thờ là được, tham gia hội đoàn làm gì cho thêm tội, thêm việc. Hoặc đi dự lễ cho có là được, đâu cần gì tham dự tích cực. Hoặc không đến nhà thờ cũng chẳng sao, Chúa phán xét “khi ta đói, các ngươi có cho ta ăn, ta khát các ngươi có cho ta uống” (Mt 25, 35 – 40). Chúa đâu có phán xét có đi tham dự Thánh Lễ, có tham gia hội đoàn đâu, có kinh nguyện không? Giữ đạo là tốt rồi.

Giữ đạo cho có giống như dụ ngôn “Người kia đi gieo hạt, hạt rơi bên vệ đường, hạt rơi vào đá sỏi, hạt rơi vào bụi gai” (Mt 13, 1 – 9). Đạo không ăn sâu vào lòng đất và không có đất tốt, là thứ đất cần cho hạt cho cây sinh hoa kết trái. Lòng đạo là thứ đất tốt được nhiều năm, nhặt đi đá sỏi, nhổ đi cỏ gai, rửa phèn, rửa đất, thêm phân hữu cơ. Có nhiều năm, nhiều công sức, kiên trì, giữ đạo, sống đạo tích cực mới có lòng đạo sâu xa, để trổ sinh hoa trái như những gương chứng nhân trong sách (Macabê 7, 1 – 29).

"Đức Chúa sẽ dủ lòng thương hàng tôi tớ." Cái chết của người thứ nhất họ nói với niềm tin tưởng qua Lời Chúa phán bảo qua Môisê. Để có lòng đạo cần được lắng nghe Lời Chúa và kinh nghiệm của các đấng đã đi trước. Thời nay, thay vì nghe lời bảo khuyên của các đấng đáng kính trọng, tuổi trẻ cứ nghe cố vấn tâm linh của mình sàng sàng bằng tuổi nhau, qua điện thoại, qua chat, qua trang mạng, tai hại biết chừng nào? Chúa nói “mù dẫn mù cả hai cùng xuống hố”.

Cái chết của người thứ hai, nhận ra: “Chúng tôi chết vì Luật pháp của Vua vũ trụ, nên Người sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời." Lòng đạo sâu xa dẫn đưa chúng ta tới cùng đích của sự sống đời sau, chứ không ở đời này. Giá trị sự sống này nhờ lòng đạo sâu xa mà nhận ra được sự vĩnh cửu của sự sống. Như người trồng cây lâu năm, kinh nghiệm chăm sóc và mùa màng hoa trái của mình sao cho kết quả tốt nhất. Lòng đạo giống như thế.

 "Tôi có được lưỡi này, tay này, là do Chúa Trời ban. Nhưng vì luật Chúa Trời, tôi coi khinh những thứ đó, và tôi hy vọng nhờ Chúa Trời, tôi sẽ lấy lại được." Người thứ ba, tỏ ra lòng đạo bắt nguồn từ Đấng tạo thành, Chúa ban cho, Chúa lấy lại, rồi Chúa lại ban lại cho dồi dào hơn trước như kinh nghiệm của ông Gióp. Kinh nghiệm là một loại phân bón cho đất thêm tốt, lòng đạo cũng cần kinh nghiệm về lòng thương xót của Chúa như vậy.

“Thà chết vì tay người đời đang khi dựa vào lời Thiên Chúa hứa mà hy vọng sẽ được Người cho sống lại. Còn vua, vua sẽ không được sống lại để hưởng sự sống đâu." Phần thưởng của lòng đạo là kiên trung đến cùng và vô phúc cho kẻ ra tay làm điều gian ác. Lòng đạo sẽ phân định rõ ràng đâu là phúc và đâu là hoạ.

 "Dù vua thuộc loài hư nát, vua lại có quyền trên người ta, vua muốn làm gì thì làm. Nhưng vua đừng tưởng Thiên Chúa đã bỏ rơi giống nòi chúng tôi. Còn vua, hãy kiên nhẫn mà ngắm nhìn quyền năng cao cả của Người, xem Người sẽ hành tội vua và dòng giống vua thế nào? " Lòng đạo không chỉ xuất phát từ cá nhân nhưng được hấp thụ từ đời cha ông, dòng dõi những người tin vào Chúa. Đức tin “tôi tin” chưa đủ cần có một đức tin, “Chúng tôi tin”.

"Vua đừng có lừa dối mình mà chi! Quả thật, chúng tôi phải chịu cực hình như thế này cũng là tại chúng tôi, vì chúng tôi đắc tội với Thiên Chúa, nên mới gặp phải những điều quái gở này. Còn vua, đừng tưởng rằng vua sẽ không bị trừng phạt, vì vua đã dám đứng lên chống lại Thiên Chúa." Lòng đạo xuất phát một tâm tình sám hối để hoán cải không ngừng. Lòng đạo luôn nhắc nhở trung thành với điều Chúa dạy và nhận ra con người yếu đuối của mình mà cậy trông vào Thiên Chúa.

 Lòng đạo từ nơi người mẹ nói lên tất cả chiều dài của cuộc sống. Sự sống này chỉ có gía trị khi hết lòng kính mến Thiên Chúa, trên hết mọi sự, ngay cả trên mạng sống của ta. Bà nói với các con của bà:  "Mẹ không rõ các con đã thành hình trong lòng mẹ thế nào. Không phải mẹ ban cho các con hơi thở và sự sống. Cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể cho mỗi người trong các con. Chính Đấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài. Chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con hơi thở và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Luật Lệ của Người hơn bản thân mình." (2 Mcb 7, 22 – 23)

Lòng đạo cần có nhiều yếu tố sống đạo, yêu mến đạo, tu dưỡng đạo mới có thể là đất tốt cho hạt nảy mầm sinh hoa trái. Quan trọng của hạt được gieo vào nơi ban đầu ấy là gia đình. Hãy làm cho gia đình trở nên đất tốt cho lòng đạo được phát sinh.
 
L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây