TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật V Phục Sinh -Năm B

“Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sinh nhiều trái”. (Ga 15, 1-8)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tỉnh Thức (Mc 13, 33-37)

Thứ tư - 29/11/2023 22:39 | Tác giả bài viết: Lm. Thái Nguyên |   255
Mùa Vọng, mùa sống với tâm tình chờ đợi Chúa đến.

TỈNH THỨC
Chúa Nhật 1 Mùa Vọng năm B: Mc 13, 33-37

LmTN 301123a


Suy niệm

Cuộc sống có nhiều điều chúng ta phải chờ đợi. Có những chờ đợi nặng nề, căng thẳng, và làm ta lo âu, sợ sệt, vì không biết sẽ ra sao, có những hệ quả như thế nào? Nhưng cũng có những cuộc đợi chờ đầy thú vị và rất ý nghĩa trong đời, như đợi người yêu trở về từ nơi xa; như cha mẹ chờ con sớm đỗ đạt thành tài. Tuổi trẻ là tuổi của ước mơ và đợi chờ. Mơ ước càng cao càng phải phấn đấu; đợi càng lâu càng phải kiên trì. Sống là biết chờ đợi, và chờ đợi làm thành cuộc sống.

Mùa Vọng, mùa sống với tâm tình chờ đợi Chúa đến. Thật ra, Chúa đã đến và vẫn đang đến trong mọi nỗi vui buồn, trong mọi biến cố lớn nhỏ của đời sống ta. Nhưng ở đây, việc vô cùng hệ trọng là Chúa sẽ đến trong vinh quang mai ngày. Có lẽ ít ai ý thức về điều này, nhất là giới trẻ, vì thấy ngày giờ Chúa đến quá thiêng liêng, xa xăm, nên chỉ quan tâm những điều thiết thực và cấp bách mà mình đang mong đợi ngay trong cuộc sống này. Khi sống quá thực dụng, nên ta dễ đánh mất mục đích sống của đời mình, không biết mình đang sống cho ai vì ai? Đang đi đâu, về đâu? Chính vì vậy, mà Kitô hữu cần tỉnh thức, canh thức, để đón đợi giờ Chúa đến, vì Ngài đến bất thình lình.

Bổn phận người đầy tớ là phải tỉnh thức thâu đêm để chờ đợi chủ trở về. Chờ đợi không phải là ngồi khoanh tay bó gối một cách thụ động, vô hồn, nhưng là thái độ và tính cách của người đang thi hành sứ mạng được giao phó: sứ mạng là con cái Thiên Chúa, là môn đệ Đức Kitô. Để chu toàn sứ mạng này, thái độ cơ bản là đừng để mình bị ngủ mê trong những lo toan và bon chen danh lợi. Ngoài ra, cuộc sống vẫn đầy những thứ gây nghiện. Ma túy là mối đe dọa giới trẻ hôm nay, nhưng ma túy đâu phải chỉ là bạch phiến, hay cần sa, mà còn là tiếng tăm danh giá, tiền bạc của cải và đam mê lạc thú. Những thứ đó dễ gây nghiện nặng nề và biến con người thành nô lệ cho chính mình.

Từ ngữ tỉnh thức được lập lại 12 lần trong Tân Ước, tượng trưng cho con số thập toàn của 12 tháng trong năm, mời gọi ta hãy cảnh giác mình trong từng ngày, trong từng tư tưởng, lời nói, việc làm, để sống thiện hảo bằng tình yêu mến. Như vậy, tỉnh thức là sống trọn vẹn giây phút hiện tại, là chính bổn phận của mình trong mọi tương quan. Mà tương quan trước tiên là mối liên hệ mật thiết với Chúa trong đời sống cầu nguyện, để từ đó ta có thể kín múc được sức sống thần linh, và đem lại sự an lành cho những người chung quanh mình hằng ngày. 

Tâm trí ta thường lơ đãng, lo nghĩ về nhiều thứ, xác một nơi hồn một nẻo, nên tâm không yên, trí không ổn. Cứ mong cho mọi sự theo ý mình, buồn lòng vì người này, khổ tâm vì người kia, chán nản vì điều nọ. Sống như vậy thì khó mà tỉnh thức, vì đã đánh mất tập trung vào hiện tại, khiến cho nguồn lực trong ta bị phân tán, năng lực bị phát tán. Những xáo trộn ngổn ngang sẽ kích hoạt trí tưởng tượng mạnh hơn, các sung năng sôi động hơn, tâm hệ bị lay chuyển nguy hại hơn, không còn khả năng cảm nếm hay nghe thấy điều gì khác hơn. Khổng Tử nói lên tình trạng đó như sau: “Tâm bất tại yên, thị nhi bất kiến, thính nhi bất văn, thực nhi bất tri kỳ vị” (tâm không yên thì có nhìn cũng không thấy, có nghe cũng không hiểu, có ăn cũng không biết mùi vị). Và như vậy ta không hề sống cuộc đời mình, và có thể đánh mất chính mình.

Hiện tại (present) là một món quà (present) Chúa ban tặng. Đức tin luôn ở thì hiện tại (Dt 11,1), vì Thiên Chúa là Đấng luôn ở trong hiện tại. Vì thế, Đây là lúc thuận tiệnhôm nay là ngày cứu độ” (2Cr 6,2b). Nếu ta đón nhận toàn tâm, toàn ý, thì hiện tại mở ra cho ta chân trời mới, khả năng mới, sức sống mới. Hiện tại có thể là vui hay buồn, may hay rủi, hạnh phúc hay đau khổ, thành công hay thất bại… Những điều đó không quan trọng; quan trọng là nhận ra Chúa đang đến, đang có mặt. Hiện tại dù có cam go, khốn khó, ta vẫn cảm nhận nét bút kỳ diệu của Thiên Chúa trên những đường cong của cuộc đời. Nhờ đó ta không u mê trước mọi tình cảnh, nhưng sáng suốt trong mọi tình trạng.

“Có hai ngày trong năm ta không thể làm gì cả. Một là ngày hôm qua, hai là ngày mai. Hôm nay chính là ngày bạn hãy yêu, tin, làm, và chủ yếu là sống” (Đạt-lai Lạt-ma). Cuộc sống vật chất ngày càng cao và càng cung ứng cho ta nhiều thứ để hưởng thụ, càng dễ ru ngủ và đưa ta vào cơn mê mà không hay không biết. Là Kitô hữu, chúng ta luôn sống tỉnh thức: là giữ tâm hồn mình sạch tội, say mê phục vụ và sống cao độ tình yêu thương bác ái. Nhờ vậy, lòng trí chúng ta luôn bình an và hân hoan đợi chờ ngày Chúa đến, ngày hoàn tất những gì mà chúng ta đã tận lực sống cuộc đời mình cho Chúa và tha nhân.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Chúa dạy con phải biết tỉnh thức luôn,
để nhận ra Chúa Đấng thường hay đến,
Đấng cao xa nhưng vẫn ở gần bên,

chính là điều mà con dễ hay quên.


Chỉ trong tỉnh thức, 
con mới sáng suốt trong mọi tình thế,
biết xử khôn ngoan trong mọi tình trạng,
biết sống vững vàng trong mọi tình huống,
và biết linh động trong mọi tình hình.


Chỉ trong tỉnh thức,
con mới phát hiện ra Chúa trong đời,
qua mọi người và mọi lúc mọi nơi,
qua vui buồn và sướng khổ hôm nay,
qua đổi thay và biến chuyển từng ngày.


Chỉ trong tỉnh thức,
con mới thoát sa lầy và cạm bẫy,
thoát cám dỗ trói buộc của thế gian,
thoát nguy nan và sự ác lan tràn,
để con sống vững vàng và trung tín.


Chỉ trong tỉnh thức,
con mới thật vui mừng bắt gặp Chúa,
đang âm thầm đến với cuộc đời con,
làm mới lại cuộc sống đã hao mòn,
để cho lòng tin mến con nên trọn.


Nhưng thực tế con lại dễ ngủ mê,
nhắm tương lai mà quên đi hiện tại
dễ lê thê với những chuyện trần thế,
theo đam mê đến quên mất nẻo về.


Chúa biết thân con nặng nề yếu đuối,
đừng để con lầm lũi trong mê muội,
nhưng tập trung vào Chúa Đấng sẽ tới,
Đấng lòng con khao khát mãi khôn vơi. Amen.

Lm. Thái Nguyên

 

 

 Tags: Tỉnh Thức

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây