TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật VI Phục Sinh -Năm B

“Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình”. (Ga 15, 9-17)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Bài học chỗ cuối

Thứ hai - 27/11/2023 05:11 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   307
Bài học chỗ cuối Chúa dạy: “Ai muốn làm lớn phải trở nên người phục vụ” (Mt 20, 26).
Bài học chỗ cuối
Bài học chỗ cuối


Ai cũng muốn thắng, điều đó là đương nhiên. Ai cũng muốn chỗ nhất, điều đó là đúng. Nhưng có một thực tế, muốn thắng, muốn ở chỗ nhất đều bắt đầu từ chỗ cuối. Nếu bắt đầu từ chỗ nhất, cũng có ngày ở lại chỗ cuối. Bài học chỗ cuối Chúa dạy: “Ai muốn làm lớn phải trở nên người phục vụ” (Mt 20, 26). Vương quyền Chúa dạy luôn ở chỗ thấp, chỗ cuối là quan trọng.

Chỗ cuối luôn cho ta những bài học kinh nghiệm. Ta mong ước thái bình nhưng luôn có chiến tranh, ta khát khao giàu có nhưng cứ mãi nghèo, ta mong có sức khoẻ, ngặt nỗi cứ bệnh tật, đau yếu. Ta ước mong có địa vị lớn trong xã hội nhưng cứ mãi là chú lính sai vặt. Có bao nhiêu khát mong nhưng trái với thực tế. Những khát mong trái với thực tế, thường làm ta thất vọng buồn nản. Ta đã lường trước bao nhiêu khó khăn để vượt qua ngõ hầu đạt thành công. Thành công lại không đến vì một lỗi nhỏ không ngờ tới. Ta ước mong đội tuyển ta sẽ thắng nhưng lại không ngờ phút bù giờ cuối lại để thua. Không dễ dàng gì khi ta chấp nhận thua trong cuộc chiến. Bài học chỗ cuối là bài học quan trọng hơn cả bài học chỗ nhất. “Tử Tư trong sách Trung Dung viết rằng: “Sở dĩ biển cả làm vua các sông ngòi vì biển ở thấp”.

Hãy học nơi Chúa ở chỗ cuối!

Isaia nói về người tôi trung của Chúa. Người tôi trung hiền lành:  “Người sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi. Người sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý.” (Is 42, 2 – 3). Ta khát mong vị vua hiền lành, nhưng lại cao vọng vị vua mạnh mẽ, bày tỏ vương quyền đập tan sự dữ. Đã có bao lần ta đã cầu xin Chúa ra tay tiêu diệt kẻ thù để giúp ta. Sao Chúa lại để kẻ gian ác sống lâu trên mặt đất, người công chính lại luôn chịu bách hại?

Hình ảnh người tôi trung thứ hai, Isaia diễn tả: “Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta để tái lập các chi tộc Gia-cóp, để dẫn đưa các người Ít-ra-en sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít. Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất.” (Is 49, 6). Ta luôn mong muốn Chúa làm chủ cuộc đời ta, nhưng ta lại mong muốn có nhiều của cải để mạng sống ta được bảo đảm. Ta mong Chúa hướng dẫn ta, nhưng ta lại tìm kiếm sự khôn ngoan người đời hơn sự khôn ngoan của Chúa. Ta luôn đi tìm chỗ cao hơn chỗ thấp của Chúa. Muốn trở thành người lãnh đạo, người dẫn dắt, chứ không phải là Chúa.

Hình ảnh thứ ba, Isaia diễn tả người tôi trung mang nhiều thương tích. “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu.Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ.” (Is 50, 6). Vị vua như Chúa là vị vua thua trong cuộc chiến, chẳng ai muốn bị bêu riếu như vậy. Nhiều người thà chết chứ chẳng phải chịu sỉ nhục như thế: “Thắng làm vua, thua làm giặc”. Kẻ thắng cuộc bao giờ cũng vênh vang với thành tích của mình, làm những điệu bộ chế diễu kẻ thua. Là kẻ thua bao giờ cũng khó, nhưng Chúa chấp nhận là kẻ thua nhưng lại là người chiến thắng cuối cùng vì “Người đã mang lấy thương tích và gánh lấy bệnh tật của ta để ta được chữa lành” (Mt 8, 17)

Thiên Chúa của đao phủ hay Thiên Chúa của người tử tội? Thiên Chúa dùng sức mạnh uy quyền để tiêu diệt kẻ ác hay một Thiên Chúa chịu chết dưới bàn tay kẻ dữ? Thiên Chúa của ai, kẻ mạnh hay người thua cuộc? Isaia loan báo: “Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích. Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới… Người đã bị ức hiếp, buộc tội, rồi bị thủ tiêu. Dòng dõi của người, ai nào nghĩ tới? Người đã bị khai trừ khỏi cõi nhân sinh, vì tội lỗi của dân, người bị đánh phạt. Người đã bị chôn cất giữa bọn ác ôn, bị mai táng với người giàu có, dù đã chẳng làm chi tàn bạo và miệng không hề nói chuyện điêu ngoa. ( Is 53, 2 – 3, 8 – 9).

Chỗ cuối không ai mong muốn, nhưng vương quyền của Chúa từ chỗ cuối để nêu gương cho ta. Nếu chúng ta có bị sỉ nhục hay ở chỗ cuối thì cũng suy gẫm lại chỗ cuối mà Chúa đã đón nhận, học chỗ cuối từ nơi Chúa.
 
L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây