TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Thường Niên -Năm C

“Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa”. (Ga 2, 1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Thiên Chúa: Người sẽ đến

Thứ tư - 26/05/2021 23:14 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   605



Chúa Nhật IV – MV – A


Thiên Chúa: Người sẽ đến

Ba tuần của Mùa Vọng đã trôi qua. Chúa Nhật hôm nay (22/12/2019) là tuần cuối cùng. Như vậy, chỉ còn ít ngày nữa, chúng ta sẽ đón mừng Đại lễ Giáng Sinh.

Thưa quý bạn… quý bạn chuẩn bị gì chưa? Chắc… chắc hẳn đó là một máng cỏ tái hiện lại sự kiện Chúa Giê-su sinh ra. Bên cạnh đó là một cây thông hùng vĩ. Và… và còn có cả những sợi dây đèn được trang trí cho thêm phần sinh động nữa chứ, phải không, thưa quý bạn!

Chưa hết, ngoài những sự chuẩn bị đã nêu, rất có thể, có người sẽ còn chuẩn bị thêm một bữa “rờ-vê-dông”, một bữa tiệc sau khi dự lễ đêm về, như một cách để quy tụ gia đình cùng quây quần bên nhau trong ngày lễ trọng đại, mà một năm chỉ có một lần.

Vâng, chuẩn bị được như thế, đó là một truyền thống đẹp. Tuy nhiên, sẽ là đẹp hơn thế nữa, nếu chúng ta chuẩn bị cho chính mình một tâm hồn… một tâm hồn mở rộng, mở rộng không chỉ hướng về ngày đón mừng lễ kỷ niệm Chúa Giê-su đến thế gian lần thứ nhất, nhưng còn là để chờ đón Chúa Giê-su sẽ đến lần thứ hai.

Làm thế nào để có được một sự chuẩn bị cho chính mình một tâm hồn như thế? Thưa, không gì tốt hơn là hãy noi gương “ông Giu-se”…

Ông Giu-se là ai? Thưa, ông chính là người mà hôm nay chúng ta gọi là “Thánh Cả Giu-se”. Kinh Thánh nói ông “là người công chính”. Sự công chính của ông đã dẫn ông đến một cuộc chiến… cuộc chiến nội tâm. Và ông đã chiến thắng… chiến thắng nhờ thánh Giu-se biết “lắng nghe và thực hiện” Lời Chúa truyền dạy.

Câu chuyện về sự chiến thắng của thánh Giu-se đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mát-thêu (x.Mt 1, 18-24).
 
**
Chuyện thánh Giu-se “lắng nghe Lời Chúa” được bắt đầu như thế này: “Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Maria mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se”.

Vâng, tưởng chúng ta nên biết, việc thành hôn là một hồng ân, một hồng ân đã được Thiên Chúa ban tặng. Tại vườn Eden năm xưa, Thiên Chúa đã phán: “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm một trợ tá tương xứng với nó”.

Con người đó chính là Adam. Và, Thiên Chúa đã “cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi. Rồi Thiên Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, và lắp thịt thế vào. Đức Chúa là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người” (x.Stk 2, 21-22).

Con người khi thấy “người đàn bà” mà Thiên Chúa dẫn đến, làm sao nhỉ? Thưa, “Con người nói: phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi”…

Thế mà, với chàng Giu-se, buồn thay! Khi những ngày chuẩn bị “tay đan tay nhịp bước đi trên đời” cùng với người “trợ tá tương xứng” của mình, chàng ta lại cảm thấy băn khoăn.

Băn khoăn điều gì thế nhỉ? Thưa, là bởi cô Maria “đã có thai…”, trước khi hai người về chung sống!

Ôi! quả là “tiến thoái lưỡng nan”. Nếu trường hợp này xảy ra cho chính cuộc đời của quý bạn, quý bạn sẽ làm gì? Vâng, chắc chắn là mỗi người sẽ có một cách giải quyết khác nhau.

Còn ở đây, với chàng Giu-se, chàng ta làm gì nhỉ! Phải chăng… phải chăng chàng ta sẽ cất tiếng ca, nghẹn ngào ca rằng: “Thôi em đi về đi… Đau thương này, anh xin dành mang…!?”

Với chàng Giu-se, đúng, đau thương này chàng ta xin-dành-mang, nhưng người đi-về-đi, không phải là cô Maria, mà là chính chàng Giu-se. Thì đây, chuyện thuật lại rằng: “Ông Giuse, chồng bà, không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo” (Mt 1, 19).

Chàng Giuse có bỏ cô Maria không? Giả sử chàng ta bỏ, điều gì sẽ xảy ra! Riêng tôi, tôi không biết, nhưng có một điều tôi nghĩ rằng, lúc đó ngài Giu-se sẽ vừa đi vừa than thở: “Ôi! ai có ngờ đâu, đời tôi là bể sầu”!

Vâng, chỉ là một chút tưởng tượng theo “thói đời”. Chứ, về chuyện này, linh mục Tanila Hoàng Đắc Ánh, trong một bài giảng, có nói: “Thiên Chúa, khi Người chọn một ai đó cho chương trình cứu độ, chưa có một ai thoát khỏi sự chiếu cố của Người”.

Mà đúng vậy, lịch sử cứu độ cho ta thấy điều đó đúng. Một Môsê, một Giêrêmia v.v… là những minh chứng điển hình. Khi được Thiên Chúa gọi, hai ông đều thoái thác với những lý lẽ rất thuyết phục: “Con không phải là kẻ có tài ăn nói”… “Con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói”. Thế nhưng, Thiên Chúa vẫn “chiếu cố” cả hai người.

Trở lại câu chuyện ngài Giuse, việc ngài định tâm bỏ đi, xét về lý không có gì đáng trách. Là một “người công chính”, ngài Giu-se không thể nhận “quyền làm cha” với một người không do chính mình tạo ra.

Nhưng… cũng lại là tiếng “nhưng” của Thiên Chúa. Người đã chiếu cố thánh Giu-se.

Thế nên, khi tư tưởng “toan tính bỏ bà Maria” của ngài Giuse vẫn còn đang bị vật vã như sự vật vã của Hàn Mạc Tử: “Người đi một nửa hồn tôi mất. Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ… Tôi vẫn còn đây hay ở đâu? Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu”, thì… “Sứ thần Chúa hiện đến”.

Vâng, sứ thần Chúa đã hiện đến và “báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ”. (x.Mt 1, 20).

Cũng trong giấc mộng, ngài Giu-se được sứ thần Chúa cho biết: “Tất cả sự việc này xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuen, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

Lời sứ thần Chúa quá rõ ràng. Và, chính sự rõ ràng đó đã mở đôi mắt tâm linh ngài Giu-se. Ngài Giu-se vẫn còn “ở đây” bên cạnh cô Maria. Chuyện kể tiếp rằng: “Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy”.

Thánh Giu-se, hôm ấy, không một chút do dự, ngài đã “đón vợ về nhà”. (x.Mt 1, 24).

Vâng, thánh Giu-se đã đón-vợ-về-nhà, một hành động chứng tỏ ngài đúng là người công chính, một người công chính biết lắng nghe và thực thi lời Thiên Chúa truyền dạy.

***
Câu chuyện chúng ta vừa nghe có tựa đề: “Truyền tin cho ông Giu-se”. Và, có phần chắc, qua bao nhiêu Mùa Vọng là bấy nhiêu lần chúng ta nghe câu chuyện này.

Nhắc đến điều này để làm gì? Thưa, là để chúng ta tự hỏi, qua bao nhiêu lần nghe câu chuyện này, được bấy nhiêu lần chúng ta “lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành”, giống như ngài Giu-se đã lắng nghe và thực hiện?

Vâng, “lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành” là điều rất quan trọng. Quan trọng bởi đó chính là lời Đức Giê-su truyền dạy: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi”.

Thế nên, hãy tự hỏi, lời Chúa đã phán truyền: “Sự gì Thiên Chúa liên kết, loài người không được phân ly”… Ấy thế mà, chẳng may gặp phải một người vợ hoặc chồng mắc bệnh vô sinh! Vâng, gặp trắc trở này, chúng ta sẽ “định tâm bỏ nàng (hay chàng) cách kín đáo”?

Mới lập gia đình, nàng cấn thai ba tháng, mà lại gặp hung tin thai nhi có nguy cơ mắc bệnh “down”, chẳng hạn. Vâng, gặp trắc trở này, phải chăng, ta sẽ “phá thai”?

Đức tin Ki-tô giáo không cho phép làm như thế. Và, nếu là một người “Ki-tô hữu chân chính”, chúng ta không vì những nghịch cảnh, những trắc trở đó mà có những “định tâm tăm tối” bỏ những lời Chúa đã truyền dạy.

Hãy nghe lại điều răn Đức Chúa Trời truyền dạy: “Ngươi không được giết người”. Chúng ta hãy nghe tiếp lời yêu thương của Người: “Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu, không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã làm ra, vì giả như Chúa ghét loài nào, thì đã chẳng dựng nên” (x. Kn 11, 24).

Thưa Bạn, cuộc sống gia đình của mỗi chúng ta, như lời Louis Evely nói: “Không phải lúc nào cũng chỉ có niềm vui. Còn có cả sương mù và giá lạnh nữa”.

“Sương mù” có thể là một cuộc khủng hoảng kinh tế (thất nghiệp)… “Giá lạnh”có thể là một căn bệnh nan y, một sự “ra đi” của một ai đó trong gia đình v.v… Nhiều… nhiều sương mù và giá lạnh lắm, mỗi người là một trường hợp, mỗi gia đình là một nan đề.

Đó là một cuộc chiến, trong cuộc chiến đó, đừng bao giờ ta để cảm giác mình như là kẻ bại trận. Đừng có cảm giác mệt mỏi, chán chường, rất dễ dẫn đến nản lòng, thối lui. Đừng bao giờ “định tâm bỏ gia đình” cách này cách khác.

Trước hết, hãy lắng nghe Lời Chúa, qua việc đọc Kinh Thánh, mỗi ngày. Đừng quên tham dự Thánh Lễ, đó là nơi ta có thể “lắng nghe và tiếp nhận” Lời Chúa, tuyệt hảo nhất.

Hãy tin rằng “cuộc chiến” của ta cũng là “cuộc chiến” của Chúa. Nhờ đó, ta “dám” đối diện với những nghịch cảnh “theo cách” của Chúa.

Hôm nay, qua câu chuyện “truyền tin cho ông Giu-se”, chúng ta được biết, Thiên Chúa - Người chính là “Emmanuen”. Thế nên, đừng sợ khi phải gặp những nghịch cảnh, những trắc trở trong gia đình mình. Bởi vì “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

Nếu xưa kia, Thiên Chúa đã có lời phán hứa với ông Giô-suê rằng: “Hãy vững lòng bền chí, chớ run sợ, chớ kinh khủng. Vì Gia-vê, Chúa của ngươi vẫn ở cùng ngươi, trong mọi nơi ngươi đi” (x.Gs 1, 9).

Thì hôm nay, Thiên Chúa, qua Đức Giê-su, Người tiếp tục bày tỏ tình yêu thương qua lời mời gọi, rằng: “Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho các ngươi được nghỉ ngơi bồi dưỡng”.

Thế nên, hôm nay, nếu chúng ta đang phải mệt mỏi và gánh nặng vì một gia đình với một vài thành viên đang mải mê với những quyến rũ của thế gian, đại loại như: cờ bạc, rượu chè, ma túy, sống ỷ lại gia đình v.v… và v.v…

Nếu chúng ta gặp phải những nan đề nêu trên, đừng bao giờ “định tâm” bỏ rơi những thành viên ấy, bởi vì, dù muốn hay không chúng ta cũng đã được Thiên Chúa “chiếu cố” giao cho một sứ mạng nào đó trong gia đình mình.

Nếu… nếu chúng ta gặp phải những nan đề nêu trên, hãy cất tiếng nguyện cầu với Thiên Chúa rằng: “Này con xin đến để thực thi ý Ngài”.

Vâng, chỉ cần nguyện cầu: Này con xin đến. Hãy tin rằng: Thiên Chúa – Người sẽ đến.

 

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây