TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Thường Niên -Năm C

“Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa”. (Ga 2, 1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Via Dolorosa - Con đường thương khó

Thứ tư - 12/05/2021 06:56 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   811
Via Dolorosa - Con đường thương khó

Chúa Nhật Lễ Lá – A

“Via Dolorosa - Con đường thương khó”

Năm tuần của Mùa Chay đã kết thúc. Còn đúng một tuần nữa, toàn thể Giáo Hội sẽ long trọng kỷ niệm ngày Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh.

Kỷ niệm ngày Chúa Giê-su Phục Sinh mà không nhắc đến biến cố tử nạn của Ngài sẽ là một thiếu sót lớn. Thế nên, Giáo Hội đã dành ra một tuần lễ, gọi là Tuần Thánh, bắt đầu bằng Chúa Nhật Lễ Lá, hầu đưa toàn thể người tín hữu trở về Giê-ru-sa-lem xưa, để chiêm ngưỡng lại con đường tử nạn, một con đường mà hôm nay được biết đến với tên gọi là “Via Dolorosa - Con đường thương khó”.

**
Vâng, hơn hai mươi thế kỷ trước, cuộc tử nạn của Đức Giê-su được khởi đầu bằng sự phản bội, sự phản bội của một người môn đệ tên là Giu-đa Itcariot.

Giu-đa Itcariot là thủ quỹ của nhóm mười hai người, là những người môn đệ của Đức Giê-su. Được hứa hẹn bởi các thượng tế sẽ “cho hắn ba mươi đồng bạc”, vì thế cho nên “từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giê-su.” (x. Mt 26, 15-16).

Âm mưu của Giu-đa cứ tưởng như là bí mật, nhưng không ngờ nó đã không qua khỏi sự thấu suốt của Đức Giê-su.

Thật vậy, trong bữa tiệc lễ Vượt Qua, đang bữa ăn, Đức Giê-su vén bức màn bí mật đó khi Ngài tuyên bố trước nhóm mười hai, rằng: “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy”.

Ai… ai là tên “nằm vùng” trong nhóm? Suốt ba năm cùng Thầy Giê-su ra đi rao giảng Tin Mừng, có thể nói, chưa bao giờ các ông lại “buồn rầu quá sức” như lúc này.

Chính vì thế, các môn đệ tranh nhau lên tiếng với Đức Giê-su: “Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao?” Không trực tiếp trả lời, mà qua một vài câu đối đáp, Đức Giê-su điểm mặt đích danh tên phản bội: Giu- đa Itcariot – “Chính anh… đó!” (x. Mt 26, 25)

Vài hôm trước, các thượng tế và kỳ mục nhóm họp tại dinh của vị thượng tế tên là Caipha và quyết định dùng mưu bắt Đức Giê-su và giết đi.

Và hôm nay, khi những vệt nắng cuối cùng khuất hẳn bầu trời Giêrusalem. Một nhóm người được các thượng tế và kỳ mục sai đi truy nã Ngài.

Ánh đuốc bập bùng phá tan màn đêm vườn “Ghết”, nơi họ được tên điềm chỉ cho biết, rằng, Đức Giêsu cùng các môn đệ của Ngài đang cầu nguyện.

Tiếng vó ngựa, tiếng gươm giáo và gậy gộc khua vang đến rợn người. Vòng vây mỗi lúc một xiết chặt hơn.

Ghết-sê-ma-ni như nổ tung lên khi Giuda Iscariot, một người trong nhóm mười hai, xuất hiện. Nụ hôn của y chính là ám hiệu cho cuộc bắt bớ. Hắn đã nói với đồng bọn rằng: “Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh bắt lấy.” (Mt 26, 48).

Sự trang nghiêm của nguyện cầu bị phá vỡ khi tên phản bội xông đến hôn Đức Giêsu…

***
Ba năm ra đi rao giảng Tin Mừng, đây không phải lần đầu tiên người ta tìm bắt Đức Giêsu. Đã nhiều lần người ta tìm cách giết Ngài, đe dọa và ném đá Ngài. Đức Giêsu đều tìm cách lánh đi. (Ga 8,59).

Nhưng hôm nay, tại vườn Ghếtsêmani, Giêsu người Nazareth, Ngài đứng lặng “lòng xao xuyến bởi địch thù gào thét, bởi ác nhân hà hiếp”. (Tv 55).

Toán quân và viên chỉ huy cùng đám thuộc hạ người Do Thái, sau khi nhận ra ám hiệu, đã ập đến bắt Đức Giêsu. Họ trói Ngài rồi điệu đến dinh thượng tế Caipha.

Bảy mươi mốt thành viên Hội Đồng Công Tọa quá đỗi bất ngờ trước chiến tích của tên “nằm vùng” Giuđa Itcariot. Một “toà án nhân dân” được vội vàng dựng lên. Họ “tìm chứng gian buộc tội Đức Giê-su để lên án tử hình”. Oái ăm thay! họ vẫn không tìm ra, “mặc dù có nhiều kẻ đã đứng ra làm chứng gian” (Mt 26, 59)

Một cái bẫy đã được thượng hội đồng dàn dựng. Một vị thượng tế cất tiếng hỏi Đức Giê-su: “Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, tôi truyền cho ông phải nói cho chúng tôi biết: ông có phải là Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa không?”

Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa ư! Vâng, đó là điều Đức Giê-su đã “cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết” vì giờ-Ngài-chưa-đến. Nhưng hôm nay thì “Giờ đã đến” - “đã đến giờ Con Người được tôn vinh”. Hôm đó, trong dinh thượng hội đồng, Đức Giê-su dõng dạc lên tiếng: “Chính ngài vừa nói”.

“Chính ngài vừa nói” cũng chính là chứng cứ để cho các vị thượng tế lên án tử Đức Giê-su. Họ cho rằng, đó là những “lời nói phạm thượng”.

****
Kinh Thánh có chép rằng: “Không gì nham hiểm và bất trị như lòng người” (Gr 17, 9).

Đúng vậy, khi trời vừa sáng, dù đã có chứng cứ để xử tử Đức Giê-su, nhưng các thượng tế lại còn muốn tìm một sự hậu thuẫn từ quan quyền thế gian. Chính vì thế, “họ trói Người lại và giải đi nộp cho tổng trấn Phi-la-tô” (x. Mt 27, 2).

Tại dinh quan tổng trấn khi Philatô xuất hiện, ông ta đã phải lặng người khi nhìn thấy thân thể rã rời của Đức Giêsu sau một đêm bị những trận đòn tra tấn.

Hình hài của Đức Giêsu, thật đúng là “Thân sâu bọ chứ người đâu phải…” (Tv 22, 7).

Thân thể Đức Giê-su, nhìn, đúng như những lời ngôn sứ Isaia đã nói: “tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn... Tôi đã không che mặt khi người ta phỉ nhổ” (Is 50, 6).

Cuộc thẩm vấn “bỏ túi” giữa Philatô và Đức Giêsu diễn ra chóng vánh, trước mắt ông ta, Đức Giêsu “chẳng can tội gì đáng chết” (Lc 23,14).

Tổng trấn Philatô, ba lần muốn phóng thích Ngài, nhưng cả ba lần ông ta đều được đáp lại bằng những tiếng gào thét man rợ của nhóm kỳ mục và đám đông dân chúng: “Giết! Giết nó đi! Đóng đinh nó vào thập giá”.

Phiên tòa bị nát vụn bởi sự nhu nhược của Philatô. Đức Giêsu, như bị bủa vây bởi sự hèn nhát của quan tổng trấn. Ông ta, chứ không ngoài ai khác, đã lộ tâm địa của một kẻ bàng quan. Qua việc “rửa tay”, ông phủi bỏ trách nhiệm của mình.

Dẫu biết chắc rằng các cáo buộc chống lại Đức Giêsu không đạt tiêu chuẩn của một cuộc điều tra tư pháp đúng luật lệ. Thế nhưng, Philatô vẫn ngoảnh mặt làm ngơ trước “sự thật và công lý”.

Hôm đó, bị áp lực trước tiếng gào thét cuồng nộ của đám đông. Philatô ngượng ngùng tuyên bố: “Mặc các ngươi liệu lấy !”. (Mt 27, 25)

*****
Mặc-các-ngươi-liệu-lấy. Vâng, lời lên tiếng của Philato như tiếng búa lệnh của vị quan toà chấm dứt phiên xử.

Một ngày nọ, khi Thầy và trò chuẩn bị vào Giêrusalem. Đức Giêsu đã nói với các môn đệ rằng: “Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá” (Mt 20, 18-19).

Và hôm nay, ngày thứ sáu trong tuần, mọi sự đều diễn ra “y như kinh”. Trên con đường từ dinh quan tổng trấn đến đồi Golgotha, Đức Giêsu “như chiên con bị dẫn đi làm thịt. Như chiên mẹ trước mặt thợ xén lông” (Isaia).

Khuôn mặt Đức Giêsu đã từng biến hình sáng láng trên núi Tabor, giờ đây bị biến dạng bởi sự diễu cợt và nhạo báng của cả một cơ đội chuyên viên tra tấn.

Nhìn Giêsu, một Giêsu sức cùng lực kiệt với khuôn mặt rỉ máu bởi một vòng gai sắc nhọn ở trên đỉnh đầu. Với một đôi vai cong oằn trước sức nặng của cây thập giá...

Nhìn Giêsu… Ngài thật cô đơn. Thấy Ngài “ai cũng chê cười, lắc đầu bĩu mỏ buông lời mỉa mai” (Tv 22, 8).

Thật ra, cũng có một nhóm người phụ nữ “vừa đấm ngực vừa than khóc Người”. Đức Giêsu, khi nhìn thấy, đã quay lại và cho họ một lời khuyên chân tình: “Đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu.” (Lc 23,28).

Các bà quên rằng, Đức Giêsu nếu muốn, Ngài đã có thể cầu xin Thiên Chúa Cha “cấp ngay cho (Ngài) hơn mười hai đạo binh thiên thần” để giải thoát Ngài.

Nhưng… “như thế, thì lời Kinh Thánh ứng nghiệm sao được?” (Mt 26, 54).

Hôm đó, tại Golgotha, sau khi Đức Giê-su kêu lớn tiếng: “Ê-li, Ê-li, lê-ma-xa-bac-tha-ni, nghĩa là: lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con”, Kinh Thánh ghi lại rằng: Ngài “trút linh hồn”.

******
Trước cái chết của Đức Giê-su, có bao giờ chúng ta tự hỏi, tại sao, Ngài chính là “Ngôi Lời”. “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành và không có Ngài thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1,3). Thế mà hôm nay Giêsu lại phải: “gục ngã treo thân thập giá… thân tàn hơi… tim nát tan gai nhọn bạo tàn”!?

Có bao giờ chúng ta tự hỏi, tại sao, Đức Giêsu với đôi bàn tay cứu nhân độ thế bằng những phép lạ chữa lành nay lại được trả công bằng những mũi đinh đóng ngập bàn tay, bằng những ngọn đòng đâm sâu vào cơ thể!?

Tạ ơn Chúa, thánh Phao-lô đã cho chúng ta câu trả lời, rằng: “Vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính” (Rm 5,19).

Đó… đó chính là lý do Đức Giê-su “mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế”. Đó… đó là lý do “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (x. Pl 2, 8)

Chính vì thế, là một Kitô hữu - là người môn đệ Đức Giêsu Kitô - chúng ta cũng phải bước vào “vườn Ghết” như là một sự khởi đầu cho cuộc hành trình về “Trời mới đất mới”. Chúng ta cũng phải, như Simon Ky-rê-nê xưa, cùng vác thập giá lên Golgotha với Đức Giê-su.

Đừng sợ, nếu chúng ta phải nhìn thấy chính bản thân mình đang trải qua những nỗi đau tuyệt vọng. Tuyệt vọng khi phải chứng kiến cảnh người thân yêu của mình ra đi. Nỗi tuyệt vọng với tâm trạng: “người đi một nửa hồn tôi chết. Một nửa hồn tôi hóa dại khờ”

Đừng sợ, nếu phải đối diện với những nỗi “buồn hiu hắt buồn”... Những nỗi buồn “đến-chết-được”... vì sự dối trá… vì sự lừa lọc... vì sự phản bội v.v… Cũng đừng quá âu lo, âu lo trước sự bắt bớ, tù đày, ngược đãi v.v… chỉ vì sống chứng nhân cho “chân lý và sự thật”.

Vâng, nỗi sợ hãi sẽ tan biến, nếu chúng ta biết phó thác trong lời nguyện mà khi xưa Đức Giê-su đã cầu nguyện, rằng: “Lạy Cha, nếu có thể, xin cho con khỏi uống chén này”.

Phải vào “vườn Ghết”, phải lên Golgotha, cuối cùng, phải đóng đinh, không phải đóng đinh thể xác, mà là đóng đinh bản ngã của chúng ta, tội lỗi của chúng ta, đóng đinh sự hận thù, sự bất hoà, sự ghen tuông, sự nóng giận… và những điều khác giống như vậy…

Nếu chúng ta chu toàn những sự việc nêu trên, vâng, đó chính là tín hiệu tốt báo cho chúng ta biết rằng: tôi đã đi đúng con đường xưa Đức Giêsu đã đi, con đường được mang tên “Via Dolorosa - Con đường thương khó”

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây