TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Yêu Thánh Thể

Thứ sáu - 24/11/2023 20:25 | Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |   709
Hằng ngày, sau khi đưa các cháu đi học, tôi hay ghé Phòng Tĩnh Nguyện để viếng Chúa.

YÊU THÁNH THỂ


Cuộc sống có muôn vàn vẻ đẹp dành cho những tâm hồn sống… chậm. Sống chậm để nhìn những điều đơn giản trong cuộc đời xem đó là những niềm vui. Sống chậm dành cho những người… chầm chậm.

Những ngày chớm đông lành lạnh. Những cơn gió ào ào làm cho cái lạnh thêm lạnh hơn và kèm theo những cơn mưa nhè nhẹ, cái lạnh lại tăng thêm bội phần. Giữa cái lạnh của thời tiết không cản được sự ấm áp của tâm hồn yêu mến Chúa.

Bước vào cổng nhà thờ, hình ảnh đập vào mắt chúng ta trước tiên là lời kêu gọi đến với Thánh Thể, dâng Thánh Lễ để cầu nguyện cho các linh hồn.

Hằng ngày, sau khi đưa các cháu đi học, tôi hay ghé Phòng Tĩnh Nguyện để viếng Chúa. Phòng tĩnh nguyện thời gian này khá đông người. Tình cờ, một hôm, tôi thấy hai ông bà già, chở cháu đi học mầm non, khoảng 3 tuổi. Nhìn đồng phục biết cháu là học sinh trường Hoa Cúc. Ngôi trường gần Nhà Thờ.

Trước khi đến trường, hai ông bà đưa cháu đến Phòng Tĩnh Nguyện. Bước chân vào phòng tĩnh nguyện, cúi mình thờ lạy Chúa, ông dạy cháu đọc một câu: “Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa”. Rồi vội vã hai ông cháu đến trường.

Có ngày tôi không thấy hai ông cháu đến. Có thể tôi đến trễ hoặc họ đến sớm nên nhiều khi không gặp nhau. Hôm gặp lại, tôi thấy hai ông cháu không bước vào Phòng Tĩnh Nguyện mà chỉ đứng bên ngoài một lát. Rồi đi.

Tôi thầm nghĩ hay trong Phòng Tĩnh Nguyện có nhiều người nên ông ngại không dám đưa cháu vào. Tôi đợi dịp sẽ mời ông đưa cháu vào.

Những ngày sau đó, mỗi khi bước chân vào Phòng Tĩnh Nguyện, tôi để dép sang một bên, mở rộng cửa để mong chờ hai ông cháu đến.

Ngày ấy rồi cũng đến.

Hai ông cháu đến, vẫn đứng ngoài cửa. Tôi chạy ra để mời hai ông cháu vào. Hướng mặt vào Thánh Thể, tôi bỗng nghe lời ông nói với đứa bé: “Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, con yêu mến Chúa”, quay mặt về phía Núi Đá Đức Mẹ, vừa cúi đầu vừa nói: “Lạy Mẹ Maria, con yêu mến Mẹ”, rồi quay về hướng tượng thánh Giuse, vừa cúi đầu vừa nói: “Lạy thánh cả Giuse, con yêu mến Ngài.” Tôi vọng nói: Đã đến đây rồi, mời hai ông cháu vào Phòng Tĩnh Nguyện. Ông trả lời: Sợ trễ giờ học của cháu.

Đến để trình diện Chúa, để chào Mẹ và thánh cả Giuse thôi. Ôi! Những tâm hồn đơn sơ, tin tưởng và phó thác.
 
Sáng Chúa Nhật, tôi thường đi dự lễ của cộng đồng sắc tộc và tôi cũng thường là người rước lễ cuối cùng. Một hôm, khi rước lễ xuống, tôi tình cờ thấy một vật như mẫu bánh thánh, tầm khoảng 1 phần 6 bánh thánh nằm trên đường đi. Trở về chỗ ngồi, tôi nhìn lên vẫn thấy mẫu vật như bánh thánh đó. Mẫu vật đó cách chỗ tôi quỳ tầm 3 mét và cũng cách chỗ thừa tác viên cho rước lễ cũng tầm 3 mét.

Mẫu vật đó là gì? Có phải Thánh Thể không? Tại sao lại nằm chỗ đó? Mẫu vật đã nằm đó bao lâu rồi? Đã có bao nhiêu dấu chân đặt trên đó? Đó có phải là Thánh Thể thật không hay một vật gì đó giống Bánh Thánh? Tôi lờ đi như không thấy thì sao? Như vậy tôi có xúc phạm Thánh Thể không? Nếu không phải là Thánh Thể, khi rước vào, có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không? Bao nhiêu câu hỏi nảy sinh? Và rồi, tôi nghĩ đến bi kịch của cô bé Trung Hoa khi rước tấm bánh Thánh Thể cuối cùng và gây ra tiếng động (1). Sau thánh lễ tôi tiến đến nhận lấy mẫu vật đó. Một mẫu vật ‘giống’ như Bánh Thánh.

 


Trong tâm tình này, tôi nhớ đến chân phước Carlo Acutis.

Dòng lịch sử

1991: 3 tháng 5: sinh tại London.
18 tháng 5: rửa tội.
Tháng 9: về Milan với gia đình.
1995: Tháng 9: Học mẫu giáo.
1997: Tháng 9: Vào trường tiểu học Thánh Carlo ở Milan.
1998: Tháng 1: Carlo đổi trường, học trường tiểu học các sơ Dòng Marcelline, Piazza Tommaseo ở Milan.

16 tháng 6: rước lễ lần đầu ở nhà thờ Romites de Perego.
2002: Tháng 9 vào trường trung học các sơ Dòng Marcelline, Piazza Tommaseo.
Tháng 10: dạy giáo lý ở giáo xứ.

2003: 24 tháng 5: thêm sức ở nhà thờ Saint-Marie-Secrète.
2004: Làm trang web Các Phép lạ Thánh Thể.
2005: Tháng 9: vào trường lixê “cổ điển” Viện Lêô XIII.
2006: Tháng 2: Carlo đi chuyến đi cuối cùng đến Fatima.

11 tháng 10: não ngưng hoạt động ở bệnh viện Thánh Geraldo di Monza
12 tháng 10: tim ngưng đập lúc 6h45 sáng. Tuyên bố chính thức qua đời sau khi tim ngừng đập.

2007: Chuyển các thánh tích của Carlo về nghĩa trang Assisi.
2012: 12 tháng 10: mở án phong chân phước và phong thánh ở tổng giáo phận Milan.
2013: 13 tháng 5: tuyên bố “không có gì ngăn trở” nihil obastat của bộ Phong thánh.
2016: 24 tháng 11: kết thúc án phong thánh ở địa phận Milan.

2018: 6 tháng 4: chuyển thánh tích từ nghĩa trang Assisi về Đền thánh Dépouillement.
23 tháng 6: thi thể Carlo còn nguyên khi khai quật.
5 tháng 7: Đức Phanxicô công nhận các đức tính anh hùng của Carlo. Carlo được Giáo hội phong là “bậc đáng kính”.
 2019: 14 tháng 11 bộ Phong thánh xác nhận một phép lạ do cầu bàu với Carlo.
2020: 21 tháng 2: Đức Phanxicô xác nhận tính đích thực của phép lạ và tuyên bố sẽ phong chân phước cho Carlo.

10 tháng 10 2020: lễ phong chân phước cho Carlo ở Assisi. (2)
Chân phước Carlo Acutis là một trong 13 vị thánh bảo trợ cho Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Lisbon, Bồ Đào Nha năm 2023.

Câu nói ấn tượng nhất của Chân phước Carlo Acutis với tôi là:

Thánh Thể là xa lộ lên thiên đàng. Càng hiệp thông, chúng ta càng trở nên giống Chúa Giêsu và ngay trên trái đất này, chúng ta sẽ nếm trước thiên đàng…”

Lạy thánh Carlo Acutis, xin cầu cho chúng con.
 

Nguyễn Thái Hùng
11.2023

 
+++++++
1. https://gpbanmethuot.net/giao-ly/thanh-the-chua-12959.html
2.https://phanxico.vn/2023/11/08/cuoc-doi-cua-carlo-acutis-chan-phuoc-tre-nhat-thien-dang-vao-dau-thien-nien-ky-moi/

 

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây