TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Sinh Lợi (Mt 25, 14-30)

Thứ sáu - 17/11/2023 18:52 | Tác giả bài viết: Lm. Thái Nguyên |   574
Hình ảnh Thiên Chúa với tính cách là ông chủ trong dụ ngôn hôm nay, cho chúng ta cái nhìn đầy lòng tin tưởng và yêu mến, để dám đánh đổi cả cuộc đời mình.

SINH LỢI
Chúa Nhật 33 Thường Niên A: Mt 25,14-30.

LmTN 181123a


Suy niệm

Hình ảnh Thiên Chúa với tính cách là ông chủ trong dụ ngôn hôm nay, cho chúng ta cái nhìn đầy lòng tin tưởng và yêu mến, để dám đánh đổi cả cuộc đời mình. Ông không ngần ngại giao phó của cải cho các đầy tớ để họ đầu tư sinh lợi. Ông giao cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tùy khả năng riêng mỗi người. Điều quan trọng ở đây không phải là số lượng được giao, mà là công sức được sử dụng, và khả năng được tận dụng. Người ta không bằng nhau ở số lượng, nhưng bằng nhau ở nỗ lực. Giá trị ở đây cũng không tùy thuộc vào mức độ lời lãi cao hay thấp, nhưng tùy theo khả năng đã được trao ban. Đó là giá trị của một phẩm cách hơn là một phẩm vật.

Điều ông chủ quan tâm nhất không phải là khả năng chuyên môn, nhưng là nhân đức của người đầy tớ. Chính nhân đức mới quyết định thành bại cuộc đời, nghĩa là trở nên một đầy tớ trung tín và chăm chỉ làm việc, để xứng đáng với lòng tin của ông chủ. Với tâm tình đó, hai người đầu tiên đã trung thành và tích cực làm việc khi ông chủ vắng nhà. Đến ngày ông chủ trở về, yêu cầu thanh toán sổ sách, thì hai người này đều đã sinh lợi gấp đôi số yến bạc mà chủ đã giao. Niềm vui tràn trề vì phần thưởng lớn lao, vượt quá niềm mơ ước.

Còn người đầy tớ thứ ba xem ra tính khí thất thường, anh ta không đầu tư mà đã đem chôn giấu yến bạc của chủ, một hành động tắc trách. Nói theo ngôn ngữ kinh tế thời nay, đó là cách đóng băng tài sản của chủ, gây tác động xấu đến toàn bộ kế hoạch đầu tư, và do đó có nguy cơ làm đình trệ cả một dây chuyền kinh doanh của ông chủ. Anh ta còn ngang nhiên tố cáo ông chủ “là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không phát”, vì thế anh không dại gì mà đem sức lực của mình cung phụng cho một ông chủ như thế. Quả thật đây là một cái nhìn độc đoán, bắt nguồn từ lòng dạ hẹp hòi và đôi mắt thiển cận của anh, không để tâm nhận ra một ông chủ đầy lòng nhân hậu. Hay đó chỉ là lý do biện minh cho cho mình về sự “tồi tệ biếng nhác”, chứng tỏ một tâm hồn yếu nhược, không có chí khí để nỗ lực vươn lên.

Chắc ông chủ cũng đã thấy điều đó nên chỉ trao cho anh ta một nén bạc, phù hợp với khả năng để có thể phát khởi một tính cách mới, một cuộc đời mới. Nhưng tiếc thay, anh đã không hiểu được điều đó và đã ngang nhiên phụ bạc tấm lòng của chủ, do bản tính nông nổi của mình. Quả đúng như câu: “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”. Thế rồi anh ta giao trả lại yến bạc với lời lẽ thô thiển: “Của ông đây, ông cầm lấy”. Nói thế khác nào bày tỏ một lập trường thù địch: không đơn thuần phủ nhận yến bạc của ông chủ đã giao, mà còn từ chối mọi quan hệ làm ăn và cắt đứt tình nghĩa với ông chủ. Thái độ mê muội cuối cùng này khiến anh ta mất hết, mất tất cả những gì đã có, mất cả cuộc đời.

Giá trị cuộc đời không đo bằng số lượng của cải hay tài năng, nhưng bằng sự nhiệt tình và lòng trung thành. Giả sử người đầy tớ nhận một yến bạc biết hài lòng với mình, có lòng với ông chủ, chắc chắn anh dư khả năng để hoàn thành nhiệm vụ, và cũng tràn ngập niềm vui như hai người kia khi ông chủ trở về. Nhưng tiếc thay, một hoàn cảnh hai số phận, do anh ta đã hành xử cuộc đời của mình cách cẩu thả, thiếu tự trọng và nhất là thiếu niềm tin. Để rồi với cái nhìn lệch lạc và tính khí tiêu cực, anh ta đã tạo nên một định mệnh nghiệt ngã cho mình.

Ắt hẳn dụ ngôn này trước tiên nhắm đến tên đầy tớ vô dụng, không ai khác hơn là những Kinh sư và Phrisêu, về thái độ của họ đối với lề luật và chân lý của Chúa. Họ chỉ giữ đúng những điều luật dạy. Bất cứ sự sửa đổi hay thêm điều gì mới vào luật là họ tìm cách trừ khử ngay. Cũng như người đầy tớ có một yến bạc, họ muốn giữ mọi điều như nguyên trạng của nó, đó chính là điều họ bị lên án. Tôn giáo mà không còn nỗ lực khám phá, không còn mở ra, chết cứng với những lề luật và nguyên tắc cổ hủ, thì quả thật đó là một thứ tôn giáo bị chôn vùi.

Một đầy tớ không sinh lợi từ số vốn được trao là một đầy tớ vô dụng. Mỗi Kitô hữu là một người đầy tớ, một người quản lý của Chúa, được Ngài tín nhiệm và giao phó của cải, để đầu tư và sinh lợi tối đa có thể. Nhưng nếu chúng ta không có lòng tin tưởng và và thiết tha yêu mến Chúa, ta sẽ sao nhãng và dễ dàng bỏ cuộc. Không biết mỗi người đã nhận được mấy yến bạc, nhưng ngày phán xét, ta sẽ bị xét xử dựa trên nỗ lực sinh lợi của mình. Điều quan trọng là ta không được chôn vùi, nhưng hăng say làm nên từ những gì mình có. Để rồi khi chủ trở về, ta được vinh hạnh dâng lại cho Chúa thành quả của chính cuộc đời mình.

Cầu nguyện

Lạy Chúa!
Dấu hiệu trưởng thành của người trẻ,
là khi mạnh mẽ bước vào nghề,
biết đứng lên đưa mình vào cuộc sống,
không còn ngồi mà mơ mộng viễn vông.


Thánh Phao-lô đã nói chúng con:
“Ai không làm thì cũng đừng ăn”,
lười biếng không chỉ nhục bản thân,
mà còn hủy hoại khả năng tinh thần,
khác nào như người đi chôn nén bạc,
khiến cho cuộc đời mình ra tan tác.


Làm việc để con thực hiện những ước mơ,
tự lực cánh sinh không chờ ai giúp đỡ,
cho đời con những cơ hội triển nở,
biết xoay sở và sáng tạo đời mình.


Làm việc giúp cho con nên giống Chúa,
Đấng không ngừng quan phòng và sáng tạo,
để con người và vũ trụ nên hoàn hảo,
cho tình yêu và cuộc sống được nâng cao.


Nhưng lạy Chúa xin cho con biết rằng,
mình đang sống trong đời đầy biến động,
trong thế giới rất dễ bị vong thân,
vì tất cả bị lôi vào sản xuất,
kinh tế coi như cứu cánh mọi thành phần,
khiến con người đánh mất cả lòng nhân.


Xin cho con luôn làm việc tận tình,
như đầy tớ tốt lành và trung tín,
biết hy sinh và sẵn sàng cống hiến,
đền đáp lại những gì Chúa đã ban,
bằng một tình yêu mến dâng ngập tràn,
để mọi người vui hưởng sự bình an. Amen.

Lm. Thái Nguyên

 

 

 Tags: Sinh Lợi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây