Giáo Phận Ban Mê Thuộthttps://gpbanmethuot.net/assets/images/logo.png
Thứ ba - 11/05/2021 10:13 |
842
Hai cô gái vừa lấy chồng… vài tháng sau ngày cưới, hai người chồng phải lên đường ra mặt trận. Năm sau, tin báo về hai người đã mất tích trong trận đánh lớn. Hai người vợ trẻ dọn về chung sống với nhau. Chung nhà, chung số phận, chung cảnh nghèo. Nhưng năm nào cũng vậy, khi gần tết, hai người cố chạy lấy ít gạo nếp, thịt mỡ, đậu xanh để nấu bánh chưng vì…” Ngộ nhỡ có ai về”. Rồi đêm giao thừa, trong bếp, bên nồi bánh chưng, hai người đàn bà ngồi nhìn ngọn lửa nhảy múa trong đôi mắt ngấn lệ của nhau. Mấy mươi năm qua, hai cô gái ấy bây giờ đã thành hai bà cụ. nhưng mỗi cuối năm, vào đêm giao thừa, hai cụ già vẫn ngồi bên nhau, bên nồi bánh chưng vì…” ngộ nhỡ có ai về..” và ngọn lửa chờ mong vẫn âm ỉ trong đôi mắt họ. Vậy ra, để chứa đựng đau khổ kiếp người có khi không cần đến bốn biển, mà chỉ cần một xó bếp.
Trên đây là một chuyện phim chuyển thể từ truyện ngắn của Nguyễn Quang Thiều
Chúng ta đã mở mọi cánh cửa, đã đi ra khắp nơi, đã hội nhập với cả loài người. Nhưng mỗi khi năm cùng tháng tận, ta lại thấy lòng mình chùng xuống, lại muốn quay về. Người phương tây cũng không khác. Trong những ngày lễ quan trọng trong năm như lễ Tạ Ơn, lễ Giáng Sinh họ cũng trở về với gia đình và thưởng thức các món ăn Home made do mẹ nấu.
Về, về với mẹ, về với bếp. Cứ nhìn những đám đông chờ chực, xô đẩy, chen lấn nhau ở các ga, bến xe, phi trường trong những ngày cuối năm thì biết. Vật vã cho đến khi nào có được một tấm vé thì mới yên tâm. Còn nếu không tiền mua vé hay không mua được vé, hay vì một lý do nào đó mà không thể về nhà được, thì đành tìm vài kẻ đồng cảnh ngộ, chiều ba mươi tết ra quán cóc lề đường gọi một xị, nhìn nắng tàn trên ngọn cây mà ngâm cay mấy câu viễn xứ:
“Quê nghèo bốn đứa rủ nhau đi. Bốn cốc hoài hương chảy ngược về. Vạt mây đèo ải trôi chất ngất. Em gái giang hồ có nhớ quê?
Em gái giang hồ có nhớ quê?” (thơ Đinh Trầm Ca)
Nhớ quê thì phải nhớ nhà, nhớ nhà thì phải nhớ mẹ, nhớ mẹ thì phải nhớ bếp, có khi còn nhớ cả con tò vò làm tổ trên mái, con rắn mối già chăm chỉ bắt con kiến con ruồi, con thạch sùng tắc lưỡi.
Người Việt vào bếp Tây thì rất dễ nhận ra những văn minh, tiện nghi của Tây. Nhưng người Tây vào bếp Việt e khó lòng biết được đây là nơi đoàn tụ đầm ấm nhất của một gia đình. Phòng khách là nơi để nói những lời khách sáo. Bếp mới là nơi nói chuyện tâm tình. Nơi chị thủ thỉ với em về mối tình đầu, nơi mẹ dặn dò con gái lần cuối trước khi về nhà chồng, nơi ấu thơ chia nhau một trái bắp nướng, một củ khoai lùi...
Bếp còn là nơi cho thấy nỗi thịnh suy của gia đình. Nếu gia đình còn thịnh vượng, vào những ngày giỗ tết, bếp rộn rã tiếng nói cười, tiếng dao thớt, mùi xào nấu, mùi hành tỏi xông lên nực mũi. Nếu gia đình sa sút, thì bếp lạnh tro tàn, lòng người hắt hiu.
“Nhắn ai về bếp lạnh, đót hồng tro than” (Thơ Lê Thánh Thư)
Anh lính trong đêm lạnh ngoài biên giới bỗng nhớ về bếp, nơi ngọn lửa làm hồng đôi má người vợ và mùi xôi nếp mới ngào ngạt. “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi” (Thơ Quang Dũng)
Ngày nay người ta nấu bếp ga, bếp điện, lò vi sóng. Có khi lẩn thẩn tôi nhớ màu lọ nghẹ, nhớ cái dấu hỏi (?) mà anh tôi nắn nót vẽ trên trán sau một ván bài ai thua bị quẹt.
Than củi, nồi đồng, nồi đất dần dà chỉ còn là hoài niệm, nhưng nếu có một mái nhà, tôi sẽ không treo hình những người thân yêu đã khuất ở nơi trang trọng trong phòng khách. Tôi treo ở bếp. Trích trong Saigon tản văn. Tác giả Nguyễn Quang Tấn