TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chuyện Chuột Năm Tý

Thứ tư - 12/05/2021 07:05 | Tác giả bài viết: TRẦM THIÊN THU |   808
Chuyện Chuột Năm Tý
Chuyện Chuột Năm Tý


Trong các loài vật, chuột là loài ô uế, nghĩa là luật cấm đụng vào nó hoặc ăn thịt nó. Kinh Thánh cho biết:

– “Trong số các loài vật nhỏ lúc nhúc trên mặt đất, các ngươi phải coi những loài này là ô uế: CHUỘT CHŨI, CHUỘT NHẮT, mọi thứ thằn lằn, tắc kè, kỳ đà, cắc ké, kỳ nhông, thạch sùng.” (Lv 11:29-30)

– “Những kẻ tự thánh hiến và tự thanh tẩy để vào các khu vườn sau một người đứng ở giữa, những kẻ ăn thịt heo, thịt các thú vật kinh tởm và THỊT CHUỘT, đều sẽ chết cả lũ.” (Is 66:17)

Chuột có vóc dáng nhỏ nhất nhưng lại đứng đầu danh sách 12 con giáp, và người ta thường gọi nó là “chú” – chú chuột. Kể cũng lạ, không biết có phải vì chuột nhỏ con mà người ta gọi là Tý? Năm 2020 là năm Canh Tý, khởi đầu một vòng 60 năm – gọi là “lục thập hoa giáp”. Cố NS Y Vân viết ca khúc “Sáu Mươi Năm Cuộc Đời” với ý đó, chứ không có ý nói đời người chỉ “giới hạn” trong vòng 60 năm.

Canh là một trong mười Can, cũng gọi là Thiên Can. Canh ở vị trí thứ bảy – trước có Kỷ, sau có Tân. Các Thiên Can gồm: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý.

Canh Tý là sự kết hợp thứ 37 trong hệ thống đánh số Thiên Can và Địa Chi của người Á Đông, đó là sự kết hợp của thiên can Canh (Kim dương) và địa chi Tý (Chuột). Năm 2020 là năm có con số “cân bằng” thật đẹp, tách đôi thành hai số giống nhau – 20 và 20. Con số đẹp thế này cũng khiến người ta dễ mê tín dị đoan, nhiều chuyện nhảm nhí lắm đây!

Năm nay có điều đặc biệt: gợi nhớ một sự kiện quan trọng đã xảy ra tại Mê Linh vào năm Canh Tý – năm 40, đó là cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng – Trưng Trắc và Trưng Nhị. Chúng ta cũng không thể quên lời thề của hai bà ở dòng sông Hát: Một xin rửa sạch nước thù – Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng – Ba kẻo oan ức lòng chồng – Bốn xin vỏn vẹn sở công lênh này. Và đó cũng là lời nhắc nhở mỗi người dân Nước Việt về lòng ái quốc chân chính vì quê hương, vì dân tộc.

1. CHUỘT TRONG ĐỜI THƯỜNG

Dựa vào đặc điểm về kích thước, hình dạng, màu sắc, nơi sống,… người ta phân biệt các loại chuột bằng tên gọi như chuột đồng, chuột nhắt, chuột cống, chuột chù, chuột chũi, chuột bạch, chuột lang, chuột cảnh (nuôi chơi cho vui),… Ngày nay thậm chí có cả chuột ảo và “chuột chết” (chuột máy tính). Trong lĩnh vực nghiên cứu, có các tên chuột như Wistar Rat, Fisher Rat, Sprague Dawley Rat,…

Từ những chú chuột đồng hay phá hoại mùa màng đến những chú chuột nhà “chuyên ăn vụng” và phá phách nhiều đồ gia dụng khiến “khổ chủ” bực mình, chuột còn xuất hiện trên màn hình, đặc biệt là chú chuột Mickey và trong phim hoạt hình Tom và Jerry của Walt Disney. Ngoài ra, hình ảnh “Đám Cưới Chuột” trong tranh dân gian Đông Hồ đã trở thành quen thuộc với dân Việt từ lâu.

Hầu như ở đâu cũng thấy bóng dáng chuột. Có những con chuột ngang nhiên xuất hiện, nó có vẻ không sợ người ta nhưng lại rất sợ mèo. Ban đêm, chuột chạy rục rịch và cắn nhau chí chóe khiến người ta có thể cảm thấy bực mình hoặc mất ngủ. Chuột chạy ngang dọc, leo trèo thoăn thoắt. Chuột tỏ ra khá sành sỏi và tinh ranh, bởi vì nó thường chọn các thực phẩm ngon nhất để ăn, không có món ngon thì nó mới tới nơi có đồ ăn thừa.

Ở thôn quê, chuột rủ nhau cắn phá lúa, bắp, khoai,… Không chỉ vậy, nó còn gặm phá các quần áo, đồ nhựa, đồ mây, tre,… Không phải là nó đói mà nó luôn phải gặm nhấm để bào mòn răng cửa, không cho răng dài quá mức.

SUY TƯ: Chuột có “biệt tài” gặm nhấm, cứ rỉ rả từng chút mà cái gì cũng hết. Người ta cũng “mưu mô” chẳng kém – nhất là trong lĩnh vực xấu xa, thường liên quan vật chất, như lợi dụng, ích kỷ, bòn rút, ăn chặn, tham nhũng, hối lộ, gian lận, lừa đảo,…

2. CHUỘT TRONG NGỤ NGÔN

a). ĐÔI BẠN – Chuột nhà và chuột đồng là đôi bạn thân. Chuột đồng sống ở nông thôn, ngày ngày ra đồng ăn thóc, cuộc sống rất sung sướng. Chuột nhà sống chui rúc trong cái hốc tường của một gia đình giàu có ở thành phố. Khi chủ nhà đi vắng, chuột nhà tha hồ thưởng thức đậu, gạo, phô-mai, mật ong,… Cuộc sống rất thoải mái.

Một hôm, chuột đồng mời chuột nhà đến chơi. Chuột nhà diện lễ phục về chốn đồng quê dự tiệc. Chuột đồng đãi khách bằng lúa thóc mà nó dự trữ được. Chuột nhà vừa ăn vừa bảo Chuột đồng: “Bạn ơi, bạn sống như một con kiến tầm thường vậy. Còn chỗ tôi thì có nhiều thứ ngon. Bạn hãy lên thành phố hưởng thụ với tôi.”

Nghe vậy, chuột đồng theo chuột nhà lên thành phố sinh sống. Nó nghĩ tới tương lai xán lạn, thoải mái, sung sướng. Chắc là tuyệt vời lắm.

Trong bếp nhà chủ của chuột nhà, chuột đồng thấy có nhiều thứ: gạo, đậu, bánh, kẹo, còn có cả phô-mai, mật ong,… Ôi chao, nó thấy mà thèm chảy nước miếng. Không ngờ chuột nhà lại có lắm cái ăn như vậy, nó thầm ngưỡng mộ chuột nhà hết sức.

Trong lúc chúng đang chuẩn bị thưởng thức thì có tiếng người mở cửa bếp. Chuột nhà nhát gan, nghe thấy tiếng động liền chui tọt vào hang. Khi xung quanh yên tĩnh trở lại, nó mới dám chui ra. Vừa định ăn miếng phô-mai thì lại có người mở cửa bếp. Chuột nhà lại vội vàng chạy trốn.

Lúc này, chuột đồng đói đến mức bụng kêu òng ọc. Nó run run nói với chuột nhà: “Thôi, tạm biệt bạn thân. Bạn cứ việc hưởng thụ những thứ ngon lành này đi, còn tôi không muốn cứ phải nơm nớp lo sợ như thế nữa. Tôi về ăn thóc lúa, sống bình thường và yên ổn còn hơn.”

SUY TƯ – Cuộc sống của chúng ta cũng tương tự, chắc hẳn ai cũng chỉ muốn sống an bình, thanh thản, nhẹ lòng. Thật vậy, cuộc sống tuy đạm bạc, giản dị, nhưng luôn an tâm, vui vẻ và hạnh phúc, còn hơn là cuộc sống sung túc, giàu có, ăn ngon, mặc đẹp, nhưng luôn phải lo lắng, không ngừng hồi hộp, lo sợ,… Được bình an mới là hạnh phúc thực sự.

b) CÁI BẪY – Con chuột nhìn qua vết nứt ở vách tường và trông thấy vợ chồng bác nông dân đang mở một cái hộp. Nó nghĩ rằng có lẽ là có đồ ăn gì trong cái hộp đó. Thế nhưng sau đó, nó hốt hoảng phát hiện trong hộp có một cái bẫy. Nó bèn chạy ra ngoài vườn và la toáng lên: “Có cái bẫy chuột trong nhà!”

Chị gà mái đang bới đất gần đó nghe thấy thế ngẩng đầu lên và nói: “Này chuột, đó là mối lo ngại ghê gớm đối với anh, nhưng nó chẳng có phiền hà gì với tôi, vì tôi không thể bị vướng vào cái bẫy chuột.”

Chuột bèn quay sang nói với lợn: “Anh lợn ơi, có một cái bẫy chuột trong nhà.” Lợn ủn ỉn có vẻ thông cảm và trả lời: “Tôi rất lấy làm tiếc cho cậu, tôi chả làm được gì, nhưng tôi hy vọng cậu không bị vướng vào bẫy đó.”

Nghe vậy, chuột hớt hải chạy đến bên bác bò đang nhai cỏ gần đó. Nó kêu lên: “Bác bò, bác bò! Có một cái bẫy chuột trong nhà!” Bác bò vừa nhai cỏ vừa từ tốn trấn an: “Bác rất hiểu sự lo âu của cháu, nhưng bác cũng chẳng giúp được gì.”

Chuột chán nản đi vào nhà, lòng buồn thiu, một mình phải đối phó với cái bẫy nguy hiểm của bác nông dân.

Vào một đêm nọ, có tiếng động vang lên trong nhà, dường như là tiếng bẫy sập. Vợ của bác nông dân vội chạy tới để xem có bắt được con chuột nào hay không. Trong đêm tối loạng choạng, bà vợ bác nông dân đã bị con rắn độc cắn vào chân khi bà mon men tới gần cái bẫy. Thì ra cái bẫy chuột đã sập vào đuôi của một con rắn.

Bác nông dân vội vàng chở vợ tới bệnh viện. Khi trở về nhà, vợ bác bị lên cơn sốt. Bác nông dân nhớ là ăn cháo gà có thể hạ sốt, vì thế bác đã chạy ra vườn bắt chị gà mái cắt tiết, làm thịt, để nấu cháo cho vợ ăn. Thế nhưng, bệnh tình của vợ bác vẫn không giảm chút nào. Bạn bè và hàng xóm nghe tin đã tới hỏi thăm. Để thết đãi họ, bác nông dân đã làm thị con heo. Sau nhiều ngày chống chọi với cơn bệnh, vợ bác qua đời. Vì họ hàng thân thuộc đến đưa đám rất đông, bác nông dân phải mổ bò để làm thịt đãi khách.

SUY TƯ – Có lẽ người ta cứ tưởng cái bẫy chuột chỉ có hại đến con chuột, nhưng không phải thế, mà còn có bài học thâm thúy liên quan cuộc sống. Đoán kết là sống, chia rẽ là chết. Thấy người khác gặp khó khăn, người ta thường vô cảm vì cho rằng không liên quan chi đến mình. Nhưng cuộc đời luôn có tính liên đới, không hàng dọc cũng hàng ngang, không chiều này cũng chiều nọ, trực tiếp hoặc gián tiếp. Cụ thể là vấn đề vệ sinh môi trường. Sự bẩn thỉu và sự vô trách nhiệm đều có hệ lụy với nhau.

c) CHUỘT VÀ CHỒN – Một con chuột nhắt đói bụng tìm cách chui vào một giỏ bắp. Mùi bắp thơm hấp dẫn quá nên nó quyết tâm vào cho bằng được. Nó phải cố lách thật mạnh mới có thể chui qua được cái khe hẹp giữa hai gờ miệng giỏ. Khi vào được bên trong, nó ngấu nghiến cho thỏa thích, no đến mức bụng nó căng như quả bóng, căng to đến gấp ba lần so với cái khe hẹp ở miệng giỏ mà nó đã chui qua.

Khi đã thỏa mãn, no nê, nó lê bước đến miệng giỏ để tìm cách chui ra. Nhưng nó lách hết sức mà vẫn không sao ra được, bởi vì cái bụng nó to quá. Thế là nó ngồi xuống buồn bã than van, vừa khó chịu với cái dạ dày căng cứng vừa lo không biết làm sao thoát ra được. Thật là khổ sở!

Lúc đó có con chồn chạy đến. Nó hiểu được chuyện gì, rồi nó nói với chuột: “Bạn ơi, tôi biết bạn đã làm gì. Bạn đã ngốn cho sướng miệng, và đấy chính là điều bạn mong muốn. Bây giờ bạn sẽ phải ở lại trong đó cho đến khi nào bạn lại cảm thấy đói như lúc bạn chui vào thì mới chui ra được. Thôi ngủ ngon để giữ sức khỏe nhé!”

SUY TƯ – Tham thì thâm. Tham thực thì cực thân. Tiền nhân nói chẳng sai. Miếng ăn có thể làm cho người ta vinh hay nhục. Lĩnh vực nào cũng thế, dù vật chất hoặc tinh thần. Ăn để sống chứ không phải sống để ăn. Chết vì ăn là điều nhục nhã. Trọng thực thì trúng thực. Thà chết đói hơn chết no. Chiến tranh xảy ra cũng chỉ vì miếng ăn – cả nghĩa đen và nghĩa bóng, thậm chí mất hết cả tình nghĩa – kể cả tình thân ruột thịt.

d) BA CON CHUỘT – Có ba con chuột sống trong cùng một nhà. Đó là chuột trắng, chuột đen, chuột xám.

Ngày nọ, cả ba con phát hiện chủ nhà mua về một bình dầu và để trên bàn. Có món mới, lũ chuột vô cùng sung sướng, nhưng vì bàn quá cao, chúng phải phối hợp với nhau mới có thể tới được chỗ bình dầu.

Thế là ba con đều đưa ra ý kiến, chuột xám đứng trên chuột đen, chuột trắng đứng trên chuột xám, cứ như thế, thay nhau luân phiên, con nào cũng đều có cơ hội ăn được món dầu thơm béo ngậy trên bàn.

Cứ thế, kế hoạch diễn ra tốt đẹp, cả ba đều khoái khẩu với món dầu ngon. Rồi một hôm, chuột xám bất cẩn làm đổ bình dầu xuống, một tiếng “rầm” rất lớn. Cả ba hoảng sợ và cùng chạy về nơi trú ẩn.

Cả ba đều không chịu nhận lỗi, liên tục đổ lỗi cho nhau, con này bảo con kia đứng không vững nên mất cân bằng cả đám. Sau đó, chúng lại thống nhất với nhau làm theo cách cũ để tiếp tục ăn dầu cho thỏa mãn. Và cũng để xem lần này có xảy ra đổ vỡ thì sẽ là lỗi của con nào.

Nghĩ là làm, ba con lại tiếp tục trèo lên nhau để có thể ăn dầu. Vì không muốn nhận lỗi, không muốn mình là người sai, chỉ muốn đổ cho con khác, nên dù những con khác không đứng vững thì con còn lại cũng không thèm giữ. Bình dầu lại đổ xuống. Lần này chúng chẳng thèm chạy, cứ ở lại xem lỗi thuộc về ai.

Chủ nhà thấy lũ chuột lộng hành quá nên đưa mèo về nuôi để bắt chuột. Thế là lũ chuột không còn cơ hội để ăn dầu béo nữa.

SUY TƯ – Câu chuyện đơn giản nhưng thâm thúy. Tình trạng “đổ lỗi cho nhau” vẫn thường xảy ra ở các cơ quan, xí nghiệp, hội đoàn,… Không ai nhận mình sai, không ai chịu nhận lỗi, cứ đổ lỗi cho người khác, hoặc tìm cách bắt lỗi người khác. Đó là ích kỷ, hèn nhát, vô trách nhiệm. Vấn đề rắc rối cứ tiếp diễn, do đó mà công việc bế tắc, không xuôi xắn, cả tập thể dần dần suy thoái…

TRẦM THIÊN THU

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây