TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XIV Thường Niên -Năm B

“Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương”. (Mc 6, 1-6)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Cây sậy biết suy tư

Thứ năm - 27/06/2024 10:51 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   56
Nhà toán học Blaise Pascal (1623 - 1662) nói: “Con người là một cây sậy, thứ yếu ớt nhất trong tự nhiên, nhưng là cây sậy có suy tư”.
Blaise Pascal
Blaise Pascal
Cây sậy biết suy tư



 Nhà toán học Blaise Pascal (1623 - 1662) nói: “Con người là một cây sậy, thứ yếu ớt nhất trong tự nhiên, nhưng là cây sậy có suy tư”. Cây sậy gợi nhớ đến thơ của R. Tagore: “Xác này cây sậy khẳng khiu, người đã mang qua núi, qua đồi, qua bao thung lũng, và phả vào trong giai điệu mới mẻ đời đời"[1]

Xác này cây sậy, thân sáo rỗng, Người thổi hơi, đưa vào giai điệu mới mẻ, thanh âm dịu dàng, qua những núi những đèo vươn xa nơi cánh đồng, trải dài theo sóng biển. Những hình ảnh tuyệt đẹp bởi lòng yêu thương của Thiên Chúa đối với con người chúng ta. Cây sậy của Tagore gợi nhắc cây sậy biết suy tư của Pascal: “Con người chẳng là gì cả với cái vô hạn, nhưng lại là tất cả những gì là  hư vô”

Nhìn ngắm và suy tư về công trình sáng tạo và Tagore nhận ra rằng: “Con người như thuyển nhỏ mỏng mảnh” nhưng đồng thời cũng huyền nhiệm: “Bao lần vơi rồi đầy” với sự sống luôn tuôn chảy trong niềm vui bất tận. Một chuỗi liên kết dẫn đến chung cục là niềm vui bất tận, ý hướng này cũng thấy trong văn hoá khi nói đến “Cây đời” hoặc khi nhắc đến “Cây sự sống”. Biểu trưng của cây đời này là “Sự vươn lên không ngừng về phía trời mà sự sống đang bám rễ vào trái đất”, một cuộc tái sinh không ngừng: bao lần trút lá để ra những nhành lá mới, bao nhiêu lần vơi rồi đầy.

Cây sậy biết suy tư mà thánh Anselmo đã nhìn ra: “Lạy Chúa, Ngài là Người mang lại cho tôi sự hiểu biết để tin, đã thừa nhận rằng tôi có thể hiểu, như Ngài đã thấy rằng Ngài hiện hữu như chúng tôi tin Ngài hiện hữu”[2], Ngài hiện hữu sâu thẳm hơn chính sự sâu thẳm của chính tôi, nhận biết Chúa để nhận biết con như trong “Tự thuật” của thánh Augustine kêu cầu: “Con sẽ biết Chúa, ôi Đấng biết con; con sẽ biết Chúa như con đã được Chúa biết con”[3].

Chúa là niềm khao khát không ngừng của con người. Biết Chúa là một niềm vui, tìm Chúa là một hạnh phúc, Pascal viết: “Không cần phải có trí thông minh tuyệt vời để nhận ra rằng không có sự thỏa mãn thực sự và bền vững, rằng tất cả những thú vui của chúng ta chỉ là phù phiếm, rằng những điều xấu xa của chúng ta là vô tận, và cái chết luôn đe dọa chúng ta, nó chắc chắn sẽ đặt ra trước mắt chúng ta, trong một vài năm nữa, sự thay thế đáng sợ là bị hủy diệt hoặc bất hạnh mãi mãi. Chẳng có gì thật hơn thế, cũng chẳng có gì đáng sợ hơn thế. Chúng ta có thể hành động dũng cảm như chúng ta muốn: đó là sự kết thúc đang chờ đợi cuộc sống tốt đẹp nhất trên thế gian”[4]

“Xin cho con biết Chúa”. Lời cầu xin này phát xuất từ ý thức bao lần vơi rồi đầy, bao lần chống đối, xa lánh Chúa một cách kịch liệt và rồi lại bao lần yêu mến Chúa cách mãnh liệt tràn trề tháng năm. Thân nhỏ bé như thuyền mỏng manh, ấy thế mà những khao khát lại không ngừng, bao lần thay lá bao lần vươn lên mà cứ bị vùi dập.

Cây sậy khẳng khiu giữa đời bão táp, giữa sóng đam mê phủ lấp vẫn không bị bẻ gẫy, nát dập, bởi lẽ tình yêu của Chúa chẳng nỡ “Dập tắt tim đèn còn leo lét, bẻ gẫy cây sậy bị dập”[5]. Con người biết suy tư bằng lý trí nhưng hiểu biết lại bằng trái tim,. Nhà toán học Pascal, con người yêu mến Chúa đã phát biểu: “Chúng ta nhận biết chân lý không chỉ nhờ lý trí mà hơn thế nữa, còn nhờ trái tim; chính nhờ trái tim mà chúng ta biết được những nguyên tắc đầu tiên, và thật vô ích khi lý luận, vốn không có vai trò gì trong đó, cố gắng bác bỏ những nguyên tắc đó”[6]

Bao lần đầy vơi để Ngài múc cạn trong ta để trở nên cây sáo rỗng trong tay Ngài. Vì yêu riêng hay chính Ngài là Tình yêu. Tình Yêu không bao giờ lên án để giết chết, nhưng lên án và để chữa lành, khóet rỗng để Ngài thổi vào thân xác khẳng khiu này khúc hát tạ ơn Người.
 
L.m Giuse Hoàng Kim Toan



 
 
[1] (Lời dâng, bài số 1, R.Tagore, Đỗ Khánh Hoan dịch)
[2] Prologion, Anselm, chương 2.
[3] Confessio, Augustin, quyển 10.
[4] TÔNG THƯ SUBLIMITAS ET MISERIA HOMINIS, sự cao cả và sự khốn khó của con người.Kỷ niệm 400 năm ngày sinh của Blaise Pascal.
[5] Is 42, 3
[6] TÔNG THƯ SUBLIMITAS ET MISERIA HOMINIS, sự cao cả và sự khốn khó của con người.Kỷ niệm 400 năm ngày sinh của Blaise Pascal.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây