TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXIX Thường Niên -Năm B

“Con Người đến để ban mạng sống Mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”. (Mc 10, 35-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chân lý của tình yêu

Thứ sáu - 08/12/2023 06:51 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   468
Chân lý của tình yêu là không có giai cấp, cũng chẳng có sang hèn, vì tình yêu là đón nhận tất cả và mang lấy tất cả.
Chân lý của tình yêu
 

Chân lý của tình yêu

 

Thân này sáo rỗng…
Người ban lệnh cất lời ca…

Sinh trưởng và lớn lên trong vùng đất Ấn Độ, sự phân chia đẳng cấp xã hội một cách rõ rệt. Đẳng cấp ở đây làm gia tăng lên hố ngăn cách với người giàu và người nghèo, giai cấp trên và giai cấp dưới. Chân lý của tình yêu là không có giai cấp, cũng chẳng có sang hèn, vì tình yêu là đón nhận tất cả và mang lấy tất cả.

Hệ thống đẳng cấp này có nguồn gốc từ Drahma vĩnh cửu, trật tự bất biến trong vũ trụ. Cấu trúc xã hội bao gồm bốn đẳng cấp, và các đẳng cấp bởi sự quyết định của việc sinh hạ theo dòng dõi và các bổn phận tôn giáo và xã hội của họ. Giai cấp Bà la Môn thuộc về tăng lữ, đây là giai cấp cao nhất, bổn phận của họ là nghiên cứu và giảng dạy kinh Veda, giữ vai trò hướng dẫn trong việc phụng thờ. Giai cấp Kshatriya là giai cấp chiến sĩ, những người có bổn phận hướng dẫn xã hội, bảo vệ hạnh phúc và quê hương cho dân tộc. Giai cấp Vaishya là giai cấp sản xuất phục vụ đời sống cho xã hội, điều hành kinh tế, là những thương nhân. Ba giai cấp này được gọi chung là ba giai cấp được sinh ra hai lần, lần sinh thứ nhất là về thể lý, lần sinh thứ hai là về tâm linh. Người sinh lần hai này vào tuổi thiếu niên khi trải qua nghi lễ khai tâm (Upanayana). Ba giai cấp trên có bổn phận tôn giáo là học hỏi kinh Veda. Giai cấp thấp thuộc về giai cấp thứ tư là giai cấp Shudra, những người thuộc giai cấp này phục dịch ba giai cấp trên, thường họ là những người lao động chân tay, các gia nhân, những nghề nhỏ mọn mà ba giai cấp trên không được phép làm, giai cấp thấp không được học hỏi kinh Veda, chỉ được theo con đường sùng mộ thần linh (Bhakti). Ngòai bốn giai cấp trên, Ấn Giáo còn một gia cấp nữa là giai cấp cùng đinh, những người làm nghề đê tiện thường bị xem là là không có 
Varna. Những người này sống cách xa thành phố và làm những công việc dơ bẩn (Đánh cá, săn bắn, thuộc da, vệ sinh, chôn người chết…), họ tránh không được tiếp xúc với các giai cấp trên để khỏi lây sự ô uế của họ. Những giai cấp đã được ấn định nên không mong gì hơn là an phận với giai cấp của mình khi sinh ra đón nhận dòng dõi.

Từ giai cấp cùng đinh: “Tôi thấy tim mình như rạn nứt, vì hãnh diện khôn cùng; ngước nhìn mặt Người, mắt tôi ứa lệ…” Cảm động vì vui sướng, chẳng một giai cấp nào chịu sự phân biệt khi đến diện kiến Người. Một giai cấp cùng đinh sung sướng trào ứa lệ. Bởi vì, những người cùng đinh, bé nhỏ này được Người thương đoái đến hát cho Người nghe. Dường như cho đến lúc này ta đang nghe một lời ca đẫm lời tri ân. Ở đó, trong xó nhỏ cuộc đời này lại được mời vào hát trong hòang cung cho vị vua nghe. Ở đó, một con người nghèo rách rưới này lại được mời hát cho vị vua với hãnh diện của một phẩm giá con người mà những giai cấp trên chưa bao giờ đụng tới. Một thân phận bé nhỏ chịu sự khinh miệt của xã hội gọi là tiện dân, bị coi là những người hèn hạ nhất, ngay cả cái bóng của họ cũng không được chiếu lên thân hình của người bình thường khác, vậy mà lại được Thượng Đế mời gọi vào hát cho Người.

Phẩm giá con người, dù một người nghèo rách rưới, tả tơi, làm những công việc đê tiện nhất được cất lời ca, phải chăng là những con người này đang được mời gọi sống xứng đáng với phẩm giá của con người. Nếu Tagore từng suy nghĩ về những con người nghèo nhỏ, xem như rác rưởi này tại Ấn Độ vào những năm 1913, thì trong một lần Gandhi cho thấy một thực tế hơn nơi ông từng phát biểu với giai cấp trên vào năm 1915: “Ấn Độ không chỉ có Dehli, Bombay, Ấn Độ còn có hơn bảy trăm ngàn thôn xã. Chúng ta phải đứng về phía hàng triệu triệu người - Những người hằng ngày phải nai lưng làm lụng vất vả dưới ánh sáng mặt trời”. Đứng về phía người nghèo thôi cũng chưa đủ, mà còn đồng hành với họ. Trong phương thức ấy, Gandhi đã rời khỏi giai cấp của mình để bước tới giai cấp thấp hơn, sống chung với họ, chia sẻ thật gần với những cảm nghiệm của họ. Khi hiểu được những tâm tình này của những người nghèo Ấn Độ, ta mới có thể thấy tại sao hạt nước mắt lại long lanh khi được mời đến hát cho Thượng Đế nghe bài hát nghèo nàn của họ, chúng ta mới hiểu những đôi mắt ngấn lệ kia khi bước tới để trình bày những âm điệu đục trong và lỗi điệu mà vẫn được đón nhận.

Chúng ta có thể tự hỏi, từ giai cấp trên bước xuống hay từ giai cấp dưới bước lên. Kinh nghiệm của Ấn Độ cho thấy rõ, con người từ giai cấp thấp hèn kia không thể tự động bước lên, đó là một điều chẳng bao giờ được phép, như vậy chỉ có một con đường từ trên bước xuống. Sự bước xuống này Gandhi cho thấy một cảm nghiệm, khi ông phát biểu vào năm 1921 tại phong trào đòi xóa bỏ giai cấp tiện dân: “Nếu như tôi có đầu thai sống lại, tôi sẽ sinh ra giữa những người tiện dân, để chia sẻ sự bất hạnh, đau khổ và tủi nhục của họ”. Trong thực tế ông đã đến và sống nghèo khổ như họ để nhiều lần hiểu và nhắc cho họ sự tự trọng nơi chính mình, cần biết tôn trọng chính mình để người khác tôn trọng mình.

Có lẽ đây là một kinh nghiệm của một cuộc đời mà có thể hiểu được vấn đề của lịch sử cứu độ. Thiên Chúa tôn trọng phẩm giá con người, Ngài không chỉ xa cách để chỉ ban ơn nhưng còn tháo giầy bước vào thân phận của con người. Điều cảm nghiệm sâu xa nhất đối với tâm hồn được Thiên Chúa giải thoát là kinh nghiệm của những người được tha thứ nhiều nhất, những người bần cùng nhất. Những người được mời gọi từ thân phận thấp hèn đến trước nhan Ngài mà cất tiếng hát dâng lên cho Ngài.

Thiên Chúa yêu thương chúng ta khi chúng ta còn là tội nhân, Thiên Chúa yêu mến chúng ta khi chúng ta còn phản nghịch với Ngài[1]. Con người không thể đến với Thiên Chúa nếu Ngài không đi bước trước đi xuống với con người. Chính vì thế, chúng thấy rằng chân lý của tình yêu là chân lý của người thí mạng sống vì người mình yêu.

Người đến đồng hình đồng dạng để giải thoát, chính vì vậy: “Những gì trong tôi lỗi điệu, đục khàn biến thành hòa khúc dịu êm – như chim vui náo nức băng qua biển cả, lòng tôi đê mê dang cánh bay xa”.

Kinh nghiệm của khúc hát này cũng khởi đi từ thực tế của đời sống dân Ấn Độ thời bấy giờ. Vào những năm Ấn Độ nằm trong ách thống trị của Anh, những người dân đen như được nghe tin mừng giải thoát. Đây mới chỉ là khởi đầu của niềm vui cứu thóat. Ai sẽ cứu thóat họ, một phần nhờ chính sự nỗ lực của những con người này. Giống như cần dựa trên tiếng hát đục trong của người nghệ sỹ bất đắc dĩ để biến thành khúc hát dịu êm.

Kinh nghiệm của Gandhi thấy rằng, giải thóat tiện dân không chỉ một sớm một chiều mà cần họ ý thức cộng tác. Một lần khi ông đến ngôi làng xa xôi của đám người tiện dân, ông nghe nhiều điều người ta than vãn, chẳng có nước ngọt để dùng trong khi đó chỉ bên kia có giếng nước ngọt, họ đã không cho dùng. Gandhi đã nhân cớ khuyên dạy những người tiện dân, trước hết hãy biết giữ gìn thân thể của mình sạch sẽ, đừng ăn tạp, tôn trọng chính mình rồi sẽ nói người Bà La Môn tôn trọng mọi người được. Đi khuyên dạy người nghèo nhưng đồng thời cũng thuyết phục với người ở đẳng cấp trên, Gandhi đã nói: “Tôi không cho rằng, những người tiện dân làm những công việc thấp kém kia là nhơ bẩn, rác rưởi. Các bà mẹ giặt tã cho con, các bác sỹ chữa bệnh nhân, lau rửa các vết thương… không thể gọi là các việc nhơ bẩn được; trái lại, đó là những hành vi cao cả, đáng được kính trọng và khen ngợi”[2].

Giải thóat không đến từ một phía, chính vì vậy mà Thánh Augustine có lần cảm nghiệm: “Để dựng nên con, Chúa không cần con; nhưng để cứu con, Chúa cần con”. Đục trong sẽ thành khúc ca dịu êm, có phải đó là một kinh nghiệm đã bén rễ trong Lời Thánh Kinh: “Ta sẽ ban cho chúng một trái tim và đặt thần khí mới vào lòng chúng. Ta sẽ lấy khỏi mình chúng trái tim chai đá và ban cho chúng một trái tim bằng thịt”[3].

Có lẽ cảm nghiệm ấy đã thấm vào trong lời thơ Tagore: “Tôi biết lời tôi ca làm Người vui thích. Và tôi biết chỉ khi khóac áo ca công tôi mới đến trước mặt Người”. Không chỉ những thế mà còn đi xa hơn trong chiều dầy của ân sủng: “Say nhừ vì nguồn vui ca hát, tôi quên bẵng thân mình, tôi gọi Người là bạn, là Thượng Đế của lòng tôi” (Bài 2, Lời Dâng, R.Tagore, Đỗ Khánh Hoan dịch).

Chân lý của tình yêu là tái tạo con người diện kiến trước tôn nhan Thiên Chúa. Đó là sự tái tạo hòan hảo, tội lỗi được rửa sạch trong, những bùn nhơ, đọa đày được giải thoát, mặc lại chiếc áo hòang tử để được hưởng phúc lộc hòang cung. 

L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây