TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chiếc áo thầy tu.

Thứ tư - 08/06/2022 06:54 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   1032
Chiếc áo thầy tu, gắn liền với ba ý nghĩa của lời cam kết khi lãnh nhận tu phục. Khó nghèo; khiết tịnh; vâng lời.
Chiếc áo thầy tu.

Chiếc áo thầy tu.

 
 
Người ta thường nói “chiếc áo không làm nên thầy tu”, nhưng khi nhận chiếc áo thầy tu không chỉ là dấu hiệu của việc dâng mình mà trong các nền văn hoá còn có nhiều ý nghĩa.
Trong tu phục. Chiếc áo thầy tu, gắn liền với ba ý nghĩa của lời cam kết khi lãnh nhận tu phục. Khó nghèo; khiết tịnh; vâng lời. Ba ý nghĩa này có thể tìm thấy trong ý nghĩa của chiếc áo thầy tu đang mặc, không chỉ ở trong ý nghĩa của Kitô giáo mà còn thấy ở các tôn giáo khác.
Chiếc áo chỉ sự khó nghèo. Theo từ ngữ Ả rập khirka chỉ một mảnh quần áo rách, mặc chiếc áo rách của người nghèo khổ, người đón nhận nó, từ nay cam kết trở nên người nghèo khó với những người khó nghèo. Ở đây biểu thị một tinh thần trút bỏ của con đường hiến thân. Sau này chiếc áo rách này thay bằng áo choàng bằng vải len thô của những người tu khổ hạnh để sống đời thần hiệp. Chiếc áo thầy tu trở thành biểu tượng của thề ước nghèo khó.
Trong truyền thống Kitô giáo, áo choàng hoặc áo vải thô cũng là biểu tượng của sự nghèo khổ. Ngoài ra, có những chiếc áo dòng, hay tu phục không phải là loại vải thô, áo của người nghèo, nhưng chiếc áo còn thêm một ý nghĩa khác nữa: Từ nay, họ không còn thuộc về mình nữa. Đón nhận chiếc áo khác do bề trên trao cho, họ biểu lộ khước từ ý riêng để tuân hành theo Ý muốn của Thiên Chúa. Việc mặc tu phục trở nên một dấu chỉ cam kết: Dâng hiến mình cho Chúa, cách biệt với thế giới và dâng chính mình thuộc về một cộng đoàn. Đây là dấu chỉ của lời khấn vâng phục.
Chiếc áo tu phục được trao cho sau những năm tu học tuỳ theo mỗi dòng, thời gian này có một ý nghĩa đặc biệt. Nhận tu phục là dấu chỉ xác lập một con người đã đủ ý thức vai trò của người mang chiếc áo. Suhrâwardi nói, “sự trao áo choàng là dấu hiệu xác thực rằng con người đã bước vào con đường chân lý, biểu tượng của sự bước vào con đường thần hiệp, dấu hiệu con người đã từ bỏ chính mình, phó thác mình hoàn toàn vào hai tay của Sheikh (thầy giáo tinh thần, đôi khi là Shaykh).”
Mang chiếc áo được đón nhận từ bề trên, chiếc áo này có hai ý nghĩa. Ý nghĩa thứ nhất thuộc về bản thân người đón nhận. Tự nhận thấy rằng mình đầy đủ ý thức và tự do để đón nhận chiếc áo với những đòi buộc của nó. Thứ đến, thuộc về bề trên, người trao áo cho ứng sinh, xác nhận ngừơi ứng sinh này đầy đủ tư cách cần có để nhận chiếc áo tu phục. Hai ý nghĩa đan lồng vào nhau làm nên một cam kết đối với người mang tu phục. Biểu tượng này nhắc đến hình ảnh của giao ước. Thiên Chúa ngỏ lời mời gọi của Ngài qua Bề Trên và người ứng sinh đáp lại lời mời gọi ấy bằng cách đón nhận tu phục.
“Nhà thần bí học lớn Ba Tư Abâ Said Ibn Abi'l Khayr (967-1049) trong chuyên luận Asrârul - tawid (Những bí mật của Đơn nhất thánh thần), nghiên cứu ý nghĩa của lễ thụ phong Khirka. Trước hết ông mô tả những phẩm chất mà Người Thầy tinh thần trao tặng áo phải có: Cần phải xứng đáng được noi theo, nghĩa là người đó phải có một tri thức hoàn hảo về lý thuyết và thực hành của ba giai đoạn của cuộc sống thần hiệp: Luật, Đạo và Chân lý; không một chút "tôi" hạ đẳng nào còn rơi rớt trong bản thân. Khi một Sheikh như thế nắm vững một đệ tử khá sâu sắc, tin chắc anh ta là người xứng đáng, thì ông đặt tay trên đầu đệ tử đó và khoác áo choàng cho anh. Bằng cử chỉ đó ông biểu thị niềm tin rằng người đệ tử sẽ xứng đáng gắn bó với dòng Soufi. Sự tuyên bố này có hiệu lực như một luật trong giới ấy. Vì vậy khi một thầy tu xa lạ đến một tu viện hoặc muốn nhập vào một nhóm Soufi, người ta thường hỏi:
Ai là Thầy dạy anh và anh nhận Khirka từ tay ai?”[1] Câu hỏi này gợi lên việc thẩm vấn của vị Giám Mục phong chức với người chịu trách nhiệm về ứng sinh mình giới thiệu: “Cha có thấy thầy này xứng đáng để lãnh nhận chức Linh Mục (hay Phó Tế” không?)  
Việc người ứng sinh đặt tay vào tay vị phong chức hay vị bề trên đón nhận lời khấn cũng khởi đi từ một truyền thống xưa kia, với các Soufi đang nhập định, có tập quán xé và chia cho họ những mảnh áo, đặc biệt khi chiếc áo đó đã được một người Thầy đáng kính mặc: Hành động xé và chia những mảnh áo nhằm mục đích chia sẻ phúc lành, được coi như là gắn liền với áo. Hành động đặt tay của ứng sinh vào tay bề trên cũng gợi lên một sự sẻ chia phúc lành từ cộng đoàn ấy, việc này có ý nghĩa lớn lao hơn, nhất là khi ứng sinh quỳ gối hay nằm phủ phục trong khi nguyện kinh cầu các thánh. Việc khẩn cầu này mang một ý nghĩa đặc biệt, xác lập một sự hiệp thông, nhờ ân đức của các thánh đã lập được, người ứng sinh nhờ sự chuyển cầu của các ngài mà chu toàn được sứ vụ lãnh nhận.
Tìm hiểu về những hành vi, những dấu chỉ trong ngày khấn hay phong chức, chúng ta thấy một chiều sâu của các ý nghĩa được thực hiện và làm cho người ứng sinh can đảm hơn trong việc tiếp nhận nơi mình một lời gọi.
Nhận chiếc áo tu phục là tháp nhập vào nơi chính người ứng sinh một gia tài hiệp thông. Hiệp thông trong ân sủng và đoàn sủng của lời mời gọi hiến dâng. Ibn' Arabi nói: “Áo khoác đó (gọi là khirka) đối với chúng tôi là một biểu tượng ái hữu là dấu hiệu chia sẻ cùng một văn hóa tinh thần, thực hiện cùng một phong tục”.
Đón nhận chiếc áo dòng, như trên đã nói không làm nên thầy tu nhưng để ý thức rằng từ nay người ứng sinh không thuộc về mình nữa mà thuộc về Thiên Chúa và cộng đoàn mà mình hiến thân. Chiếc áo mang dấu chỉ tách riêng, ở giữa thế gian mà không thuộc về thế gian. Đó cũng là dấu chỉ của đời sống khiết tịnh vì Nước Trời mang theo trong sứ vụ của mình đón nhận. Cử chỉ mặc chiếc áo đã lãnh nhận, tượng trưng cho việc rút về với bản thân và với Chúa, việc tách mình một biểu lột một ý chí dứt khỏi những ràng buộc của thế gian và các cám dỗ của nó, kèm theo đó biểu lộ sự trút bỏ những đam mê dục vọng, vật chất theo bản năng cố hữu của con người. Mặc áo khoác, đó là cử chỉ lựa chọn đức Hiền minh (áo khoác của nhà hiền triết). Đó cũng là đảm nhận một phẩm tước, một chức trách, một vai trò mà chiếc áo là biểu trưng.
Chiếc áo không làm nên thầy tu, nhưng người mặc nó lại cần ý thức rằng chiếc áo luôn là dấu chỉ cuộc đời đã hiến dâng. Khi thánh Martino cắt cho một người nghèo nửa chiếc áo khoác của mình, điều đó có nhiều ý nghĩa hơn là một món quà vật chất: cử chỉ này tượng trưng cho lòng bác ái yêu thương. Cuộc đời hiến dâng mang một ý nghĩa xác lập sâu đậm, hiến dâng không chỉ để cho riêng mình mà biểu lộ tinh thần của Thập Giá khi xưa Đức Giêsu đã thực hiện: Con tự hiến thánh Con, để họ cũng được hiến thánh trong chân lý và sự thật” (Ga 17, 19), Hiến dâng vì phần rỗi của anh chị em, nghĩa là xé ngay cả chiếc áo mình đang mặc để chia sẻ cho những anh chị em nghèo khó ở trong nghĩa tinh thần và vật chất. Bác ái yêu thương của người mang áo sẻ chia là hình ảnh của tấm bánh bẻ ra cho mọi người.
Vị linh mục, ngoài chiếc áo mình mặc là tu phục, khi dâng Thánh lễ còn mang một chiếc áo lễ bên ngoài. Chiếc áo lễ này có một ý nghĩa rất đặc biệt. “Từ hình thức của một áo lễ, người ta đọc thấy ý nghĩa biểu trưng: Áo Lễ, là một áo không tay, có hình tròn được khoét lỗ ở trên đỉnh gợi liên tưởng tới mái vòm bát úp, nhà lều, nhà tranh hình tròn với một lỗ hở thay ống dẫn khói từ lò sưởi. Người ta có thể nhìn thấy ở đây một biểu tượng của sự thăng thiên và của thiên giới.
Người linh mục khoác áo lễ choàng ngoài như thế, khi dâng lễ, đứng như ở trung tâm vũ trụ, được đồng nhất với trục thế giới, cái áo choàng của ông ta là cái vòm trời, còn đầu ông thì nhô vào nơi Thiên Chúa ngự trị, thân mình ông gắn với đất nơi mà ông đại diện trên mặt đất”[2].
Chiếc áo thầy tu mang nhiều ý nghĩa sâu đậm, ước mong gì đời hiến dâng của mỗi người hiến dâng luôn cảm nghiệm sâu xa về những gì mình đã đón nhận, để cuộc đời hiến dâng này luôn làm toả sáng ý nghĩa của chiếc áo mình đã lãnh nhận.
Giống như chiếc áo cần được giặt vì những bụi đường là lấm lem bụi đất, xin Chúa giặt lại cuộc đời của con những ý nghĩa của chiếc áo tinh khôi từ ngày con lãnh nhận và ngày làm cho tinh tuyền hơn với ý nghĩa của nó.
Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây