TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tâm sự của Giọt Nước Mắt Chúa Giêsu

Thứ năm - 09/06/2022 19:37 | Tác giả bài viết: Giuse Hạt Bụi Tro |   996
Hạt suy tư ĐỂ KHÍCH LỆ NIỀM TIN vào Chúa Giêsu và cuộc sống
Tâm sự của Giọt Nước Mắt Chúa Giêsu

TÂM SỰ CỦA GIỌT NƯỚC MẮT ĐÃ LĂN TRÊN GÒ MÁ CHÚA GIÊSU
Hạt suy tư ĐỂ KHÍCH LỆ NIỀM TIN vào Chúa Giêsu và cuộc sống

Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó.
Nhưng can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian.”
(Ga 16,33)

Tôi là giọt nước mắt của Chúa Giêsu. Tôi đã được diễm phúc sống nơi “cửa sổ tâm hồn” của Chúa Giêsu suốt thời gian Ngài nhập thể làm người để cứu độ nhân loại. Suốt hai ngàn năm qua, chẳng ai nhớ đến tôi. Ai cũng nghĩ tôi là một vật vô tri, không cảm xúc, nhưng đâu phải như thế. Dẫu cho chỉ là một giọt nước mắt nhưng tôi không phải là giọt nước mắt bình thường đâu nhé. Tôi là giọt nước mắt “thánh”, vì tôi là “của thánh”, thuộc trọn về Đấng thánh là Chúa Giêsu, Đấng cứu độ duy nhất của trần gian.

Tôi may mắn được chứng kiến trọn hành trình dương gian của Con Thiên Chúa, từ khi cất tiếng khóc chào đời, tới lúc trút hơi thở cuối cùng trên thập giá. Tôi được chia sẻ mọi khoảnh khắc vui buồn sướng khổ trong cuộc đời của Ngài. Đó là diễm phúc, nhưng cũng là nỗi đau riêng của tôi. Nào ai hiểu được! Mỗi lần tôi lăn trên gò má Chúa Giêsu là mỗi lần Ngài đang thổn thức và khóc trong tâm hồn, vì yêu nhân thế.

Ngày Chúa Giêsu cất tiếng khóc chào đời cũng là ngày sinh nhật của tôi. Ngày đó, hài nhi Giêsu đã khóc. Bạn có biết ý nghĩa của những giọt nước mắt đó không? Nhiều người thắc mắc tại sao khi sinh ra con người lại khóc? Có phải vì họ sắp bước vào cuộc đời - là “bể khổ” không? Hay đơn giản, chỉ vì họ bị sặc nước vào phổi khi thở hơi thở đầu tiên trên dương gian? Tôi không biết, nhưng tôi biết Chúa tôi khóc vì hạnh phúc. Ngài khóc vì cuối cùng đã tới giờ được thực hiện chương trình cứu độ mà Chúa Cha đã hoạch định từ thuở ban đầu. Ngày hạ sinh là ngày đầu tiên Ngài bắt tay vào thực hiện kế hoạch đó. Ngài khóc vì niềm vui đấy!

Năm mười hai tuổi, sau khi tham dự lễ hội tại Giêrusalem, Chúa Giêsu không về ngay, mà ở lại Đền Thờ để làm công việc của Chúa Cha. Cha mẹ đã phải mất tới ba ngày vất vả tìm kiếm mới thấy Ngài tại Đền Thờ. Hai đấng thánh đã rất lo lắng tới rơi lệ vì sợ mất con, vì lo đủ điều. Ai đã từng lạc mất con trong đám đông mới hiểu được bao nhiêu cái lo, cái sợ của người làm cha mẹ. Mẹ Maria đã khóc. Thánh Giuse thì không nói nên lời, chỉ biết thinh lặng cầm tay người bạn đời, và cùng nhau tìm kiếm.

Khi gặp nhau trong Đền Thờ, Chúa Giêsu không khóc. Tuy nhiên, khi nhìn thấy khuôn mặt đầy lo toan, với những giọt mồ hôi trên trán và những giọt nước mắt trên khóe mắt của cha mẹ, tâm hồn Ngài mủi lòng vì nỡ để cha mẹ như thế. Lúc đó, tôi cũng ở trên khóe mắt của Ngài, nên tôi thấy rõ cảnh tượng ấy. Chúa Giêsu cũng đau lòng lắm chứ, nhưng biết làm sao được! Ngài chấp nhận phó thác gia đình cho Chúa Cha, để thực hiện kế hoạch mà Chúa Cha đã dành riêng cho Ngài.

Sau lần đó, không khi nào Ngài làm cha mẹ phiền lòng nữa. Càng lớn lên, Ngài càng thêm khôn ngoan và ân nghĩa với Thiên Chúa và người ta. Cha mẹ Ngài hài lòng lắm. Còn tôi thì khỏi phải nói, tôi hạnh phúc không kém gì các ngài.

Bạn thân mến,

Có rơi lệ khi đau khổ thì mới biết tạ ơn khi bình an, hạnh phúc. Mỗi khoảnh khắc trong đời đều có giá trị riêng của nó, phải không? Nếu đã từng làm cha mẹ rơi lệ vì bạn, hãy làm gì đó để chuộc lỗi, để thể hiện tình yêu và lòng biết ơn của bạn với các ngài: một cuộc gọi, một tin nhắn, một món quà nhỏ, hay một chuyến về thăm gia đình… bấy nhiêu thôi cũng đủ để xóa đi những giọt nước mắt chảy ngược nơi khóe mắt của cha mẹ, vì sự thờ ơ và bất hiếu bấy lâu nay của bạn.

Ngoài các môn đệ, Chúa Giêsu cũng có những người bạn thân là ba chị em: Marta, Maria và Ladarô. Khi Ladarô chết, Chúa Giêsu rất chủ động và biết sẽ phải làm gì. Tuy nhiên, Ngài đã thổn thức trong lòng và xao xuyến, rồi Ngài khóc (x. Ga 11,33-35). Cái khóc rất con người. Lạ thay, Ngài là Chúa mà cũng đau khi mất mát người thân như chúng ta.

Ngày hôm ấy tôi cũng đau, và rồi, tự nhiên tôi trào ra như thể muốn khỏa lấp nỗi buồn của chị em Marta và Maria. Và, khi gọi anh Ladarô sống lại từ cõi chết, Ngài gạt tôi qua một bên, để nhường chỗ cho những giọt nước mắt của hạnh phúc, của niềm vui đoàn tụ với Ladarô, người trở về từ cõi chết. Ngày ấy, Ngài khóc vì niềm vui phục sinh cho người bạn thân Ladarô.

Khi tiến vào Giêrusalem, vừa trông thấy thành, Chúa Giêsu lại khóc (x. Lc 19,41). Cái khóc của một Người/Chúa quá yêu số phận con người, nhưng đáng buồn thay, họ không đón nhận Ngài mà cứ mải mê theo đuổi một lý tưởng nào đó, ngoài Thiên Chúa. Họ không biết giờ Con Thiên Chúa đến viếng thăm. Họ không biết rằng không có Chúa thì mọi thứ sẽ hoang tàn. Họ không biết, nhưng chúng ta biết: không có Chúa, sớm muộn gì đời ta cũng sẽ hoang tàn như thành Giêrusalem đổ nát mà thôi.

Khi bị treo trên thập giá, Chúa Giêsu đau lắm: đau vì cái đau thể xác thì ít, mà khổ vì cái đau trong tâm hồn thì nhiều. Nhìn Mẹ Maria đứng đó lặng thinh, nhìn các môn đệ bỏ chạy - trốn đâu mất hết, nhìn dân Do-thái chối bỏ, nhìn dân ngoại đóng đinh và sỉ vả… Ngài thổn thức và ứa lệ trong lòng.

Tôi cũng đau với Ngài, cái đau bị chối bỏ và loại trừ. Tuy nhiên, dầu có phải chết, Chúa tôi vẫn hạnh phúc vì yêu. Chưa bao giờ Ngài nhìn đời, nhìn người với ánh mắt cay đắng hận thù. Chưa bao giờ tôi có cảm giác gì như thế. Tôi cũng đau khổ vì yêu, khi chứng kiến người ta phản bội hoặc không đáp trả cân xứng tình yêu của Ngài.

Nếu đã yêu ai đó thật lòng, bạn mới hiểu được cảm giác của Chúa Giêsu và cũng là cảm giác của tôi. Khi yêu ai, Chúa Giêsu yêu trọn vẹn bằng chính con người của Ngài, nên khi không được đáp trả thì tình yêu ấy trở nên khập khiễng. Cái khập khiễng ấy tạo ra nỗi đau. Càng bị chối bỏ và lãng quên thì nỗi đau càng lớn. Thế nhưng, chưa bao giờ Ngài đánh mất hy vọng nơi những người Ngài đã yêu thương. Ngài yêu và cứ tiếp tục cho đi tình yêu, cho đi chính bản thân Ngài, không biết mệt mỏi. Ngày ngày, Ngài mong ngóng một lời cảm ơn, một lời xin lỗi, và hy vọng sự hoán cải trở về của bạn…

Bạn thân mến,

Tôi không biết bạn đang trải qua điều gì, nhưng Chúa Giêsu biết rõ điều đó. Chúa Giêsu khóc bởi vì Ngài hiểu và cảm nhận được nỗi đau đớn, phiền muộn của bạn. Ngài không coi thường hay gạt bỏ cảm giác của bạn, đơn giản vì Ngài biết cách giải quyết những vấn đề đó. Ngài không ở trời cao thăm thẳm để yêu và để hiểu con người, nhưng đã sinh ra làm người, để có thể đi cùng bạn và để có thể cảm nhận được những thời điểm mà bạn cảm thấy tổn thương sâu sắc nhất. Hãy tin tưởng nơi Ngài!

Tôi không biết bạn đang trải qua điều gì, nhưng Chúa Giêsu biết rõ điều đó. Tôi không biết giải quyết vấn đề của bạn ra sao, nhưng Chúa Giêsu biết rõ vấn đề của bạn. Tôi không biết bạn đang cảm thấy thế nào, nhưng Chúa Giêsu biết rõ cảm giác của bạn. Dù đó là gì, Chúa đã có sẵn một chương trình cho riêng bạn. Ngài cùng đi với bạn và cảm nhận những gì bạn cảm nhận. Ngài cùng khóc với nỗi đau của bạn. Ngài không hề chậm trễ; và rồi đây, bạn sẽ thấy những gì đã “chết” trong cuộc sống của bạn sẽ được Ngài cho sống lại; và rồi đây, Chúa Giêsu sẽ vui mừng với bạn. Hãy tin tưởng nơi Ngài!

Nếu bạn đang cảm thấy đau đớn, phiền muộn vì một điều gì đó, vì sự chết của người thân, sự “chết” của một mối quan hệ, sự “chết” của công việc làm ăn, hay bất kỳ cái chết nào khác, hãy nhớ rằng Chúa Giêsu đang cùng đi với bạn và Ngài cảm nhận được nỗi đau của bạn. Ngài khóc với bạn, vì Ngài yêu bạn. Hãy tin tưởng nơi Ngài!

Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó.
Nhưng can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian.”
(Ga 16,33).

Giuse Hạt Bụi Tro

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây