Dấu Thánh Giá là điểm bắt đầu cho mọi công việc, cử hành và giờ kinh. Dấu Thánh Giá được Tertulliano ghi lại khoảng thế kỷ thứ 2. Vào thế kỷ thứ 13, trong Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp, miệng đọc thêm lời: Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần. Vừa tuyên xưng mầu nhiệm tử nạn và vừa tuyên xưng Ba Ngôi Thiên Chúa`
Dấu Thánh Giá ghi nhận cuộc tử nạn phục sinh của Chúa trên cuộc đời mỗi người và tuyên xưng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi trong hành trình trần thế chúng ta.
Dấu trên trán ghi nhận: Nhân Danh Cha, khởi đầu cho một Tình Yêu tuyệt đối. Yêu thương con người từ khai nguyên, đưa con người hiện diện trong hoàn vũ và cai quản mọi thụ tạo đã được Chúa dựng nên. Con người đã sa ngã vì pham tội bất tuân, muốn mình bằng Thiên Chúa. Tội lỗi phá huỷ con người làm con người phải đau khổ và phải chết. Dù rơi vào tiêu vong như thế, Chúa Cha cũng không bỏ rơi con người, Chúa Cha đã: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.” (Ga 3, 16 – 17).
Tình yêu Chúa Cha trao ban Người Con (Ngôi Hai) xuống thế làm người chịu chết, như thế gọi là Tinh Yêu phó nộp.
Cha phó nộp Con, đó là tình yêu cho đi đến tận cùng, Thánh Gioan trình bày “yêu cho đến nỗi”. Không ban gì hơn “Người Con Toàn Năng, hằng có” xuống thế làm người. Giả sử như chúng ta có yêu thương con mình trao cả trái tim cho con mình được sống đi chăng nữa, cũng chỉ cứu được một người con và hiến tạng cho nhiều người khác chăng nữa, vẫn là con số giới hạn ít ỏi. Con người vốn giới hạn nên không thể cho tất cả mọi người sự sống mình. Thiên Chúa Toàn Năng khi chịu phó nộp cho con người, người đón nhận giới hạn của con người để mở ra vô hạn đến với Thiên Chúa. Con đường xem ra nhọc nhằn trong Tình Yêu Phó Nộp. “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?” (Rm 8, 31).
Thông thường, trong lẽ tự nhiên, để chuộc lỗi cần có của lễ đền tội. Như con người chúng ta, mỗi khi làm buồn lòng nhau cách nặng nề, khi xin được thứ lỗi cũng cần mua ít trái cây hay món gì đó đến để chuộc lỗi. Hay trên bình diện toà án pháp lý, khi xử có tội, bị cáo còn phải nạp số tiền nào đó cho người bị hại. Tình Yêu toàn năng cũng là tình yêu mang nặng khổ đau không cùng trong tình yêu phó nộp. Cha phó nộp Con, để Con như là hy lễ khi mang lấy những khổ đau của con người: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta.” (1Ga 4, 10).
Con tự phó nộp con cho Cha. Có phải người đời trao nộp Chúa Giêsu cho phiên toà án tử? Không chính Chúa Giêsu phó nộp mình cho thế gian. “ Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.” (Ga 17, 19). Chúa Giêsu mang lấy khổ đau của chúng ta: “Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Ga 2, 20). Người chết thay cho từng người chúng ta, pho nộp vì chúng ta, đó là tình yêu “Con tự phó nộp Con”. Tận cùng của tự phó nộp trên cây Thánh Giá: "Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?" (Mc 15, 34). Theo ý nghĩa của lễ vật hy sinh, lễ vật toàn thiêu, khi dâng mình phó nộp đời sống mình, đời sống đó không còn thuộc về mình nữa, của lễ không còn là của mình, mà của lễ thuộc về Thiên Chúa. Chúa Giêsu dâng mình trên Thánh giá, không còn thuộc về mình nữa, đó là giây phút cô đơn tột cùng vì mất chính mình. Chúng ta có kinh nghiệm phần nào cô đơn ấy, khi vào phòng mổ lấy mất đi phần nào nội tạng, ra khỏi phòng mổ, tỉnh lại tự nhiên cảm thấy cô đơn, khó chia sẻ nỗi cô đơn ấy cho người khác. Hay nhẹ hơn khi mình mất đi người mình thương mến, nỗi cô đơn như đang điên đang dại người đi trong đau khổ.
Con tự nộp Con như dấu Thánh Giá, chúng ta đưa tay xuống ngực khi đọc Nhân Danh Cha “và Con”. Đó là mầu nhiệm tự hạ, Thánh Phaolô diễn tả: “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (Ga 2, 8). Vâng phục là tự phó nộp chính mình cho Thiên Chúa, như Mẹ Maria “Xin vâng” để tuỳ thuộc vào Thiên Chúa. Đời sống thánh hiến cũng theo ý nghĩa đó, để khi khấn hứa,sẽ thuộc về Thiên Chúa, không còn thuộc về mình nữa. Họ được trao phó cho một cộng đoàn, một giáo xứ, một hội dòng để dấn thân trong ơn gọi thánh hiến.
Chúa Thánh Thần, khi ghi dấu thánh Giá bên phải và bên trái đưa ngang vai, băng qua trái tim, biểu lộ tình yêu phó nộp. Thánh Gioan viết: “Thế là đã hoàn tất!" Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí.” (Ga 19, 30) Chúa Thánh Thần đón nhận sự phó nộp của Chúa Giêsu để dâng về Chúa Cha trong thân xác con người Chúa Giêsu. Như xưa Chúa Thánh Thần thở hơi vào lỗ mũi con người bụi đất, con người nên sống động. Nay Chúa Giêsu trao lại cho Chúa thánh Thần hơi thở nhân loại đã chết ấy, chính Chúa Thánh Thần ban lại sự sống mới cho Chúa Giêsu và qua Chúa Giêsu cho nhân loại sự sống mới.
Chúa Thánh Thần ban cho con người trái tim mới, một trái tim yêu thương, một lòng yêu mến mới để canh tân lòng trí. Ngoài ra, khi dấu Thánh Giá được ghi bên phải và bên trái ngang vai. Chúa Thánh Thần là hơi thở mới trong lá phổi phải và trái. Làm tròn đầy sức sống mới, để luôn được sống dồi dào, phong phú, mạnh khoẻ, và tươi vui. Hít thở trong Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta được bình an và tươi vui.
Trong mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, một trong những nhãn quan lịch sử cứu độ: Chúa Cha là Tình Yêu, Chúa Con là Tình Yêu phó nộp, Chúa Thánh Thần là sức mạnh Tình Yêu. Sức mạnh của Tình yêu, thúc đẩy Chúa Giêsu tự phó nộp trong sự chết, và để nhờ Chúa Giêsu nhân loại sống lại trong sự sống mới. “Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Ki-tô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống.” (Dt 9, 14).
Dấu Thánh Giá chúng ta cử hành hằng ngày trên trán tim và bên vai phải và trái chúng ta, cùng lời chúng ta đọc: Nhân Danh Cha, và Con, và Thánh Thần. Amen! Chỉ dạy cho chúng ta hai mầu nhiệm quan trọng: Tử nạn Phục sinh và Thiên Chúa Ba Ngôi. Một cử hành thường xuyên để xin Ba Ngôi Thiên Chúa qua mầu nhiệm Chúa Giêsu chịu chết và sống lại. Nhờ Chúa Thánh Thần chúng ta cũng được cùng chết với Chúa Giêsu với tội lỗi của chúng ta, để sống lại trong sự sống mới mỗi ngày, nên hoàn hảo hơn như Cha trên trời mời gọi.
Lm Giuse Hoàng Kim Toan