Chiên giữa bầy sói
Sự quan tâm nào của bầy sói với chiên? Thực chất của sói đi tìm chiên là tìm thức ăn cho đầy bụng sói. Chúa Giêsu lại sai các môn đệ “Chiên vào giữa sói” (Lc 10, 3), không phải để cho sói ăn thịt chiên mà để chiên mang an bình đến giữa bầy sói. Chiên và sói là biểu tượng của những con người môn đệ và những con người thế gian.
Trước tiên, sói có thể đội lốt như chiên, Chúa Giêsu nói: "Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi.” (Mt 7, 15). Đây là mối nguy không từ bên ngoài mà từ bên trong phá hoại sự an bình trong đàn chiên. Thật khó khám phá ra sói đội lốt chiên này, vì sự che giấu tinh vi, đến nỗi không ngờ tới.
Không chỉ có những sói thật đội lốt chiên mà sự xấu tấn công ngay những con người hiền lành từ bên trong, biến họ thành sói. Muốn trở thành người môn đệ chân chính cần sống trung tín, hoán cải từng ngày, nhờ ơn Chúa, tẩy sạch những giả hình, đội lốt, sống cuộc sống chân thành, ngay thẳng.
Giáo lý truyền đạt lành mạnh không lý thuyết dông dài hoặc đưa những minh chứng thiếu chuẩn xác, có nguy cơ lạc lối cho người nghe. Thánh Phaolô khuyên dạy: “Lời truyền dạy đó phải nhằm đưa tới đức mến phát xuất từ tâm hồn trong sạch, lương tâm ngay thẳng và đức tin không giả hình. Vì đi trệch đường lối ấy, một số người đã sa vào tật nói rỗng tuếch” (1Tm 1, 5 – 6). Chiên giữa sói có nghĩa là lấy gương lành, đạo lý chân thật, đời sống đức tin mạnh mẽ để thuyết phục được sói rừng. Điều này không dễ, nếu chiên không sống đời sống cầu nguyện, đào sâu đức tin, giáo lý như thanh gươm cầm chắc trong tay để thuyết phục.
Ngày nay sói đội lốt chiên dễ dàng chiếm được những con chiên khờ dại để ăn thịt. Ta hãy theo lời khuyên của Thánh Phêrô: “ Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự” (1 Pet, 5, 8 – 9)
L.m Giuse Hoàng Kim Toan