Cho đi và không nhận lại
Ý nghĩa của lời nói “Cho đi mà không mong nhận lại” mang một thông điệp sâu xa. Những ước muốn không nhận lại chỉ ra rằng cho đi không vụ lợi, không tính toán với những đen tối của lòng. Chúa dạy cách cụ thể khi cho đi: “Nhận nhưng không hãy cho nhưng không” (Mt 10, 8).
Cho đi như đã nhận được, với ta ân sủng Chúa ban dư đầy. Chúa ban cho không chỉ cho ta mà còn qua ta đến cho người khác. Giống như chiếc máng nước chảy, đưa nước nguồn nhận được đến một chỗ khác. Những gì cho ta được dùng đủ cho ta, không mưu lợi từ những gì nhận được hay cho đi. Bởi vì khi tính toán mưu lợi cho đi ta sẽ phân vân được gì và mất gì cho ta. Cho đi nhưng không là một cách đáp lại ân tình của Chúa đã ban cho ta nhưng không.
Rất khó trong việc cho đi nhưng không. Khó bởi vì ta được dạy trong đời sống những hơn thiệt, những lợi ích cá nhân, những mưu cầu sinh lợi khi cho đi. Cho đi mà không đòi nhận lại có lẽ chỉ trong lý thuyết nhiều hơn khi thực hành, nếu không tập sống quảng đại thật sự. Cần có lòng quảng đại với những thói quen sống điều tốt hơn, khi cần nhịn nhường, khi phục vụ thiện nguyện với lòng yêu thương. Từ những việc làm quảng đại dẫn tới những việc cho đi mà không nhận lại.
Tại sao Chúa lại dạy: “Khi ông đãi tiệc, Hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc” (Lc 14, 13 – 14). Đó là điều thực hành như cách cha mẹ trao cho con của mình một cách nhưng không, hoặc như cách người đã giúp ta cách âm thầm mà ta chẳng hay biết.
Có rất nhiều tấm lòng quảng đại, nhất là khi ta nhận được món tiền lớn lao từ nơi họ đóng góp cho việc chung, mà ta tự tra vấn: “Tại sao họ có lòng quảng đại lớn lao như vậy, còn ta thì không?”
Lúc nào nhận được sự cho không của người khác, ta vẫn thấy ta còn nhiều ích kỷ. Xin Chúa giúp ta sống quảng đại hơn.
L.m Giuse Hoàng Kim Toan