TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Mùa Vọng – Năm C

“Mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. (Lc 3, 1-6)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

7 Ước Nguyện cho Người Nghèo

Thứ ba - 05/11/2024 03:49 | Tác giả bài viết: Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB |   237
Ước gì Hội Thánh biết “chạnh lòng thương” như Đức Kitô, khi thấy đám đông đang đói
7 Ước Nguyện cho Người Nghèo

ƯỚC NGUYỆN CHO NGƯỜI NGHÈO


1. Ước Gì Chúng Ta Biết Cho Kẻ Đói Ăn: Trong con người chúng ta, tinh thần và vật chất không phải là hai bản tính được nối kết lại, nhưng, sự kết hợp của chúng tạo thành một bản tính duy nhất, mỗi linh hồn thiêng liêng được Chúa trực tiếp tạo dựng, chứ không phải do cha mẹ chúng ta sản sinh. Linh hồn thì bất tử, không hư mất khi lìa khỏi xác trong giờ chết, và sẽ tái hợp trở lại với thân xác trong ngày phục sinh cánh chung. Tuy nhiên, khi còn sống trong trời đất này, chúng ta cần phải ăn uống để nuôi dưỡng thân xác, nếu không, chúng ta sẽ không thể tồn tại. Ước gì Hội Thánh biết “chạnh lòng thương” như Đức Kitô, khi thấy đám đông đang đói, và biết nhanh chóng làm theo mệnh lệnh của Người: “Hãy cho họ ăn”, để tất cả mọi người có được lương thực hằng ngày, và không một ai phải chết vì đói.

2. Ước Gì Chúng Ta Biết Cho Kẻ Khát Uống: Dù chỉ một chén nước lã, Chúa cũng không quên. Chúa  không chỉ đồng hóa bản thân Người với những ai đang khát bỏng khi nói “Ta khát, các ngươi đã cho uống”, mà chính bản thân Người cũng đã trải nghiệm cơn khát dữ dội nơi thân xác của Người, khi bị treo trên Thánh Giá, nhưng,“thay vì đồ ăn, chúng trao mật đắng; con khát nước, lại cho uống giấm chua”. Nước trong Bí Tích Rửa Tội là biểu tượng nước chảy ra từ cạnh sườn của Chúa trên Thánh Giá, và Hội Thánh được sinh ra từ đấy; xưa Chúa cũng đã hứa cho người phụ nữ Samaria nước hằng sống, ước gì Hội Thánh biết làm thỏa mãn những cơn khát của con người hôm nay, để khi thỏa mãn được những cơn khát thiết yếu của đời sống thể xác, tất cả mọi người sẽ chỉ còn một nỗi khát khao: tìm kiếm một mình Chúa mà thôi.
 
3. Ước Gì Chúng Ta Biết Cho Kẻ Rách Rưới Ăn Mặc: “Trần truồng” là hậu quả của tội lỗi, như khi Ađam và Eva ăn trái cấm, thì thấy mình trần truồng. Trần truồng là một nhục hình, không xứng với phẩm giá con người. Ước gì Hội Thánh luôn hướng tới lời mời gọi “cho kẻ rách rưới ăn mặc”, giúp cho họ có được y phục xứng với nhân phẩm, đồng thời an ủi, nâng đỡ họ, mặc cho họ những chiếc áo tình thương, khi chúng ta không có áo xống để san sẻ, bởi vì, ngoài những người bị “trần truồng” vì không có áo mặc, còn có những người “trần trụi” vì không có bạn bè hay gia đình, họ bị bỏ rơi, bị lãng quên. Họ là những nạn nhân bị lột sạch, bị đánh nhừ tử, nửa sống nửa chết, mà Chúa muốn chúng ta chia sẻ cho họ những gì xứng với nhân phẩm, chứ không phải cho những thứ chúng ta muốn bỏ đi, để việc “cho kẻ rách rưới ăn mặc” của chúng ta, không xúc phạm đến phẩm giá cao quý của họ.
 
4. Ước Gì Chúng Ta Biết Viếng Kẻ Liệt Cùng Kẻ Tù Rạc: Chữ “tù” luôn đi đôi với cụm từ “mất tự do”, nhưng, chữ “tù” không bao giờ giam hãm được lòng thương xót và nhân ái. Đó chính là tinh thần của Đức Kitô, Đấng đang hiện diện sống động trong các tù nhân, như chính Chúa đã nói: “Ta ngồi tù, các ngươi đến thăm viếng”. Khi bị tù đày, dù bất cứ vì lý do nào, con người cũng cảm thấy bị tủi nhục, bị tước mất quyền lợi chính đáng của mình. Ước gì Hội Thánh luôn biết thăm viếng những con người không còn có thể bày tỏ sự tự do như những người bình thường khác, giúp họ thăng tiến và tạo điều kiện thuận lợi, để tất cả mọi người được sử dụng tự do chính đáng của mình, mà làm triển nở đời sống cá nhân, gia đình và xã hội, để không một ai bị mặc cảm tội lỗi nhận chìm trong những thất vọng đau thương.

5. Ước Gì Chúng Ta Biết Cho Khách Đỗ Nhà: Trong thế giới hiện nay, khi vẫn còn những bất bình đẳng nghiêm trọng giữa các nước giàu và các nước nghèo, thì việc nhập cư của nhiều người, để tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn, ngày càng gia tăng. Họ là những người đến từ những khu vực kém may mắn trên thế giới, và việc họ di cư đến các nước đã phát triển, thường bị coi là sự đe dọa cho mức sống cao, mà các nước ấy đã đạt được, nhờ nhiều thập niên kinh tế phát triển. Ước gì Hội Thánh biết quan tâm đặc biệt đến các vấn đề của dân nhập cư, để ngăn chặn việc khai thác các lao động nước ngoài cách bất công, không cho họ hưởng cùng một quyền lợi, như những người trong nước, những quyền lợi mà đáng ra, phải được bảo đảm cho hết mọi người không phân biệt. Chúng ta cũng có thể “cho khách đỗ nhà” bằng cách tổ chức và điều phối việc nhập cư theo các tiêu chuẩn công bình, đây là một trong những điều kiện cần thiết để bảo đảm cho những người nhập cư được hội nhập vào xã hội với những bảo đảm cần thiết, để phẩm giá của họ được tôn trọng.

6. Ước Gì Chúng Ta Biết Chuộc Kẻ Làm Tôi: Mỗi người đều được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa và đã được Đức Kitô cứu chuộc, do đó, mỗi người là vô giá và đáng được tôn trọng như một thành viên của đại gia đình nhân loại. Không phải vì những điều chúng ta “làm” hay những gì chúng ta “có”, mà chúng ta được tôn trọng, nhưng là, chính việc chúng ta “là” con người, đã làm nên những phẩm giá đó. Được ban cho nhân phẩm, cho nên, con người không bao giờ bị xem như là những phương tiện, nhưng, phải được xem như là mục đích. Ước gì Hội Thánh biết không ngừng phản kháng: chống lại các chính sách nô lệ, để duy trì một sự bình đẳng giữa con người với nhau. Ước gì chúng ta nhìn thấy Chúa nơi những khuôn mặt của những người mà chính Chúa muốn tự đồng hóa với họ, để chúng ta có cùng một cảm nghĩ, và cùng một chọn lựa như Chúa.
 
7. Ước Gì Chúng Ta Biết Chôn Xác Kẻ Chết: Ông Tôbia nói rằng: “Nếu thấy ai trong số đồng bào tôi chết và bị quăng thây ra phía sau tường thành Ninivê, thì tôi chôn cất người đó” (Tb 1,17). Lời của ông Tôbia làm cho chúng ta nhớ lại hình ảnh của mẹ Têrêsa: Mẹ đã lo cho những người bất hạnh, yếu đau đang nằm chờ chết, được chết như là một con người, chứ không như những con vật, chết vất vưởng ở dọc đường, chẳng ai quan tâm tới. Thân xác của con người là công trình sáng tạo tuyệt vời của Thiên Chúa, nên Hội Thánh luôn khuyên nhủ con cái mình cần phải “chôn xác kẻ chết” bằng một nghi lễ trang trọng. Ước gì chúng ta ý thức rằng: khi sống tinh thần “chôn xác kẻ chết”, là lúc chúng ta cầu xin Chúa cho người vừa nằm xuống, và cũng là cho chính chúng ta, sau này có được một chỗ trên Thiên Đàng. Ước gì chúng ta biết trân trọng huyền nhiệm của sự chết nơi mỗi người, để chúng ta luôn biết chuẩn bị mình cho xứng đáng, khi ra trước tòa Chúa, trong ngày sau hết.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây