TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa -C

“Khi Chúa Giê-su đã chịu phép rửa và đang cầu nguyện thì trời mở ra”. (Lc 3, 15-16. 21-22)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa nhật 33 -Quốc tế Người Nghèo

Thứ ba - 05/11/2024 03:39 | Tác giả bài viết: Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB |   337
Chúng ta luôn tin rằng: khi tiếp xúc với những người nghèo đói, hèn mọn, bé nhỏ là chúng ta được tiếp xúc với chính Đức Kitô.
Chúa nhật 33 -Quốc tế Người Nghèo

CHÚA NHẬT XXXIII – QUỐC TẾ NGƯỜI NGHÈO


Thiên Chúa đã nhập thể làm người, mà lại còn, nhận lấy một thân phận thấp bé, bần cùng nhất. Chính vì thế, địa chỉ để đến với Thiên Chúa gần nhất, là đến với con người, nhất là những người hèn mọn. Đức Giêsu là Đấng không có nơi để tựa đầu, cho nên, Hội Thánh của Người chắc chắn, không thể không quan tâm đến những con người nghèo khổ, bất hạnh. Chúng ta luôn tin rằng: khi tiếp xúc với những người nghèo đói, hèn mọn, bé nhỏ là chúng ta được tiếp xúc với chính Đức Kitô. Câu chuyện về ngày chung thẩm đóng một vai trò rất quan trọng trong truyền thống đức tin Công Giáo.

Ngay từ thời sơ khai, Hội Thánh đã dạy rằng: chúng ta sẽ bị xét xử bởi những gì chúng ta lựa chọn: làm hay không làm liên quan đến những người đói khát, bệnh tật, vô gia cư… Ngày nay, Hội Thánh trình bày quan điểm này trong hạn từ “dành ưu tiên cho người nghèo”. Tại sao phải ưu tiên quan tâm đến người nghèo? Tại sao đặt nhu cầu của người nghèo trên hết? Thưa, bởi vì, đó là sự đòi buộc của công ích, tức là, lợi ích của toàn xã hội xét như là toàn thể.

Trái ngược với giàu sang và quyền lực là: nghèo đói và không có quyền hạn. Do đó, Hội Thánh của chúng ta phải chuyển hướng quan tâm ưu tiên về phía những người nghèo, bảo vệ những người đang bị ức hiếp, do không có quyền lực, đang bị lâm vào những tình cảnh hết sức bi đát. Nếu không làm như thế, thì sự cân bằng cần thiết để giữ cho xã hội phát triển cách bền vững sẽ bị bẻ gãy, và sẽ gây ra thiệt hại nghiêm trọng đối với toàn thể xã hội, cũng như Giáo Hội.

Ước gì chúng ta luôn nhớ tới lời tuyên bố long trọng của Vị Cha Chung khi ngài chọn danh hiệu Giáo Hoàng Phanxicô cho mình: “Ôi, tôi mong ước biết bao, có được một Hội Thánh nghèo và vì người nghèo”. Dĩ nhiên, ngài không muốn trở thành “bang chủ” của “cái bang”, hay muốn bần cùng hóa Hội Thánh, nhưng, ngài mong muốn: Hội Thánh sống tinh thần nghèo khó của Tin Mừng, và theo gương người Samaria nhân hậu, luôn sẵn sàng cúi xuống săn sóc cho bất cứ ai cần được giúp đỡ.

Khi chúng ta bắt gặp một người đang ngủ ngoài đường, trong đêm giá rét, ước gì chúng ta đừng nhìn người ấy như một sự phiền nhiễu, một kẻ vô tích sự, một vật cản, trên đường chúng ta đi, hay như một cảnh tượng chướng mắt, một vấn đề, để các nhà chức trách khảo sát, hay thậm chí, như một thứ rác rưởi: làm bừa bộn nơi công cộng.

Khi chứng kiến những cảnh đời như thế, ước gì chúng ta biết đáp lại với cả lòng tin và lòng mến, để nhìn nhận nơi người ấy là một con người với phẩm giá giống như chúng ta, một hình ảnh của Chúa, một người anh chị em của mình, ước gì chúng ta biết rước họ vào nhà, vào trong tâm hồn mình, như Chúa hằng luôn tiếp rước chúng ta. Ước gì được như thế!

Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây