TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đây! Con Người đã đến…

Thứ ba - 11/05/2021 22:20 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   770
Đây! Con Người đã đến…

Đây! Con Người đã đến…

Chúng ta đang ở trong những ngày cuối cùng của năm Phụng Vụ 2012. Có lẽ không ít người trong chúng ta nghĩ rằng “Ồ! Lại sắp đến ngày kỷ niệm mừng Chúa Giáng Sinh”.

Với sự kiện Con Thiên Chúa đã đến thế gian lần thứ nhất, chúng ta đã quá quen thuộc về những hiện tượng đã xảy ra, nào là có một cô “trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”, nào là trong hang đá có Đức Maria và thánh Giuse cùng với vài con chiên quây quần bên hài nhi Giêsu, nào là có ngôi sao lạ dẫn đường cho ba nhà thông thái đến Belem để bái lạy Ngài, rồi có những trẻ mục đồng cùng với muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng vinh danh Thiên Chúa v. v…

Thế nhưng, với sự kiện Con Thiên Chúa sẽ đến thế gian lần thứ hai! Thành thật mà nói, chúng ta ít quan tâm đến nếu không muốn nói là thờ ơ “que sera sera!”…

Những hiện tượng nào sẽ xảy ra! Sẽ có những biến cố nào xoay quanh sự quang lâm của Đức Giêsu? Vâng, đối với các môn đệ, đó là điều quan trọng mà các ông rất cần biết và các ông đã đến gặp Đức Giêsu để hỏi Ngài.

***
Chuyện đã được tông đồ Maccô ghi lại rằng, hôm đó, lúc Đức Giêsu ngồi trên núi Ôliu, đối diện với Đền Thờ thì bốn người môn đệ là các ông Phêrô, Giacôbê, Gioan và Anrê đã đến bên Đức Giêsu.

Ba năm theo Thầy Giêsu, có thể nói rằng, chưa có lúc nào mà các ông lại mang tâm trạng buồn hiu hắt buồn như hôm đó.

Làm sao không buồn cho được khi mà Thầy Giêsu đã đưa ra những lời cảnh báo nhuốm đậm hình ảnh tang thương và chết chóc… Nào là “Anh em hãy coi chừng kẻo bị người ta lường gạt… Nếu có ai bảo anh em: này Đấng Kitô ở đây! Kìa, Đấng Kitô ở đó!... đừng có tin”. Và có tang tóc không kia chứ! Khi mà “trong những ngày đó, sau cơn gian nan ấy, thì mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không có chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển” v. v… (Mc 13,  24-25).

Người ta thường nói, nỗi buồn càng dấu kín càng thêm buồn khổ. Chính vì thế, để dịu bớt đi nỗi buồn tang thương đó, các ông gặp Đức Giêsu và đã thổ lộ với Người bằng một câu hỏi rằng “Xin Thầy nói cho chúng con biết bao giờ các sự việc ấy  sẽ xảy ra, và khi sắp đến hồi chung cục, thì có điềm gì báo trước?” (Mc 13, 4).

Và quả thật, sau lời thổ lộ đó, qua thí dụ về cây vả, Đức Giêsu đã giải tỏa nỗi buồn hiu hắt của các ông. Hình ảnh nắng hạ với những cành cây “xanh tươi và đâm chồi nẩy lộc” không chỉ xứng hợp để so sánh với ngày “Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến” (Mc 13, 28) mà còn như một lời nhắc lại cho các môn đệ điều  Đức Giêsu đã nói với các ông trước đó rằng  “lúc đó, Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho tới cuối chân trời”! (Mc 13, 27)

Thật ra, đó cũng chỉ là những “hiện tượng”. Điều quan trọng mà Đức Giêsu muốn nhắn nhủ các ông, đó chính là niềm tin.

Vâng, kết thúc buổi trò chuyện với các môn đệ, Đức Giêsu đã nhắn nhủ các ông rằng “Trời đất sẽ qua đi, nhưng những  lời Thầy nói sẽ chẳng qua  đâu” (Mc 13, 31)

Một phút tâm tình và suy tư

“Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua  đâu”.

Các môn đệ đã tin vào lời nói đó của Đức Giêsu. Niềm tin đó đã được đóng ấn bằng chính cái chết, cái chết “tử đạo” của ba trong bốn chàng ngự lâm, đầu tiên là Giacôbê, rồi đến Phêrô và sau đó là Andrê.

Riêng tông đồ Gioan, Ngài đã được Thiên Chúa cho thấy những kẻ đã được Người tuyển chọn “đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi nước, mọi chi tộc và  mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên” (Kh 7, 9)

Không ai có thể phủ nhận rằng, trong số những người thuộc “mọi dân, mọi chi tộc, mọi ngôn ngữ” đó, có cả ngàn người Việt Nam và đã có 117 vị chính thức được tôn phong hiển thánh mà hôm nay Giáo hội Việt Nam long trọng kính nhớ.

Đừng bao giờ yếu đuối mà nghĩ rằng, tôi chỉ là một giáo dân, thật khó để mà trở thành một “martyr” của Đức Giêsu. Hãy nhìn người giáo dân Phaolô Tống Viết Bường như là tấm gương mẫu mực cho đời sống đức tin của chúng ta.

Chuyện được kể rằng, khi nghe tin ông bị bắt nhiều giáo hữu đến thăm ông. Ông nói với họ: “Ðem cho tôi cái  gì nặng hơn nữa, vì xiềng xích của tôi còn nhẹ. Người ta chưa đánh đập tôi nhiều, tôi muốn người ta đánh tôi nhiều hơn nữa. Phúc được chịu khó vì Chúa.”. Những lời này cho thấy tâm trạng của người tù Phaolô Tống Viết Bường rất can trường, không chút sợ khổ hình vì Ðức Tin.

Đứng trước bạo quyền và bạo lực ai mà không sợ hãi! Đứng trước xiềng xích tù đày, ai mà không thối lui! Nhưng với Phaolô Tống Viết Bường thì nhờ “áo giáp đức tin” và “mũ chiến là niềm hy vọng”, ngài đã đánh bại tất cả, kể cả sự chết.

Thật vậy, khi đàn áp bằng đánh đập tàn nhẫn không có kết quả, các quan quay sang dụ dỗ. Ðích thân quan thượng thư Bộ Hình Võ Xuân Cẩn ra sức khuyến giục Tống Viết Bường nên chiều theo ý vua “bỏ đạo lúc này thôi rồi sau sẽ hay, muốn làm gì thì làm”. Tống Viết Bường trả lời khiêm tốn, nhưng cương quyết “Quan lớn có lòng thương thì tôi cũng xin quan lớn một điều là cho tôi được vẹn chữ trung với Chúa Trời”. (nguồn: internet)

***
Đúng là chúng ta đang ở trong những ngày cuối cùng của năm Phụng Vụ 2012. Hãy tự hỏi lòng mình rằng, ngay giây phút này đây, tôi thật sự vẫn “trung với Chúa Trời!”…

Và nếu… nếu ngay lúc này, Đức Giêsu “trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết”… tôi sẽ ra sao?

Hy vọng mỗi chúng ta sẽ không có câu trả lời rằng “muốn ra sao thì ra” mà hãy chiêm nghiệm lại những lời tiên báo của Chúa Giêsu xưa kia như môt lời cảnh giác.

Có thể nói, chưa có thời đại nào những lời tiên báo của Chúa Giêsu lại ứng nghiệm như thời đại chúng ta hôm nay.

Ngày nay, thiên nhiên mỗi ngày một bị xáo trộn, mưa bão thất thường, nước sông bỗng nhiên đỏ như máu, phải chăng đó là dấu hiệu sẽ có lúc “mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không có chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống”!

Còn về những giá trị “siêu nhiên” thì ngày nay, con người càng ngày càng muốn từ bỏ. Thiên Chúa phán “Chớ giết người” con người lại cổ vũ cho việc phá thai. Thiên Chúa phán “Sự gì Thiên Chúa kết hợp con người không được phân ly” thì người ta lại cổ vũ cho việc ly thân ly dị.

Vâng, việc con người cổ súy cho hôn nhân đồng tính, phải chăng đó là dấu hiệu “các quyền lực trên trời bị lay chuyển”?

Vẫn biết rằng, Chúa Giêsu đã nói “Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi”, nhưng có gì sai khi chúng ta nhìn những hiện tượng đó như một lời cảnh báo rằng “Con Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi”!

Trong một thế giới mà con người đang cổ vũ cho một nền văn hóa sự chết, cho một lối sống duy vật… ai… ai trong chúng ta lại không hơn một lần rơi vào vòng quyến rũ của nó! Ai trong chúng ta không một lần bất trung, bất tín!

Hôm nay, trong tâm tình hướng về các thánh tử đạo Việt Nam, không gì tốt hơn là hãy nhìn các ngài như là tấm gương mẫu mực cho một đời sống đức tin và sự trung tín.

Các thánh tử đạo cũng chỉ là những con người trần gian, nhưng các ngài có thể “coi thường mạng sống mình ở đời này” là bởi các ngài đã nhờ có “Ơn Chúa!”

Đúng vậy, tông đồ Phaolô đã thú nhận rằng “thân xác tôi như bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Xa-tan được sai đến vả mặt tôi… Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nổi khổ này. Nhưng Người quả quyết với tôi: Ơn của Thầy đã đủ cho anh” (2 Cor 12, 7-9)

Hãy nhớ rằng, bí tích Thánh Thể là một bảo đảm cho sự sống đời đời và là nguồn lực giúp chúng ta bền vững trong sự trung tín.

Sự trung tín không chỉ giúp chúng ta được “chiếu sáng muôn đời như những vì sao” mà còn giúp chúng ta đứng vững trước nhan Thiên Chúa để nghe tiếng Ngài phán  “Đây! Con Người đã đến”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây