TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Mùa Vọng -Năm C

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. (Lc 1, 39-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Cầu nguyện

Thứ ba - 11/05/2021 21:58 | Tác giả bài viết: Lm Vũđình Tường |   804
Cầu nguyện

Cầu nguyện

Cuộc sống xã hội có nhiều vấn đề. Những vấn đề đó đôi khi bắt ta phải quyết định. Vấn đề càng lớn, quyết định càng khó, đòi hỏi nhiều suy tính, cẩn trọng chọn lựa. Để đi đến một quyết định, cân nhắc phải trái, hơn thiệt, là điều cần thiết. Cân nhắc để từ từ loại bỏ câu trả lời đúng ít sang một bên. Câu trả lời cuối cùng là câu trả lời ta ưng ý nhất. Đời sống xã hội là như thế. Còn đời sống linh thao thì sao? Nó cũng đòi hỏi ta quyết định, chọn lựa. Một chọn lựa không phải vừa ý ta mà là một chọn lựa hợp ý Chúa. Điều Chúa muốn đôi khi không trùng hợp với điều ta muốn. Trong trường hợp đó ý thích cá nhân được kiềm chế để ý Chúa được thực hiện, bởi vì người yêu mến Thiên Chúa là người thực thi ý Chúa. Kẻ yêu mến Thiên Chúa để Thánh Thần Chúa làm việc trong họ và được hướng dẫn bởi ánh sáng ấy.

Làm sao biết ý Chúa?

Ý Thiên Chúa được cụ thể hóa qua đời sống của Đức Kitô khi Ngài còn tại thế. Thánh Thần là Đấng nối tiếp công việc Chúa Kitô làm. Cầu nguyện là một trong số những phương cách tốt để tìm ý Ngài. Nói rõ hơn cầu nguyện chính là đi tìm ý Chúa. Chính là tìm câu trả lời Lậy Ngài, Ngài muốn con làm chi?

Cầu nguyện để đi đến một quyết định và cầu nguyện để thực thi quyết định đó. Như trên đã nói, cầu nguyện để liên kết với Chúa và để Thánh Thần làm việc trong ta. Quyết định theo ý Chúa là quyết định được hướng dẫn bởi Thánh Thần, nó phát ra từ đáy lòng, từ con tim nồng nàn yêu mến, chan chứa tình thương. Công việc đó được tạo thành giữa cá nhân và Thánh Thần. Chính cá nhân đó quyết định vì không ai có khả năng quyết định dùm người khác, không ai hiểu cá nhân đó bằng chính họ.Tìm biết ý Chúa là tìm một công việc tốt, hợp với khả năng và có thể thực hiện được. Công việc đó phát xuất từ lòng yêu mến Ngài và tất nhiên tình yêu Ngài thúc đẩy ta làm việc. Ý của Thiên Chúa luôn luôn tốt và ngay lành vì Chúa là Đấng công chính. Mọi công việc Ngài làm đều có lợi cho nước trời, mưu ích cho tha nhân và quan trọng hơn hết là để thực thi điều Chúa Cha mong ước. ‘Ta và Cha Ta là một’ Gioan 14, 10.

Không nên tìm ý Chúa qua lí luận suông, đừng cậy trông quá nhiều vào sự phán đoán của khối óc bởi vì quyết định đó ít hay nhiều cũng bị ngoại cảnh chi phối. Nó có thể là tình cảm cá nhân, có thể là thành kiến, định kiến. Tìm ý Chúa ngoài cầu nguyện dễ bị sai lạc. Nếu cuộc sống được liên kết với cầu nguyện thì tiếng phán đoán của lương tâm là đáng tin cậy nhất. Nó thôi thúc, khuyến khích hay nó ngăn cản, răn đe, chỉ có cá nhân đó biết và biết rõ.

Tìm được ý Chúa rồi cầu nguyện thêm làm chi?

Thiên Chúa là Đấng toàn thiện. Ngài thông suốt trong mọi lãnh vực. Chúng ta là tạo vật có giới hạn. Khả năng phán đoán của con người hạn chế, nhất là sự hiểu biết nông cạn. Do vậy, con người không bao giờ hiểu thấu triệt ý Chúa. Cầu nguyện để hiểu ý Chúa nhiều hơn và cầu nguyện để xác định con đường đã đi là chân chính trong tình yêu. Thánh Thần soi sáng hướng dẫn giúp ta hiểu ý Chúa nhiều hơn và giúp ta thực thi trong sáng con đường ấy. Con người một là không có khả năng hiểu rõ ý Chúa. Phần khác, con người không có khả năng làm trọn vẹn những gì mình hiểu. Cầu nguyện để biết phải làm gì trong lúc này. Cầu nguyện để biết đường bổ túc cho thiếu sót, để liên kết với Chúa.

Ý thiên Chúa không thay đổi nhưng hoàn cảnh và điều kiện sống thay đổi. Cầu nguyện để biết phải làm gì trong hòan cảnh cá biệt đó. Để tránh những hiểu sai do xã hội thay đổi đưa đến. Hơn nữa, một ngày qua đi là một kinh nghiệm mới. Kiến thức do vậy mỗi ngày mỗi tăng thêm. Con người ham học hỏi những điều mới, muốn hiểu thêm thêm về Thiên Chúa mình đang tôn thờ, biết thêm về vũ trụ mình đang sống, tìm hiểu về lịch sử của nó. Nói khác đi con người muốn lật đọc trang sử của vũ trụ. Để hiểu được lịch sử vũ trụ hơn, khoa học cung cấp những dữ kiện nhưng căn bản vẫn là tìm hiểu vũ trụ và Đấng đang quan phòng nó. Vậy phải chăng tự bản chất con người đã muốn tìm biết Thiên Chúa. Muốn tìm biết ai là Đấng tạo dựng chúng ta. Cứ cầu nguyện bạn sẽ có câu trả lời.

Cầu nguyện là sức mạnh Một võ sĩ trước khi bước chân lên võ đài phải khổ công tập luyện. Tập để thêm công lực, để thêm tự tin khi tranh tài. Cầu nguyện cũng đòi hỏi khổ công luyện tập, luyện càng thâm sâu, càng thấy rõ công lực của cầu nguyện. Để cảm nghiệm được sức mạnh siêu hình, cần phải cầu nguyện luôn và tập cách cầu nguyện. Tình yêu Thiên Chúa là sức mạnh siêu nhiên. Vì là siêu nhiên nên rất khó cảm nghiệm và giải thích. Nó đòi hỏi một niềm tin. Tương tự như sõ sĩ trên, anh tin rằng có thể thành công. Khi cầu nguyện cũng cần tin rằng có thể gặp được tình yêu của Chúa. Cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa giúp con người sống tự do hơn vì tình yêu thúc đẩy con người hoạt động. Hoa quả của tình yêu là chân, thiện, mỹ. Những điều này vượt trên mọi lề luật, vì nó thuộc về luật yêu thương. Tóm lại cầu nguyện là sức mạnh là tìm sự tự do cho tâm hồn.

Khi tâm hồn bối rối là triệu chứng thiếu cầu nguyện. Vì không cầu nguyện nên không được soi sáng. Bối rối là trạng thái thiếu tự tin. Thiếu tự tin dẫn đến thiếu sáng suốt và nếu phải quyết định thì dễ đi đến sai lầm. Cầu nguyện để tìm sức mạnh siêu nhiên phụ giúp, tìm lại nguồn an ủi và lấy lại niềm tin. Có niềm tin chính là có hy vọng. Hy vọng là mầm sống vì hy vọng là trạng thái nhận thức mình đang sống trong hiện tại nhưng hướng về tương lai. Hy vọng còn là bước chuẩn bị đón nhận tương lai. Nếu điều tốt xảy ra niềm vui tăng gấp bội. Nếu điều xấu xảy đến ta không quá đau khổ bởi vì nó đã được chuẩn bị để chấp nhận.

Người Kitô hữu siêng cầu nguyện đón nhận sự khó tương đối dễ dàng hơn. Vì qua cầu nguyện họ thông hợp với Chúa, sánh bước với Chúa trên đường đời. Họ không trông đợi đau khổ đến, nhưng nếu nó đến họ sẽ không gánh vác một mìh nhưng gánh với Chúa và trong Chúa. Qua cầu nguyện đau khổ không đưa đến thất vọng, nhưng mang lại niềm hy vọng. Mọi Kitô hữu đều hiểu, đau khổ là nhất thời, tạm bợ, nó đến rồi đi. Tất nhiên cầu nguyện mang lại hy vọng và vinh quang. Vì sau đau khổ con người kinh nghiệm hơn trong cuộc sống và thấy rõ giá trị cuộc đời. Người Kitô hữu có thể chối bỏ đau khổ bằng cách trả chúng lại cho Chúa. Chúa cho con điều tốt. Con xin dâng lại Ngài. Khi đau khổ đến với con, con cũng xin dâng lại Ngài. Đó chính là kết hợp với Chúa.

Câu chuyện bánh hóa nhiều, Chúa Giêsu bảo các tông đồ hãy nuôi dân chúng. Các ông không làm được Chúa đã làm bánh hóa nhiều nuôi tất cả Mk 6,30- 44. Một lần khác, các tông đồ và Chúa đi qua biển , sóng gió nổi Chúa nằm ngủ. Phêrô sợ quá chạy đến với Chúa xin cứu và Chúa đã cứu họ Mk 4,35 - Người Kitô hữu hãy bắt chước các tông đồ chạy đến Chúa khi vui cũng như khi buồn.

Cầu nguyện người bạn tri kỉ.

Những bí mật của đời người đôi khi được bộc phát. Nó có thể là phàn nàn, Có thể là tâm sự. Ai là người đáng tin để bộc lộ tâm tư. Phải chăng lúc cầu nguyện chúng ta có thể nói rất thật. Những lời thổ lộ này được giãi bày nhưng vẫn giữ vẹn toàn tính chất kín đáo của chúng. Những oan ức, những bực dọc chất chứa bấy lâu, qua cầu nguyện ta tâm sự để tâm hồn lắng đọng. Qua ánh mắt từ nhân dường như Ngài nhắn nhủ chúng ta với lời yêu thương; Con yêu dấu, dù con có ra sao, Ta cũng không bỏ con mồ côi. Khi con đau khổ Ta đau khổ với con. Con bị hất hủi, Chính ta đã bị hất hủi. Hãy vui lên, có Ta ở gần bên con.

Cầu nguyện còn là người biết lắng nghe, chia sẻ và là nguồn ban sức mạnh. Nên nhớ Thiên Chúa thương con người nên cho phép con người gọi Ngài là Cha. Chúng ta là con cái. Tình thương của Chúa ban phát dư thừa qua cầu nguyện.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org

 Tags: Cầu nguyện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây