ĐÍCH THỰC LÀ THẤY
(Thứ Tư sau Chúa Nhật VI Thường Niên – Mc 8,22-26)
Thánh sử Maccô tường thuật việc Chúa Giêsu chữa lành người mù ở Bétsaiđa với nhiều chi tiết thú vị và thậm chí cũng khó hiểu. Vì sao Chúa Giêsu lại nhổ nước bọt vào mắt người mù? Có lời giải thích rằng người mù này không phải là mù bẩm sinh, chỉ là bị một thương tổn nào đó nên dùng nước bọt cũng có sức sát khuẩn! Tin mừng thứ tư có tường thuật câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành cho một người mù bẩm sinh bằng cách nhổ nước bọt xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù rồi bảo anh ta hãy đến hồ Silôác mà rửa. Anh ta đến rửa ở hồ và khi về thì nhìn thấy được (x.Ga 9,1-7). Như thế lối giải thích ở trên xem ra không thuyết phục. Xin có cái nhìn về hiệu quả chữa lành bệnh mù theo tiến trình câu chuyện.
Sau khi nhổ nước miếng vào mắt người bệnh, Chúa Giêsu đặt tay trên anh và hỏi: “Anh có thấy gì không?” Anh ngước mắt lên và thưa: “Tôi thấy người ta, trông họ như cây cối, họ đi đi lại lại” (x.Mc 8,23-24). Hiệu quả ban đầu của việc trông thấy là nhận ra tha nhân như là sinh vật, là hữu thể có sự sống và có thể chuyển động. Như thế trước đây khi bị mù thì người bệnh không thấy tha nhân và nếu có “thấy” thì tha nhân chỉ như là vật bất động, có thể là thứ hàng hóa để sở hữu hay để chiếm hữu và sử dụng.
Tin mừng tường thuật tiếp Chúa Giêsu lại đặt tay trên mắt người mù và anh trông thấy rõ ràng và khỏi bệnh; anh thấy tỏ tường mọi sự (x.Mc 8,25). Hiệu quả đích thực của sự thấy đó là nhận ra mọi sự tỏ tường, nhất là nhận ra tha nhân không chỉ là hữu thể có sự sống mà còn là hình ảnh và là họa ảnh của Đấng Toàn Năng, là một nhân vị cùng xương, cùng thịt như chúng ta với đủ đầy phẩm vị cao quý đáng được yêu thương và tôn trọng.
Để thẩm định mức độ thấy của mình thiết tưởng rằng cần xét xem chúng ta nhìn tha nhân và đón nhận họ như thế nào. Vẫn có đó nhiều người nhìn tha nhân không hơn kém là một đồ vật, một thứ hàng hóa để chiếm hữu, để sử dụng. Vẫn còn đó không ít người xem tha nhân đơn thuần là sinh vật có sự sống, vì thiếu phẩm vị và quyền lợi căn bản phải được tôn trọng. Qua việc đặt tay của Chúa Giêsu trên người mù, Kitô hữu tin nhận rằng chỉ khi tiếp xúc, gắn bó với Thiên Chúa thì chúng ta mới đích thực là thấy. Khi ấy chúng ta không chỉ nhận biết tỏ tường cách nào đó về các sự vật hiện tượng mà còn đặc biệt thấy tha nhân là hữu thể liên vị và đồng phẩm giá với chúng ta như Ađam đã thốt lên: “Đây là xương bởi xương tôi, là thịt bởi thịt tôi” (x. St 2, 23).
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn