ĐIẾC KHÔNG SỢ SÚNG
(Thứ Năm sau Chúa Nhật VI Thường Niên – Mc 8,27-33)
Chúng ta khá dễ dàng nhận ra động cơ, mục đích của nhiều môn đệ và nhất là mười hai tông đồ khi đi theo Chúa Giêsu. Động cơ của họ là muốn đổi đời. Mục đích của họ là quyền lực và vinh hoa phú quý. Gặp thấy một vị thầy có quyền năng trong lời nói và hành động, đang được dân chúng mến mộ như một vị đại ngôn sứ, các vị tin rằng thầy Giêsu sẽ làm cách mạng đánh đuổi quân Rôma, giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ. Người sẽ khôi phục vương quốc Israel, sẽ làm vua và dĩ nhiên đi theo Thầy các vị sẽ được chia nhau chức quyền vương hầu công bá.
Thế mà đã trên dưới ba lần Thầy tiên báo khổ hình thập giá phải gánh chịu, dù cho Thầy có hé lộ là ngày thứ ba sẽ sống lại. Chúng ta đừng quên khổ hình thập giá thời bấy giờ là một dấu chỉ ô nhục đối với người Do Thái. Đế quốc Rôma, cách riêng quan Philatô thường xuyên dùng khổ hình này để đàn áp phong trào đấu tranh giành lại độc lập tự do của người Do Thái. Nhiều chí sĩ Do Thái vì thất bại nên đã bị hành hình cách tủi nhục và ghê rợn trên khổ giá. Như thế thập giá là dấu chỉ của sự thất bại đắng cay.
Nghe Thầy tiên báo về sự thất bại chua cay, ô nhục này, Phêrô ngăn cản Thầy nhưng lại bị Thầy quở trách nặng nề (Mc 8,32-33). Vì sao các tông đồ vẫn tiếp tục đi theo Chúa Giêsu? Có lẽ câu trả lời là đây: các vị không hiểu gì lắm về mầu nhiệm thập giá mà Thầy tiên báo. Tin Mừng ghi rõ hiện thực này. “Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?” (Mc 9,10), các vị đã từng hỏi nhau câu hỏi này nhưng vẫn chẳng thể tìm ra câu giải đáp và cũng không dám hỏi Thầy cho ra lẽ. Đúng là điếc nên không sợ súng. Các vị dường như lầm tưởng rằng Thầy muốn nói sự gì đó hay là muốn thử thách chúng mình thôi. Có ai đi làm cách mạng mà nói trước là mình sẽ thất bại ô nhục?
Chắc hẳn Chúa Giêsu biết điều này. Người biết các môn sinh của mình không hiểu về mầu nhiệm thập giá. Và Người từ từ khai mở và nâng đỡ các vị. Ngày nay chúng ta cũng thế thôi. Có được mấy ai hiểu thấu mầu nhiệm thập giá của Chúa Kitô. Ngay cả đến thánh Gioan thánh giá hay nhiều vị thánh được in “năm dấu thánh” như Phanxicô Axidi, Padrê Piô cũng cảm nghiệm mầu nhiệm này cách có chừng mực. Thực tế cho thấy Kitô hữu chúng ta dù ở vai vị nào đi nữa vẫn thích đeo thánh giá hơn là vác thánh giá. Tạ ơn Chúa, dù biết hiện thực này nhưng Chúa vẫn đón nhận chúng ta làm người cộng tác trong sự bất toàn lẫn bất túc của chúng ta. Vì chính trong sự yếu hèn của chúng ta thì tình yêu và quyền năng của Chúa lại tỏa sáng.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn