ĐÓN NHẬN BẤT HẠNH – KHỔ ĐAU
và biết tha thứ cho bản thân mình và người khác
“Bất hạnh” là khi chúng ta không nhận ra giá trị chính bản thân chúng ta, luôn đeo đuổi sự hào nhoáng hay giàu sang của một người khác mà quên đi “Tôi là ai?”. Mình cảm thấy cuộc sống này không có cái gì gọi là “công bằng” cả, nó đã “bất công” từ lúc bạn chào đời rồi, ví dụ như hoàn cảnh gia đình, ngoại hình hay tài năng bạn không có quyền để chọn,... Chỉ có sự nỗ lực mới là điều chúng ta tạo ra sự “công bằng” cho chính chúng ta mà thôi. Hạnh phúc đối với mình là có thể hiểu bản thân mình thích gì, muốn làm gì và sống không hối tiếc về những lựa chọn của bản thân.
Người chỉ biết ôm khư khư nỗi đau của riêng mình mà quên đi nỗi đau của đồng loại chỉ là người ích kỷ và tự ti. Chẳng có lợi lạc gì khi chỉ biết sống dằn vặt với nỗi đau quá khứ nên biết lật qua trang sách mới cuộc đời, mở ra một chương mới và khép lại một chương đã từng là bất hạnh và đau buồn. Người chỉ ngấu nghiến đọc trang nhật ký đau buồn đã trôi qua mấy chục năm thì không bao giờ biết được những trang nhật ký tiếp theo của cuộc đời mình sẽ huy hoàng và rực rỡ như thế nào.
“Tôi khóc vì không có giày để đi, cho đến khi tôi nhìn thấy một người không có chân”. Việc có ai đó khiếm khuyết, khổ đau, kém may mắn hơn mình khiến ta cảm thấy an ủi phần nào. Nhưng bạn có nhận ra rằng khi dùng phép so sánh đó, sẽ luôn phải có ai đó khổ đau hơn bạn, bất hạnh hơn bạn, chỉ để bạn cảm thấy mình vẫn còn may mắn? Bạn cảm thấy may mắn vì thân thể lành lặn khi so sánh với một người không có chân.
Chúng ta cảm thấy hạnh phúc khi bản thân khỏe mạnh, sống lâu hơn người khác? Chúng ta cảm thấy hạnh phúc vì mình có một công việc tốt? Chúng ta cảm thấy hạnh phúc khi chúng ta có một tình yêu đẹp? Vậy giả sử nếu bây giờ cả thế giới biến mất, chỉ còn một mình ta trên thế gian này, liệu ta có còn hạnh phúc với những điều đó không? Đương nhiên là không rồi. Chúng ta không thể sống một mình được. Chúng ta cảm thấy hạnh phúc khi làm phép so sánh với ai đó và khổ đau cũng từ đó mà sinh ra.
Khi bạn thấy có ai đó hơn mình, chúng ta nảy sinh sự tự ti, mặc cảm hoặc ghen tị, niềm hạnh phúc của ta trở nên nhỏ bé lại. Chẳng hạn, chúng ta hân hoan vui sướng khi vừa mua sắm được một chiếc áo mới đẹp và đắt tiền, phần thưởng cho sự lao động chăm chỉ của bạn. Nhưng chúng ta lại thấy bạn bè mình khoe mới mua được căn nhà mới, tậu được chiếc xe mới, đó là niềm hạnh phúc của họ. Chúng ta ngậm ngùi cất chiếc áo vào trong tủ vì thấy niềm hạnh phúc của mình nhỏ bé quá, nó chẳng đáng gì để đem khoe.
Khi ta thấy có ai đó kém mình, ngay lập tức ta sẽ cảm thấy được an ủi. À thì ra mình chưa phải gặp cảnh tồi tệ nhất, người ta còn khổ hơn mình. Vâng, ta không bao giờ là người khổ nhất, ngoài kia luôn có ai đó khổ sở hơn ta. Nhưng chúng ta có hạnh phúc với điều đó không? Khi so sánh như vậy, chúng ta luôn phải tìm thấy ai đó bất hạnh hơn mình.
“Nhìn lên chẳng bằng ai, nhìn xuống chẳng ai bằng” như một cách tự an ủi cho bản thân và vùi lấp đi những nỗi buồn, bởi cảm thấy nó chẳng đáng kể gì. Nhưng chúng ta không cần phải nhìn thấy ai đó bất hạnh hơn mình để cảm thấy hạnh phúc đâu. Đừng nhìn lên, nhìn xuống và cũng chẳng cần nhìn ra xung quanh, hãy nhìn vào sâu bên trong nội tâm của chính mình.
Khi chúng ta hạnh phúc vì một điều gì đó, hãy cứ reo vui với nó và không nhất thiết phải khoe ra hay đem so với hạnh phúc của người khác. Khi bạn khổ đau vì một điều gì đó, nỗi buồn phải có chỗ để trút bỏ. Đừng cố phủ nhận nỗi buồn của mình chỉ vì ta chưa phải người khổ nhất, luôn có ai đó khổ hơn ta. Người ta khổ hơn ta, cũng đâu có khiến ta vui lên.
Sống thật với chính mình, đón nhận niềm hạnh phúc, chấp nhận cả những nỗi khổ đau, đó mới là cách để chúng ta tận hưởng hạnh phúc đích thực.
Lm. Anmai, CSsR
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn