TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật V Phục Sinh -Năm B

“Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sinh nhiều trái”. (Ga 15, 1-8)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Huyền thoại về tình yêu

Chủ nhật - 03/03/2024 02:50 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   135
Tình yêu là một đề tài muôn thưở, nói mãi mà không cũ, nhưng tình yêu cũng là một thực tế gây nhiều khổ đau và trong khổ đau ấy, con người sẽ thắc mắc tình yêu đích thực là tình yêu nào, có tên gọi là gì?
Huyền thoại về tình yêu
Huyền thoại về tình yêu




Tình yêu là một đề tài muôn thưở, nói mãi mà không cũ, nhưng tình yêu cũng là một thực tế gây nhiều khổ đau và trong khổ đau ấy, con người sẽ thắc mắc tình yêu đích thực là tình yêu nào, có tên gọi là gì? 

Huyền thoại tình yêu giữa Psyché (Tâm hồn) và Eros (Ái Tình) kể rằng:

Psyché là một thiếu nữ có nhan sắc tuyệt trần, một nhan sắc mà quá tột đỉnh khiến nhiều người khiếp sợ. Nàng đã không lấy được người yêu, cha mẹ nàng lo âu lên núi thánh để hỏi thần linh. Thần bảo phải trang điểm cho nàng như trong ngày cưới, rồi dẫn nàng đến một ngọn núi đá, một quái vật sẽ đến lấy nàng làm vợ. Một đòan hộ tống giống như một đám đưa tang đưa nàng đến nơi quy định và để nàng ở đấy một mình. Thình lình có một làn gió nhẹ, đưa nàng bay cao lên và thả nàng xuống một cung điện nguy nga ở giữa thung lũng sâu. Trong cung điện, nàng có cảm giác được phục vụ một cách nhiệt tình bởi những nô lệ vô hình. Tối đến, nàng biết bên cạnh nàng có một người yêu thương nàng, nàng không thấy mặt, chỉ nghe chàng nói, nếu ngày nào nàng nhìn thấy chàng, ngày ấy nàng sẽ mất chàng vĩnh viễn. Ngày qua tháng lại, nàng sống trong hạnh phúc được yêu thương, nhưng nàng cũng nhớ cha mẹ của nàng. Nàng muốn về thăm cha mẹ và được phép trở lại cung điện sau mấy ngày về thăm nhà. Nhưng ở nhà, các chị nàng vì ghen ghét đã làm thức tỉnh ngờ vực ở nàng, và sau khi trở lại cung điện, thắp ngọn đèn lên giữa đêm, nàng nhìn thấy bên mình một thiếu niên tuyệt đẹp đương say giấc nồng. Tay Psyché run rẩy: một giọt dầu sôi nhỏ xuống Eros ! Thần ái tình phát hiện tỉnh dậy và biến mất. Từ đấy bắt đầu những khổ hạnh của Psyché, phải gánh chịu cơn thịnh nộ của Aphrodite đã bắt nàng làm những nhiệm vụ ngày càng khó khăn hơn để hành hạ nàng. Nhưng Eros từ nay không quên được Psyché cũng như không quên được chàng. Cuối cùng chàng đã xin được ở Zeus quyền lấy nàng. Nàng trở thành vợ chàng và giải hòa với Aphrodite.

Giải nghĩa huyền thoại:
Đây là một huyền thoại trình bày diễn tiến phúc tạp của một tâm hồn bị tình yêu chi phối. Tình yêu này dẫn người trong cuộc đi qua những chặng đường khác nhau. Nếu đọc song song với Eva và trái táo trong vườn địa đàng, chúng ta sẽ thấy điều thú vị:

Tình yêu hướng về tính dục: Đây là giai đoạn đầu của tình yêu khác phái, còn gọi là tình yêu trái cấm. Trong vườn cây trái nơi thiên đường, con người không có quyền khám phá về một cây: “Trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn. Còn trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: "Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết”  (St 3, 2 -3).

Trong huyền thoại này, Eros tượng trưng cho tình yêu và đặc biệt là sự ham muốn khoái lạc, ham muốn hiểu biết. Biểu hiện người đàn ông. Trái táo là biểu hiện của sự cám dỗ, quỷ là tên cám dỗ.
Psyché hiện thân cho tầm hồn muốn tìm hiểu tình yêu ấy, có thể hiểu là Eva, người bên cạnh Adam.  

Cha mẹ nàng biểu trưng cho lý trí xếp đặt theo sự tất yếu. Lý trí xuất hiện cùng với tình yêu. Ban đầu lý trí còn điều khiển cảm xúc, nhưng tên quỷ cám dỗ có những chiêu thức dụ dỗ tinh vi của nó.

Cung điện tụ họp những hình ảnh về sự xa hoa và  thế tục, tất cả các sản phẩm của mộng mị. Lý trí chịu sự chi phối của các mộng mị, mơ tưởng nên lý trí lu mờ. Cảm xúc trỗi dậy làm mờ lý trí. Chính trong lúc lý trí bị lu mờ này mà tình yêu bị mất phương hướng và để buông xuôi, rơi vào đêm tối.

Trong câu truyên Sáng thế, Eva không dễ dàng gì chịu khuất phục ngay bởi lời quyến rũ của quỷ, nhưng có cấp độ tiệm tiến, dần dà làm lý trí lu mờ và phó mặc cho tình cảm. Giống như người ta diễn tả: Nếu thả con ếch vào trong nồi nước sôi, lập tức con ếch sẽ phóng ra theo phản xạ tự nhiên; nhưng khi cho con ếch vào nồi nước ấm, và dần dần tăng nhiệt độ lên, con ếch tiến tới cái chết từ từ mà nó không hay biết, cho đến khi không còn có khả năng phản kháng.

Tình yêu nhục dục làm lu mờ tâm trí theo cách của con ếch này. Trong hành vi luân lý, tránh xem các phim ảnh, đọc sách báo khai thác về khiêu dâm, để tránh cái chết từ từ của ước muốn dục vọng.

Đề phòng với các giáo phái. Trong câu chuyện, đêm tối, việc cấm nhìn thấy người tình được đề nghị như một cấm đoán.

“Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết."
Cảm giác có người bên mình, biểu hiện tình cảm làm lu mờ lý trí, tinh thần và ý thức do dục vọng và trí tưởng tượng kích động. Đó là sự bắt đầu giao mình mù quáng cho cái không biết. Cái chết từ từ của con ếch trong nồi nước đang tăng dần nhiệt độ.

Trong câu chuyện của Eva, con rắn dẫn dụ bằng trái táo ngon, đầy quyến rũ. Dứt bỏ không phải dễ, tiến dần đến là một sự thả lỏng, dấu hiệu của sự bắt đầu tan rã, báo hiệu trước một thất bại.
Về thăm cha mẹ là sự tỉnh giấc của lý trí; những câu hỏi của các chị là những câu hỏi của trí tò mò bấp bênh. Đó chưa phải là ý thức bừng sáng, mà là sự hồ nghi và tò mò, là những cảm giác được xoa dịu trỗi dậy. Tiếng nói của lý trí bùng lên nhưng là sự bùng lên cách yều ớt:

"Trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn. Còn trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: "Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết." Rắn nói với người đàn bà: "Chẳng chết chóc gì đâu!5 Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác." (St 3, 2- 6)

Có lý trí nhưng lý trí trước một thực tại cám dỗ, lý trí cũng chịu sự cám dỗ về sự hiểu biết tinh khôn. Thử thách của lý trí cũng là một cám dỗ để hạ gục lý trí. Cám dỗ đánh ngay vào ước vọng của lý trí, nó nhằm vào chỗ trọng yếu mà đánh, nên thật nguy hiểm.

Có thể Eva đã bỏ đi sau khi lý trí thức tỉnh, nhưng sự thức tỉnh này lại đánh thức một sự tò mò khác lớn hơn. Trở về cung điện, Psyché muốn nhìn thấy người yêu: nàng cầm lấy ngọn đèn. Đấy mới chỉ là ánh sáng pha lẫn khói, bập bùng của một tinh thần còn lưỡng lự, chưa dám bước qua lời cấm đoán, nhìn thẳng vào hiện thực, một hiện thực đáng sợ.

Adam không thức tỉnh nổi Eva trước cám dỗ: “Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn” (St 3, 7). Trong cám dỗ này, người đàn ông biểu trưng cho lý trí cũng bị quyến rũ. Hoặc bị quyến rũ hoặc buông xuôi mặc kệ, đàng nào cũng chết.

Tâm hồn, trước thân thể đẹp mê ly ấy, có trực cảm rằng sự hiện diện của cái đẹp giữa bóng tối dày đặc này chứa đựng một cái gì đó mê muội. Một giọt dầu nhỏ xuống thân thể Eros, làm chàng thức tỉnh, nhưng lại là một sự thức tỉnh của đam mê. Trái táo đã cắn và sự dữ đã đến bao trùm. Cái đam mê, tên cám dỗ đã chiêu dụ được Eva ăn trái cấm và cũng đưa cho Adam cùng ăn. Thảm hoạ là một thực tế đến không còn phản ứng, nhục dục cũng là một cám dỗ như vậy và các hình thức cám dỗ khác cũng tương tự. Sa vào cám dỗ mới thấy sự ma quái của nó, nụ cười man rợ của kẻ chiến thắng làm kẻ bại trận hoảng sợ. Cái hoảng sợ làm thức tỉnh thân phận của mình: “Cả hai đều thấy mình trần truồng”. Sự trơ trẽn bị phát hiện và con người lẩn tránh Thiên Chúa.

Bị phát hiện, tình yêu biến mất. Tâm hồn khổ não trong sự thức tỉnh phiêu bạt khắp thế gian, Aphrodite truy kích Psyché không ngớt, ghen sắc đẹp của nàng như một phụ nữ và như một người mẹ ghen tình yêu của Eros, con trai mình, đối với nàng.

Cái chết truy đuổi con người trong ngày khốn quẫn của nó, con người muốn chạy trốn, nhưng nào có trốn nổi, nên dằn vặt với nhiều đau thương.

Tâm hồn phải nếm trải những tra tấn nơi địa ngục, ra khỏi địa đàng. Từ nay phải đẫm mồ hôi mới có cái ăn, đau bệnh, trầm luân cho một lần dại khờ. Cái giá của một bài học thất bại là con người phải chết. Đó là cái giá của Eros, nhưng cái giá của Eros này nhìn trong viễn cảnh của Augustin lại là: “Tội hồng phúc”, tội vì thế mà đước Đấng Cứu Thế.

Tình yêu tái sinh (agapé):
Perséphone lại cho nàng một lọ nước nguồn Tuổi Xuân: Sau sự chịu phạt chuộc tội là nguyên tắc tái phục.

Psyché đương ngủ bị đánh thức bởi mũi tên của Eros: chàng cũng tuyệt vọng, đi khắp nơi tìm nàng, đây là hình ảnh dục tình đeo đuổi tâm hồn. Nhưng lần này cuộc hôn phối được chính Zeus cho phép, có nghĩa là sự giao hòa ái Tình và Tâm Hồn được thực hiện không chỉ ở cấp độ sắc dục, nhục dục, mà còn cả ở cấp độ Tinh Thần.

Tình yêu được tái sinh bằng một lời hứa đã được thực hiện:
“Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy;
dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó." (St 3, 15).

“Này đây một người trinh nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en” (Is 7, 14).
Tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu bước trước ra đi tìm kiếm, khác với sự tìm kiếm của con người, tìm kiếm để chữa lành và để ban phúc hơn nhiều lần xưa. Thiên Chúa đã chữa lành bằng Tình Yêu giáng thế, biểu hiện một tình yêu làm đầy tràn chứ không phải là tiêu diệt. Eva cũ đã làm cho con người phải chết, Eva mới đổi thành Ave, lời chúc tụng ngợi khen tình Chúa yêu thương loài ngừơi, sinh hạ Đấng Cứu Thế.

Từ nay, tình yêu được chúc phúc là tình yêu được thánh hoá. Psyché và Aphrodite, hai bình diện của tâm hồn: lương tri và dục vọng hoà giải với nhau. Eros từ nay không chỉ xuất hiện dưới hình thức thể xác nữa; nó không còn bị sợ như một quái vật; tình yêu đã hoà nhập vào cuộc sống. Psyché nàng trở thành vợ của Eros: tâm hồn tìm lại được khả năng liên kết.

Thiên Chúa đã chữa lành tình yêu của Adam và Eva, bằng việc đón nhận sự hạ sinh giữa lòng nhân thế. Thiên Chúa đã mang lấy thân phận của con người ở cấp độ sâu xa của nó để chữa lành từ tận căn nguyên.

Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1, 14)

Tình yêu đã được chữa lành nhưng lý trí có tiếp nhận Con của Thiên Chúa hay không, đó là điều kiện cần thiết để việc chữa lành hoàn tất. Trở về với Chúa để sống lại mối giao hoà đã đánh mất bởi tội lỗi, bởi tình yêu Eros chi phối và chiếm hữu.
 
L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây