TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật VII PS-B - Chúa Thăng Thiên

“Ðang khi Người chúc phúc cho các ông, Người rời khỏi các ông mà lên trời”. (Mc 16, 15-20)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Giêsu - nhựa sống đời ta

Thứ bảy - 27/04/2024 05:07 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   85
“Thầy là cây nho thật. Và Cha Thầy là người trồng nho.”

CN – V – PS – B
Giêsu - nhựa sống đời ta

tbd 270424a


Như chúng ta được biết, vào sáng thứ Tư 4/10/2023, Hội Thánh Công Giáo đã khai mạc Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ 16, tại Vatican. Chủ đề của Thượng Hội đồng là “Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ”.

“Hiệp hành là gì?” Thưa, theo lời giải thích của Đức TGM Giuse Nguyễn Năng, thì: “Hiệp hành có nghĩa là cùng nhau bước đi. Cùng nhau bước đi trên một con đường.”

Sau lời giải thích này, ngài TGM Giu-se nói tiếp: “Đức Thánh Cha Phan-xi-cô mời gọi chúng ta xây dựng một Hội Thánh cùng nhau dấn bước… Trước hết là trong nội bộ Hội Thánh của chúng ta. Tất cả chúng ta, từ linh mục, tu sĩ, giáo dân cùng đi trên con đường, cùng hiệp thông với nhau, cùng tích cực chu toàn sứ vụ trong Hội Thánh. Đừng an phận lo lắng việc đời mà hãy tỉnh thức cầu nguyện và dấn thân. Đó là một Hội Thánh hiệp hành.

Hội Thánh hiệp hành còn có nghĩa là một Hội Thánh lên đường, đi đến gặp gỡ anh chị em chúng ta, những người đang sống trong sự đau khổ, để lắng nghe và phân định, để giúp anh chị em chúng ta có được ánh sáng của Chúa và có được sự sống của Chúa.”
Tiếp đến, ngài TGM Nguyễn Năng có lời nhắc nhở, rằng: “Hiệp hành là một từ ngữ mới, có lẽ chúng ta nghe lạ tai, nhưng mà nó cũng dễ hiểu thôi. Là cùng đi với nhau trên một con đường. Giống như người ta nói hiệp thương, là cùng nhau ngồi thương thảo, thảo luận. Hiệp ước là cùng ngồi để giao ước, ước định với nhau, v.v…”

Cuối cùng, ngài TGM Nguyễn Năng kết luận: “Chúng ta hãy nhớ lại trong Tin Mừng. Có một câu chuyện nói về hiệp hành hết sức quan trọng và ý nghĩa. Chính Chúa Giê-su là người đầu tiên đã hiệp hành với các môn đệ.”

Câu chuyện trong Tin Mừng ngài TGM khuyên chúng ta “hãy nhớ”, đó chính là câu chuyện “Đức Giê-su hiện ra với hai môn đệ trên đường Em-mau”. Vâng, câu chuyện cho chúng ta thấy Chúa Giê-su đã hiệp hành với hai vị môn đệ. Trên con đường hiệp hành đó, Chúa Giê-su đã xóa tan sự buồn bã, nỗi lo âu và thất vọng của hai ông. Chúa Giê-su đã dùng Lời Chúa để soi sáng, để phân định đâu là kế hoạch của Thiên Chúa. Cuối cùng, Ngài kết hợp mật thiết với hai vị trong nghi thức “bẻ bánh”.

Thánh sử Luca đã ghi lại rằng: “Khi đồng bàn với (hai môn đệ), Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra, trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người…”

“Hãy nhớ”. TGM Nguyễn Năng bảo chúng ta hãy nhớ. Vâng, chúng ta… chúng ta không chỉ nhớ mà còn xem câu chuyện này như là một lời truyền dạy rằng, để có được “Một Hội Thánh hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ” trọn hảo, trước hết và trên hết, đó là: mỗi chúng ta hãy hiệp hành với Chúa Giê-su. Trên con đường hiệp hành đó, còn phải kết hợp mật thiết với Ngài “như chim liền cánh, như cây liền cành.”

Không thể coi thường sự vic này. Chính Đức Giê-su, trong những ngày còn tại thế, qua một ẩn dụ mà Ngài đã nói đến, nó như là một lời truyền dạy về tính kết hợp mật thiết giữa Ngài và các môn đệ. Ẩn dụ này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Gio-an với tiêu đề “Cây nho thật”.

**  
Theo Tin Mừng thánh Gio-an ghi lại, hôm ấy Đức Giê-su đã nói với các môn đệ rằng: “Thầy là cây nho thật. Và Cha Thầy là người trồng nho.”

Đây không phải là một lời giới thiệu về một trang trại trồng nho nào đó, mà Đức Giê-su muốn quảng bá cho các môn đệ. Nhưng đây là một tiền đề để dẫn đến một chân lý, một chân lý Ngài muốn gửi đến các môn đệ của mình, năm xưa (và cũng là cho chúng ta, hôm nay).

Chân lý mà Đức Giê-su muốn các môn đệ của mình biết, đó là: “Thầy là cây nho, anh em là cành…” Tính kết hợp mật thiết giữa Thầy và trò, Đức Giê-su nói: “Cành (phải) gắn liền với cây”.

Như một định luật tự nhiên, Đức Giê-su nói tiếp: “Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người sẽ chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người sẽ cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn.”

Là dân tộc Do Thái, một dân tộc có một đời sống gắn liền với cây nho, có phần chắc các môn đệ hiểu rất rõ, rất rõ những lời phán truyền, của Thầy mình.

Thế nên, khi Đức Giê-su tuyên bố: “Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa kết trái, nếu không gắn liền với cây nho”, Ngài đã không cần dài dòng giải thích, mà đã đi thẳng vào vấn đề, rằng: “anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.” (x.Ga 15, 4).

 Có thể nói, ẩn dụ “cây nho thật” chính là một bản tình ca, bản tình ca hiệp thông mà Đức Giê-su muốn gửi đến cho các môn đệ là những người đang “hiệp hành” với Ngài. Có lời lẽ nào đậm tính kết hợp mật thiết hơn lời lẽ mời gọi này: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em.”

Và đây, và đây là một lời nhắn nhủ ngọt ngào của Đấng “đến để chiên được sống và sống dồi dào”. Vâng, Đức Giê-su đã có lời nhắn nhủ, rằng: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy anh em chẳng làm gì được.” (x.Ga 15, 5).

Có thể nói, đây là một lời nhắn nhủ hết sức quan trọng, hết sức quan trọng cho những ai muốn được Đức Giê-su cùng hiệp hành với mình, như Ngài đã hiệp hành với hai người môn đệ trên đường Em-mau, năm xưa.

Tiếp theo lời nhắn nhủ, Đức Giê-su có lời khuyến cáo: “Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ bị khô héo. Người ta nhặt lấy, và quăng vào lửa cho nó cháy đi.”

Rất, rất chí tình cho một lời nhắn nhủ cuối cùng. Hôm ấy, Đức Giê-su nói rõ ràng rằng: “Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.” (x.Ga 15, 7-8).

***
Vâng, hôm nay Đức Giê-su vẫn tiếp tục hiệp hành với mỗi chúng ta. Dù đó chỉ là một sự tình cờ, như Ngài đã tình cờ hiệp hành với hai người môn đệ trên đường Em-mau, năm xưa. Ngài cũng sẽ kết hiệp mật thiết với chúng ta, khi chúng ta cùng Ngài tham dự “Tiệc Thánh Thể”.

Điều còn lại, đó là: chúng ta có vui mừng khi Đức Giê-su “tiến đến gần và cùng đi với chúng ta” hay không? Mỗi Chúa Nhật, chúng ta có “đến nhà thờ tham dự thánh lễ, để thắt chặt mối liên kết mật thiết giữa chúng ta với Đức Ki-tô”, qua việc tham dự Bàn Tiệc Thánh” hay không?”

“Chúa mời gọi tất cả Kitô hữu hãy sống thân mật với Chúa.” Lm Trần Văn Kiểm, trong bài viết với tiêu đề “Thầy là cây nho”, đã có lời như thế.

Rất sâu sắc và rất đáng để chúng ta ghi khắc trong con tim mình, khi ngài Lm có thêm lời chia sẻ, rằng: “Hãy để dòng sông sự sống của Chúa chảy vào tâm hồn của chúng ta, từ Chúa Cha, qua Chúa Con là Chúa Giêsu Kitô, đến với chúng ta trong sự tác động của Ngôi Ba là Chúa Thánh Thần. Ai kết hợp với Chúa Giêsu Kitô thì ở trong Thiên Chúa Ba Ngôi.”

Cuối cùng, Lm. kết luận: “Trong thế giới phù vân hư ảo ngày hôm nay, người ta đi tìm nhiều thứ ‘nhựa sống’ cho cuộc đời của mình. (Và) ‘Tiền’ có lẽ là ưu tiên số một. (Rồi) ‘Tình’ đối với nhiều người là điều không thể thiếu… Và còn bao nhiêu thứ khác mà người ta theo đuổi. Những thứ ‘nhựa sống’ đó, không thể ngạt ngào thơm ngát như nhựa sống của ‘Chúa là cây nho’ ban cho chúng ta: Nhựa sống tinh tuyền và vĩnh cửu.” (nguồn: internet).

Mà, đúng vậy. Những ngày tháng vừa qua, có không ít người (không tiện nêu tên ở đây) đi tìm “nhựa sống” do thế gian cung cấp, (đại loại như: lừa đảo, làm ăn gian dối, tham nhũng v.v…), cho cuộc đời mình. Nhưng than ôi! Đúng là những thứ nhựa sống đó  không-thể-ngạt-ngào-thơm-ngát như nhựa sống của “Chúa là cây nho” ban cho, trái lại nó có mùi “thần chết”. Chúng ta biết rồi!

*****
Trước một xã hội đang cổ võ cho một lối sống thiên về vật chất (nhựa sống thế gian), con người như càng ngày càng mất định hướng cho cuộc đời của mình, con người dường như luôn sống trong trạng thái đứng núi này trông núi nọ, mất phương hướng, trầm cảm và cuối cùng là tự tử.

Để không bị rơi vào thảm cảnh này, không có con đường nào khác ngoài con đường đến với Đức Giê-su, bởi vì Ngài chính là: “…đường, là sự thật và là sự sống”, và rằng “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được”.

Vâng, chỉ có một phương pháp duy nhất, đó là hãy hiệp hành cùng Đức Giê-su, qua Thánh Kinh (Lời Chúa) và hãy kết hiệp mật thiết với Ngài, qua Bàn Tiệc Thánh.

Nơi Bàn Tiệc Thánh, chúng ta sẽ được Đức Giê-su – Cây Nho Thật, ban cho chúng ta một thứ “nhựa”, nhựa Mình-Máu-Thánh-Ngài, đem lại cho chúng ta sự sống đời đời. (x.Ga 6, 54-56).

Còn Thánh Kinh ư! Vâng, Thánh Kinh chính là nơi giúp ta nhìn thấy con người thật của Đức Giê-su qua cách sống của Ngài, qua lời nói của Ngài và cuối cùng là qua việc làm của Ngài.

Sống như Chúa, nói như Chúa, làm như Chúa… chẳng phải là chúng ta đã “ở lại trong Chúa và Chúa ở lại trong ta”, sao!

, một khi chúng ta “ở lại trong Chúa và Chúa ở lại trong ta”, hãy tin, cành nho của ta “sẽ sinh nhiều hoa trái”. Vâng, sẽ là hoa trái yêu thương.

Trong phạm vi nhỏ là gia đình, nếu mỗi thành viên trong ngôi nhà đó đều đem đến cho nhau “hoa trái yêu thương”, có phần chắc, gia đình đó, “anh em hòa thuận, láng giềng thân thiết” và cuối cùng, một cuối cùng tuyệt đẹp, đó là “vợ chồng ý hợp tâm đầu”.

Anh em hòa thuận, láng giềng thân thiết, vợ chồng ý hợp tâm đầu”, Kinh Thánh nói “cả ba đều đẹp lòng Thiên Chúa”. Mà, sống đẹp lòng Thiên Chúa, thì sao nhỉ! Thưa, Đức Giê-su nói: “thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý” (x.Ga 15, …8).

Đức Giê-su đã phán truyền như thế. Vậy, chúng ta sẽ xin gì? Nên chăng, hãy xin “Nhựa sống Giêsu - Nhựa sống tinh tuyền và vĩnh cửu.”! Thưa, đúng vậy. Bởi vì: “Giêsu chính là nhựa sống đời ta”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây