TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXIII Thường Niên – Năm B

“Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được”. (Mc 7, 31-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hát là cầu nguyện 2 lần, hay...

Thứ sáu - 23/02/2024 00:42 | Tác giả bài viết: Lm. Anmai, CSsR |   858
Thật sự mà nói thì đáng buồn và đáng tiếc cho những nơi những chỗ mà trong các hội đoàn và ca đoàn lại có sự tranh giành như thế.
Hát là cầu nguyện 2 lần, hay...
HÁT LÀ CẦU NGUYỆN 2 LẦN HAY ĐỂ NÂNG CÁI TÔI CỦA MÌNH LÊN 2 LẦN
 
Một người quen gọi điện phân trần: “Cha, đi hát Lễ mà giành nhau cái micro. Người này cầm thì người kia giận không vào hát. Giờ con tính sao Cha? Khó xử quá! Cha chỉ cách cho con với!”.

Nghe xong là tụt mút, mất cảm xúc. Tư vấn gì cho trường hợp như thế này đây.

Chưa hết. Hôm nào mà nhờ người đó hát đáp ca thì cứ canh đến lúc hát thì đến. Hát đáp ca xong là đi về chứ không dự Lễ nữa!

Mấy cái nố này khó xử nha! Giờ tư vấn sao đây ta?

Hát là cầu nguyện 2 lần! Ai ai cũng biết mà! Thế nhưng không khéo cái cầu nguyện đó nó không được đến nửa lần chứ đừng nói đến 2 lần mà có khi nó còn âm nữa. Hay có thể nói là thà đừng đi hát thì hơn. Hát đâu ra gọi là phục vụ cho phụng vụ Thánh lễ mà nảy sinh ra chuyện tranh giành hay như ca sĩ đi hát show như thế này thì còn gì là tâm tình, còn gì là phục vụ nữa.

Sáng, nhận được tin nhắn: Sáng nay hát Lễ xong. Hội nghĩ cãi nhau. Sao mà bài đọc hôm nay đúng thế không biết!

Đọc tin nhắn xong mỉm cười! Cười là vì Tin Mừng xem chừng ra ngày nào cũng mới và cũng đúng với thực tại.

Tin mừng hôm nay Chúa bảo là hãy đi làm hòa với nhau trước khi đến dâng của Lễ. Đàng này đến dâng của Lễ đâu không thấy thấy toàn là hơn thua và tranh giành.

Thật ra, thấy những cảnh như thế này thì bản thân tôi tôi mỉm cười. Chẳng giận, chẳng hờn, chẳng ghét họ nhưng chỉ thấy họ là những người vô minh. Họ đã không nhận ra được ý nghĩa thật sự của cuộc đời khi đến với Chúa cũng như khi đi phục vụ. Có khi bề ngoài gọi là đi phục vụ, đi ca đoàn, đi hội đoàn nhưng chủ đích là phục vụ cho cái tôi của mình thôi. Mình là ai mà mình nghĩ mình hát hay để cầm micro? Đôi khi mình tự sướng hay bị tâm thần phân liệt để tự cho giọng hát của mình là hay và giành micro để coi như biểu diễn trong cộng đoàn. Thật sự có khi giọng của mình nó sao sao đó nhưng vì lòng bác ái mà người ta không nói cho mình biết sự thật. Và như thế, mình cứ ngỡ là mình hát hay lắm để mình cầm micro.

Và nên nhớ, hát trong phụng vụ, hát trong Thánh Lễ không phải như một buổi trình diễn nên tìm đủ mọi cách để biểu diễn. Hát tâm tình nó khác với hát biểu diễn. Có những người quên điều này để rồi họ chú tâm và nặng vào hình thức bên ngoài mà quên đi cốt lõi bên trong của tâm hồn.

Có một tay đàn kia cũng được gợi ý cho nghỉ nhưng không nhận ra mình chỉ là chỗ thế chân cho người khác khi người khác bận. Người đó cứ nghĩ mình chơi đàn hay nên nhiều người cần mình. Cũng thế! Vì lý do tế nhị nên người ta không nói rõ và nói thẳng cách đàn của mình. Chủ quan nên thường mình chê người khác và tôn mình lên. Mình chỉ là nơi thay thế chứ người ta không hề trân trọng mình. Nếu như người ta trân trọng mình thật sự thì người ca trưởng không thay tay đàn.

Có điều nó cũng tế nhị mà ít người để ý. Thánh Lễ cần có hát để cho Thánh Lễ tăng thêm phần sốt sắng nhưng nếu hát để trình diễn cũng như tranh nhau e rằng Thánh Lễ không cần hát theo kiểu đó nữa. Thà hát cộng đồng chung chung với nhau không micro để cho tất cả mọi người đều tham gia hát còn hơn là tranh nhau cái micro.

Thánh Lễ vẫn thành nếu như không có ca đoàn. Ca viên cứ nghĩ rằng có mình hát Lễ thì Lễ mới thành để rồi chăm chú trình diễn hơn là hát với cả tâm tình.

Và thử hỏi, trong các Thánh Lễ đại trào, Thánh lễ lớn một chút thử hỏi coi có ca viên nào nhớ bài đọc trong Thánh Lễ cung như nghe bài giảng hay không? Hay là cứ đến phần cha giảng thì nói chuyện riêng với nhau cũng như đầu óc để đi tìm bài hát chứ hoàn toàn không hề chăm chú để nghe giảng trong khi bài giảng rất quan trọng và như là món ăn tinh thần của Thánh Lễ. Vì quá chăm chú vào bài hát để rồi biến cai quan trọng thành thứ yếu và ngược lại.

Thật tình là tôi cũng muốn hiểu nhưng không hiểu được những kiểu người như thế. Hóa ra rằng không phải đi phục vụ mọi người thật sự hay thật lòng mà đi phục vụ cái tôi của mình. Đến Nhà Thờ, đến ca đoàn và hội đoàn để tôn vinh mình thôi.

Dựa vào nguyên tắc luân lý thì giữa hai cái xấu ta chọn cái xấu ít hơn. Thay vì tham gia ca đoàn, hội đoàn mà gây hấn, gây bất an cho người và cho mình thì thà đừng tham gia thì hơn.

Có một suy nghĩ mà tôi cho là ấu trĩ. Người kia nói với tôi: “Anh kia nói là tham gia như thế để rèn luyện mình hơn!”. Nghe xong tôi giật bắn cả người với cái lý luận rằng khi tham gia hội đoàn nảy sinh ra chuyện này chuyện kia (bất hòa) để rèn luyện con người của mình hơn. Thật sự tôi không hiểu cho cái suy nghĩ và lập trường đó. Nếu như tôi tham gia mà tôi mang lại sự hiệp nhất, bình an cho hội đoàn, ca đoàn mà tôi phục vụ thì tôi nên tham gia. Còn khi tôi tham gia mà tôi là gai, là nguyên nhân chia rẽ thì lúc đó tôi có nên tham gia hay không? Thà không có tôi mà hội đoàn ca đoàn được bình an và thanh thản còn hơn là có tôi mà hội đoàn ca đoàn tôi tham gia lại rối hơn.

Khi tôi không tham gia, tôi đỡ phạm cái tội nói hành nói tỏi hơn thì tôi nên ở nhà. Còn nếu tôi cứ tham gia mà cứ ai oán để rồi tội chồng tội có lẽ mệt mỏi thêm.

Thật sự mà nói thì đáng buồn và đáng tiếc cho những nơi những chỗ mà trong các hội đoàn và ca đoàn lại có sự tranh giành như thế. Theo tôi, thà không hát, không tham gia cho đỡ tội. Cứ vì cái tôi của mình mà dấn thân thì sẽ mãi mãi gây bất hòa và của Lễ người đó dâng chả bao giờ đẹp lòng Chúa.
Lm. Anmai, CSsR

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây