Hạt lúa chết đi
Không có hy sinh sẽ không có hiến tế. Từ ngữ hy sinh diễn tả về một con vật còn sống, không tỳ vết, chịu giết đi để trở thành hiến lễ. Khi nói đến việc hy sinh của con người là nói tới việc người đó đón nhận mất mát phần nào đó của mình, mang lại lợi ích cho người khác. Khi Chúa nói dụ ngôn “hạt lúa chết đi sinh nhiều bông hạt khác” có một ý nghĩa của hy sinh.
Cuộc sống không bao giờ thiếu những hy sinh, bởi có những hy sinh mới có những cuộc sống. Mỗi người sinh ra và được lớn lên đều nhờ những hy sinh của người đi trước. Phần hiệu quả của dụ ngôn “hạt lúa chết đi mới sinh nhiều bông hạt khác” cho ta hay phần kết hạt. Có những hạt lúa chết đi nhưng không sinh được hạt nào là những hạt chỉ sống ích kỷ cho mình mà không cho người khác. Có hạt sinh ba mươi, hạt sáu mươi, hạt một trăm.
Câu truyện trong tập “Lời dâng, bài số 50” của Tagore kể rằng: Có một nhà vua đi qua một con đường. Ông ta bước tới noi người hành khất đang ngồi: “A ha, gớm chưa lời thử lòng vương giả khi mở bàn tay ăn xin một thằng hành khất! Bối rối, tôi đứng lặng im lưỡng lự một hồi, rồi từ từ móc trong bị lấy ra hạt lúa nhỏ bé vô cùng đưa cho người. Nhưng, ngạc nhiên xiết bao, lúc ngày tàn, giốc túi ăn xin ra nền đất, tôi lại thấy giữa đống của bố thí nghèo nàn hạt lúa vàng vô cùng nhỏ bé. Tôi khóc nức nở, nghĩ bụng ước gì đã có tấm lòng dám cho người tất cả những gì là của riêng tôi!”
Gieo nhiều gặt nhiều, gieo ít gặt ít, ấy cũng là điều hiển nhiên. Những hy sinh lớn lao sẽ gặt hái những điều lớn lao, không ở đời này, ắt cũng ở đời sau. Bởi vì như ta thường thấy, đôi khi “làm ơn mắc oán”, hoặc khi “thật giả khó phân bua”. Thôi ráng chịu vậy, như một hy sinh sẽ gặt hái ở đời sau những điều tốt đẹp.
Như hạt lúa gieo vào lòng đất, Chúa nói về chính cái chết của Người. Chúa sẽ sống lại và ban cho con người sự sống lại mai sau. “Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa” (Ga 3, 18).
L.m Giuse Hoàng Kim Toan