TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Lễ Các Thánh Nam Nữ

“Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời thuộc về họ.” (Mt 5, 1-12a)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hãy đi… hãy là chứng nhân của Thầy

Thứ sáu - 12/07/2024 06:22 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   354
“Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.”

Chúa Nhật XV – TN – B
Hãy đi… hãy là chứng nhân của Thầy

tbd 120724a


Một trong những điều, mỗi khi được đem ra thảo luận, có không ít người tín hữu Công Giáo không quan tâm đến, đó chính là công việc loan báo Tin Mừng.

Một số người không quan tâm đến do bởi những suy nghĩ thiển cận rằng, đó là công việc của các linh mục, các tu sĩ. Một số khác nại lý do rằng: Tôi không biết phải làm gì… phải ăn nói ra sao, khi ra đi loan báo Tin Mừng?

Đã là một Ki-tô hữu, loan báo Tin Mừng là việc không của riêng ai. Đức Giê-su, trước khi về trời, Ngài đã có lời truyền dạy, rằng: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28, 18, 20).

Còn phải làm gì, nói gì ư? Thưa, điều đó không quá khó. Nhiều linh mục, qua các bài giảng, đều giảng dạy rằng: Hãy sống như là một chứng nhân của Chúa. Nói rõ hơn, đó là hãy sống một đời sống tuân theo điều răn Chúa Giê-su đã dạy: “hãy yêu thương.”

Thật vậy, Chúa Giê-su đã dạy rằng: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau. Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13, 34-35).

Còn nếu… nếu chúng ta muốn biết “rõ ràng” phải làm gì, phải ăn nói ra sao, khi ra đi loan báo Tin Mừng ư! Thưa, điều này Đức Giê-su cũng đã có lời dạy bảo. Lời dạy bảo này đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mác-cô. (Mc 6, 7-13).

**
Vâng, dựa theo bối cảnh Tin Mừng thánh Mác-cô ghi chép, chúng ta được biết: Sau cuộc trở về thăm quê nhà Na-da-rét đầy thất vọng, Đức Giêsu tiếp tục “đi các làng chung quanh mà giảng dạy.”

Giảng dạy, đó là công việc Đức Giê-su làm, không mệt mỏi. Đức Giê-su đã làm và Ngài còn muốn các môn đệ của mình, cũng phải làm. Và, đó là lý do, hôm ấy, “Người gọi Nhóm Mười Hai lại, và bắt đầu sai đi từng hai người một.” (x.Mc 6, 7).

Sai-đi-từng-hai-người-một, đó là điều xưa kia Thiên Chúa đã thực hiện với trường hợp Mô-sê và A-ha-ron. Mô-sê và A-ha-ron đã được Thiên Chúa “sai đến với Pha-ra-ô để đưa dân (Người) là con cái Israel ra khỏi Ai Cập.”

Sai-đi-từng-hai-người-một cũng là điều ngày nay Giáo Hội thực hiện qua việc bổ nhiệm linh mục, cho mỗi giáo xứ. Thông thường, mỗi giáo xứ có một linh mục chánh xứ và một linh mục phó xứ.

Trở lại với Mười Hai môn đệ của Đức Giê-su. Hôm ấy, hành trang các môn đệ mang theo, đó là “quyền trừ quỷ”, một thứ quyền đã được Thầy Giê-su ban cho. Kèm theo là một khẩu lệnh được Đức Giê-su công bố cho các ông, đó là: “Không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo.” (Mc 6, 8-9).

Đừng… đừng nghĩ rằng, chỉ thị này “gây khó dễ” cho các môn đệ. Ra chỉ thị này, Đức Giê-su như muốn nói với các môn đệ rằng, công cuộc rao giảng Tin Mừng, trước hết và trên hết, đó là: hãy trao phó mọi sự trong sự quan phòng của Thiên Chúa.

Đúng vậy! Điều này đã được mặc định qua việc Đức Giê-su bảo với các môn đệ, rằng: “Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi. Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.”

Nhóm Mười Hai, cuối cùng, rồi cũng từng hai người một, ra đi. Chuyện kể rằng: “Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối.” Kết quả, nói theo ngôn ngữ ngày nay, đó là: “ thành công tốt đẹp”. Thật vậy: “Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.”

***
Như vậy, một người môn đệ khi ra đi loan báo Tin Mừng phải làm gì, phải ăn nói ra sao, chúng ta đều đã biết.

Tuy nhiên, điều chúng ta cần biết trước tiên, đó là, khi đã là một Ki-tô hữu, loan báo Tin Mừng là việc không của riêng ai. “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho khắp loài thụ tạo”. Vâng, Chúa Giê-su đã truyền dạy như thế.

Chúng ta không chịu trách nhiệm gì về sứ vụ loan báo Tin Mừng, khi mình chưa sinh ra. Nhưng, đã là một Ki-tô hữu, thì đây là một trọng trách. Một trọng trách vì, như lời thánh Phao-lô nói, một Ki-tô hữu chính là “sứ giả thay mặt Đức Ki-tô” (2Cor 5, …20).

Là sứ giả của Chúa, thế nên, chúng ta phải ra đi. Ra đi, vì “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít.” Hành trang của chúng ta hôm nay, cũng không cần “mang gì đi đường”, cũng không cần “mang lương thực, bao bị, tiền bạc” nhưng phải cần mang “đức tin, đức cậy và đức mến”.

Đức tin, đức cậy và đức mến, còn hơn cả quyền trừ quỷ. Trừ được quỷ mà không có đức mến, điều gì sẽ xảy ra! Thưa, kiêu ngạo. Từ kiêu ngạo sẽ dẫn đến chia rẽ. Từ chia rẽ sẽ dẫn đến ly khai. Ly khai rồi gì nữa! Thưa là ly giáo. (Nhóm trừ quỷ Bảo Lộc, như điển hình).

Đức tin và đức cậy giúp chúng ta tin tưởng và cậy trông vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận như tấm gương mẫu mực mà chúng ta cần noi theo. Với mười ba năm tù, nhiều năm bị biệt giam, thế nhưng, ngài Phan-xi-cô Xa-vi-ê Thuận vẫn một mực tin tưởng và phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa.

Còn đức mến thì sao! Thưa, có đức mến, chúng ta có thể trừ khử được rất… rất nhiều loại quỷ. Vâng, đó là quỷ-vênh-vang, quỷ-tự-đắc, quỷ-nóng-giận, quỷ-tranh-chấp, quỷ-chia-rẽ, quỷ-bè-phái, quỷ-ganh-tỵ, v.v…

Do vậy, dù chúng ta không phải là linh mục, cũng chẳng phải là tu sĩ, mà chỉ là một người tín hữu bình thường, với gói hành trang (nêu trên) chúng ta đừng ngần ngại mà hãy đến xin… “xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”.

Xưa, ngôn sứ Amos có lời tâm tình rằng: “Tôi chỉ là người chăn nuôi súc vật và chăm sóc cây sung. Chính ĐỨC CHÚA đã bắt lấy tôi khi tôi đi theo sau đàn vật, và ĐỨC CHÚA đã truyền cho tôi: Hãy đi tuyên sấm cho Israel dân Ta.” Ông Amos, tuân lệnh Đức Chúa truyền, đã đi. (x.Am 7, 15).

Nay, Chúa cũng sẽ “bắt lấy” chúng ta, khi chúng ta đang chạy xe ôm, đang bán vé số, đang thu mua ve chai, đang là giám đốc công ty, đang là bác sĩ, đang là y tá, đang là công nhân một xí nghiệp may nào đó, v.v… Rồi, Chúa cũng sẽ truyền cho chúng ta, rằng: “Anh em hãy là chứng nhân của Thầy tại công ty, tại xí nghiệp, tại nhà thương, tại chợ búa, tại bất cứ nơi đâu có sự hiện diện của anh em.”

Vâng. Chúa đã “bắt”, đang bắt và tiếp tục bắt chúng ta. Chúa đã truyền, đang truyền và tiếp tục truyền cho chúng ta, mọi-ngày-cho-đến-tận-thế, rằng: “Hãy đi… hãy là chứng nhân của Thầy.”

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây