TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXI Thường Niên -Năm B

“Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12,28b-34)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Những Đồng Tiền Lẻ

Thứ bảy - 13/07/2024 04:18 | Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |   370
Trong chiếc giỏ này, mọi người đều ở bên nhau, đều được hiến dâng cho Chúa, cho dẫu là lòng thành hay khoe khoang, hoặc dư thừa hay thiếu thốn…, mọi của dâng cho Chúa đều được Ngài chấp nhận.
Những Đồng Tiền Lẻ
 
 

Theo Cục điều tra dân số Hoa Kỳ, dân số thế giới năm 2024 tính đến ngày 01 tháng 01 năm 2024 đạt mốc 8 tỷ người. (1)

Tính theo châu lục, châu Á là nơi đông dân nhất với khoảng 4,7 tỷ người (khoảng 60% dân số thế giới), tiếp theo là châu Phi (1,4 tỷ, chiếm 18%) và châu Âu (750 triệu, chiếm 9,4%). Bắc Mỹ có 602 triệu người (7,5%), Nam Mỹ có 439 triệu người (5,5%), Australia và châu Đại Dương có 44 triệu người. (2)

Mười quốc gia đông dân là:

1  Trung Quốc         1.424.463.560      
2  Ấn Độ                  1.422.737.163      
3  Hoa Kỳ                 338.091.117         
4  Indonesia             269.603.400         
5  Pakistan               220.892.331         
6  Brasil                    218.154.798         
7  Nigeria                 206.139.587         
8  Bangladesh         177.064.090         
9  Nga                      146.748.590                   
10 México                127.792.286         
Việt Nam                  99.552.301 đứng thứ 15 trên thế giới (4.2023) (3)

Dân số tăng dần, vấn đề lương thực cũng đòi hỏi đáp ứng đầy đủ. Nếu không nạn đói sẽ xảy ra.

Theo báo cáo từ Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho thấy: Năm 2022 chúng ta phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất trong suốt nhiều thập niên, khi có tới 1 tỷ người bị đói mỗi ngày. (4)

Điều này có thể tăng lên khi việc biến đổi khí hậu, chiến tranh ngày càng lan tràn… gây ra khủng hoảng lương thực cùng với việc lãng phí thực phẩm trong đời sống hằng ngày đe dọa mạng sống con người của những nơi thiếu thốn.

Mỗi bữa ăn của những người thiếu thốn thật quí giá và trân trọng những ai biết chia sẻ cho người cùng khổ.
Bữa Ăn Cuối Cùng!

Một sinh viên ra trường thất nghiệp đã lâu, không tìm được việc làm.
Sáng hôm đó, anh uể oải thức dậy, lục mãi trong ví chỉ còn 10 dollars cuối cùng. Anh rửa mặt thay đồ rồi lang thang trên phố, hy vọng tìm được bất cứ công việc gì có thể.

Nhưng đến đâu cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu từ chối. Đến khi thấy đói, anh ghé vào một quán ăn nhanh để mua một phần ăn cuối cùng và ly soda.

 

Anh vừa lấy được phần ăn nóng hổi ngồi xuống bàn, chưa kịp cắn một miếng thì trước mặt anh bỗng xuất hiện một ông lão ăn xin dẫn theo 2 đứa cháu.

Trông họ thật tồi tàn, dơ bẩn và đói lả. Ông lão van xin anh vì ông cháu họ đã nhịn ăn gần cả tuần rồi. Những đứa trẻ thèm thuồng nhìn cái bánh hamburger anh đang cầm trong tay.


Chàng thanh niên nhìn lại mẩu bánh, anh cũng đói nhưng anh biết họ còn đói hơn anh. Anh cầm cả khay thức ăn đưa hết cho ông lão. Ông lão ăn xin cảm ơn rối rít, rồi lục trong túi xách rách nát đưa cho anh một đồng xu cổ và nói: “Cảm ơn lòng tốt của anh, xin hãy nhận cho lòng biết ơn của chúng tôi”.

Anh chẳng biết làm được cái gì với đồng tiền cổ này, nhưng cũng nhận lấy nhét vào túi cho ông lão yên tâm.

Chàng thanh niên thất thểu bước ra khỏi quán. Giờ thì anh thật sự đã chẳng còn gì nữa. Không tiền, không việc, không hy vọng cùng cái đói đang gặm nhấm bao tử. Anh đi xuống bờ sông, tìm một chỗ mát dưới gầm cầu, và định nằm đó cho đến khi được lên thiên đàng.

Khi loay hoay dọn dẹp xong chỗ nằm, chợt thấy một mẫu báo rách, anh cầm nó lên đọc. Trên báo có mẩu tin: một trung tâm mua bán đồ cổ rao thu mua tất cả những đồng tiền cổ với giá cao.

Anh moi trong túi ra đồng tiền khi nãy ông lão ăn xin đưa cho anh, ngắm nghía một hồi hy vọng biết đâu nó cũng giúp anh mua được vài thứ để nhét vào bụng. Nghĩ vậy nên anh bò dậy và cầm mẩu báo đi tìm địa chỉ.

Khi anh đến nơi và chìa tay đưa ra đồng tiền, một chuyên viên trong cửa hàng xem xong gọi ông chủ đến. Ông chủ đem ra một cuốn sách cũ to tướng, rồi cùng anh và người chuyên viên lục tìm mẫu đồng tiền anh đang có. Sau khi tra cứu niên giám kiểm tra mẫu đồng tiền đó, cả 3 người té ngửa khi biết nó có giá… 3 triệu dollars.

Anh mất cả ngày hôm đó để hoàn tất thủ tục mua bán, và sáng hôm sau anh bước ra khỏi nhà với tư cách là người chủ tài khoản ngân hàng với 3 triệu dollars. Anh vui mừng chạy ngay đến quán ăn mà anh đã gặp 3 ông cháu ăn xin lần cuối.

Nhưng khi hỏi toàn bộ nhân viên và ông chủ cửa tiệm, không ai biết tung tích của ông lão ăn xin. Chỉ có một nhân viên đưa ra một mảnh giấy, nói là ông lão có viết để lại cho anh.

Anh mừng rỡ mở ra xem, hy vọng đây là tin nhắn giúp anh tìm được họ. Nhưng trên mảnh giấy chỉ vỏn vẹn có vài hàng:

“Cảm ơn lòng tốt của anh bạn trẻ. Anh đã cho chúng tôi tất cả những gì anh có khi anh đã không còn gì nữa. Vậy nên, anh xứng đáng để nhận lại phần thưởng từ Chủ Nhân Của Thiên Đường”. (5)

Đồng xu của anh sinh viên nghèo nhận được làm tôi nhớ đến câu chuyện bà góa bỏ hai đồng xu vào hòm tiền thời Chúa Giêsu được thánh Máccô kể lại.

 
Đồng Xu Bà Góa
 

 “41 Đức Giê-su ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền.42 Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rô-ma.43 Đức Giê-su liền gọi các môn đệ lại và nói: "Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết.44 Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình."

Bà góa này là ai mà được Chúa Giêsu khen ngợi dù chỉ dâng cúng vào đền thờ hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rôma?

Bà Góa Trong Thánh Kinh
 


Góa là tình trạng hôn nhân trong đó một người có chồng hoặc vợ đã chết. Người phụ nữ có chồng đã mất được gọi là góa phụ hay quả phụ goá chồng; người đàn ông có vợ đã mất thì gọi là quan phu hay góa vợ. (6)
 
Những góa phụ trong Thánh Kinh thường cần được những sự nângđỡ của cộng đồng bởi vì mọi của cải khi người chồng mất đi đều thuộc về trưởng nam. Có chăng chỉ là chút tiền để riêng được khi chồng còn sống hoặc thời con gái.

Sự thương cảm của Thiên Chúa đối với những người vợ bị mất người thân được bộc lộ trong toàn bộ Kinh Thánh, Ngài bảo vệ quyền lợi của họ và mong đợi dân Ngài cũng cư xử như vậy.

Thiên Chúa bảo vệ các góa bụa: “Cha nuôi dưỡng cô nhi, Đấng đỡ bênh quả phụ, chính là Thiên Chúa ngự trong thánh điện Người” (Tv 68,6; x. Đnl 10,18; Tv 146,9; Cn 15,25; Gr 49,11).

Các bà góa phải được đối xử công bằng: “Đáng nguyền rủa thay kẻ làm thiệt hại đến quyền lợi của ngoại kiều, cô nhi quả phụ” (Đnl 27,19 x. Xh 22,22-24; G 24,21-22; Tv 94,6; Is 10,1-4; Gr 22,3-5; Ed 22,25).

Các bà góa không được để bị bóc lột: “Mẹ góa con côi, các ngươi không được ức hiếp” (Xh 22,22 x. Is 10,1-2; Ed 22,7; Ml 3,5; Mc 12,38-40 // Lc 20,45-47).
Lề luật đòi dân Chúa phải cấp dưỡng cho các bà góa: “Khi anh em gặt lúa trong ruộng mình, mà bỏ sót một bó lúa trong ruộng, thì không được quay lại mà lấy, bó lúa ấy dành cho ngoại kiều và cô nhi quả phụ.” (Đnl 24,19 x. Đnl 14,28-29 16,11 24,17.20-21 26,12; Is 1,17).

Luật lệ chế định việc tái hôn của các góa phụ: để nối dòng, khi một anh em chết mà không có con trai, người anh em còn sống phải cưới người vợ góa và đứa con trai đầu lòng sẽ duy trì tên của người anh em đã chết (Đnl 25,5-10 x. R 4,10; Mc 12,19 // Lc 20,28).

Cộng đoàn Kitô hữu phải chăm sóc các bà góa: “Anh em hãy kính trọng các bà góa, những bà góa đích thực (1Tm5,3 x. 1Tm 5,4-6; 1Cr 7,8-9; Gr 1,29). Và không được bỏ rơi họ (Cv 6,1)… (7)

Tin mừng cũng nhắc đến niềm vui của bả góa Anna trong Đền Thờ khi gặp được Hài Nhi Giêsu (Lc 2,36-38). Chính Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, cũng là một bà góa, nên Chúa Giêsu cũng cảm nhận được thân phận của những phụ nữ góa bụa cần được nâng đỡ và chở che. Chuyện Chúa Giêsu cho con trai một bà góa thành Nain sống lại là một minh chứng (Lc 7, 11-17).
 
 
 
Trong Thánh Kinh, có một bà góa giàu sang, xinh đẹp được nhắc đến như là vị cứu tinh của dân tộc Ítraen. Trước quân thù vây hãm và tình hình trở nên bi thảm, dân tộc có thể bị diệt vong, bà Giuđitha, một người rất kính sợ Đức Chúa đã đứng lên vực dậy niềm cậy trông vào Thiên Chúa và chỉ có một mình Thiên Chúa mới cứu thoát họ tay quân thù.

Sau khi giết được tướng Hôlôphécnê của Nabucôđônoxo và quân đội của ông bị đánh tan tành, người ta ca tụng bà như sau:

“Bà làm cho Giêrusalem hãnh diện, cho Ítraen vinh hiển,
cho giống nòi chúng ta được vinh dự lớn lao.
Chính tay bà làm nên những việc ấy
và thực hiện những điều tốt lành cho nhà Ítraen.
Thiên Chúa hài lòng về những việc của bà.
Xin Thiên Chúa toàn năng ban cho bà nhiều ơn phúc,
đến muôn thuở muôn đời.” Mọi người đáp: “A-men”.  (Gdt 15,9-10).

Trong gia phả của Chúa Giêsu theo thánh Mátthêu (Mt 1,1-16) có nhắc đến 5 người phụ nữ. Không kể Mẹ Maria, 2 trong số 5 người phụ nữ này góa bụa, song chính nhờ sự cậy trông, tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa mà họ được nhắc đến.

Tama (Stk 38,1-27), người vợ góa của ông E. Theo luật thế huynh (Lêrirát), để nối dòng, khi một anh em chết mà không có con trai, người anh em còn sống phải cưới người vợ góa và đứa con trai đầu lòng sẽ duy trì tên của người anh em đã chết (Đnl 25,5-10). Chính sự khao khát có người nối dòng mà bà Tama được khen: “Nó công chính hơn tôi” (Stk 38,26).
 

Rút (R 1-4), một người dân ngoại, dân Môáp, lấy chồng là một người Ítraen. Khi chồng mất, thay vì như chị dâu Óocpa trở về với cha mẹ, quê hương và dân tộc mình, thì ngược lại, Rút đã đi theo mẹ chồng, bà Naômi, một góa phụ, với lời minh thị chắc chắn:

“Xin mẹ đừng ép con bỏ mẹ mà trở về, không theo mẹ nữa, vì
mẹ đi đâu, con đi đó,
mẹ ở đâu, con ở đó,
dân của mẹ là dân của con,
Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con.” (R 1,16)

Với sự quyết tâm chọn lựa này, bà Rút đã được Thiên Chúa chúc phúc. Bà trở thành bà nội của vua Đavít, một dòng tộc mà Đấng Cứu Thế sẽ thuộc về.

Người Góa Phụ Thành Xarépta
 

Trong Tin mừng, Chúa Giêsu cũng nhắc đến một bà góa đã quảng đại hy sinh tấm bánh cuối cùng cho người của Thiên Chúa, và bà cùng con trai được cứu thoát khỏi nạn hạn hán và nạn đói.

“Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en; thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn.”(Lc 4,25-26)

Câu chuyện này được kể trong sách Các Vua quyển thứ nhất như sau:
Sau một thời gian, suối cạn khô, vì trong xứ không có mưa.8 Bấy giờ có lời Đức Chúa phán bảo ông Ê-li-a:9 “Ngươi hãy đứng dậy đi Xa-rép-ta, thuộc Xi-đôn, và ở lại đấy. Này Ta truyền cho một bà goá ở đó nuôi ngươi.”10 Ông liền đứng dậy đi Xa-rép-ta. Khi đến cổng thành, ông thấy có một bà goá đang lượm củi. Ông gọi bà ấy và nói: “Bà làm ơn đem bình lấy cho tôi chút nước để tôi uống.”11 Bà ấy liền đi lấy nước. Ông gọi bà và nói: “Bà làm ơn lấy cho tôi miếng bánh nữa!”12 Bà trả lời: “Có Đức Chúa, Thiên Chúa hằng sống của ông tôi thề là tôi không có bánh. Tôi chỉ còn nắm bột trong hũ và chút dầu trong vò. Tôi đang đi lượm vài thanh củi, rồi về nhà nấu nướng cho tôi và con tôi. Chúng tôi sẽ ăn rồi chết.”13 Ông Ê-li-a nói với bà: “Bà đừng sợ, cứ về làm như bà vừa nói. Nhưng trước tiên, bà hãy lấy những thứ đó mà làm cho tôi một chiếc bánh nhỏ, và đem ra cho tôi, rồi sau đó bà sẽ làm cho bà và con bà.14 Vì Đức Chúa, Thiên Chúa của Ít-ra-en phán thế này:

“Hũ bột sẽ không vơi
vò dầu sẽ chẳng cạn
cho đến ngày Đức Chúa
đổ mưa xuống trên mặt đất.”

15 Bà ấy đi và làm như ông Ê-li-a nói; thế là bà ấy cùng với ông Ê-li-a và con bà có đủ ăn lâu ngày.16 Hũ bột đã không vơi, vò dầu đã chẳng cạn, đúng như lời Đức Chúa đã dùng ông Ê-li-a mà phán.(1V 17,7-16).

Khi nghe theo lời ngôn sứ, bà đã chấp nhận nhường chút phần bánh cuối cùng của bà và con trai bà; và rồi, một phép lạ đã được thực hiện: hũ bột không vơi và lọ dầu không cạn trong suốt thời kỳ hạn hán và đói kém trong vùng. Câu chuyện này có đôi nét gì tương đồng với điều Chúa Giêsu quan sát thấy ở bà góa bỏ vào hai đồng xu. Ở đây, bà đã sẵn lòng nhường cho vị ngôn sứ đến cả chút phần lương thực cuối cùng của mình - đó chính là chút phương thế còn sót lại có thể kéo dài sự sống của bà và con trai bà thêm một thời gian ngắn. Cái mà bà đã cho, suy cho cùng, không phải chỉ là chút bánh nướng cuối cùng, mà hơn thế nhiều, đó chính là sự sống còn của bà và con trai bà, cho dù chỉ thêm được ít thời gian. Thật là cao cả. Vâng, trong hoàn cảnh hạn hán và đói kém như thế, một chút của ăn vật chất quả là quí giá để có thể sống còn lâu thêm, với hy vọng sẽ tìm được một lối thoát hoặc một trợ giúp nào khác. Ai cũng có thể biết và hiểu rõ điều này, nhưng có lẽ không có nhiều người đành lòng nhường phần của mình cho người khác.

Ở câu chuyện bà góa bỏ hai đồng xu cuối cùng dâng cúng cho Đền Thờ, Chúa Giêsu khen ngợi bà vì đã dám cho đi tất cả, cho đi cả phần cần thiết để nuôi sống mình. Chúng ta không biết số phận của bà sẽ ra sao, nhưng ta biết chắc một điều là số tiền của bà bỏ vào thùng không đáng kể so với người khác, song đó chính là tất cả tài sản còn lại của bà.

 
Những Đồng Tiền Rôma
 

Người Do-thái thời Chúa Giêsu quen dùng tiền Hy-lạp và La-mã, họ lấy vàng làm bản vị (étalon or). Một đồng vàng đời Augúttô cân nặng 7,8gr. Tuy nhiên đồng bạc “denarium” (denier) lại thường dùng hơn. Một đồng bạc thời ấy chỉ cân nặng bằng nữa đồng vàng 3,9gr và giá trị kém vàng 25 lần. Một đồng bạc La mã ‘denarium’ có hình Xêda là đồng tiền nộp thuế mà mỗi người nam trưởng thành Do thái phải trả trong thời kỳ Rôma đô hộ, gọi là thuế đinh (Mt 21,19), và cũng là tiền công nhật của một người thợ làm 12 giờ (Mt 20,2-14).

1 xu (as, assarius)  là 1/16 đồng bạc ‘denarium’.
1 xu đôi (dipondius)  là 2 đồng as.
1 xu nhỏ (quadrans)   là ¼ as.
1 đồng tiền (minutum, lepta)  là 1/8 as.

Đồng bạc Hy lạp “drachma” cũng một giá như đồng bạc “denarium”.

1 đồng Didrachma là 2 drachma.

1 đồng Stater là 4 drachma.
1 lạng (mine) là 100 drachma.
1 nén (talentum) là 6.000 drachma.

Đồng “drachma” cũng một giá như đồng bạc “denarium” tương đương lương một ngày làm công của người bình thường. 1 nén bạc bằng 6.000 denarium, tương đương 6.000 ngày, gần 20 năm làm việc của một người lao động.

Đồng stater là 4 drachma được thánh Phêrô tìm thấy trong miệng cá để nộp thuế cho Chúa Giêsu và chính mình (Mt 17,24-27).

Tại Đền thờ Giêrusalem, người ta dùng tiền Do-thái  là đồng sekel (sicle). Một sekel bằng 4 drachma. Các tư tế đã trả cho Giuđa bằng tiền này (Mt 26,16). Để dâng cúng tại Đền thờ, những người Do-thái ngoại kiều phải đổi ra đồng sekel. Nhân đó mới có những người đổi bạc tại Đền thờ và bị Chúa Giêsu xua đuổi. (Ga 2,15; Mt 21,12; Mc 11,15)

Có loại đồng tiền có giá trị thấp nhất được lưu hành vào thời Chúa Giêsu là đồng lepton bằng đồng. Có thể số tiền mà bà góa đã bỏ vào hòm dâng cúng trong đền thờ là hai đồng lepton. (Mc 12,42, Lc 21,2). (8)

 
Tâm Sự Những Đồng Tiền Lẻ
Đêm đã khuya, gió lành lạnh thổi về, trằn trọc mãi mà tôi không sao ngủ được. Bỗng đâu tôi nghe được những lời tâm sự của những đồng tiền lẻ sau một lần xóc giỏ trong ngày Chúa Nhật.

Nằm thật im, nín thở, để lắng nghe câu chuyện của họ: 
 
 
Đâu đó, những đồng tiền mệnh giá 5.000, 2.000, 1.000… mà người đời gọi là những đồng tiền lẻ, thì thầm: sao chúng ta nhiều vậy! Họ nằm im chấp nhận cuộc đời lãng quên như chính thân phận bọt bèo của mình.

Nhìn những anh chị 10.000, 20.000, 50.000, họ vui vẻ trò chuyện một cách rôm rả bởi vì họ là số đông. Họ là nhiều nhất trong hầu hết các lần xóc giỏ. Vì vậy họ có quyền nhìn thẳng vào cuộc đời mà bước đi.

Và anh/chị 100.000, có lẻ cũng bước đi bên cạnh với các em mình một cách vui vẻ và hòa đồng.

Ô! Nhìn kìa, những anh cả, chị hai 500.000 và 200.000 cũng có trong giỏ, nhưng không nhiều, có thể đếm trên những đầu ngón tay, ngón chân song họ vẫn hiện diện. Khuôn mặt của anh chị không kiêu sang, bảnh chọe như khi đi vào nhà hàng, siêu thị… Họ cũng lặng lẽ như mọi người. Có chăng, đôi khi liếc nhìn đàn em của mình mặt họ hơi “vênh” lên một chút. Nhưng thôi, trong chiếc giỏ này, mọi người đều ở bên nhau, đều được hiến dâng cho Chúa, cho dẫu là lòng thành hay khoe khoang, hoặc dư thừa hay thiếu thốn…, mọi của dâng cho Chúa đều được Ngài chấp nhận.

Mệnh giá của bạn là bao nhiêu?
Những đồng tiền lẻ giữa đời?
Những đồng tiền hạng trung hay là anh cả chị hai?
Còn mệnh giá của tôi là mấy?

Một cơn gió mạnh gây tiếng động làm tôi tỉnh thức. Tôi nhớ lại câu hỏi ‘mệnh giá của tôi là là mấy?’ mà giật mình. Tôi nhớ đến 2 đồng xu của bà góa. Bà được Chúa Giêsu khen ngợi vì bà đã dám quảng đại dâng cho Chúa ngay cả những lúc túng thiếu.

Trong đời thường tôi đã dâng cho Chúa những gì?

Còn bạn thì sao?

Lạy Chúa, xin nâng đỡ con!
Nguyễn Thái Hùng
 Tags: nthung, tiền

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây