Chúa Nhật – Lễ Chúa Thăng Thiên
Hãy là chứng nhân của Chúa
Thánh Phao-lô, trong thư gửi tín hữu Corinto, có lời rằng: “Nếu Đức Ki-tô không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng.” (1Cor 15, 14).
Vâng, Đức Ki-tô đã “trỗi dậy” và hôm nay, chúng ta tuyên xưng rằng: “Ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh”. Chúng ta vẫn tuyên xưng như thế và chúng ta còn tuyên xưng: “Người lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha”.
Những lời tuyên xưng nêu trên, không do Giáo Hội tự bịa đặt ra, nhưng là do các vị tông đồ truyền dạy. Các vị tông đồ đã truyền dạy, vì các vị chính là chứng nhân.
Các thánh tông đồ đã truyền dạy, và những lời truyền dạy đó đã được chép lại trong các sách Tin Mừng. Trong các sách Tin Mừng đó, có Tin Mừng Thánh Luca. Thánh Luca có ghi lại sự kiện Đức Giê-su lên trời.
Theo thánh Luca, sự kiện Đức Giê-su lên trời xảy ra gần ngôi làng Bê-ta-ni-a. Hôm ấy, các môn đệ đang quy tụ bên nhau trong một ngôi nhà tại Giê-ru-sa-lem. Có thể, đây là ngôi nhà các ông và Thầy Giê-su đã cùng ở bên nhau trong những ngày ra đi rao giảng Tin Mừng.
Trong lúc “Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và nói: Bình an cho anh em”.
Vâng, trước lúc đó vài phút, lúc các-ông-còn-đang-nói, còn đang nói về việc “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-mon”, ấy thế mà, bây giờ Thầy Giê-su đến chúc các ông bình an, các ông lại “kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma”. Phải chăng, các ông “thần hồn nát thần tính”!
Không phải là ma. Là chính Đức Giê-su. Là Đức Giê-su và Ngài nói: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây”
Vâng, là chính Đức Giê-su Phục Sinh. Ngài đã trỗi dậy từ cõi chết và đã đến gặp gỡ các môn đệ. Đến và nói, nói với các ông rằng: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách luật Môsê, các sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm”.
Không thấy thánh Luca nói Đức Giê-su đã trích dẫn chương nào, đoạn nào trong sách Thánh Vịnh, nhưng ai cấm chúng ta nghĩ rằng, chắc hẳn, Ngài đã nói đến chương 68, câu 19: “Ngài đã lên cao… ở bên cạnh CHÚA TRỜI”!
Phần các môn đệ, chắc hẳn các ông biết Thầy Giê-su nói gì. Biết, nhưng biết khác với hiểu. Biết rằng Thánh Vịnh có chép như thế, nhưng lời chép đó phải “hiểu” như thế nào, khó đấy!
Và, đó là lý do, hôm đó, Đức Giê-su “mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh.”
Đối với Đức Giê-su, Kinh Thánh chính là chìa khóa để hiểu được “ý định của Thiên Chúa”. Và, ý định của Thiên Chúa, hôm ấy, Đức Giê-su nói cho các môn đệ biết, đó là: “Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội.”
Nói xong, Ngài truyền lệnh cho các môn đệ, rằng: “Chính anh em là chứng nhân về những điều này.” Mười một người môn đệ đón nhận mệnh lệnh của Đức Giê-su! Thưa, chắc chắn là thế.
Truyền lệnh xong, Đức Giê-su “dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a rồi giơ tay chúc lành cho các ông.”
Gần Bê-ta-ni-a là gần nhà chị em cô Mát-ta chăng! Thánh Luca không cho biết. Tuy nhiên, chúng ta có thể biết rằng, gần ngôi làng này đã xảy ra một hiện tượng vô tiền khoáng hậu.
Vâng, hôm đó, tại nơi này, Đức Giê-su “đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời” (x.Lc 24, 51).
Đức Giê-su đã “được đem lên trời”. Và các môn đệ, sau khi chứng kiến sự kiện này, thánh Luca cho biết “Các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỷ, và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.”
**
Thật ra, vào những ngày đầu, sau khi Đức Giê-su Phục Sinh, có thể nói, các môn đệ vẫn chưa nghĩ rằng, rồi đây Thầy của mình sẽ “được đem lên trời”.
Chứng kiến tận mắt sự Phục Sinh của Ngài, nhưng với hai môn đệ trên đường về Emmau, tâm hồn họ vẫn chỉ quanh quẩn trong niềm vui “nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh”.
Còn mười một vị trong nhóm mười hai ư! Vâng, có thể nói, sự kiện Thầy Giê-su Phục Sinh đã đem đến cho các ông niềm vui khôn tả. Các ông đã vui, đã tin tưởng, đã hy vọng và đã hỏi Thầy Giê-su rằng: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel không?”.
Không… Đức Giêsu đã nói không. Bốn mươi ngày qua, kể từ khi “trỗi dậy” từ cõi chết, Đức Giêsu không ngừng đến với các môn đệ. Nhưng, mỗi khi đến với các ông, Ngài chưa một lần có những lời nói hay việc làm ngụ ý như thế. Trái lại, khi nghe các môn đệ hỏi như thế, Đức Giêsu đã cảnh báo các ông rằng: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt…”
Đức Giê-su sẽ không khôi phục vương quốc Israel. Vương quốc của Ngài không phải là vương quốc ở trần thế, như có lần Ngài đã nói: “Nước tôi không thuộc thế gian này.”
“Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi… Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.” Và rằng: “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em” (Ga 16, 7).
Vâng, Đức Giê-su đã nói như thế. Rất có lợi, đó là: “…để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó”.
Điều cần thiết, ngay lúc này, điều Đức Giê-su đã nói cho các ông biết, đó là các ông cần: “sức mạnh của Thánh Thần”. Và rồi, Ngài có lời truyền dạy các ông, rằng: “Khi (sức mạnh) Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất.” (x.Cv 1, 8).
***
“Ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh. Người lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha”. Các môn đệ xưa, chính là chứng nhân về những điều này. Và, ngày nay chúng ta chính là chứng nhân.
Chứng nhân của ngày hôm nay, không hẳn là phải dùng lý lẽ để biện chứng cho sự kiện Đức Giê-su đã trỗi-dậy-từ-cõi-chết, và rằng Ngài đã được-đem-lên-trời, nhưng điều cần làm và tối cần làm, đó là “…Đến phần chúng ta. (Chúng ta) phải là những người nhận trách nhiệm về sứ vụ của Giáo Hội”. Vâng, ngài Lm. Charles E.Miller có lời khuyên, như thế.
Mà, sứ vụ của Giáo Hội là gì? Thưa, đó là “Hãy đi… làm cho muôn dân trở thành môn đệ” của Đức Giê-su. Chưa hết… còn nữa. Đó là “dạy bảo họ tuân giữ mọi điều (Đức Giê-su) đã truyền dạy”.
“Làm cho muôn dân trở thành môn đệ” của Đức Giê-su! Điều này chúng ta đã làm, đang làm và vẫn tiếp tục làm. Thành quả như thế nào, chắc hẳn mỗi chúng ta đều biết.
Còn việc “dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Đức Giê-su đã truyền dạy” ư! Vâng, đây mới là công việc quan trọng. Quan trọng là bởi, chính Đức Giê-su đã phán truyền: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.” (x.Mt 7, 21).
Thi-hành-ý-muốn-của-Cha-Thầy chẳng phải là tuân-giữ-mọi-điểu-Đức Giê-su-đã-truyền-dạy, sao!
Tất nhiên là Giáo Hội, qua các vị Giám Mục, Linh Mục vẫn luôn dạy bảo người tín hữu tuân giữ mọi điều Đức Giê-su đã truyền dạy.
Thì đây, Giáo Hội, được hiện diện qua mỗi giáo xứ, chẳng phải là vẫn luôn “dạy bảo” các em thiếu nhi qua các lớp giáo lý... lớp giáo lý xưng tội rước lễ lần đầu, lớp giáo lý để lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức, lớp giáo lý Bao Đồng dành cho các em trưởng thành, đó sao!
Rồi những hội đoàn. Hội Con Đức Mẹ. Hội Thiếu nhi Thánh Thể, Hội Hùng Tâm Dũng Chí, cũng là những nơi “dạy bảo người tín hữu tuân giữ mọi điều Đức Giê-su đã truyền dạy”. Đó là chưa nói tới những lớp học Kinh Thánh, Thần Học giáo dân, v.v…
Chỉ tiếc rằng, không ít người “nghe”, “học” nhưng không “đem ra thực hành”. Điển hình là mấy tuần lễ vừa qua, một người lãnh tụ của một cường quốc hạt nhân (không muốn nêu tên ông kẹ này ở đây), tay phải làm “dấu thánh giá” (một dấu hiệu chứng minh mình là một người môn đệ của Đức Giê-su), tay trái ký sắc lệnh tiến hành cái gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt”, tấn công (vô cớ) vào một nước láng giềng nhỏ bé, với tất cả sức mạnh của hỏa tiễn hành trình, của boom chùm, và có thể có cả vũ khí hạt nhân.
Người lãnh tụ này, đã và đang hành động như thế. “Ông kẹ” này có thể có nghe lời Đức Giê-su đã truyền dạy: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”. Thế nhưng, ông ta không chịu trở thành “chứng nhân cho những lời Chúa truyền dạy”.
Vâng, phải chăng ông ta đã “nhổ nước bọt” vào tờ “sự vụ lệnh”, tờ sự-vụ-lệnh Đức Giê-su đã ký truyền, với mệnh lệnh: “Anh em là chứng nhân của Thầy”!
Nói lên điều này để làm gì? Thưa, là để, nếu chúng ta đã là một Ki-tô hữu, chúng ta phải là chứng nhân của Đức Ki-tô Giê-su. Phải là chứng nhân cho Đức Ki-tô ở bất cứ nơi nào mình có mặt.
Tất nhiên, không nhất thiết chúng ta phải có mặt ở Phi Châu, ở Trung Đông hay một xó xỉnh nào đó trên thế giới. Trước nhất và quan trọng nhất, đó chính là trong gia đình chúng ta.
Chắc hẳn ai trong chúng ta đều biết rằng, gia đình là rường cột xã hội, là nền tảng cộng đồng, là chiếc nôi sự sống, là nhà giáo dục đầu tiên, và cũng là một tập hợp để hình thành Giáo Hội. Thế nên, hãy tự hỏi mình rằng: “Tôi có là một chứng nhân cho Đức Ki-tô, ngay trong gia đình tôi?”
Mà, “làm chứng nhân” ngay trong gia đình mình, nào có khó chi! Tất cả đều là “người nhà” với nhau, chẳng lẽ chúng ta không sống chứng nhân cho nhau, vì nhau, sao!
Chỉ cần một cử động của tâm hồn, một tâm hồn mở ra, mời Đức Giê-su vào. Khi có Đức Giê-su trong tâm hồn, những lời truyền dạy của Ngài tự nhiên (có phần chắc như thế) sẽ xuất hiện trong con tim ta.
Vâng, những lời truyền dạy của Đức Giê-su, không phải là những lời truyền dạy khó thực hiện. Những lời truyền dạy của Đức Giê-su, chẳng phải là chúng ta gọi là “tám mối phúc thật”, đó sao!
Là “mối phúc” cớ sao chúng ta không đem-ra-thực-hành, nhỉ! Hãy đón nhận và thực hành. Thử đi! Cứ thử sống “hiền lành, khao khát nên người công chính, xót thương người, có tâm hồn trong sạch, xây dựng hòa bình”, v.v… có phần chắc, chúng ta sẽ nằm trong danh sách những “chứng nhân cho Nước Trời”.
Đức Giê-su đã chẳng phán truyền: “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ”, đó sao!
Hãy tưởng tượng, khi đức tính “hiền lành” hiện diện trong tâm hồn mỗi thành viên trong gia đình, điều gì sẽ xảy ra? Phải chăng là sự “nóng giận” sẽ bị đẩy lui? Khi sự sự nóng giận bị đẩy lui, phải chăng, sẽ không dẫn đến bất hòa và khó dẫn tới bất đồng?
Cũng vậy, với tất cả thành viên trong gia đình đều có “tâm hồn trong sạch”, điều gì sẽ xảy ra? Phải chăng là sẽ chẳng có ai sống “dâm bôn, phóng đãng”? Phải chăng sẽ không có cảnh “ông ăn chả, bà ăn nem”? Phải chăng là chẳng cần dùng đến “tường lửa” để chặn những trang web đen?
Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, đừng quên rằng, nếu chúng ta “sống thật” với những đức tính nêu trên, đó là lúc chúng ta đã trở thành “chứng nhân về những điều Chúa đã truyền dạy”.
Một chi tiết mà chúng ta cần biết, đó là: hôm Đức Giê-su được rước lên trời, tác giả sách Công Vụ Tông Đồ cho biết: “Có hai người đàn ông mặc áo trắng… nói (với các môn đệ) rằng: Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời” (x.Cv 1, 11).
Vâng, điều này cũng đã được thánh Mát-thêu nói đến, nói rất rõ rằng: “Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm” (Mt 16,27).
Chúa sẽ thưởng. Vâng, chúng ta chỉ nói tới phần thưởng thôi. Vì, tâm lý là ai cũng muốn “được thưởng”. Mà, Chúa sẽ thưởng ai? Riêng người viết, người viết cho rằng, Chúa sẽ thưởng những ai là “chứng nhân của Chúa”. Đúng không, thưa quý vị!
Vậy, muốn nhận được phần thưởng của Chúa, chúng ta “hãy là chứng nhân của Chúa”, ngay hôm nay, bây giờ.
Petrus.tran
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn