TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đường về trời

Thứ hai - 30/05/2022 05:38 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   933
Nếu không có Thiên Chúa làm người thì chẳng có con người nào biết đường về trời.
Đường về trời

Đường về trời


 Con đường nào trên trái đất này đều có chỉ dẫn bằng nhiều phương tiện, riêng con đường về trời chẳng biết hỏi ai? Chỉ có một người dẫn đường, và nhiều người khác trợ giúp. Nếu không có Thiên Chúa làm người thì chẳng có con người nào biết đường về trời.

Đường về trời ở đâu? Chúa cho bảng hướng dẫn hay Chúa trực tiếp đưa dẫn? bảng hướng dẫn luôn có người chỉ cho con đường, nhưng vấn đề vẫn ở nơi con người tiếp nhận như thế nào và thực hành ra sao. Như triết gia Pascal viết: "Kiến thức về thân phận cùng khổ mà không nhận biết Thiên Chúa, gây nên tuyệt vọng. Kiến thức về Chúa Giêsu, chúng ta tìm thấy Thiên Chúa và sự khốn cùng của mình."

Bảng chỉ đường đòi hỏi những khó khăn vượt qua để tới được nước trời. Con người ưa thích con đường dễ chịu hơn, ít đòi buộc hơn. Giảm thiểu đi những đòi hỏi, con đường về trời có vẻ như khó khăn hơn. Giống như một vận động viên nuốn đạt thành tích nhưng chỉ chấp nhận khổ luyện ít hơn, giảm thiểu đi những bài tập khó khăn và kiên trì. Dĩ nhiên đường đến vinh quang sẽ không có cơ hội.

Con đường về trời, khởi đi cuộc sống hằng ngày, bắt đầu từ những bước đi chập chững, rồi mạnh mẽ hơn, cứng cáp hơn và dẻo dai hơn. Đó là qua những thực tập thiêng liêng, từ bước nhỏ dễ đến những bước nặng và khó khăn. “Muốn lên cao, bước đi từ thấp, muốn đi xa, bước đi từ gần”. Có sức chịu đựng, có sự bền bỉ, cả những lúc gặp khó khăn, bước nhọc nhằn tiến lên. Thánh Phaolô ví như một cuộc đua: “Anh em chẳng biết sao: trong cuộc chạy đua trên thao trường, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải. Anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng. Phàm là tay đua, thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư; trái lại chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát. Vậy tôi đây cũng chạy như thế, chứ không chạy mà không xác tín; tôi đấm như thế, chứ không phải đấm vào không khí. Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại.” (1 Cor 9, 24 – 27)

Ngày xưa các cụ, ông bà lo phần hồn của mình cần được cứu rỗi, ngày nay giới trẻ lo lắng về sức khoẻ, tài chánh, du lịch, chek in, làm đẹp. Những lo lắng phần xác bỏ quên phần hồn. Một số người thời nay vừa bị lôi kéo về thể xác vừa lo mất linh hồn, giữa lưng chừng núi, vừa thích thấy trên cao, vừa lo ngã xuống. Đời sống thiêng liêng để lên trời, giống như người chèo thuyền ngược dòng suối, không tiến lên có nghĩa là thụt lùi. Không ở lưng chừng bởi dòng chảy siết. Vào lúc này con người mới biết, con người mình quá nhỏ bé để vươn tới trời cao.

Dù muốn hay không Chúa Thánh Thần cũng đi vào trong tâm hồn con người. Dù họ có chống lại Chúa, nhưng không thể ngăn Chúa Thánh Thần hoạt động trong tâm hồn họ. Khi họ lầm lỡ, sa ngã, tiếng nói Chúa Thánh Thần vẫn cảnh tỉnh họ. Dù họ có dùng chất ma tuý để quên tiếng nói lương tâm, tỉnh ngộ họ vẫn nghe tiếng lương tâm thúc giục quay về. Đường về trời vẫn mở ra cho con người, dù con người có thế nào chăng nữa, Thiên Chúa vẫn chờ đợi.

Đường về trời, không xa, ngay trong nỗi khắc khoải về hạnh phúc thật, không phải là thứ hạnh phúc của trần gian:  “Chỉ mong tôi chẳng còn gì nhờ thế không bao giờ lẩn tránh được người. Chỉ mong giàng buộc trong tôi chẳng còn gì, nhờ thế trói buộc được thân mình vào ý người muốn, và nhờ thế thực hiện ý người trong suốt đời tôi - ý ấy là tình yêu người giàng buộc thân tôi.” (Bài 34, Lời dâng, R. Tagore). Những ước muốn của người muốn vươn lên ra khỏi những ràng buộc để sống trong tự do của thần khí.

Chúa Thánh Thần hoạt động đa dang, phong nhiêu trong mọi con người, dưới nhiều chiều kích, không ai có thể nói hết được tác động của Chúa. Chúa Thánh Thần luôn là Đấng khai mở trong tâm hồn nỗi khắc khoải không nguôi, Đấng đổ tràn tình yêu cho chúng ta: “Xin ban Chúa cho con, lạy Chúa, xin trả Chúa lại cho con. Này con yêu mến Chúa, nếu còn ít, thì chớ gì con yêu mến Chúa nhiều hơn. Con không thể đo lường cho biết tình yêu của con còn thiếu cái gì cho đầy đủ, để đời sống con chạy ôm lấy Chúa, cho đến khi con được ẩn nấp trong mầu nhiệm của nhan thánh Chúa.” (Tự thuật, Augustine).

Chúa Thánh Thần cũng là Đấng ban sức mạnh, niềm tin chắc thăng, sự bền bỉ, kiên vững để đạt tới: “Từ thời ông Gio-an Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được” (Mt 11, 12). Chúa Thánh Thần trợ lưc cho chúng ta.
Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây