TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hãy làm Dấu… suốt đời ta

Thứ sáu - 24/05/2024 19:44 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   522
“Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.

Chúa Nhật - Lễ Chúa Ba Ngôi
Hãy làm Dấu… suốt đời ta

 

tbd 250524a


Một trong những điều căn bản một tín hữu Công Giáo phải biết, đó là: làm dấu thánh giá. Làm dấu thánh giá, nói không sợ sai, đó là bài học đầu tiên không một bà mẹ Công Giáo nào lại không dạy cho con em mình. Vâng, rất ngắn gọn: “Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần”.

Về hình thức: “Vừa làm dấu theo hình chữ thập vừa đọc to hoặc đọc nhẩm: ‘Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần’. Vừa đọc vừa dùng tay phải chạm lên trán, ngực và vai trái rồi vai phải tạo thành một hình chữ thập. Dấu Thánh Giá kết thúc bằng chữ ‘Amen’ và chắp hai tay ở trước ngực, hoặc hôn bàn tay làm Dấu Thánh Giá.

Dấu Thánh Giá là một cử chỉ thông dụng nhất để tuyên xưng đức tin Kitô Giáo. Làm dấu hình thánh giá để nói lên niềm tin vào công cuộc cứu độ loài người mà Chúa Giêsu đã chịu chết trên thập giá. Xướng danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là một cách nói lên niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi.” (nguồn: internet).

Câu xướng danh này không do tự Giáo Hội đặt ra, nhưng đó là lệnh truyền của Đức Giê-su, trước khi Ngài được rước lên trời. Lệnh truyền này, đã được ghi trong Tin Mừng thánh Mát-thêu. (x.Mt 28, 16-20).

**
Theo Tin Mừng thánh Mát-thêu ghi lại: Hôm ấy, “Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến.” Đức Giê-su truyền cho các môn đệ đến Ga-li-lê để làm gì? Thưa, để các ông “sẽ thấy (Ngài) ở đó.” (x.Mt 28, …10).

Ngài-sẽ-ở-đó, cũng là điều thiên thần nói với bà Maria Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Maria, khi hai bà này “đi viếng mộ” Đức Giê-su.

Hôm ấy, đó là vào ngày thứ nhất trong tuần, khi bà Mác-đa-la và bà Maria đến mộ, thì: “Thiên Thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên; diện mạo người như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết… Thiên thần lên tiếng bảo các phụ nữ: Này các bà, các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Đức Giê-su, Đấng bị đóng đinh, Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói… mau về nói với môn đệ Người như thế này: Người đã trỗi dạy từ cõi chết, và Người đi Ga-li-lê trước các ông. Ở đó các ông sẽ thấy Người.” (Mt 28, 2-7).

Chưa hết, cũng trong ngày hôm đó, chính Đức Giê-su đã hiện ra với các bà và Ngài đã nói với các bà rằng: “Về bảo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.” (Mt 28, 10).

Và, như đã nói ở trên, các môn đệ đã đi tới miền Ga-li-lê. Các ông có thấy Thầy Giê-su! Thưa có. Hôm ấy, “Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi.”

Ông nào hoài nghi! Thưa, thánh sử Mát-thêu không cho biết. Và điều chúng ta được biết, đó là, Đức Giê-su đã ban một lệnh truyền cho các môn đệ, lệnh truyền rằng: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (x.Mt 28, 18-20).

Vâng lời Thầy Giê-su, các vị tông đồ xưa đã thực hiện lệnh truyền này. Và, hơn hai ngàn năm có lẻ, lệnh truyền này vẫn luôn được thực hiện. Nó đã được thực hiện qua suốt chiều dài lịch sử Giáo Hội. Giáo Hội, qua các vị linh mục, vẫn tiếp tục thực hiện lệnh truyền, rằng: “tôi rửa (anh, chị…) nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.

***
“Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Lời xướng danh này, không chỉ để đọc lên trong nghi thức cử hành Bí Tích Rửa Tội, nhưng, nó còn để chúng ta xác tín niềm tin của mình, rằng: “Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, và Thiên Chúa có Ba Ngôi: Ngôi thứ nhất là Chúa Cha, Ngôi thứ hai là Chúa Con và Ngôi thứ ba là Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi tuy riêng biệt, nhưng cùng một bản thể duy nhất và một uy quyền ngang nhau.”

Chỉ có một Thiên Chúa và Thiên Chúa có Ba Ngôi. V âng, điều này đã được Giáo Hội “suy gẫm suốt ba thế kỷ trước khi sẵn sàng để ra tín điều Chúa Ba Ngôi qua hai Công Đồng Chung đầu tiên là Nicea I năm 325 và Công đồng Constantinopolis I năm 381” (nguồn: internet).

Lấy nguồn cảm hứng từ việc đọc Phúc Âm, Lm. Charles E.Miller đã “họa” lại bức tranh một Chúa Ba Ngôi rất sống động, như sau: “Chúa Giê-su ban cho chúng ta một mạc khải mới khi tuyên bố Thiên Chúa là Cha của Ngài. Ngài nói mình ngang hàng với Thiên Chúa. Ngài hứa sai Chúa Thánh Thần đến.” (Ga 16, …7).

Nội dung bức họa của ngài Lm. Charles rất thực… thực như những gì các trang sách Tân Ước đã ghi lại. Vâng, Tin Mừng thánh Gio-an đã ghi lại những gì Đức Giê-su đã tuyên bố: “Tôi và Chúa Cha là một. – Tôi là Con Thiên Chúa.” (x. Ga 10, 30… 36).

****
Chúa Nhật hôm nay (26/05/2024), một lần nữa, toàn thể Giáo Hội mừng kính trọng thể lễ “Chúa Ba Ngôi”. Có nhất thiết phải dùng một hình ảnh cụ thể nào đó để diễn tả mầu nhiệm “một Chúa Ba Ngôi”?

Thưa, không cần. Tại sao? Thưa, là bởi, Thiên Chúa là Đấng “vô hạn” chúng ta không thể dùng những hình ảnh “hữu hạn” để mà diễn tả về Người.

Muốn giải thích rõ ràng về mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi ư! Vâng, thay vì tập trung vào những hình ảnh hữu hạn, những hình ảnh khập khiễng, chúng ta nên chiêm ngắm sự hùng vĩ của thiên nhiên, sự kỳ diệu của cuộc sống mà Thiên Chúa đã sáng tạo, đã ban cho con người.

Đó… đó chính là cảm nghiệm của tông đồ Phao-lô và ngài đã chia sẻ cảm nghiệm này cho cộng đồng tín hữu ở Roma, như sau: “Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người ai dò cho thấu! Đường lối của Người, ai theo dõi được! Thật vậy, ai đã biết được tư tưởng của Chúa! Ai đã làm cố vấn cho Người”.

Nhờ có sự cảm nghiệm như thế, thánh nhân đã lớn tiếng ca ngợi Thiên Chúa, rằng: “Vì muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người. Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời. Amen” (x.Rm 11, 33-36).

Do vậy, không gì tốt hơn là hãy dùng ngôn-ngữ-tình-yêu, một thứ ngôn ngữ đã được chính Đức Giê-su sử dụng, để mà diển tả về một Thiên Chúa Ba Ngôi.

Thế nào là ngôn ngữ tình yêu! Thưa, hãy nhìn vào Chúa Cha. Người chẳng phải là một người Cha “từ bi và nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi”, đó sao! (x.Tv 103, 8-9).

Thế thì, muốn diễn tả về Người, không gì tốt hơn là chúng ta hãy diễn tả bằng chính sự từ bi và nhân hậu trong cuộc sống của chúng ta.

“Đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp”… có tốt hơn chăng!

Về Chúa Con. Chúa Con chẳng phải là đã nói “Tôi đến là để chiên được sống và sống sung mãn”, đó sao!. Thế thì, muốn diễn tả về Chúa Con, không gì tốt hơn là chúng ta hãy thực thi những lời Ngài đã truyền dạy, rằng: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” (x.Mt 5, 44).

Về Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần thì sao! Thưa, Đức Giê-su nói: “Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn.” Thế thì, muốn diễn tả về Chúa Thánh Thần, không gì tốt hơn là chúng ta hãy sống một đời sống trung thực: “có thì nói có, không thì nói không”. (Mt 5, 34-37) Bởi vì, “thêm thắt điều gì là do ác quỷ.”

Diễn tả mầu nhiệm “một Chúa Ba Ngôi” theo c ách thức nêu trên, khó quá chăng! Đúng, rất khó. Thế nhưng, với Đức Giê-su, thì “ngôn ngữ tình yêu” lại là điều kiện ắt có và đủ cho bất cứ ai muốn trở thành môn đệ của Ngài, vì như Ngài đã nói; “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này; là anh em có lòng yêu thương nhau”.

Xã hội chúng ta đang sống hôm nay, rất cần sự bình an, rất cần sự từ tâm và nhân hậu, nói chung là rất cần tình yêu thương. Ai sẽ cho họ nếu không phải là chúng ta!

Phải… phải là chúng ta. Và để có thể thực hiện được chúng ta cần phải: “có sự cảm thương, thông hiểu, nhẫn nại, bao dung, tha thứ, tôn trọng, nhân ái, và độ lượng...”, ngài Ron Rolheiser cho chúng ta lời khuyên, như thế đấy!

Làm sao chúng ta có thể thực hiện lời khuyên của ngài Ron Rolheiser? Nên chăng, hãy kết hợp mật thiết với Chúa Ba Ngôi!

Thưa, đúng vậy. Chúng ta phải “…làm Dấu hằng ngày… làm Dấu một đời... Khắc ghi tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa trong trái tim (chúng ta)”.

Nói tắt một lời, hãy làm Dấu suốt đời ta.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây