TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hãy sống vượt qua nỗi sợ hãi!

Thứ năm - 13/05/2021 03:18 | Tác giả bài viết: Nguyễn Vĩnh Căn |   989
Hãy sống vượt qua nỗi sợ hãi!

Hãy sống vượt qua nỗi sợ hãi!

Phàm trên đời, ai sinh ra mà không mang trong mình bản tính bẩm sinh sợ hãi! Vì sợ hãi là một bản năng gốc của con người. “Theo Phật học đại từ điển của Đinh Phúc Bảo thì thất tình không phải từ ngữ dân gian mà thật sự là thuật ngữ và pháp số của Phật giáo. Thất tình là: hỷ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục”. Sợ hãi là “cụ” một trong 7 thuộc tính của con người.

Các nhà tâm lý John B. Watson, Robert Plutchik và Paul Ekman cho rằng: “sợ hãi là cảm xúc tiêu cực, xuất hiện từ việc nhận thức các mối đe dọa… Nói tóm lại, sợ là khả năng nhận ra nguy hiểm và chạy trốn khỏi nó hoặc chiến đấu chống lại”.

Vừa mới sinh ra, con người đã sợ hãi để bật khóc oa oa. Hình như con người đã linh cảm rằng: cuộc đời đó, sẽ có lắm thử thách thương đau, lắm dâu bể luôn rình rập phận người... Và từ khi sinh ra cho đến chết, con người ta luôn sợ hãi đủ điều trong kiếp người: Sinh, Lão, Bệnh, Tử…
Hơn bao giờ hết, ngày nay, con người luôn sống trong tâm trạng phập phồng lo âu.

Đối mặt với thiên nhiên thì sợ: mưa nắng tai quái, phong ba bão táp, sấm sét, động đất, sóng thần, thiên tai… Phận làm con, làm điều sai quấy sợ cha mẹ đánh đòn, sợ anh chị hiếp đáp. Đi học sợ bạn bè bắt nạt, sợ thầy cô sửa phạt, sợ thi rớt… Ra đường sợ: tai nạn, cướp của giết người, khủng bố… Đời sống gia đình sợ: đông con, nghèo nàn, xào xáo gia đình, thất nghiệp, mất chức... Làm ăn kinh tế sợ: thua lỗ, vỡ nợ, phá sản, chứng khoán tuột dốc… Chính trị thì sợ: đảo chính, chiến tranh, bất ổn, khủng bố, súng đạn… Đời sống đạo đức thì sợ: đạo đức giả, ngụy quân tử, vô cảm, vô lương tâm, vô luân… Đời sống tình cảm thì sợ: ly hôn, sợ bị cô đơn, sợ bị quên lãng…

Nỗi sợ hãi này là của chung nhân loại chứ chẳng chừa riêng ai. Đến như vua chúa là Táo Tháo vẫn canh cánh lo âu, sợ Tư Mã Ý soán ngôi. Vua Hê-Rô-Đê sợ Chúa Giêsu giáng trần, cướp ngôi vua của mình mà ra lệnh giết con trẻ, tránh hậu họa về sau. Nữ thánh Têrêsa khi dự tu lại sợ làm mất lòng Chúa mỗi ngày, để mỗi việc làm, ngài luôn phó thác trong Chúa. Thánh Phêrô khi phạm tội chối Chúa thì lo sợ và ra sức ăn năn khóc lóc. Ngay cả Chúa Giêsu, khi vào vườn dầu cầu nguyện đã cảm cảnh viễn tượng của cuộc khổ nạn đến sầu não thoát mồ hôi, để cầu cứu Chúa Cha: “Lạy cha, nếu có thể thì xin cất chén đắng này…”.

Nỗi sợ hãi là do cảm tính của mỗi con người đứng trước những mối đe dọa hiểm nguy, chẳng ai giống ai. Nhưng người ta có thể tạm chia nỗi sợ hãi làm 3 loại:
- Sợ hãi tâm lý hoang tưởng: do tự trí tưởng tượng của mình tạo ra những điều ma mị, thần hồn nhát thần tính: sợ ma, sợ quỷ, sợ viễn vông…
- Sợ hãi do tác động ngoại lực đe dọa: sợ rắn, sợ chuột, sợ sấm sét… sợ tai nạn, sợ đau đớn, sợ bệnh tật… Sợ thua trận, sợ làm ăn thua lỗ…
- Sợ hãi siêu hình: sợ phải đối diện với cái chết, sợ mất linh hồn, sợ sa hỏa ngục, sợ thần linh trừng phạt…

Muốn vượt lên nỗi sợ hãi hoang tưởng, chúng ta phải biết tự chủ bản thân mình, tập suy nghĩ có logic để tránh trí óc chúng ta phiêu du những miền hoang tưởng, viễn vông, thiếu thực tế.

Chúng ta hãy nghe theo lời khuyên của nhà đắc nhân tâm Dale Carnegie “Để chế ngự nỗi sợ hãi, ta chỉ cần quên đi sự có mặt của nó”. "Hãy xét kỹ lại những nỗi sợ hãi hiện giờ và xem bao nhiêu trong số đó là vô nghĩa. "Nếu bạn muốn chế ngự nỗi sợ hãi thì đừng suy nghĩ về bản thân. Hãy cố nghĩ về người khác và nỗi sợ của bạn sẽ biết mất".

Sợ hãi vốn là một cảm tính bản năng của con người, nó cũng rất cần thiết trong cuộc sống. Những điều gì tránh được, chúng ta nên tránh, nên loại trừ. Ví như sợ tai nạn, sợ chết chóc…mỗi người chúng ta phải cẩn thận hơn khi tham gia giao thông, tránh không bia rượu, phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách… Sợ đau ốm, sợ chết, để chúng ta lo lắng thuốc men, chăm sóc bản thân… Sợ thi rớt để chúng ta chăm lo học hành hơn. Sợ làm ăn thua lỗ để chúng ta cẩn trọng tính toán trong việc đầu tư kinh doanh, tránh sự liều lĩnh dẫn đến phá sản, vỡ nợ… Sợ bạo hành đường phố, để chúng ta tránh đàn đúm tranh cãi, tránh đám đông xô bồ… Sợ nhiễm độc thực phẩm, chúng ta nên chọn lựa thực phẩm và ăn chín uống chín… Sợ hỏa hoạn để chúng ta cẩn trọng trong việc phòng cháy chữa cháy. Sợ sông nước để chúng ta tập bơi lội…

Muốn vượt lên nỗi sợ hãi do tác động ngoại lực đe dọa, chúng ta phải trang bị vốn sống cho bản thân mình một bản lĩnh, lòng tự tin và tính dũng cảm để đối đầu với những khó khăn, do ngoại tại đưa đến…

Một triết gia đã nói: “Con người trưởng thành là con người vượt qua được nỗi sợ hãi”.

Với nỗi sợ hãi siêu hình, theo Linh mục Robert Barron: “Tận gốc rễ của các loại tội chính là do sự sợ hãi… Sự sợ hãi là căn nguyên và là cội rễ của tội lỗi mà con người mắc phải”. Theo ông, sợ hãi là do con người cảm thấy thiếu vắng, hụt hững, thiếu an toàn trong cuộc sống, khiến ta tìm cách bù lấp, bảo vệ, che đậy, chống chế… Điều đó, có thể dẫn chúng ta đến phạm tội.

Là người Công giáo, chúng ta cũng có những nỗi sợ hãi riêng: sợ lỗi phạm với Thiên Chúa, lỗi 10 điều răn, lỗi đức ái, lỗi đức công bằng, lỗi dối trá, lỗi làm chứng gian... Sợ không được rỗi linh hồn, sợ chết phải sa hỏa ngục… Người Công giáo chúng ta còn có một nỗi lo sợ khủng khiếp nhất là, sợ phải xa cách Thiên Chúa mãi mãi.

Linh mục Robert Barron cảnh báo: “Đừng để ma quỉ đánh lừa ta bằng sự sợ hãi, bằng sự sợ mất chính mình, bằng sự sợ mất tương lai đời mình. Không! Tương lai cuộc đời ta ở trong tay Chúa, Chúa đã cứu chuộc ta bằng máu của Đức Kitô rồi, nên đừng sợ, nhưng hãy-sống-cho-ma-quỉ-sợ-ta bằng cách đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa”.

Muốn vượt lên được những nỗi sợ hãi trên, chúng ta hãy sống đời sống đạo đức của một Kitô hữu. Sống thực thi theo giới răn Chúa dạy, thờ kính Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Và trong cuộc sống, chúng ta hãy luôn tín thác vào Chúa. Vì chính ngài cũng đã vượt qua nỗi sợ hãi trước cuộc tử nạn, bằng cách: “Lạy Cha! Con xin  phó linh hồn con trong tay cha”.

Nhờ sống trong ân sủng Thiên Chúa, chúng ta sẽ thoát ra khỏi nỗi sợ hãi khi đặt trọn niềm tin vào Ngài. Theo Thánh Phao Lô “Tôi sống là sống cho Chúa và chết cũng chết cho ngài”.

Lời Chúa cũng đã từng nhiều lần nhắc nhở chúng ta: “Ðừng sợ hãi: có Ta ở với ngươi” (Isa 41:10). Chính nhờ đó, mỗi Kitô hữu sẽ sống tự tin, để can đảm vượt qua nỗi sợ hãi mỗi khi phải đối mặt với tội lỗi.

Nguyễn Vĩnh Căn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây