TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúng tôi đến bái lạy Người

Thứ năm - 13/05/2021 03:04 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   766
Chúng tôi đến bái lạy Người

Lễ Hiển Linh

Chúng tôi đến bái lạy Người

Hôm nay, Chúa Nhật 3/1/2016, toàn thể Giáo Hội mừng kính lễ Hiển Linh. Hiển Linh là gì? Thưa, theo từ điển tiếng Việt do viện ngôn ngữ học xuất bản, định nghĩa là “thần thánh tỏ rõ sự linh thiêng”. Lại có cuốn tự điển khác, tác giả là ông Thanh Nghị, ghi rằng: hiển linh nghĩa là “linh thiêng rõ ràng”. Với danh từ gốc Hy Lạp “Epiphania” thì nó có nghĩa là “hiện ra, bày tỏ”.

Kinh Thánh Tân Ước thường dùng hai chữ này để nói tới việc Thiên Chúa xuất hiện cho nhân loại qua Đức Giê-su. Với lễ Hiển Linh, Thiên Chúa đã tỏ mình ra, qua Hài Nhi Giê-su, cho dân ngoại, và đại diện là ba vị đạo sĩ, mà chúng ta quen gọi là “Ba Vua”. Vâng, biến cố này đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mát-thêu. (Mt 2, 1-12)

**
Câu chuyện được kể lại rằng: “Khi Đức Giê-su ra đời tại Belem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem và hỏi: Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu?” (Mt 2, 1-2)

Nguồn động lực thúc đẩy họ tìm kiếm “Đức Vua” do bởi đã nhìn thấy một ngôi sao lạ và tin rằng “ngôi sao lạ” này chính là “điềm chỉ” về một “Đức Vua dân Do Thái mới sinh”, thế là họ lập tức tiến hành một cuộc hành trình đi tìm nơi Đức Vua sinh ra.

Tuy không phải là người Do Thái, thế nhưng họ vẫn rời bỏ quê hương, cùng nhau dong duổi đường gió bụi, lần theo dấu vết “ngôi sao lạ” tìm cho được Đức Vua để mà “bái lạy người”.

Vâng, rất có thể họ là con cháu Apraham thuộc dòng dõi của Itmaen và những người con của Apraham với Cơtura mà khi còn sống “ông Apraham đã cho họ đi xa ông Isaac, con ông, về hướng đông, về đất Phương Đông” (St 25, …6).

Có thể họ đã nghe được lời Bi-lơ-am, một người thuộc dân tộc Madian, cũng là một dân tộc thuộc dòng dõi Itmaen, đã nói “Tôi thấy nó, nhưng bây giờ chưa phải lúc, tôi nhìn, nhưng chưa thấy nó kề bên; một vì sao xuất hiện từ Giacop, một vương trượng trổi dậy từ Israel”. (x.Ds 24, 17).

Cũng rất có thể họ là những vị vua của những tiểu quốc Đông Phương, vì một sự mặc khải nào đó thúc đẩy họ tìm kiếm Đấng Messia.

Để rồi, hôm nay, khi mà “vì sao” đó đã được các nhà chiêm tinh thấy “kề bên”, họ liền tức tốc lên đường đến Giêrusalem.

Sự xuất hiện đột ngột của các nhà chiêm tinh, với những lời công bố của họ, rằng “Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người”… đã trở thành trái bom tấn chấn động cả kinh thành.

Thật vậy, chuyện kể tiếp rằng: “Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao” (x.Mt 2, 3).

Một khẩu lệnh triệu tập khẩn cấp tất cả các thượng tế và kinh sư đã được vua Hê-rô-đê ban hành. Nhà vua cần biết “Đấng Kitô phải sinh ra ở đâu”.

Rất nhanh chóng, các vị thượng tế và kinh sư, trả lời: “Tại Belem, miền Giu-đê”. Vâng, các vị thượng tế và kinh sư công bố như thế dựa vào lời ngôn sứ xưa có chép: “Phần ngươi, hỡi Belem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì nơi ngươi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời” (Mt 2, 6).

Nói vậy, nhưng các thượng tế và kinh sư vẫn điềm nhiên, họ không sẵn sàng làm người hướng đạo cho các nhà chiêm tinh.

Còn các nhà chiêm tinh thì sao? Thưa, nghe xong, các vị tiếp tục cuộc hành trình. Họ đi… đi theo hướng “ngôi sao”, bỏ mặc đàng sau sự hào nhoáng của Giêrusalem, với những lời hứa hão huyền của bạo chúa Herode. Các vị lên đường trong sự tin tưởng rằng, “vì sao” sẽ dẫn họ đến nơi đến chốn.

Và quả thật niềm tin của họ được đặt đúng chỗ. Hôm đó, “ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại”. Vâng, ngôi sao đó, rất kỳ lạ, kỳ lạ ở chỗ, mà không ai có thể phủ nhận, đó là: cùng thời điểm trên, tại Belem, cũng đã có nhiều hài nhi được sinh ra. Nhưng… lạ lùng thay! Ngôi-sao lại chỉ dừng nơi chính “Đức Vua sinh ra”.

Chuyện kể rằng “Họ vào nhà , thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người” (Mt 2, 11)

***
Sẽ thật ngây thơ khi nghĩ rằng cuộc hành trình đi tìm “Hài Nhi Giêsu” của mấy nhà chiêm tinh như là một cuộc trẩy hội cưỡi-lạc-đà-xem-hoa!

Vâng, đó là một cuộc hành trình đầy gian khổ. Cứ thử làm một bài toán, từ nơi ở của các nhà chiêm tinh, tính theo đường “chim bay”, đến Giê-ru-sa-lem, khoảng 2000Km. Nếu đi đường bộ, với núi non hiểm trở, đoạn đường có thể kéo dài gấp đôi. Với sự di chuyển của lạc đà, và nếu chỉ di chuyển ban đêm, giỏi lắm, họ chỉ đi được khoảng 70km/ngày, là cùng. Làm một bài toán nhân, một tháng là 2100km. Như vậy, hành trình của các nhà chiêm tinh phải mất khoảng gần hai tháng.

Chưa hết, các ngài còn phải đối diện với những cạm bẫy, những âm mưu của con cáo già Hê-rô-đê. Một “cáo già” đầy tham vọng, dễ gì cam chịu bỏ ngai vàng, để… “Xin quý Ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người”!

Kinh Thánh có chép rằng: “Kẻ gian ác mưu hại người công chính, và hậm hực nghiến răng. Nhưng Chúa cười nhạo nó” (Tv 37(36), 12-13).

Và quả nhiên, Hê-rô-đê đã bị cười nhạo, cười nhạo bằng việc các nhà chiêm tinh đã được báo mộng, rằng: “đừng trở lại gặp vua Hêrôđê nữa”.

Câu chuyện khép lại bằng việc các nhà chiêm tinh “đã đi lối khác mà về xứ mình”.

****
Như các nhà chiêm tinh xưa, hôm nay, chúng ta cũng là những kẻ đang trải qua một cuộc hành trình tìm kiếm.

Khác một điều, cuộc hành trình tìm kiếm của chúng ta hôm nay, không phải là một cuộc hành trình “tìm để gặp Hài nhi Giêsu” nhưng là tìm để gặp “Giêsu Cứu Chúa của đời ta”.

Và giống một điều là, chúng ta cũng sẽ phải gặp nhiều thử thách cam go, nhiều cạm bẫy, nhiều toan tính lừa lọc của những Hê-rô-đê thời đại này.

Họ cũng mừng Giáng Sinh, nhưng là một Giáng Sinh không có “Merry Christmas”, không có sự “Tìm kiếm thật sự Giê-su Christ - Cứu Chúa của đời ta”.

Trái lại, những Hê-rô-đê thời đại hôm nay đã biến ngày trọng đại này thành một “lễ hội dân gian đầy tính trần tục”. Biến những “Hang Belem” thành nơi phô trương sự giàu sang của mình, bằng những ánh đèn nhấp nháy đủ màu sắc, tốn kém có khi lên đến hàng chục triệu đồng…

Vì thế, cần phải nhìn các nhà chiêm tinh xưa, xem các vị như là tấm gương mẫu mực, mẫu mực về niềm tin - tin vào lời “ngôn sứ”, về sự kiên trì – kiên trì đi theo “ngôi sao hiện bên phương Đông” và cuối cùng, đó là sự vâng phục – vâng phục lời báo mộng “đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa”.

Nói theo cách nói hôm nay, tin vào lời ngôn sứ tức là tin vào Thánh Kinh. Hãy nhớ rằng, Thánh Kinh chính là “ngọn đèn soi ta bước, là ánh sáng chỉ đường ta đi” (x.Tv 119, 105). Cũng đừng nghe những lời ngụy ngôn rằng thì-là-mà, cuốn Thánh Kinh đã lỗi thời… xưa rồi…

Đúng, Thánh Kinh xưa như mặt trời, nhưng nếu không có mặt trời, loài người sẽ phải dò dẫm trong bóng đêm. Thánh Kinh xưa như không khí, nhưng nếu không có không khí, loài người sẽ ngạt thở và giãy chết. Thánh Kinh xưa như nước, nhưng loài người sẽ phát điên nếu không có nước.

Nói theo cách cách nói hôm nay, kiên trì đi theo “ngôi sao hiện bên phương Đông”, nghĩa là hãy để ”mắt hướng về Đức Giê-su là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin” (x.Dt 12, 2)

Nói theo cách nói hôm nay, “đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa”, nghĩa là, hãy tránh xa những lời lẽ mỹ miều của những chủ nghĩa đậm tính chất thế tục, những chủ nghĩa vô thần lệch lạc, còn xót lại ở một vài nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Nói tắt một lời “Trong Đức Ki-tô và nhờ Tin Mừng”, chúng ta sẽ tìm thấy “Giê-su Cứu Chúa của đời ta”.

Giờ đây, chúng ta hãy để một phút hồi tâm và tự hỏi lòng mình rằng: đã qua bao nhiêu “mùa sao sáng, đêm Noel Chúa sinh ra đời”, thế nhưng, tôi đã thật sự tìm thấy “Giê-su Cứu Chúa của đời ta”?

Nếu chưa, hãy đến, không phải tại “Belem, miền đất Giu-đa” năm xưa, nhưng là tại “Belem, bàn Tiệc Thánh Thể”, chính nơi đây, ta sẽ gặp được “Giê-su Cứu Chúa”, một Đức Giê-su luôn lớn tiếng mời gọi, “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (x.Kh 2, 20)

Thưa Bạn, bữa tiệc đêm Noel vừa qua, bạn có mở cửa tâm hồn mình, đón vị khách mang tên “Giê-su Cứu Chúa”? Phải có chứ, phải không thưa quý bạn!

Vâng, phải có, bởi vì, có Người, chúng ta mới có thể tiếp bước với các nhà chiêm tinh xưa, để nói với nhân loại hôm nay, rằng: “Chúng tôi đã thấy Chúa… nên chúng tôi đến bái lạy Người”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây