TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Gia Thất Thánh

Thứ năm - 13/05/2021 02:58 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   638
Gia Thất Thánh

Lễ Thánh Gia

Hãy đón nhận “Gia Thất Thánh”

Như chúng ta được biết, gia đình là nền tảng của xã hội và Giáo Hội. Và người ta còn nói rằng: gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình quan trọng là vậy. Thế mà, đáng buồn thay, do những biến động xã hội trên thế giới, do những chủ thuyết lệch lạc của con người, nó đã gây ra biết bao xáo trộn trong đời sống gia đình, làm lung lay tận gốc rễ của xã hội cũng như của Giáo Hội.

Thật ra, không đợi đến hôm nay, gia đình mới phải đối diện với thảm cảnh như thế. Mà, ngay từ tạo thiên lập địa, với nguyên tội của Adam và Eva, một thứ tội “bất tuân lệnh truyền”, gia đình không còn là nơi “Ôm ấp ta những ngày thơ. Cho ta bao nhiêu niềm thương mến”.

Ngược lại, nó đã trở thành bãi chiến trường. Kinh Thánh có ghi lại một cuộc chiến đã xảy ra trong gia đình nguyên tổ. Cain, người anh, chỉ vì tính ích kỷ, thói ganh tỵ đã giết chết em mình là Abel.

Kể từ đó, khi nói tới hai tiếng “gia đình”, người ta thường tự hỏi: “… là đường đưa ta tới thiên đàng hay đưa tới địa ngục” (Honoré de Balzac).

Không. Gia đình vẫn là một món quà quý giá mà Thiên Chúa đã ban tặng cho con người. Thật vậy, qua chương trình cứu độ, Thiên Chúa đã sai Con của Người đến thế gian, không như một Tôn Ngộ Không huyền thoại, nứt từ trong đá ra, với bảy mươi hai phép thần thông biến hóa, nhưng từ trong một gia đình. Thiên Chúa muốn phục hồi giá trị của gia đình bằng một gia thất mới, gia thất thánh, gồm có: Thánh Giuse, Thánh Maria và Thánh tử Giêsu.

Gia thất thánh, không “thánh” qua những vầng hào quang bởi các nhà họa sĩ thường vẽ trên những bức chân dung của ba vị, nhưng là bởi đời sống của ba vị, một đời sống “vâng phục và vâng lời” Thiên Chúa.

Sự vâng phục và vâng lời của gia thất thánh có được là do bởi các ngài có một đời sống đức tin, đức cậy và đức mến vững mạnh.

Và câu chuyện gia thất thánh “trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua”, vào năm Đức Giê-su “được mười hai tuổi”, như một minh chứng điển hình.

Thật vậy, câu chuyện đó đã được kể rằng: hôm đó, sau khi “xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giêsu thì ở lại Giêsusalem, mà cha mẹ chẳng hay biết”. (Lc 2, 43).

Tại sao cha mẹ Ngài không hay biết? Thưa, chuyện là thế này, Đền thờ Giêrusalem có bốn cổng, hai cổng dành cho nữ và hai cổng dành cho nam. Khi vào, nam và nữ phải đi đúng cổng quy định. Riêng trẻ em, có thể đi bên nào tùy thích. Cho nên, việc ông bà Giuse-Maria “cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành” là điều thường tình.

Thế nhưng, khi “không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giêrusalem mà tìm”. Sau ba ngày tìm kiếm, thật không ngờ, hai ông bà tìm thấy con mình “đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi”. 

Thế là, một cuộc đối đáp xảy ra giữa các thành viên của gia thất thánh. Và chính cuộc đối đáp này chứng tỏ các ngài đã “vâng phục và vâng lời” Thiên Chúa.

Thì đây, hãy nghe mẹ Đức Giê-su nói với Người: “Con ơi, sao con lại đối xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!”.

Thưa bạn, nếu là bạn, bạn sẽ trả lời như thế nào? Có lẽ, có phần chắc, các bạn trẻ hôm nay sẽ trả lời rằng: “Chuyện của tui, ông bà xía dzô làm gì!”, phải không, thưa quý vị?

Với Đức Giê-su thì không phải vậy. Ngài thấu hiểu “đức mến”, nói rõ hơn, đó là, tình yêu thương của cha mẹ đối với mình. Hôm đó, với tư cách là “Con Thiên Chúa”, Ngài đã trả lời rất rõ ràng, rằng: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” 

Còn ông bà Giu-se và Maria thì sao? Thưa, thánh sử Luca cho biết: “Ông bà không hiểu lời Người nói”.

Vâng, “Ông bà không hiểu”, nhưng chúng ta phải hiểu rằng, sự việc không hiểu của các ngài, đủ để khẳng định, gia thất của các ngài đúng là một gia thất sống vâng phục và vâng lời trong đức tin, đức cậy và đức mến.

Tại sao chúng ta có thể khẳng định như thế! Thưa, là bởi, dựa vào biến cố sứ thần Chúa “truyền tin cho ông Giu-se” cũng như “truyền tin cho Đức Maria”. Hôm đó, cả hai vị có “hiểu gì đâu” những gì sứ thần truyền, ngoài việc “vâng phục và vâng lời”!

Vâng, một gia đình như thế, thưa ngài Honoré de Balzac, có gì ngăn cản ta khẳng định, rằng: gia đình vẫn “… là đường đưa ta tới thiên đàng”

**
Năm 2014 vừa qua, Giáo hội chọn làm năm “Phúc Âm hóa gia đình”. Làm thế nào để Phúc Âm hóa ? Thưa, theo Đức Hồng y GB. Phạm Minh Mẫn, qua một bài giảng, ngài đã nói: cách tốt nhất, đó là: “Suy niệm Lời Chúa”. 

Vậy, nên chăng, hãy lấy ngay đoạn Tin Mừng hôm nay, đoạn nói về gia thất thánh: Giuse - Maria - Giêsu, để suy niệm, để “Phúc Âm hóa” gia đình chúng ta? (x.Lc, 2, 41-52)

Thưa, đúng vậy. Là một Kitô hữu, một người môn đệ của Đức Giêsu, chúng ta phải nhìn, phải lấy gia đình Giuse-Maria-Giêsu, như là mẫu mực cho cuộc sống gia đình mình.

Tại sao phải xem gia thất thánh như là mẫu mực cho cuộc sống gia đình của ta? Thưa, là bởi, nơi đó có một thánh tử Giê-su biết “vâng lệnh Đức Chúa” cũng như “hằng vâng phục” cha mẹ mình. Nơi đó, còn có một bà Mẹ Maria “hằng luôn ghi nhớ tất cả những điều” Chúa truyền dạy. Và cuối cùng, nơi đó, có một người cha Giu-se luôn sẵn sàng “cực lòng vì con”.

Thế còn, những “mẫu mực” do người đời truyền bá, thì sao? Thưa, đó chỉ là những lý thuyết khập khễnh, những chủ thuyết vô nhân. Chúng chỉ đem lại cho gia đình sự ích kỷ. Chúng đã để lại một hậu quả là: “Nhiều gia đình leo lét trong bão giông. Theo thống kê, chỉ tính riêng năm 2012 ở Việt Nam đã có gần 100.000 vụ ly hôn, con số này chiếm gần 35-40% tổng số đôi hôn nhân ở Việt Nam trong năm. Điều đáng nói là trong số đó có hơn 70% là số gia đình trẻ (tuổi 22-30). Theo phóng viên Ben Bland của tờ Financial Times, Radio Australia, số vụ ly hôn ở Việt Nam ngày càng gia tăng nhanh.

Điều đáng nói là số vụ ly hôn ở Việt Nam đã tăng gần gấp đôi chỉ trong vòng 5 năm, từ 53.000 vụ trong năm 2005 lên đến 90.000 vụ trong năm 2010. Thêm nữa, trung bình ở nước ta mỗi năm có khoảng 300.000 ca nạo phá thai, trong đó độ tuổi 15-19 chiếm khoảng 60-70 %”. (nguồn: internet)

Đừng cho rằng, chúng ta, chỉ là những phàm nhân, đầy yếu đuối và tội lỗi, làm sao có thể sống như cách sống của gia thất thánh, một gia thất có hai vị “thánh Maria-Giuse” và một vị là “Con Đấng Tối Cao”…

Nghĩ như thế, có phải là một cách nghĩ quá thiển cận? Thưa, đúng vậy. Đức Maria và thánh Giu-se, hai vị chỉ được gọi là “thánh” sau khi họ đã qua đời. Khi hai vị còn tại thế, một vị chỉ là “bác thợ mộc”, còn vị kia chỉ là “bà Maria”, mà thôi. 

Mà, nếu… Đức Maria và thánh Giu-se được gọi là “thánh” khi còn tại thế, thì cách nên thánh của hai vị cũng không quá khó để chúng ta noi theo. Vâng, rất giản dị, chỉ hai chữ “vâng lời” đối với Đức Maria và “vâng phục” đối với Thánh Giuse. 

Thiên Chúa, đừng nghĩ rằng, Người sẽ bắt chúng ta phải “vâng lời và vâng phục” giống như cách Đức Maria và thánh Giuse đã vâng lời và vâng phục, xưa kia.

Hôm nay, điều chúng ta cần vâng lời và vâng phục, chính là “tuân giữ các điều răn của (Thiên Chúa) và làm những gì đẹp ý Người” (1Ga 3, …22).

Mà điều răn của Chúa nào có khó giữ đâu? Chỉ là “mến Chúa yêu người”, mà thôi. 

Còn “làm đẹp ý Người ư!” Vâng, ý của Người là: thứ nhất và quan trọng nhất, đó là: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”. Và thứ hai, cũng không kém phần quan trọng, đó là: “Chớ muốn vợ chồng người”.

Thưa Bạn, Bạn có thấy “ý của Người” là một “ý tốt” đem lại niềm vui và hạnh phúc cho gia đình? Vâng, câu trả lời là của quý bạn, thế nhưng, hãy nhớ rằng, Kinh Thánh có lời khuyên: “Tuân theo thánh ý Ngài, con vui sướng hơn là được tiền rừng bạc bể” (x.Tv 119, 14)

***
Ngày 25/12/2015 vừa qua, chúng ta có một đại lễ kỷ niệm mừng Chúa Giáng Sinh. “Chúa Giáng Sinh”, nói theo “ngôn ngữ” Thánh Kinh, thì, “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”.

Đã hơn hai ngàn năm, là người Ki-tô hữu, chúng ta vui mừng về điều này. Thế nhưng, vui mừng là một chuyện, còn chuyện khác quan trọng hơn, đó là: Chúa đã thật sự “cư ngụ giữa ta”… Ta đã thật sự “đón nhận Ngài”!

Đừng quên, Thánh Kinh cho ta biết “Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (x.Ga 1, 12)

Vâng, có phần chắc, ai trong chúng ta cũng đều nhìn nhận mình là “con Thiên Chúa”. Có phần chắc, ai trong chúng ta cũng đều thốt lên, rằng: tôi đã “đón nhận Ngài”.

Vậy, còn chờ gì nữa mà không đón nhận “gia thất của Ngài”, đón nhận như một hành trang, như một “vốn sống”, như một “mẫu mực” cho cuộc sống gia thất của chúng ta, hôm nay!

Hãy đón nhận Gia Thất Thánh, các Bạn nhé!

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây