Khi tham dự Thánh Lễ, mọi người đã được Chúa Thánh Thần quy tụ để nên một Dân Hiến thánh cho Thiên Chúa. Nên khi tham dự Thánh Lễ, mọi người không đến để xem, cũng không chỉ là tham dự mà còn được mời gọi cách tích cực. Đó là cùng nhau cử hành Thánh Lễ, với cha chủ sự, trong Chúa Giêsu, nhờ Chúa Thánh Thần dâng lên Chúa Cha.
Khi tham dự cử hành, người Kitô hữu đã được đi vào mầu nhiệm hiệp thông, nên Một trong Chúa Giêsu, để dâng lễ cuộc đời mình: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Ki-tô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1 Cr 10,16-17).
Mọi thành phần Dân Thiên Chúa tham dự đều là người cử hành có một vị trí riêng biệt nhưng trong toàn thể. Không phải tôi là người quan trọng được công bố Lời Chúa, hay tôi là thành viên ca đoàn hát hay, hoặc tôi là người điều hành tốt trong Thánh lễ. “Trong các cử hành phụng vụ, thừa tác viên hay tín hữu, mỗi người theo phận vụ của mình, chỉ làm và làm trọn vẹn những gì thuộc phận vụ của mình theo bản chất của sự việc và các quy tắc phụng vụ.” (GLTC 1144)
Ngay trong trang hoàng Thánh lễ cũng mang chiều kích của hy lễ hoàn vũ, vẻ đẹp của ngày sáng tạo, tự nhiên và thanh thoát mang chiều kích quy về Chúa Kitô: “Sự sống được mở ra cho vạn vật và tất cả được đầy tràn ánh sáng vĩnh cửu, và Đấng là Vầng Đông của các vầng đông xâm chiếm vũ trụ: Đấng được sinh ra trước Sao Mai, bất tử và cao cả, là Đức Ki-tô chiếu soi vạn vật hơn cả mặt trời” (GLTC 1165). Trang hoàng hoa nến gian cung thánh không giống như sân khấu mà cần trang trọng, đơn giản, cung kính.
Chúng ta được Chúa Thánh Thần quy tụ, thanh tẩy chúng ta qua lời kinh thú tội để chuẩn bị vào bàn tiệc Lời Chúa. Chúng ta được mở lòng mở trí lắng nghe Lời Chúa, đáp lại tiếng Chúa mời gọi qua Thánh vịnh, Thánh ca. Chúa Thánh Thần làm cho Lời Chúa Giêsu qua các sách Tin Mừng, không chỉ là trang sách, lời đọc mà còn làm nên Lời Hằng Sống, Lời nuôi dưỡng chúng ta tâm hồn và thể xác. Chúa Thánh Thần giáo huấn trong nội tâm, sửa lại trong ngoài chúng ta.
Lời giảng trong Thánh Lễ có vai trò đặc biệt, Lời Chúa trở nên sống động nhờ đã được sống, đã được Chúa Thánh Thần hun đúc. Lời giảng quy về Chúa Kitô để Chúa đang sống, nói với, hướng dẫn dân Người. Lời giảng ấy cho chính mình và cho cộng đoàn để chỉ có một Thầy, một Chúa, Đấng giảng dạy cho muôn dân.
Tưởng niệm: Không chỉ là nhắc lại biến cố vượt qua, còn là hiện tại hoá cử hành mầu nhiệm Chúa Kitô. Nhờ Chúa Thánh Thần chúng ta được tháp nhập vào trong hy tế Chúa Kitô bằng những của lễ đời thường. Bánh và rượu tượng trưng cho sức lao công, là lương thực nuôi dưỡng thể xác chúng ta dâng lên để trở nên lời ca tụng Chúa Cha, nên lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng linh hồn. “Kinh Khẩn cầu Chúa “Thánh Thần (Epiclesis – “khẩn cầu trên”) là lời khẩn cầu của vị tư tế nài xin Chúa Cha sai Chúa Thánh Thần, Đấng Thánh Hóa đến, để các lễ vật trở thành Mình và Máu Đức Ki-tô, và khi lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa, chính các tín hữu cũng trở thành lễ vật sống động dâng lên Thiên Chúa.” (GLTC 1105)
Trong ví dụ “cây nho” (Ga 15, 1 – 16). Chúa Giêsu là cây nho của Chúa Cha, Chúa Thánh Thần là nhựa sống của cây, để chúng ta là nhành nho sinh hoa trái. Chúa Thánh Thần là Đấng nối kết, hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa và trong tình huynh đệ với nhau.
Khi chúng ta rước Chúa vào lòng, chúng ta được sống sự sống mới của Chúa. Như của ăn nuôi dưỡng thể xác chúng ta nên lớn, mạnh khoẻ, thông minh. Mình Thánh Chúa chính lương thực Chúa nuôi cũng nên sức mạnh, nguồn ơn trợ lực cho linh hồn chúng ta như vậy. Chúa sống trong tôi và tôi sống trong Chúa.
Chúng ta đươc quy tụ cử hành Thánh Lễ, tất cả để nhờ Chúa Giêsu Kitô “Chính nhờ Người, với Người và trong Người, Mà mọi danh dự và vinh quang đều qui về Chúa là Cha toàn năng, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời.
L.m Giuse Hoàng Kim Toan