Đền thờ thân xác
Bận tâm lớn nhất của con người thời nào cũng thế: Ta sống ở đời này có ý nghĩa gì? Tại sao lại có ta, tại sao phải đâu khổ và phải chết? cuối cùng sẽ đi về đâu? Không ở đâu có câu trả lời ngoại trừ niềm tin tôn giáo. Trong niềm tin vào Chúa, ta tin rằng Đức Mẹ hồn xác về trời, chúng ta cũng được theo Mẹ về trời cả hồn lẫn xác.
Con người có khả năng truy tìm nguồn cội của chính mình. Phần lớn từ trong huyền thoại con người đều nhận ra con người có nguồn gốc từ thần linh. Trong kinh Upanishad: “Hãy tìm hiểu cái tâm linh của ngươi”. Con người không chỉ sống trong thân xác của mình mà còn sống đời sống thần linh. Thế nên, con người luôn đi tìm kiếm chân lý để sống điều đúng đắn, luôn thao thức về chính mình sẽ đi về đâu mà không bị hư mất. Sự tồn tại là điều quan trọng ở đời này và đời sau.
Ý rhức về thân xác con người là điều không thể bỏ qua với những người thiện tâm. Con người tôn giáo đều có một xác thân tuyệt vời. Thánh Phao Lô minh chứng: “Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Ki-tô sao?” (1Cor 6, 13). Thiên Chúa đã mang lấy thân xác con người khi Ngôi Lời Nhập Thể, đón nhận lấy thân xác người trong thân thể của Mẹ Maria. Một xoay chuyển mới được thực hiện: “Thân xác con người được chính Chúa mang lấy, vậy thân xác ấy cũng là Đền Thờ Chúa ngự.” (xem 1Cor 3, 16). Xác thân cùng với hồn quy hướng về Thiên Chúa theo cách thức khác nhau nhưng cùng nhau. Thân xác đến nhà thờ, chăm chú cầu nguyện, sốt sắng tham dự Thánh lễ trong khi hồn vươn lên tới Chúa, hân hoan lời chúc tụng, ngợi khen. Hồn xác kết hiệp cùng nhau, khi biết và thân một người bạn, người ta không chỉ nhận ra nhau ở bên ngoài thân xác mà người ta nhận ra nhau cả chiều sâu của tâm hồn. Thân xác là thành phần biểu lộ của tâm hồn. Thân xác thì giới hạn trong không gian và thời gian, hồn thì vô hạn. Giữa thế gian, thân xác vẫn cần đến sự khỏe mạnh, cường tráng để có một tinh thần lành mạnh. Chúa Giêsu cũng cầu nguyện cho con người trong lời nguyện hiến tế: “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần” (Ga 17, 15). Thân xác, dù sao cũng rất tuyệt vời vì đã được Chúa mang lấy.
Một thân xác khiết tinh là một mơ ước của nhiều người trong các tôn giáo. Giữ cho thân xác khiết tinh để nhìn rõ sự vật, nhìn rõ vào thân phận con người luôn chịu sự dữ bủa vây. R. Tagore đã cảm nghiệm trong sâu xa của tâm thức: “Tôi sẽ luôn luôn giữ gìn tư tưởng lánh xa mọi điều giả dối, vì hiểu chính người là chân lý đã nhóm trong tâm trí tôi nguồn sáng lý trí.” (Lời Dâng, số 4). Sự thông tuệ trong chân lý đòi hỏi sự vượt bậc việc tiết chế trong thân xác, bởi vậy các bậc hiền triết xưa kia thường tìm nơi núi cao, vắng vẻ, tránh xa trần thế, ít lệ thuộc vào vật chất nhất để sống nhiệm nhặt, kiểm soát thân xác khỏi những u mê, mở rộng đường chân, thiện, mỹ. Lời Chúa trong tám mối phúc thật dạy: “phúc cho ai giữ tâm trí trong sạch, họ sẽ nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5, 8). Mối phúc thật gắn liền sự khiết tinh thân xác với việc lãnh nhận chân lý. Chúa Giêsu nói phá đền thờ vật chất là nói đến con đường thanh luyện thân xác để nhìn ngắm Thiên Chúa trong Đền Thờ thân xác Phục sinh.
Lên trời là một sự khai mở hoàn toàn mới, thân xác sống lại là thần thiêng, một thân xác vô tỳ tích của con người tội lỗi sau khi được thanh luyện, sẽ rạng ngời như thân xác Mẹ Maria sáng trong đến vô tận. Mẹ Maria đã được vô nhiễm nguyên tội, nên thân xác Mẹ cũng được biến đổi thần thiêng. Khi sống tại dương gian, Mẹ cũng là niềm ủi an cho biết bao người sầu khổ, kẻ tội lỗi. Như nhiều người được tìm thấy niềm an ủi lớn lao lúc gặp thử thách không thể vượt qua khi chiêm ngắm Mẹ đứng dưới chân Thánh Giá. Như khi Chúa tử nạn, các tông đồ ở cùng Mẹ trong nhà cầu nguyện tìm thấy bao niềm cậy trông, khích lệ. Mẹ lên trời cả hồn cả xác. Đó là thành quả của một cuộc đời “Xin vâng” và “Xin Chúa cứ làm cho tôi”.
Chúng ta tin rằng thân xác ta ngày sau sẽ sống lại, sẽ cùng hưởng vinh quang nếu ta tin tưởng, trọn niềm tín thác vào Thiên Chúa, cố gắng sống như Mẹ. Thật diễm phúc loài người chúng con có một người Mẹ đã từng sống giữa trần gian nhưng không thuộc về thế gian. Mẹ trổi vượt về mọi mặt trong ân sủng để bầu cử cho các con cái Mẹ khi còn mang nặng thân xác yếu đuối, khổ đau và tội lỗi.
L.m Giuse Hoàng Kim Toan