TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Lễ Các Thánh Nam Nữ

“Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời thuộc về họ.” (Mt 5, 1-12a)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Kinh Mân Côi cho Hoà Bình

Thứ tư - 18/10/2023 04:04 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   764
Kinh nguyện Mân Côi như một sự mời gọi cụ thể, lời nguyện bình dân của mọi tín hữu phát xuất bằng tình yêu từ trái tim cảm nghiệm sâu xa về lòng thương xót của Chúa.
Kinh Mân Côi cho Hoà Bình
Kinh Mân Côi cho Hoà Bình

Cùng với Đức Maria chiêm ngắm mầu nhiệm Đức Giêsu là lời mời gọi của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong tông thư Kinh Mân Côi.

Kinh nguyện Mân Côi như một sự mời gọi cụ thể, lời nguyện bình dân của mọi tín hữu phát xuất bằng tình yêu từ trái tim cảm nghiệm sâu xa về lòng thương xót của Chúa. Lòng thương xót này như trong kinh nguyện của Đức Maria đã cảm nghiệm: “Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia” (Lc 1, 50), như đã từng chảy, hôm nay vẫn không ngừng đổ rót. Lòng yêu thương và từ bi của Thiên Chúa được trải nghiệm qua suốt kinh mân côi. 
Tông Thư viết: “Kinh mân côi kính Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, dần dần được hình thành trong Ngàn năm thứ hai dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần Thiên Chúa, là một lời kinh được vô vàn các vị thánh yêu thích và được Huấn quyền khuyến khích. Đơn sơ nhưng sâu sắc, lời kinh này vẫn là một lời kinh có ý nghĩa lớn lao vào buổi hừng đông của Ngàn năm thứ ba này, vì mang lại hoa quả thánh thiện. Nó dễ dàng hoà nhập vào cuộc hành trình thiêng liêng của đời sống ki-tô hữu, đời sống này sau hai ngàn năm vẫn không đánh mất sự tươi trẻ của buổi ban đầu và cảm thấy được Thánh Thần Thiên Chúa lôi kéo chèo ra chỗ sâu (Duc in altum!) để một lần nữa loan báo, và cả đến hô to lên, trước thế gian rằng Đức Giê-su Ki-tô là Chúa và Đấng Cứu độ, là đường, sự thật và sự sống (Ga 14,6), mục tiêu của lịch sử nhân loại và đích điểm mà các khát vọng của lịch sử và văn minh hướng về.”[1]
Như một bình minh mới của ngày truyền tin, Đức Maria đã nhiều lần chiêm ngắm việc Thiên Chúa đã làm trong lịch sử và vẫn còn tiếp tục làm, kinh mân côi hướng dẫn người tín hữu chiêm ngắm công trình của Thiên Chúa thực hiện như Đức Maria hằng chiêm ngắm.
Lời kinh của những tâm hồn đơn sơ bé nhỏ, nhưng chất đầy khát khao của niềm mong ước cứu rỗi. Ngày Thiên Chúa viếng thăm dân của Người là ngày bình minh mới cho mọi loài thọ tạo. Ngày ấy, xưa kia đã thực hiện nơi Đức Giêsu, lời kinh như bản tóm tắt tường thuật lại màu nhiệm Thiên Chúa đã thực hiện qua một người là Đức Giêsu Kitô, con của Đức Maria.
Chiêm ngắm mà không lần nào không nảy nở lên những “Tâm tình trìu mến, ơn phước cả”[2]. Tâm tình ấy xuất phát từ trái tim một người mẹ: “Thiên Chúa đã làm cho tôi những điều trọng đại” (Lc 1, 49). Như Tông huấn đề cập:  “Với Kinh mân côi, Dân ki-tô giáo theo học tại ngôi trường của Đức Ma-ri-a và được dẫn đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp trên dung nhan của Đức Ki-tô và kinh nghiệm chiều sâu thẳm tình yêu của Người. Qua Kinh mân côi các tín hữu lãnh nhận vô vàn ơn thiêng, hầu như qua chính đôi tay của Mẹ Đấng Cứu Thế”[3].
Từ bàn tay người mẹ, người chị, những vần thơ lai láng của Hàn Mặc Tử như ắp đầy: “Ơn Cứu Độ hoà chan”, để rồi thấy rõ nguồn ơn này khiến “bút tôi reo như châu ngọc đền vua”.
Lời kinh chiêm ngắm mang lại niềm vui, niềm vui theo bước chân của người mang Tin Mừng mà Đức Maria là người đầu tiên mang Tin Mừng Chúa Giêsu đến cho mọi người qua bà Elizabeth. Kinh nghiệm này không tìm ở đâu xa, nơi mỗi tâm hồn của chúng ta.
Đức Gioan Phaolô II chia sẻ: “Từ thuở niên thiếu, lời kinh này đã có một chỗ đứng quan trọng trong đời sống thiêng liêng của tôi. Tôi đã được gợi nhớ cách mãnh liệt về điều đó qua chuyến công du mới đây về Ba Lan, và nhất là tại Đền thánh Kalwaria. Kinh mân côi đã đồng hành với tôi trong những lúc vui sướng và trong những giai đoạn khó khăn. Tôi đã giao phó cho lời kinh ấy biết bao lo âu; nơi lời kinh ấy tôi đã luôn tìm được sự nâng đỡ. Cách đây 24 năm, vào ngày 29.10.1978, vừa mới hai tuần sau khi được chọn lên ngôi toà Phê-rô, tôi đã thẳng thắn thừa nhận: Kinh mân côi là lời kinh tôi ưa thích. Một lời kinh kỳ diệu! Kỳ diệu qua vẻ đơn sơ và chiều sâu của nó”. 
Chúng ta tìm thấy niềm vui nào khi chiêm ngắm và ngân nga lời kinh ấy? Chắc hẳn rằng, nơi Hàn Mặc Tử trong những lúc đau thương nhất của căn bệnh vẫn nghiệm thấy: “Bà giàu nhân đức, giàu muôn hộc từ bi” để rồi “ọc ra từng búng thơ”[4] .
Lời kinh quả thực là một sự thần diệu cho những tâm hồn đau thương, những lúc cảm thấy yếu đuối nhất, lại thêm sức mạnh phi thường nhất.
Người linh mục và tu sỹ có lẽ là những con người cảm nghiệm lời kinh này và cổ võ cho kinh mân côi được đọc lên nhiều nhất để rồi thấy rằng lời kinh chất đầy dữ liệu của cuôc sống. Mọi biến cố “Được quy lại thành những mầu nhiệm vui, thương và mừng, chúng dẫn chúng ta đến thông hiệp cách sống động với Đức Giê-su qua con tim của Mẹ Người.
Đồng thời con tim của chúng ta có thể gắn vào chục kinh Kính Mừng mọi biến cố của đời sống cá nhân, gia đình, quốc gia, Giáo hội và toàn thể nhân loại. Mối quan tâm của riêng ta và của những người thân cận, đặc biệt những người gần gũi nhất của ta, những người thân thiết nhất của ta. Vì thế lời kinh mân côi đơn sơ ghi dấu ấn lên nhịp sống của con người.”[5]
Với lời kinh mân côi hôm nay, chúng ta hãy cầu nguyện cho hoà bình trên thế giới nơi Ukraina và Nga, Israel và Hamas – những người dân vô tội. Nơi tâm hồn mỗi người tìm được bình an.
L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây