Lạy Ngài, xin cứu giúp con
Tin Mừng thánh Gioan có ghi lời Đức Giê-su phán truyền, rằng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (x.Ga 3, 16)
“Tin vào Con của Người”nghĩa là tin vào ai! Thưa, là tin vào Đức Giê-su, và đó chính là điều kiện tiên quyết để được lãnh nhận ơn cứu độ (linh hồn) và ơn chữa lành (thể xác).
Nói đến việc đặt niềm tin vào Con của Người, có thể nói rằng, thời Đức Giê-su còn tại thế, có rất nhiều người, nhờ đặt niềm tin vào Ngài, họ hoặc thân nhân của họ, đã được lãnh nhận ơn chữa lành, cũng như ơn cứu độ.
Thật vậy, câu chuyện “Đức Giê-su chữa con gái người đàn bà Canaan” được thánh Mát-thêu ghi lại, như một điển hình.
**
Chuyện kể rằng: Một ngày nọ “Đức Giêsu lui về miền Tia và Xi-đôn”. Tia và Xi-đôn, theo các nhà chú giải Thánh Kinh, thì ngày nay thuộc miền nam Liban, và được biết đến như là miền giáp ranh với đất của dân ngoại.
Nhắc tới điều này để biết rằng, đây không phải là lần đầu tiên Đức Giê-su cùng với các môn đệ đi qua “vùng đất dân ngoại”.
Nhớ, một lần nọ, Đức Giê-su và các môn đệ “bỏ miền Giu-đê mà trở lại miền Ga-li-lê”, với lộ trình đó, Người phải băng qua Samari. Đây cũng là vùng đất của dân ngoại. Tại đó, có một người phụ nữ Samari đi lấy nước và đã gặp Người. Còn hôm nay, hôm nay khi đến Tia và Xi-đôn, Đức Giê-su cũng gặp một người phụ nữ.
Hai cuộc gặp gỡ với hai cách tiếp cận khác nhau. Nếu ở Samari, cuộc gặp gỡ giữa Ngài và người phụ nữ Samari là một cuộc chuyện trò cởi mở và chân tình. Thì hôm nay, ở Tia và Xi-đôn, người phụ nữ, còn được gọi là “người đàn bà Ca-na-an”, lại có một cuộc chuyện trò đầy cay đắng.
Chuyện gì mà cay đắng thế! Thưa, “cay” ở chỗ đứa con gái của bà ta “bị quỷ ám” Và, “đắng” là khi thấy Đức Giê-su, bà ta liền kêu lên rằng: “Lạy Ngài là Con vua Đa-vít, xin rủ lòng thương tôi!”. Than ôi! Đức Giê-su “Người không đáp lại một lời”. (x.Mt 15, 23).
Tại sao khi bà ta “…kêu lên Ngài, nhưng Ngài không đáp”? Tại sao bà ta “…trình diện Ngài, nhưng Ngài chẳng lưu tâm!” (x.Gióp 30, 20).
Phải chăng sự im lặng của Đức Giê-su giống như “sự im lặng đáng sợ” của những ông quan tham ngày nay, mà báo chí vẫn thường lên tiếng?
Thưa, không phải vậy. Thái độ im lặng của Đức Giê-su không có nghĩa là Ngài vô cảm, không có nghĩa là Ngài từ chối chữa lành. Đức Giê-su chậm trả lời là vì Ngài “dè giữ lời nói”, bởi, như lời Kinh Thánh nói, đó “mới là người khôn” (x.Cn 10, 19).
Thật vậy, chính sự im lặng khôn ngoan của Đức Giê-su đã tạo ra hình ảnh một người phụ nữ kiên nhẫn khi phải đối diện trước một cuộc “đối chất”, một cuộc đối chất sinh tử, cho con của bà.
Thì đây, hãy nhìn xem, đứa con của bà “khổ sở lắm!”… thế mà các môn đệ của Đức Giê-su lại lạnh lùng nói: “Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi”.
Không thấy thánh sử Mát-thêu nói gì về phản ứng của bà ta, trước lời nói này. Thế nhưng, có gì ngăn cản ta nghĩ rằng, bà ta sẽ buồn bã cất tiếng thở than: sao các ông lại “…nỡ lạnh lùng đến thế sao, tim (tôi) tan nát tự hôm nào… Giờ đây đã nát càng thêm nát. Muốn nói mà sao vẫn nghẹn ngào”.
Về phần Đức Giê-su thì sao! Thưa, nếu suy nghĩ theo cách suy nghĩ của người Việt Nam thì đúng là con tim bà ta “đã nát càng thêm nát”.
Có “nát” không kia chứ, khi Đức Giê-su nói: “không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”.
Thế nhưng, dù bị xếp vào thành phần “chó con”, một thứ ngôn từ mà người Do Thái thời đó dùng để nói tới “dân ngoại”, không phải dân riêng của Thiên Chúa, bà ta vẫn kiên nhẫn khẩn khoản nài xin. Bà nài xin rằng: “Đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống, Thưa Ngài!”
Jean Jacques Rousseau có nói: “Sự nhẫn nại và lòng kiên trì đắng chát nhưng quả của nó lại ngọt”. Đúng vậy, với sự kiên nhẫn và lòng kiên trì, người đàn bà Ca-na-an đã nhận được “quả ngọt” từ lòng thương xót của “Con vua Đa-vít”. Hôm ấy, sau khi nghe bà ta nói như thế, Đức Giê-su truyền phán: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy”.
Vâng, một kết quả thật ngọt ngào cho bà ta. Mô tả những “quả ngọt” mà bà ta nhận được, nhân chứng Mát-thêu tóm tắt bằng tám chữ: “Từ giờ đó, con gái bà được khỏi”.
***
Qua câu chuyện, không ai có thể phủ nhận, người đàn bà Ca-na-an này là một con người không chỉ “nhẫn nại” mà còn “chịu đựng và khiêm nhu”.
Thật vậy, trước lời từ chối của Đức Giê-su: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc nhà Israel mà thôi”, một lời từ chối nhuốm đầy sự phân biệt và kỳ thị, thế mà bà ta vẫn nhẫn nại, “cắn răng chịu đựng”, không một chút buồn phiền.
Tiếp đến, bị ví như là “chó con”, thế nhưng, bà vẫn “khiêm nhu”, khiêm nhu chấp nhận thân phận ngoại bang của mình.
Nhắc đến điều này để làm gì? Thưa, là để nói lên một điều rằng: đây là những đức tính mà một người Ki-tô hữu, cần có.
Tại sao cần phải có? Thưa, là bởi, nó như chất xúc tác tăng thêm “đức tin – đức cậy – đức ái”. Trường hợp ông Gióp như một điển hình.
Cho dù bị rơi vào thảm cảnh mất hết tài sản, con cái chết chóc, ông ta vẫn đón nhận trong một tinh thần nhẫn nại, chịu đựng và khiêm nhu, không chút oán trách thở than.
Sự nhẫn nại và chịu đựng đã giúp ông không chao đảo trước lời càm ràm của vợ mình, rằng: “Ông còn kiên vững trong đường lối vẹn toàn của ông nữa hay thôi? Hãy nguyền rủa và chết đi cho rồi.”
Vâng, ông vẫn vững tin trong một tâm tình khiêm nhu: “Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ, lại không biết đón nhận sao?” (x.G 2, 9-10)
****
Thiên Chúa, qua môi miệng ngôn sứ Isaia, có nói: “Người ngoại bang nào gắn bó cùng ĐỨC CHÚA, để phụng sự Người và yêu mến Thánh Danh… đều được Ta dẫn lên núi thánh và cho hoan hỷ nơi nhà cầu nguyện Ta”. (Is 56, 6-7).
Bà Ca-na-an là người ngoại bang, nhờ biết “gắn bó” cùng Chúa Giê-su, Người đã cho bà niềm hoan hỉ, hoan hỉ về việc “con gái bà được khỏi”.
Thế nên, là Ki-tô hữu, một người môn đệ của Đức Giê-su, ta lại càng phải “gắn bó” với Ngài, gắn bó với Ngài là bởi, những nan đề đã xảy ra nơi gia đình người đàn bà Ca-na-an, cũng chính là những nan đề sẽ xảy ra trong mỗi gia đình chúng ta, hôm nay.
Nói rõ hơn, suốt cả một đời làm cha, làm mẹ, có ai trong chúng ta lại không hơn một lần phải đối diện trước cảnh con cái bệnh hoạn, yếu đau! Có người mẹ nào lại không “gánh sầu thương mệt mỏi hai vai” vì đứa con yêu quý của mình vật vã với cơn sốt xuất huyết, cơn sốt bại liệt hoặc tai biến bởi những ống thuốc vắc-xin “dỏm”, v.v…
Chúng là sẽ làm gì khi đối diện những nan đề nêu trên? Đến bệnh viện? Tìm thầy thuốc giỏi! Đúng.
Tuy nhiên, đã là một Ki-tô hữu, nên chăng, còn cần làm như người đàn bà Ca-na-an, tìm đến Đức Giê-su: “bái lạy mà thưa Người rằng: Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!”
Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Nhưng, đừng quên, Lời Chúa qua môi miệng tông đồ Phê-rô, có nói: “Anh em hãy tự khiêm tự hạ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa… Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em” (x.1Pr 5, 6…7).
Thiên Chúa không chỉ chăm sóc chúng ta về “phần xác” nhưng còn cả về “phần hồn”. Chính phần hồn của con em chúng ta, nên rất cần phải “gắn bó” với Thầy Giê-su.
Hãy nhìn xem, chúng ta đang sống ở đâu? Phải chăng là trong một xã hội đầy dẫy tội ác, một xã hội đầy bạo lực, một xã hội mạnh vì gạo, bạo vì tiền, một xã hội đầy dối trá… dối trá ngay tại học đường!
Đúng vậy, chúng ta đang phải chứng kiến một xã hội đầy dẫy những “sản phẩm của satan”. Nguy hiểm nhất là những sản phẩm đại loại như: game bạo lực, phim ảnh khiêu dâm, những lời tuyên truyền dối trá, v.v… được trưng bày trên internet, suốt 24/24 giờ.
Ai… ai dám khẳng định rằng, con em chúng ta không bị ảnh hưởng! Ai dám khẳng định con em chúng ta không một lần bị “ám” bởi những sản phẩm của satan, nêu trên!
Đừng quên “Satan never sleeps – Quỷ địa ngục không bao giờ ngủ”.
Quỷ… không bao giờ ngủ. Nó luôn rình rập nơi cửa sổ tâm hồn con em chúng ta. Thế nên, phải cứu con em mình ngay hôm nay. Cứu bằng lời khuyên răn dạy dỗ, bằng những lời khẩn nguyện, với một tâm tình nhẫn nại, chịu đựng, khiêm nhu.
Vâng, hãy khiêm nhu thưa với Thầy Giê-su: “Lạy Ngài, xin cứu giúp con”.
Petrus.tran
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn