TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lễ trưởng thành và tri ân

Thứ hai - 10/05/2021 08:49 | Tác giả bài viết: HOÀNG CÔNG NGA |   817
Lễ trưởng thành và tri ân

Trong cuộc đời làm cha mẹ, lần đầu tiên tôi được tham dự một  ngày lễ đầy ấn tượng gắn liền tới sinh hoạt học tập của con cái mình. Cậu con trai út của tôi gọi điện báo mời ba mẹ về tham dự “Lễ Trưởng thành và Tri ân” của nhà trường tổ chức cho các học sinh cuối cấp III. Vì chỉ còn duy nhất đứa con út học phổ thông nên chúng tôi có phần ưu tiên hơn các anh chị…

Hết cấp II, cháu chuyển vào học trường Trương Vĩnh Ký, đây là ngôi trường mang tên của một học giả, danh nhân văn hoá công giáo, ngày xưa thường gọi là Petrus Ký. Ngay trong khuôn viên trường, tượng đài của ông được đặt ở một vị trí trang trọng, bên dưới giới thiệu những nét chính về cuộc đời của ông. Mặc dầu có biết đôi chút về thân thế và sự nghiệp của danh nhân này nhưng quả thật khi đọc lại những dòng chữ giới thiệu về ông tôi hết sức ngạc nhiên xen lẫn niềm tự hào. Ông đã từng được đào tạo tại Chủng viện Dulaima (Malasia), là một người có trí thông minh phi thường và là một chủng sinh xuất sắc toàn diện. Năm 22 tuổi ông đã có thể sử dụng thông thạo 15 ngôn ngữ phương Tây và 11 ngôn ngữ phương Đông. Hoạt động chính của ông là lĩnh vực giáo dục và báo chí, ông để lại cho đời hơn 120 tác phẩm về ngôn ngữ, địa lý, lịch sử, chính trị, kinh tế, sinh học và văn học… Đương thời ông được các nhà khoa học Âu châu  coi trọng, đánh giá cao và được xếp trong mười tám vị Bác học toàn cầu lúc bấy giờ…

Tại cơ sở 2 trường Trương Vĩnh Ký nằm tại đường Trịnh Đình Trọng, quận Tân Bình, khuôn viên tổ chức nằm lọt giữa những tán lá cây xanh, những vuông dù nhiều màu sắc xen lẫn giữa những tán lá làm giảm bớt cường độ bức xạ của cái nóng Sài-gòn trong những ngày tháng 05, khi mà bầu trời oi bức đang chuyển nắng mưa. Buổi lễ tập trung khoảng 1300 người, khối 12 có khoảng 600 học sinh, còn nữa là phụ huynh và  quan khách. Tôi không rõ nhà trường đã tổ chức được mấy lần, nhưng trong lần này hầu như đều có đại diện các trường bạn trong thành phố về tham dự để rút kinh nghiệm. Trước đây tôi đã từng nghe nói tới Lễ Trưởng thành tại một nơi nào đó trên thế giới nhưng đây là lần đầu tiên tôi được tham dự, đồng thời là một nhân tố quan trọng trong buổi lễ vì cậu con út của tôi đã trưởng thành… Bước vào năm 12, các bạn học sinh chuyển dịch từ tuổi thiếu niên qua trưởng thành. Tuổi 18 đánh dấu một giai đoạn mới, những nam thanh, nữ tú chuẩn bị bước lên một bậc học cao hơn là Cao đẳng, Đại học. Tại Việt Nam, đất nước theo truyền thống nông nghiệp, vốn dĩ có đời sống tình cảm đậm chất dân dã gắn liền với ruộng đồng cho nên con cái dẫu tới tuổi trưởng thành vẫn luôn nằm dưới sự bảo bọc của cha mẹ, từ đó ý thức tự lập không được đề cao. Ngược lại xã hội phương Tây lại coi trọng vấn đề tự lập, tuổi 18 là tuổi trưởng thành, người thanh niên được vay tiền để học lên cao và sau khi ra trường sẽ hoàn lại… Lớp trẻ trong giai đoạn này đang được xây dựng trên một nền tảng tự lập. Lễ Trưởng thành là buổi lễ của những học sinh cuối cấp,  bước vào tuổi trưởng thành bày tỏ lòng biết ơn đến cha mẹ và thầy cô với sự quyết tâm lớn dành tất cả thời giờ và tâm huyết cho những định hướng vươn tới một tầm cao Đại học…

“Dù đi muôn vạn nẻo đường, vẫn không quên được mái trường thân yêu”. Câu ca giản dị nhưng nói lên được những tình cảm thiêng liêng gắn bó của đời học sinh với mái trường. Sau phần tổ chức, phát biểu của đại diện nhà trường và các đại biểu, lần lượt phụ huynh và học sinh các lớp tiến lên lễ đài, nơi đây các em dâng hoa thể hiện lòng biết ơn đến cha mẹ của mình và cha mẹ tặng quà cho các con trong ngày trọng đại. Đại diện của các lớp lần lượt dâng những bó hoa thành kính lên các thầy cô. “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy - Thuỷ chung bằng hữu tràn đầy niềm vui”. Người dẫn chương trình là cô giáo dạy văn vì thế không thiếu những câu ca dao, những bài thơ nói lên những tình cảm vẹn tròn giúp cho buổi lễ thêm phần xúc động. Những bài văn hay được giới thiệu như những viên ngọc sáng lần lượt được chính tác giả đọc lên cho mọi người cùng thưởng thức. Có bài văn viết về mẹ làm cho mọi người bùi ngùi xúc động. Lời cầu chúc của các thầy cô dành cho học trò của mình cũng tràn đầy tinh thần nhân văn thực tế, cầu chúc cho học trò của mình thành người, biết tôn trọng pháp luật và bảo vệ thiên nhiên môi trường…

Có một giai đoạn người ta mất niềm tin nơi học đường. Có lẽ vì đất nước trải qua những tháng ngày thử thách, cuộc sống gian khổ, vật chất thiếu thốn dẫn đến suy giảm những giá trị tinh thần. Có những giai đoạn học trò nổi loạn coi thường thầy cô, giá trị của đạo lý phải nhờ đến pháp đình bảo vệ và có những giai đoạn tưởng chừng như vô vọng vì chủ nghĩa vật chất lên ngôi…

Tham dự ngày Lễ trưởng thành và tri ân tại trường Trương Vĩnh Ký, có lẽ mọi người đều cảm nhận được niềm hạnh phúc. Thế hệ trẻ được tiếp nối các truyền thống và sẽ không bao giờ quên được mái trường thân yêu. Bậc phụ huynh hạnh phúc vì các giá trị cổ truyền được phục hồi. Tôi nhận ra trong các ngôn từ, diễn văn và phát biểu bộc lộ những điều hết sức gần gũi, giống như một giờ học nhân bản mà thế hệ của tôi đã học cách đây nhiều năm về trước…

Xin cảm ơn trời, xin cảm ơn người đã luôn cho chúng ta niềm tin tưởng để trong thất vọng chúng ta vẫn có niềm hy vọng. Xin cho thế hệ trẻ được sống và lớn lên trong niềm tin ở tương lai.

Hoàng Công Nga

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây