Nhà thờ gothique
Hiện nay ở các xứ đạo đang có phong trào xây nhà thờ theo hình thức kiến trúc gothique; Kiểu kiến trúc cổ điển của các nhà thờ Pháp xây dựng trước đây. Nhà thờ lớn gothique, nhà thờ nhỏ gothique, nhà thờ xứ đến nhà thờ chính tòa đều gothique. Các kiến trúc sư không phải động não tư duy gì nhiều, cứ mặt bằng hình chữ nhật hoặc hình thánh giá, cứ mái dốc với tháp chuông cao vút lên, cột tròn vòm cuốn cứ thoải mái paste vào, hình thành nên hàng loạt nhà thờ na ná nhau, mới xem qua có vẻ hoành tráng lắm.
Thực ra có một thời các cha, giáo dân cũng muốn tìm tòi một mẫu mã nào đó khả dĩ thích hợp cho ngôi thánh đường của mình. Có nơi làm nhà thờ theo dáng mái chùa với suy nghĩ để cho có tính dân tộc, có nơi làm nhà thờ theo lối kiến trúc với đường nét, kiểu dáng hiện đại.
Tuy nhiên, cả hai xu hướng trên ít nhiều chưa mang lại một kết quả như ý, một phần do các kiến trúc sư thiết kế nhà thờ còn những hạn chế nhất định, một phần chưa có sự thống nhất về nhận định giữa kiến trúc sư và các linh mục cũng như đa số giáo dân.
Cuối cùng, và như đã nói ở trên hiện nay đa số các giáo xứ khi xây dựng nhà thờ đều lựa chọn xây dựng theo lối kiến trúc gothique, vì dù sao đó cũng là lựa chọn xem ra an toàn nhất, bởi vì nhà thờ về kiểu dáng xưa nay vốn đã như vậy, hơn nữa dù sao xem ra nhà thờ với hình thức kiến trúc gothique cũng có vẻ hoành tráng, uy nghi lắm.
Tuy nhiên, việc xây dựng hàng loạt các nhà thờ theo lối kiến trúc gothique như vậy để lại những hệ quả khó lường sau này.
Như chúng ta biết, kiến trúc cũng như các bộ môn nghệ thuật khác là sự phản ánh của kỹ thuật, nghệ thuật, văn hóa của thời đại đó, chúng ta trân trọng những giá trị kiến trúc cổ điển như gothique, baroque, roman, phục hưng… nhưng liệu chúng ta ở thế kỷ 21 với những tiến bộ về kỹ thuật, với trào lưu nghệ thuật mới và kể cả những cải tiến về phụng vụ liệu có nên làm lại những công trình theo lối kiến trúc đã hình thành cách đây hàng mấy trăm năm hay không?
Kiến trúc cổ điển nói chung và kiến trúc gothique nói riêng hình thành trong thời điểm mà về kỹ thuật xây dựng khác chúng ta ngày nay, kết cấu nhà đều xây dựng theo nguyên tắc tường, cột chịu lực, họ chưa có bê tông cốt thép như chúng ta bây giờ, nên tường xây thường rất dày, bước cột gần nhau, vì chưa có bê tông cốt thép nên mới hình thành các vòm cuốn chịu lực, các cửa sổ với chiều rộng nhỏ…
Chúng ta hiện nay ngược lại, với vật liệu xây dựng mới có thể vượt nhịp tới hàng trăm mét nhưng nhiều nhà thờ với chiều rộng chỉ vài chục mét vẫn cấy cột trong lòng nhà thờ cho vướng tầm nhìn, với hệ thống khung sườn bê tông cốt thép chịu lực chúng ta lại xây tường cho dày ra, cửa sổ không mở hết cho sáng cho thoáng lại thu hẹp lại.
Về hình thức, kiến trúc cổ điển thường trang trí với rất nhiều hoa văn, gờ chỉ phức tạp, liệu có còn thích hợp cho xu hướng kiến trúc hiện nay? Chưa nói đến sự tốn kém, các gờ chỉ, vòm cuốn này sẽ là nơi giữ nước tạo nên rong rêu trong một thời gian rất ngắn.
Nhiều nhà thờ nói rằng xây dựng theo kiểu kiến trúc gothique nhưng thực ra đó là một hình thức kiến trúc lai tạp, gothique không ra gothique, baroque không ra baroque, phục hưng cũng chẳng phải phục hưng… Các thức cột thì lộn xộn: đầu cột ionique, thân cột dorique, đế cột corinthien… Cũng không trách được vì có mấy người hiểu được cho rành rẽ về kiến trúc cổ điển? Vì thế mới có những nhà thờ xây dựng theo kiến trúc cổ điển nhưng mái lại đi lợp tôn!!!
Trước đây, các kiến trúc sư thường thiết kế nhà thờ với không gian bên trong cao vút lên, họ muốn tạo nên một không gian uy nghi làm cho con người ta lúc vào nhà thờ ngước nhìn lên cảm thấy mình rất nhỏ bé, tội lỗi, cảm giác như Chúa ở trên kia, xa lắm. Ngày nay, chúng ta đến nhà thờ với quan niệm Chúa ở gần gũi đâu đây, Chúa hiện diện trong từng anh em nhỏ bé nhất của ta đây. Nhà thờ là nơi chúng ta tụ họp lại bên nhau để cùng nhau thờ phượng Chúa, thế sao chúng ta không thiết kế một không gian thờ phượng gần gũi hơn, một cung thánh đơn giản mà vẫn rất tôn nghiêm?
Nhà thờ cũng như các công trình kiến trúc khác phải đạt được 2 yếu tố: thích dụng và mỹ thuật.
Thích dụng: ngoài những yêu cầu về phụng vụ của một ngôi thánh đường, bên cạnh những cải tiến mới về phụng vụ, nên chăng chúng ta thiết kế không gian bên trong nhà thờ sao cho khoảng cách từ giáo dân tới bàn thờ là gần nhất, có cần thiết phải thiết kế nhà thờ với chiều dài hun hút với chiều cao vời vợi nữa không? Mặt bằng nhà thờ vì vậy có nhất thiết phải là mặt bằng hình chữ nhật, hình thánh giá nữa không? Ta có thể thay thế mặt bằng nhà thờ bằng hình vuông, tròn, bán nguyệt, tam giác, đa giác, elip… Những thay đổi như vậy vừa tạo nên khoảng cách gần gũi giữa giáo dân và bàn thờ, đồng thời tạo nên những không gian bên trong linh hoạt hơn, hình khối bên ngoài vì vậy sẽ phong phú hơn.
Mỹ thuật: nói về mỹ thuật của công trình không thể nói hết trong một bài viết, càng không thể với một vài dòng, tuy nhiên về nguyên tắc, công trình kiến trúc phải đẹp về hình khối, đường nét, không gian… Cái đẹp của nhà thờ cũng phải tuân theo những tiêu chí như vậy, ngoài ra đã là công trình tôn giáo thì cái đẹp phải mang tính chất tôn nghiêm… Một điều ai cũng mong muốn đó là công trình kiến trúc ngoài cái đẹp về hình khối còn phải mang tính dân tộc. Như đã nói ở trên để bàn về tính dân tộc trong một công trình kiến trúc không thể nói trong một vài câu. Các nhà lý luận phê bình về nghệ thuật, kiến trúc họ còn phải bàn luận tìm hiểu rất nhiều, chúng ta với nhiệm vụ thiết kế nhà thờ có lẽ chưa nên đi sâu quá trong lãnh vực này, bởi vì nếu đi không đúng hướng sẽ dễ tạo ra những ngộ nhận, thậm chí những quan niệm ấu trĩ về tính dân tộc trong công trình kiến trúc. Ví dụ như đã nói có nhiều người muốn thiết kế nhà thờ giống mái chùa và cho rằng đó là tính dân tộc; đó là một quan niệm sai lầm. Tính dân tộc thể hiện qua rất nhiều yếu tố, từ hình khối, tầm vóc, không gian thờ phượng. Tính dân tộc nhiều lúc chỉ thể hiện qua một hoa văn trang trí rất đơn giản hay thậm chí thể hiện qua cách sử dụng vật liệu… chứ không hẳn chỉ thể hiện qua dáng dấp bên ngoài. Hơn nữa, ngay cả kiến trúc mái chùa cũng không hẳn là kiến trúc Việt. Với kiến trúc nhà thờ, trước mắt chúng ta nên chăng chỉ quan tâm tới tính dân tộc trong tầm vóc của ngôi thánh đường, tới cách sử dụng vật liệu, quan tâm tới môi trường, thời tiết của chúng ta, tới không gian thờ phượng sao cho thích hợp với phong tục tập quán của từng vùng miền. Và nếu được, mỗi thánh đường nên mang dáng dấp văn hóa của địa phương. Ở miền núi là hình dáng của nhà rông, ở vùng biển là dáng của cánh buồm, ở đồng bằng là hình chiếc nón lá…
Mỗi năm chúng ta bỏ ra một số tiền không nhỏ để xây dựng nhà thờ, số tiền này là kết quả sự hy sinh của rất nhiều người, từ linh mục đến giáo dân trong cũng như ngoài giáo xứ, chúng ta phải trân trọng và cân nhắc khi xây dựng nên một ngôi thánh đường, không những cho nhu cầu phụng vụ của chúng ta bây giờ mà còn để lại cho con cháu chúng ta mai sau, để con cháu chúng ta mai sau khi nhìn lại sẽ không hối tiếc.
Có những điều các kiến trúc sư các nước khác làm được; họ thiết kế nhà thờ không theo kiến trúc cổ điển truyền thống vẫn có những nhà thờ với nét độc đáo riêng. Tôi nghĩ các kiến trúc sư chúng ta sẽ làm được. Bên cạnh đó các linh mục, hội đồng giáo xứ cũng như giáo dân hãy tạo điều kiện hơn cho các kiến trúc sư để họ có cơ hội thể hiện mình, cũng là một dịp họ giúp giáo xứ, giáo hội có những ngôi nhà thờ đẹp hơn, hiện đại hơn.
Sài Gòn, Mùa Phục Sinh 2011
KTS Nguyễn Văn Sáng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn