TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Sài Gòn và bệnh viện Covid ca đêm

Thứ năm - 26/08/2021 05:15 | Tác giả bài viết: Hoàn Phạm, MSV |   893
Một ngày lại trôi qua. Trong khung cảnh của không gian bệnh viện về đêm, tôi lặng yên để lắng nghe nhịp đập của hơi thở, lắng nghe những thanh âm xung quanh tôi.
Sài Gòn và bệnh viện Covid ca đêm
NHẬT KÝ TU SĨ THIỆN NGUYỆN:
SÀI GÒN VÀ BỆNH VIỆN COVID CA ĐÊM

 

WHĐ (26.8.2021) - Người ta vẫn thường nói Sài Gòn là thành phố không ngủ. Nhưng hôm nay trên đường đi làm ca đêm tại bệnh viện, tôi bắt gặp một Sài Gòn đang ngủ, nhưng đó là một giấc ngủ không bình yên…

Một ngày lại trôi qua. Trong khung cảnh của không gian bệnh viện về đêm, tôi lặng yên để lắng nghe nhịp đập của hơi thở, lắng nghe những thanh âm xung quanh tôi. Tôi cố gắng cảm nghiệm bằng con tim cũng đang thổn thức cùng nhịp đập với Sài Gòn và ánh nhìn của một người tin. Tôi biết Sài Gòn đang thấm mệt vì đang oằn vai gánh nặng, ôm vào lòng con người từ muôn phương. Tôi đang nghiêng tai nghe tiếng phố thở dài, cố nghe tiếng rao đêm bằng tiếng lòng quen thuộc – tiếng rao gắn liền của một thời ôn thi của tôi cũng như bao thế hệ sinh viên Sài Thành. Tôi biết rằng, Sài Gòn cũng đang nhớ những tiếng rao đó, tiếng rao của “người mẹ ra đi từ mái tranh nghèo, của người chị ra đi từ miền trung xa xôi...” Tiếng rao như lời mời gọi xé lòng tôi, “về đi” – về với cội nguồn sự sống, về với gia đình có mẹ có cha. Tôi bồi hồi… như nghe đâu đâu vọng đến bên tai những vần thơ của Phong Việt:

“Về nhà đi!
Bỏ lại hết những gì đau đớn nhất
những ngày vui đến trào nước mắt
những lần cô đơn như cuộc đời khất thực
lật ngửa bàn tay làm biểu tượng nguyện cầu...”
(Về nhà đi, Phong Việt)

Nhưng tôi tự nói với chính mình, Sài Gòn cũng là nhà của tôi mà. Sài Gòn cho tôi lớn lên trong những tháng ngày đại học. Sài Gòn che chở tôi những lúc chênh vênh nhất của chọn lựa ơn gọi. Sài Gòn cho tôi những bài học tình người đầy nhân văn trong cách ứng xử và Sài Gòn cho tôi gặp gỡ biết bao con người mà qua họ tôi nghiệm thấy tình Chúa tình người hiện diện…

Đang dòng chảy suy tư như thế để cảm nhận thanh âm của cuộc sống, một bạn trẻ nhắn cho tôi biết là em mới chầu online xong… làm ngắt quãng những nghĩ suy… Tôi mỉm cười vui sướng vì em, vì đức tin rất tinh tuyền và một sự tín thác tuyệt đối vào Đấng mà chỉ có Ngài mới có thể làm cho Sài Gòn và nhân loại bớt đau; và chỉ có Ngài mới có thể chữa lành những vết thương mà Sài Gòn đang phải gánh chịu. Tôi cảm ơn em cũng như mọi người vẫn đang hướng về chúng tôi, hướng về Sài Gòn trong những lời nguyện giờ kinh.

Khi đồng hồ điểm 1h, dù còn đến 3 tiếng nữa mới đến ca làm, nhưng tôi cứ muốn vào sớm hơn, vào để hiện diện cho họ bớt cô đơn và cho họ chút hơi ấm của tình người dù nhỏ nhoi đi nữa, vì tôi biết các bệnh nhân trong phòng bệnh đang muốn thấy nhiều hơn nữa những “thiên thần áo trắng”, tôi biết họ cần tình yêu. Tôi phải cho họ biết Sài Gòn cũng như đất mẹ Việt Nam không bỏ rơi họ, đặc biệt Thiên Chúa cũng đang hiện hữu bên họ.


Tôi đi vào trong phòng bệnh, nơi bàn làm việc các của các bác sĩ và nhân viên vẫn còn túc trực, nơi đây tôi cảm nghiệm được những giấc ngủ không an nhiên của Sài Gòn. Vì tình người, các cô chú và các bạn không tỏ ra quá mệt mỏi mà vẫn hoạt động với một tinh thần cao nhất. Tôi thấy mọi người chạy nhanh đến phòng bệnh 603 như đang có chuyện gì không suôn sẻ lắm. Mấy phút sau, thấy mọi người trở lại làm việc cười cười nói nói vì không có chuyện gì bất an cả. Tôi thầm tạ ơn Chúa vì không sao rồi!

Tôi bắt đầu rảo bước trong bộ đồ như các nhân viên y tế, đi đến từng phòng người bệnh đang nằm. Khi vào phòng nhìn những bệnh nhân đang nằm ngủ ngon lành, tôi thấy sao bình an thế,… nhưng cũng có một số bệnh nhân khó ngủ vì đau, chập chờn vì những cơn đau. Tôi đến bên cạnh của những bệnh nhân này, nói chuyện với họ một tí rồi động viên họ, đọc thầm một kinh cho các bệnh nhân từng phòng, mong sao họ bình an và mau khỏe lại. Họ an tâm và cảm nghiệm được tình yêu khi các điều dưỡng viên, các thiện nguyện viên vẫn thay nhau đi đi lại lại, vào thay thuốc và chăm sóc họ.

Đi được hai vòng các phòng bệnh nhân, tôi thấy khi đêm về họ bình an hơn, nhẹ nhàng hơn. Bên ngoài, đội ngũ điều dưỡng viên và bác sĩ vẫn túc trực. Tôi ngồi xuống và đọc thầm kinh nguyện để cầu cho tất cả mọi người được bình an đích thực. Và rồi khi đồng hồ điểm 4h sáng, khi có các anh trong nhóm của tôi vào, tôi bắt đầu công việc của mình. Dù có đôi chút mệt mỏi nhưng tôi cảm nghiệm được niềm vui khi qua một đêm được sống trong không gian yên tĩnh đầy tình người.

Viết những dòng nhật ký khi bên ngoài trời vẫn mưa. Từ trên cao nhìn xuống đường, tôi lại tiếp tục thấy Sài Gòn đang ngủ. Nhưng đó là một giấc ngủ của người mẹ trong lúc con cái của mình đang đối diện với bệnh tật và khó khăn. Đó cũng là giấc ngủ trong tin yêu, bởi hàng triệu con tim đang hướng về Sài Gòn và chắc chắn đó là một giấc ngủ trong hi vọng vượt qua hết mọi nỗi đau vì quanh tôi vẫn còn nhiều tu sĩ trên tay với bộ tràng chuỗi mân côi nguyện cầu cho Sài Gòn, cho mọi người và toàn thể nhân loại./.

Hoàn Phạm, Hội Thừa Sai Việt Nam

Sài Gòn 25.8.2021,
Bệnh Viện Ung Bướu 2

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây