Gia đình trong Nỗi Nhớ
Chất liệu xây dựng gia đình không chỉ là tiền của, vật chất mà còn là tình yêu. Gia đình khởi điểm bằng tình yêu và phát triển cũng ở trong tình yêu, thiếu tình yêu gia đình trở nên ngục tù và các thành viên trở thành tù nhân.
Gia đình ai cũng có.
Một điều là ai cũng có gia đình nhưng mức độ hạnh phúc của các gia đình lại rất khác nhau. Không phải có tiền là mua được gia đình, cũng chẳng phải có của cải mới bảo đảm hạnh phúc, hạnh phúc tùy thuộc vào cách mỗi thành viên trong gia đình sống với nhau. Gia đình, nơi con người được sinh ra, được nghe, được thấy, được học biết bao giá trị căn bản từ nơi ấy.
Ai cũng có gia đình, nhưng thời nay nhiều câu chuyện gia đình đem ra kể không còn như xưa. Những đứa trẻ sống thiếu cha, thiếu mẹ; những người con gái lấy chồng không ra chồng, bị đánh đập, chịu thân nô lệ ở ngay nhà chồng; những cuộc tình chớp nhoáng để lại thai nhi không được đón nhận; những gia đình đồng tính không còn truyền thống như xưa. Những đứa trẻ sinh ra trong hoàn cảnh ấy biết mình ở đâu, học được gì trong tình yêu gẫy cánh?
Ai cũng có gia đình nhưng cũng có nhiều gia đình đang xào xáo nhau, bàn tính chia gia tài của mẹ cha, những đứa con đẩy đưa nhau trách nhiệm chăm dưỡng, những đứa con vui với cuộc sống riêng mà mất lòng hiếu thảo. Những đứa con trong chính những gia đình trẻ ấy sẽ tiếp nhận được gì? Rồi đây với cả một xã hội rộng lớn hơn chúng sẽ co ro trong cái tính toán ích kỷ của mình?
Gia đình truyền thống, nhiều người cho là cũ kỹ. Gia đình theo họ là nơi phát triển cá nhân cho đến khi tuổi trưởng thành để ra đi. Mỗi đứa một căn phòng, một cuộc sống riêng tư, một cõi riêng của internet, ipad, di động, công nghệ thông tin. Không còn niềm vui chung của một gia đình tề tựu trong bữa cơm hay giờ kinh. Những phân ly nhỏ bé trong căn nhà đã bắt đầu làm vơi đi tình yêu giữa anh chị em trong tình cảm “chị ngã em nâng”.
Gia đình ai cũng có, mất đi một giá trị là mất đi một phần hạnh phúc. Gia đình là cha mẹ, là anh chị em, là ông bà cùng chia sẻ nhau cuộc sống, cùng gánh với nhau một trách nhiệm nuôi dưỡng tình yêu chân thành. Không phải là để bênh nhau trong gian dối, cùng bợ đỡ nhau đi lên khi không có năng lực, không phải là để phát triển tính gia đình trị.
Gia đình cần trở về đúng nghĩa của nó, mỗi người sẽ học được giá trị của tình yêu chân thành, một cách làm việc chung với người khác ngoài gia đình, biết mình trong một địa vị để làm cho xã hội thăng tiến. Một gia đình đúng nghĩa là xây dựng đời sống nhân bản, và một tình yêu đích thực, đó là một gia đình cần thiết cho xã hội và cộng đồng.
Nỗi nhớ về gia đình
Gia đình là nơi đầu tiên để nhớ về mỗi khi vui buồn, những thành quả hay thất bại trong cuộc đời, gia đình luôn là điểm tựa để khuyến khích và nâng đỡ. Gia đình trong nỗi nhớ được kết bằng rất nhiều những kỷ niệm khi còn được sống dưới mái gia đình. Nơi ấy, đã ghi lại bao kỷ niệm ấu thơ, những khi anh chị em tranh giành nhau cái bánh cái kẹo, nhường nhịn nhau từng hành vi lời nói. Gia đình, nơi ấy vang lên tiếng cười và cả tiếng khóc, những vui buồn khi họp mặt, khi chia ly.
Gia đình trong mỗi dịp Giáng sinh về cùng làm hang đá, lời khấn nguyện sau lễ nửa đêm, bữa tiệc trìu mến. Gia đình, trong những ngày cuối năm, mỗi người lại mang về chậu hoa, cây cảnh, món quà. Anh chị em mỗi người mỗi việc quét dọn, trang hoàng nhà cửa. Đầm ấm, yêu thương trong giờ phút giao thừa, lời kinh và những ước nguyện, những tâm sự cùng sẻ chia, sám hối và đoan hứa trước sự hiện diện của cha mẹ, như ý nghĩa của đêm trừ tịch để đón nhận ngày mới và năm mới.
Gia đình đôi khi chỉ là những giờ kinh trong ký ức, tiếng kinh tối đều đều và buồn ngủ. Những êm ái của một thời thả hồn trong kinh nguyện, lướt nhẹ cuộc đời trong tiếng kinh. Chỉ là thế mà đôi khi nhiều người cũng nhớ lắm tiếng ê a đọc kinh, ngay cả trong giấc mơ hiện về cũng nghe đâu đó lời kinh vọng lại.
Gia đình thường khi là nỗi nhớ mỗi lần đi xa hoặc xa mãi. Cứ là ân hận của những đêm trằn trọc đối với người này hay người kia trong gia đình, mình đã không hết lòng sống với nhau. Là những đêm khuya của đêm dài thao thức lo âu cho tình trạng của người anh chị em hay cha mẹ. Là những đêm thâu mà lại là những đêm của nhung nhớ, tiếc nuối hoặc quá đầm ấm yêu thương cần được tiếp nối.
Gia đình, cần lắm những gia đình sống trong yêu thương và cùng giúp nhau chia sẻ cho cuộc đời, là nơi đầu tiên và cũng là mãi mãi cho cuộc đời mỗi người lớn lên, trưởng thành giúp cho người và hữu ích cho đời. Xin Chúa ban cho có nhiều gia đình yêu thương, giữa nhiều thử thách và tội lỗi.
Lm. Giuse Hoàng Kim Toan
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn