TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Say Thơ và Say Tình Chúa

Thứ hai - 10/05/2021 09:37 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   1010
Ham mac Tu tomb
Ham mac Tu tomb

Say Thơ và Say Tình Chúa

Say Thơ là một bài thơ của Hàn Mặc Tử viết trong lúc giữa sống và chết, giữa đau thương và hạnh phúc, giữa lúc khóc và cười. Dòng thơ như vừa cảm tạ, vừa nghẹn ngào trong đớn đau của thân xác. Có một điều giữa những đau thương cùng cực ấy, làm sao nhà thơ có thể nghiệm thấy hạnh phúc chảy trong hồn. Câu trả lời trong thơ, đó chính là đức tin, lòng trông cậy, chảy bằng mạch máu của lòng mến Chúa.

Nguyện cầu giữa đau thương

Buổi chiều, những chiều vàng nhắc tới trong thơ thường liên hệ đến bóng xế tà của cuộc đời. Có lẽ hành trình của chiều vàng đang âm ỉ trong hồn thơ chìm vào lời nguyện cầu. Ở đó, buổi chiều không là báo hiệu của đêm về, vì ánh sáng đức tin như đang dần xuất hiện giữa chiều về, đêm xuống:

“Bao hương thơm trong lời nguyện chiều nay,

Lên bốc lên và ân huệ dường bay.

Ôi! khí hậu lọc bao nguồn ánh sáng.

Chưa no sao? Nhân từ êm vô hạn

Do bàn tay Thiên Chúa chảy tuôn ra.”

Trong những giờ phút chìm sâu cầu nguyện, người nguyện cầu sẽ thấy một nguồn vui sống tuôn chảy. Có lẽ nhiều người chẳng hiểu ngọn nguồn sự sống ấy từ đâu, mãnh liệt chảy trong hồn đến thế. Nỗi đau gậm nhấm trong thân xác không ngăn nổi dòng hạnh phúc chảy. Câu trả lời của nhà thơ nghiệm thấy, đó chính là từ lòng lân ái của Chúa. Một dòng lân ái đã từng chảy máu từ trái tim bị đâm thâu trên thập giá đời. Trên đỉnh cao đó, sự chết đã dường như chiến thắng nhưng cũng là lúc cái đau thương đã chấm dứt, mạch sự sống đã bắt đầu tuôn chảy. Và trong từng suy nghĩ ấy, nhà thơ đã thấm thía cảnh của nhiều người quỳ gối trước thân thể vừa chịu chết trên thập giá. Không chỉ là hành vi quỳ gối vì đau thương, nhưng lại còn là hành vi nhận ra lòng thương xót vô bờ của Đấng bị treo trên thập giá. Trong chiêm niệm đó nhà thơ diễn tả lòng mình:

“Ca, cầm ca, tơ đồng vọng dang ra.

Đức ân ái dồn lên muôn trượng cả.

Hãy quỳ lạy nhìn xem cho sướng đã,

Cả lòng thơ say tớt khí linh thiêng.

Nhạc nồng say mà tình tự còn nguyên.

Dường như vào lúc say sưa trong lời kinh nguyện của thân xác đang rên rỉ. Cái đau thương biến thành thơ tụng ca. Lời thơ như tuôn ra, không giữ cho riêng mình cái hạnh phúc, mà cứ để chảy ra muôn nơi, cho nhiều người. Lời thơ mang một ước mong, nhiều người sẽ nhận ra niềm vui hạnh phúc giữa đau thương, không nơi bấu víu, vẫn còn một nơi trong tình yêu Chúa.

“Cơn sốt sắng xinh hơn cầu vàng diệp,

Ngửa tay thôi, ơn trời đà xuống hiệp.

Trăng và trăng cho thấm hết mọi nơi.

Người thế gian, ôi miệng lưỡi đâu rồi?

Và tán tạ và khong khen nức nở.”

Giữa chiều vàng thập giá, có một người đang đứng vững đón nhận sự chết của người con yêu. Như đóa hồng nở trên những cành gai, mầu nhiệm của sự sống bắt đầu từ sự chết. Như người Mẹ đón nhận cưu mang con vào đời tặng trao cho nhân loại, rồi cũng mạnh mẽ nhận lại xác Con bầm dập khi nhân loại trả lại. Không than trách, không lên án, chỉ có yêu thương và cùng Con xin tha thứ cho họ. Không có gì ngăn nổi một người Mẹ hằng yêu thương những người con nhân thế, tâm hồn nhà thơ cũng đã nhận thấy bàn tay Mẹ nâng đỡ giữa tiếng khóc cuộc đời.

“Trăng tờ mờ một trời mơ sớm nở

Bao hoa hồng mầu nhiệm Nữ Vương xưa.

Ôi! đây là đền cao ngự nhà vua

Dòng Đa Vít thuở xưa trời sáng cả.”

Cũng trong chiều vàng ấy, thụ tạo dường như cũng đang reo vui, vì cũng được thông phần ơn giải thoát. Mùa thiêng liêng đã gọi đất trời vào Xuân, nào hoa, nào trái, nào hương thơm, nào hương vị cuộc sống. Nhà thơ đang thở hít thật sâu trong cầu nguyện và nhận ra cả đất trời hòa lên một bản hòa tấu từ trong pho sách Thánh Kinh, Lời Chúa, Lời Hằng Sống tuôn đổ:

“Hãy quỳ lạy nhìn xem cho sướng đã,

Quê hương thơ đằm thắm biết dường nào.

Đây là vườn nên hoa lá xôn xao.

Gió đổi mới thêm hương cho ánh sáng.

Mùa rộng rãi, trái trăng chao vô hạn,

Ngon thơm hơn thái tảo bữa hôm nay.

Điệu đàn xưa không sánh kịp bường dây

Bởi huyền diệu in như màu nguyệt bạch,

Bởi ước ao tuôn tràn vô pho sách,

Bởi Thánh Kinh no chán nghĩa sâu xa”

Nhà thơ còn nghiệm thấy nguồn vui sống trào dâng trong Bí Tích Thánh Thể. Ở đó, nhà thơ thấy đau khổ dày vò nơi thân xác, được kết hiệp trong lễ dâng của Chúa Giêsu. Một bí tích được thực hiện trong thân xác, nên bàn tiệc thiêng liêng làm ngất ngây hồn thơ:

“Người đã khấn say sưa vô cùng để

Hiệp hòa thơ cho yêu mến bâng khuâng,

Bao nhiêu lòng ai trút sạch lâng lâng.

Đây tất cả, hỡi ôi! Mình Thánh Chúa,

Của tế lễ là nguồn ơn chan chứa,

Đáng trọng thiên và rất đáng mong ơn.

Ly Tao rằng đàn ngọc cũng theo đờn

Bởi đạo hạnh rung muôn dây tình cảm.

Không mê chi kỳ trân người vàng chạm,

Trời cỏ bồng bay thú vị tiêu dao,

Rượu nồng thơm say hoa nguyệt hồng đào.

Đây chỉ mới xe vấn vương lòng dạ.”

Thời gian say thơ dường như không muốn dứt, vì một cảm nghiệm tình Chúa bao la vẫn hằng lôi cuốn. Một lãng tử đã tìm thấy chốn bình an, một khách lạ đã tìm được chỗ thân quen. Hồn nay đã gặp được bao hồn muôn thưở, đang reo vui khúc hát chúc tụng từ nơi Thiên Chúa.

“Hồn rất vốn ưa phiêu diêu trong gió nhẹ,

Bay giang hồ không sót một phương nào.

Càng lên cao dây đồng vọng càng cao,

Quyến rũ biết bao kinh cầu nguyện

Và kết tinh thành hào quang kim tuyến

Theo tràn về cho đến cõi vô biên.

Hân hoan thôi! Thơ dường gặp hương nguyền

Là sum hiệp với muôn vì cả Thánh.”

Như vết thương muôn đời mới, như người khách đi trong đêm giá lạnh, vẫn giá rét trong thân gầy đau khổ. Dù như thế, vết thương muôn đời mới đã được Người mang lấy, lòng lữ khách được như ấm lại, bởi có một Người mang thay vết thương đau. Nhà thơ lữ hành tiếp tục ca hát, chúc tụng bằng những vần thơ chất chứa trong lòng đạo nhuần thấm. Không gì ngăn nổi niềm vui, khúc hát tạ ơn vẫn được cất lên:

“Tôi là kẻ đi đường đêm gió lạnh,

Không mong gì hơn kêu gọi tấm lòng thơ.

Bởi chưng đây là xuân trước đợi chờ,

Hơi ấm áp như một nguồn an ủi.

Trời mở rộng và không ai hờn tủi,

Lượng bao dong tha thiết cánh tay êm.

Chao! Tràn trề là phúc hạnh ban đêm,

Và đây chính là cao lương mỹ vị

Của nguồn đạo mà ngày xưa Thánh Khí

Thơ với lòng ai phối hiệp nên duyên.

Mà ai đâu cầm được nỗi niềm riêng.”

Say thơ, vì thơ đã say tình yêu của Chúa. Say thơ, vì trong thơ tuôn ra những hạnh phúc của khổ đau thân xác. Say thơ, ở đó nhà thơ cảm mến Bí Tích Thánh Thể đã một phần thể hiện trong hiến lễ của nhà thơ.

“Hãy quỳ lạy nhìn xem cho sướng đã,

Không gì hơn cho sánh kịp bường thơ.”

Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây