TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật V Phục Sinh -Năm B

“Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sinh nhiều trái”. (Ga 15, 1-8)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Vào cánh đồng sứ vụ

Thứ sáu - 01/10/2021 03:31 | Tác giả bài viết: Đa Minh Trần Văn Tân, SJ |   616
Đời sứ vụ có những chuyện tình cờ, nhưng lại mở ra những chân trời bất tận.
Vào cánh đồng sứ vụ

Vào cánh đồng sứ vụ như một sự tình cờ

Đời sứ vụ có những chuyện tình cờ, nhưng lại mở ra những chân trời bất tận.

Ngày 19 tháng 03 năm 1991, từ nông trường trúc lô 6 Củ Chi, chúng tôi được bề trên sai đi Phước Long để phụ giúp bà con sắc tộc. Vào thời điểm này, từ Bình Dương đi chỉ có một chuyến xe khách. Tôi muốn kiếm một chỗ ngồi phía trên, vì thấy người không khỏe lắm, nhưng rồi lại bị dồn xuống dưới, và thật lạ lùng, xe đi một vài tiếng đông hồ thì tôi thấy mình khỏe hơn. Rời bến xe hồi 8 giờ, xe lăn bánh trên một đoạn đường chỉ khoảng 130 cây số, nhưng mãi tới 4 giờ chiều mới tới được Phước Bình. Hai anh em ghé quán ăn bữa cơm chiều, rồi sau đó thuê xe ôm vào giáo xứ Long Điền.

Tới điểm hẹn, chúng tôi được dẫn vào nhà chị Ngát, ở đây đã có vài chục anh chị em thuộc đội Mân Côi chờ sẵn. Sau phần chào hỏi và giới thiệu là bài ca “Người tìm người” bằng tiếng K’Hor được mọi người hát vang, theo nhịp vỗ tay dòn dã.

Tiệc mừng chỉ có nồi chè nóng. Ngon thật, món quà nhỏ nhưng tình yêu lớn khi trên nét mặt mọi người đều rạng rỡ vui tươi. Những con người ở chốn quê nghèo chỉ biết quanh quẩn bên nương rẫy, vậy mà tầm nhìn phóng tới những vùng đất xa xôi. Không phải đất đá này, mà là những mảnh đất tâm hồn của bà con sắc tộc vùng phụ cận cho mãi tới Bù Đăng. Vào giai đoạn đó, cả vùng Phước Long, Đồng Xoài cho tới Bù Đăng, Đak Nông, không có bóng linh mục, chỉ có mấy nữ tu dòng Đức Bà Truyền Giáo. Sinh hoạt của đời sống đạo còn nhiều khó khăn, vì thế sau khi gặp nhau chừng 2 tiếng, chúng tôi được anh Hoàng lặng lẽ dẫn về nhà nghỉ qua đêm.

Sáng hôm sau, trên 2 xe máy, chúng tôi trực chỉ Bù Đăng, một đoạn đường chỉ trên 50 cây số, nhưng cũng phải đi mất hơn 2 tiếng đồng hồ. Điểm đến đầu tiên là Bù Đưng, một làng nhỏ người S’Tiêng nằm gần sát đường, có chừng 12 nóc nhà, nhà ở đây rộng và dài. Giữa mọi nhà là một ngôi nhà tranh nho nhỏ dùng làm nơi cầu nguyện.

Chúng tôi thực sự xúc động khi cùng bà con tiến vào nhà cầu nguyện. Mái tranh đơn nghèo giữa mọi nhà, chen lẫn những bụi cây rậm rạp. Quả thật Thiên Chúa ở đây là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, chung cảnh đời của mọi người, lắng nghe tiếng van nài của mọi người ngay trong cảnh đời của họ. Chúa ở đây trong một mái nhà, không cửa, đầy bụi đất. Thế nhưng khi từng người bước vào với đôi chân lấm lem, những tấm thân đời thường nhưng tấm lòng thì như lạc vào một vùng trời khác. Ở đó họ có thể tin tưởng và cậy trông, và khi lời kinh được cất lên dòn dã, nghe tha thiết làm sao. Lời kinh từ tấm lòng của từng người biết mình cần Thiên Chúa, và chỉ trong Chúa bà con mới cảm thấy được an toàn và yên ổn, đó là những tấm lòng hoàn toàn mở rộng để Thiên Chúa có thể bước vào, tuôn đổ đầy tràn tình yêu và ân sủng, ấp ủ tất cả trong vinh quang và quyền năng của Ngài.

Trưa đó chúng tôi được đãi món thịt trâu khô. Thói quen của bà con sắc tộc mỗi khi được gọi đi ăn trâu hay bò, lúc về được chia phần mang về, nhưng khi về đến nhà thường không ăn liền, mà bỏ vào trong cái “gùi” trên gác bếp, hễ có khách đến chơi là đem nấu mời khách, quí lắm đó, để lâu thì cứng như đá phải đem giã rồi nấu, còn nếu mới chỉ ba bốn ngày thì khó ăn lắm. Ngoài món thịt trâu còn có bát canh lá rừng, sau đó cùng nhau uống rượu cần. Những “chén” rượu cần đầu tiên trong đời.

Gặp nhau đó rồi chia tay đó, để còn đi tiếp. Anh em chúng tôi, những khuôn mặt hoàn toàn xa lạ, vậy mà khi chia tay, các bà các cô gái cũng sụt sùi nước mắt, và cũng chỉ vì nhiêu đó mà chúng tôi thấy mình bị giữ chân lại, ra đi sao đành.

Tuy nhiên có thương nhớ mấy thì cũng phải chia tay, cơm trưa xong chúng tôi còn phải đi tiếp qua Bù Dôh, một làng đông dân hơn nằm sâu 7 cây số, mới chỉ có vài ba nhà theo đạo. Tới nơi, cũng lại ché rượu cần. Lúc này, tôi vẫn còn choáng váng vì mấy “chén” rượu cần ngoài kia, đành vô đại một căn phòng nhỏ lăn ra đánh một giấc, mặc ai nói ai cười, và rồi chiều đến, lại phải chia tay, cũng trong giai điệu “lệ rơi”: bà con nước mắt ngắn nước mắt dài, người đi lệ ướt trong tim.

Về lại Long Điền trời đã sẩm tối, chúng tôi được dẫn tới nhà các nữ tu dòng Đức Bà Truyền giáo, chung chia bữa cơm kết nghĩa bạn đường; Sáng hôm sau, được các anh em dẫn vào nhà anh Sơn một giáo viên ở Bình Hà, rồi đi tiếp qua Bù Ha, sau đó về lại Long Điền, hôm sau nữa lên xe trở về điểm xuất phát.
Đây là một chuyến đi đã mở ra cho chúng tôi một hướng đi mới, đầy bất ngờ.

Với một con tim bao năm khao khát người nghèo, nay chúng tôi thấy mình đã được Chúa dẫn tới một vùng đất đúng chỗ đúng người. Thực ra, ngay khi bước những bước đầu tiên vào làng, chúng tôi đã thấy Chúa có mặt ở đó, giữa bà con túng nghèo và đang đợi. Vì thế khi bài tình ca được cất lên, mang giai điệu nước mắt, tôi khóc trong lòng vì quá vui sướng, nước mắt của lời kinh tạ ơn vì Chúa đã đón nhận ước nguyện và sai chúng tôi đến đây, và trong nước mắt của bà con, chúng tôi vui vì biết mình được bà con đón nhận với trọn cả tấm lòng.

Về lại nông trường trúc lô 6, chúng tôi vui mừng vì bước lữ hành vỏn vẹn 4 ngày đã đưa tôi tới một vùng trời mới. Chúng tôi thầm hồi tưởng về 20 năm qua ôm ấp mãi ước mơ này, mà sao nay Chúa mới dẫn vào, đặc biệt 15 năm qua trong vai trò quản lý cộng đoàn, cứ tối ngày loanh quanh với nhà cửa, vườn tược.

Nhưng khi nghiệm lại thì chúng tôi thấy quả thật Chúa quan phòng đã dẫn đưa và rèn luyện con tim chúng tôi, để khi được sai đi loan báo Tin Mừng cho những anh chị em túng nghèo, thì con tim ấy “tình trong như đã”, bước vào cảnh đời của bà con thật nhịp nhàng, coi như đã hiểu nhau từ rất xa xưa.

Tuy nhiên, để công bố sứ điệp Tin Mừng thì đòi người thừa sai phải được thử luyện lâu dài theo thời gian và từng hoàn cảnh. Lợi thế của chúng tôi là đã sẵn có một con tim của tình bạn, chúng tôi cần đi tiếp bước thứ hai để có được một con tim biết lắng nghe: Nghe Thiên Chúa lên tiếng dạy dỗ và dẫn dắt cũng như chăm sóc bà con ngang qua truyền thống, kỷ cương và đời sống hằng ngày. Và vì thế thỉnh thoảng chúng tôi đến ở với bà con cả tuần, vừa đi thăm, vừa tìm kiếm dấu ấn và sự hiện diện của Thiên Chúa giữa bà con, hòa mình vào cuộc trò chuyện giữa Thiên Chúa với con người.

Dĩ nhiên nếu chỉ đến thăm ban ngày thì chẳng có mấy ai ở nhà, nhưng vì ở với bà con, vì thế có thể vui chơi, cầu nguyện và trò chuyện thâu đêm. Cứ ngồi với nhau là ra chuyện, chuyện xưa chuyện nay, chuyện ông già, người lớn, em bé, chuyện kể để lộ chân dung những con người qua bao núi rừng và nương rẫy, từ cha ông tới con cháu, dệt nên giai điệu trầm bổng của bản tình ca Thiên Chúa. Bài tình ca được cất lên từ những trái tim có khả năng yêu thương, biết sống liên đới trong sự bao bọc và che chở của Đấng linh thiêng.

Thật vậy, khi dìm mình dưới dòng suối, trong nước mát bà con cũng nhận ra bóng dáng thần linh có mặt đâu đây, để chăm sóc và tắm gội cho con người. Thế là từ dòng nước mát bà con từng ngày cất cao lời kinh cảm tạ.

Tới mùa phát rẫy, hoa trái của mùa màng là lộc Trời, ngay khi gieo hạt cũng là lúc nói lên ước nguyện bằng một lời hứa cụ thể. Tùy theo số lượng hoa màu nhận được mà dâng cúng con heo, con bò hoặc con trâu. Đây là thói quen của các dân tộc qua nhiều thời đại, ngay cả dân Chúa trong Cựu Ước mỗi gia đình hằng năm cũng sát tế con dê, con cừu.

Tuy nhiên nói là cúng trâu chứ thực tế là để bà con buôn làng chung vui, dưới cái nhìn trìu mến và ấp ủ của thần linh, và theo thói quen thì người đến ăn còn có phần đem về, vui lắm. Thế là lời kinh tạ ơn ngày mùa không chỉ là của riêng một gia đình, mà là mọi nhà. Ngay cả khi vụ mùa thất thu, gia đình chỉ có được ít bao lúa thì cũng vẫn mừng lúa mới, mừng thần thánh mang hơi thở của sự sống cho gia đình. Ngày mai sẽ ra sao? Đã quen trong sự che chở của thần thánh thì ngày nào đủ cho ngày đó, Mẹ Rừng còn đó với bầu sữa ngon, mùa đói thì rủ nhau vào rừng đào củ mài, chút ít gạo còn sót lại mỗi ngày lấy ra một nắm giã bột nấu món canh bồi cho có hơi cơm, hạnh phúc tuy nhỏ bé nhưng luôn tràn đầy.

Đấng Linh Thiêng ở đây được nhìn nhận là Chủ Tể, là Thiên Chúa đất trời, cũng là Đấng vui thích chăm sóc dân Người!

Đa Minh Trần Văn Tân, SJ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây