TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tin Mừng dẫn đường về với tình thương

Thứ hai - 27/09/2021 19:35 | Tác giả bài viết: Đa Minh Trần Văn Tân, SJ |   731
Những câu chuyện ghi dấu bước chân hoạt động Loan báo Tin Mừng của các Thầy Dòng Tên tại Đăk Nông và Bù Đăng...
Tin Mừng dẫn đường về với tình thương
Tin Mừng dẫn đường về với tình thương cứu độ của Thiên Chúa
 

“Thế rồi anh ta đứng lên, đi về cùng Cha… Anh ta còn ở đàng xa thì người Cha đã trông thấy, chạnh lòng thương, chạy tới…” (Lc 15, 20).

Những người con Bù Klôn, bao năm lạc xa vòng tay Cha, sống lang thang giữa núi rừng và nương rẫy, đầy sói dữ, mất hướng…

Cho tới một ngày, ông Vó, già làng Bù Klon, cần làm nhà, đã đốn cây sao trong vùng rừng cấm, gọi là “Rừng Ông Bà”, gỗ chưa kịp mang về nhưng chẳng hiểu sao bà vợ của ông bị liệt hai chân. Thực ra đôi khi trong cuộc sống có những chuyện trùng hợp đáng ngờ, chẳng hạn như ở đây chuyện chặt cây trong rừng của ông bà đối với bà con là cấm kỵ, rồi gặp ngay ngày bà vợ bị tê chân không đi được, thì đương nhiên thầy cúng sẽ phán là Ông Bà phạt thôi. Để chuộc tội sẽ phải cúng trâu hoặc bò là chuyện thường tình.

Trong khi đó ông lại nghe biết ông Lôi ở Bù Tơm, người bà con, sau khi tin Chúa thì ông không phải kiêng rượu với lá nhíp, và thậm chí cùng với bà con Bù Tơm phát bay cả khu rừng thiêng mà chẳng ai bị đánh phạt cả. Ông đã hỏi thăm và biết rằng mỗi sáng thứ Năm, mấy “ông thầy giảng đạo” đều ghé nhà ông Lôi. Vì thế khi nhóm anh em Bạn Đường đến theo thường lệ thì ông đã đợi sẵn ở đó từ sớm.

Gặp mặt, ông ngạc nhiên khi thấy anh em chúng tôi toàn những chàng trai trẻ, anh trưởng nhóm mới trên 30. Trong đầu ông cứ đinh ninh rằng mấy ông thầy đi rao giảng đạo Chúa phải lớn tuổi hơn nhiều. Sau khi nghe ông Lôi kể lại bước đầu theo Chúa của mình, ông khẩn khoản xin chúng tôi đến làng ông ngay. Chúng tôi hỏi ông có chắc chắn muốn tin theo không, ông nói chắc, vì đã giết con trâu cúng mà vợ cũng có hết đâu, ông không còn con đường nào khác. Chúng tôi nói ông cứ về đi rồi mai sẽ qua. Ông cho biết đường đi khó lắm đó. Không sao, chỗ nào khó thì chúng tôi xuống dắt bộ, trước sau gì chẳng tới.

Hôm sau, chúng tôi lên đường tới Bù Klon cùng với ông Lôi. Tới nơi dọn dẹp và đặt bàn thờ, rảy nước thánh khắp nhà và đọc kinh, xin Chúa cho người bị liệt cũng được chữa lành. Ông cứ hỏi xem vợ ông có thể lành bệnh không, chúng tôi trả lời ông rằng tin hết lòng thì được, và ông thưa tôi tin. Tiếp đó ông cho gọi tất cả con cái họ hàng thân thích tới đầy nhà để nghe lời Thiên Chúa, có đến hơn hai chục người, rồi ông xin chúng tôi cầu nguyện tiếp.

Những bài thánh ca lại được cất lên cùng với lời kinh chúc tụng Thiên Chúa, tiếp theo là phần dẫn dắt bà con đến gặp Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa đầy quyền năng. Qua lời Chúa trong Tin Mừng, bà con được đưa vào khung cảnh Chúa chữa lành người bại liệt nhờ lòng tin của mọi người. Sau giờ cầu nguyện và dẫn giải, già làng tuyên bố là ông sẵn sàng tin theo Chúa, vì thế kể từ nay ông sẽ không còn hướng dẫn bà con cúng bái Ông Bà Rừng mỗi khi có ai yếu đau bệnh tật nữa, mọi người có sẵn sàng cùng đi theo hay không tùy ý.

Sau một đêm bàn bạc, sáng hôm sau có 8 gia đình cùng với gia đình ông Lôi xin đi theo Chúa. Thế là ngay sáng hôm ấy, 3 anh em phải theo bà con vào rẫy đào ngải đem đốt bỏ, chỉ anh trưởng nhóm được ông già làng giữ lại để tiếp tục cầu nguyện cho gia đình.

Ngải ở đây thường được già làng dùng để bôi vào mũi tên đi bắn chim, thoa vào dây bẫy thú và chôn dưới sá lúa giống khi gieo hạt. Chúng tôi xin ông ít ngải đó để về bẫy heo rừng, ông cho biết những người có Chúa rồi thì không được, vì mỗi lần bẫy được con heo là phải cúng con gà, thu hoạch được nhiều lúa cũng phải cúng con heo hoặc con bò và thậm chí cả con trâu. Cứ như là có vay có trả, rồi còn phải kiêng cữ đủ điều, cũng mệt mỏi lắm, vì thế mà ông muốn từ bỏ tất cả, từ lâu đã mơ ước cuộc sống tự do của những người con cái Thiên Chúa.

Chúng tôi ở đây cho tới ngày thứ Bảy thì vợ ông già làng bắt đầu lẫm chẫm đi được. Tin đồn lan ra khắp cả làng, mọi người kéo đến xem sự việc đã xảy ra, vì khi giết trâu để cúng, ông cũng mời cả làng cùng ăn.

Chiều đó, thôn trưởng ghen tức kêu công an đến bắt, cho rằng chúng tôi là những người gieo rắc đạo trời của ngoại bang. Chúng tôi trả lời rằng chẳng làm gì có chuyện tuyên truyền những điều mê tín, mà là rao truyền danh thánh Giêsu, Đấng thương xót và chữa lành thương tích nhân loại. Anh thấy ông già làng này không, khổ sở nghe theo lời thầy cúng giết trâu mà vợ có hết bệnh đâu, bà con cứ nói bệnh là vì bị bà rừng đánh phạt, nhưng thử hỏi thần thánh gì mà lại không biết xót thương, động tí là phạt. “Thiên Chúa, đấng tạo thành vũ trụ và muôn loài… Người không cần được bàn tay con người phục vụ như thể Người thiếu thốn điều gì, vì Người ban cho mọi loài sự sống, hơi thở và mọi sự (Cv 17,24-25), chứ Bà Rừng làm được gì. Núi rừng có nhiều thứ gây ra bệnh tật, lại còn nuôi ngải thì coi như giữ chất độc trong nhà. Nghe vậy, anh công an xin lỗi bỏ đi.

Sáng Chúa nhật, chúng tôi về lại Bù R’But, đang khi cầu nguyện thì thấy anh em Bù Klon đuổi theo, tưởng có chuyện chẳng lành ở nhà già làng, ai ngờ anh em đến xin chúng tôi thứ Năm ghé thẳng Bù Klôn để tiếp nhận anh em vào đạo. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm và hứa trở lại.

Thực ra mỗi lần ghé vùng này, sớm muộn gì chúng tôi cũng ghé nhà ông Lôi trước để cầu nguyện, gặp gỡ bà con, sau đó đi đâu thì đi. Đúng hẹn, thứ Năm chúng tôi tới, có 15 gia đình nữa xin tin theo, tổng cộng là 24 gia đình. Chúng tôi đặt vấn đề cần một nơi tập trung cầu nguyện, mà nhà của già làng thì chật chội quá. May có anh Canh một người Tin lành lấy vợ Công giáo cũng xin trở lại, sẵn sàng nhường nhà của mình làm nơi cầu nguyện, thế là một giáo điểm mới được hình thành. Khi anh em chúng tôi ở giữa bà con thì mỗi ngày anh Manh tập hát cho các em thiếu nhi, anh Mâm với anh Brang giúp bà con đọc kinh, còn trưởng nhóm lo giảng giải lời Chúa, rồi sau đó cùng nhau đi đọc kinh từng nhà, cũng có ngày theo bà con đi rẫy làm cỏ lúa.

Bà con nói rằng gia đình tin theo thì cũng phải cho ông bà cha mẹ đi theo nữa chứ. Nói rồi cả làng kéo nhau ra nghĩa địa, rảy nước thánh từng ngôi mộ, và thế là cả khu rừng nhỏ nơi chôn cất ông bà tổ tiên vang tiếng nguyện cầu, nghe như lời cầu xin và chúc tụng của người chết vang dội nơi lòng và trên môi miệng con cháu, làm rung động từng cành cây kẽ lá, thấu tận cung lòng Thiên Chúa. Tiếp theo, chúng tôi đề nghị chặt cành cây đặt Thánh giá cho từng ngôi mộ, trao phó những người đã gửi thân chốn này trong tình thương cứu độ của Thiên Chúa thành tín.

Tuần thứ ba trở lại có ông thầy chuyên chữa bệnh, khác với thầy cúng, ông này có cây gậy dài gọi là Pol, đầu có khắc dấu chia độ dài, ông đưa ngang vai và sải tay theo cây, lạ lắm, khi ông sải tay ra thì có thể vươn xa. Tùy theo chỗ tay vươn tới mà ông đề nghị về cúng heo gà hay trâu bò. Khi bà con đi săn, ông cũng sải tay và nếu tay không vươn xa thì ông nói ở nhà, vì hôm nay sẽ chẳng săn được gì.

Ông này cứng lòng nhất định không tin, trong khi vợ con đã đi theo, ông tức giận và tới quậy phá nhà ông già làng, ông muốn hại già làng bằng cái thứ ngải giết người, nhưng vô hiệu, mà nếu hại người không được thì ngải độc sẽ quay ngược lại hại mình, về nhà ông đổ bệnh vật vã. Bây giờ thì ông biết già làng được thần linh che chở, mạnh hơn ngải độc, vì thế ông xin già làng cùng với anh em cầu nguyện cho mình, sáng hôm sau hết bệnh, cũng xin tin theo.

Chúng tôi đòi ông đã đi theo Chúa rồi thì phải bỏ tất cả: ngải trồng để bẫy thú, để cúng khi gieo hạt và cả ngải giết người, cùng với những viên đá cúng chôn sâu dưới kho lúa. Ông giao nộp tất cả để tất cả trôi theo dòng suối...

Qua tới năm 1999 thì cả làng đã tin theo hết, già làng đã dành ra một khu đất rất đẹp giữa làng để dựng lên ngôi nhà thờ bằng gỗ, Bù Klôn từ đây vang tiếng nguyện cầu. Số tin hữu nay đã trên trăm hộ, khoảng 600 người, tương lai sẽ kết hợp với các giáo điểm chung quanh, và Bù Đăng sẽ có thêm một giáo xứ mới.

Đa Minh Trần Văn Tân, SJ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây