TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

An Thân – Thủ Phận

Thứ sáu - 01/10/2021 19:36 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   831
“Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó (ngài tư tế, vị trợ tế, người Samaritanô) là anh em của người rơi vào tay bọn cướp?”
An Thân – Thủ Phận

AN THÂN – THỦ PHẬN

(Thứ Hai sau Chúa Nhật XXVII TN – Lc 10,25-37)
 

Vốn biết người thông luật khi hỏi rằng làm gì để được sự sống đời đời là muốn thử mình nên Chúa Giêsu đã khôn khéo dẫn chuyện để ông tự trả lời qua giới luật yêu thương, “mến Chúa và yêu người”. Tuy nhiên sau đó vì muốn bào chữa cho mình ông ấy hỏi tiếp: Nhưng ai là anh em của tôi? Bấy giờ Chúa Giêsu đã kể câu chuyện dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu để minh họa thế nào là sống đạo yêu thương. Và Chúa Giêsu đã hỏi ông ta một câu xem ra rất dễ trả lời bằng ngôn từ nhưng không dễ để thực thi bằng hành động cụ thể: “Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó (ngài tư tế, vị trợ tế, người Samaritanô) là anh em của người rơi vào tay bọn cướp?”

Chúa Giêsu đã thầm nhắc nhở vị thông luật là hãy đảo chiều câu hỏi của ông ta trước đó. Thay vì hỏi ai là anh em của tôi thì phải tự hỏi tôi phải làm người anh em của ai đây? Đã nghe câu chuyện dụ ngôn “người Samaritanô nhân hậu” thì câu trả lời không quá khó vì đó là những ai đang cần đến tình yêu của tôi cách cụ thể qua tấm lòng nhân (động lòng xót thương), qua đôi chân (tiến lại gần), qua đôi tay (băng bó vết thương…) và qua cả hầu bao của mình nữa (hai quan tiền trao cho chủ quán trọ). Tình yêu thực sự thì đòi hỏi đến cùng và trọn vẹn. Người Samaritanô nhân hậu còn nói là nếu còn thiếu bao nhiêu trong khoản phí chữa bệnh thì hôm sau khi trở lại sẽ thanh toán hết cho chủ quán trọ.

Tin Mừng tường thuật câu kết của Chúa Giêsu: “Ông cũng hãy đi và làm như vậy”. Để được hạnh phúc vĩnh cửu, được sự sống đời đời thì hãy làm người anh em, chị em thực sự của những ai đang cần đến tình yêu liên đới, chia sẻ, đỡ nâng của chính mình. Và để tình yêu này thành hiện thực thì ắt cần phải có động thái “ra đi” theo nhiều chiều kích. Ra đi khỏi khỏi tình trạng an thân thủ phận có lẽ là điều kiện đầu tiên để có thể sống yêu thương. Xin có đôi nghĩ suy về chiều kích này.

Lối sống ích kỷ chỉ biết bản thân mình quả thật rất khó qua mặt thiên hạ và dường như ngay cả bản thân mình lòng cũng chẳng được bình an. Tuy nhiên nhiều kiểu sống an thân thủ phận thì lại dễ qua mặt tha nhân và có khi với cả chính mình với nhiều lý lẽ xem ra khá hợp lý. Vị tư tế trong câu chuyện Chúa Giêsu kể rất có thể tự trấn an lương tâm với việc giữ luật khi chu toàn nghĩa vụ tư tế (tránh bị ô uế vì tiếp xúc với máu?). Vị trợ tế cũng có thể tự biện bạch với lẽ khôn ngoan rằng phải cẩn trọng trước nhiều thủ đoạn “giăng mồi” của kẻ cướp vùng hẻo lánh này.

Trước nỗi khổ của đồng loại trong nhiều nghịch cảnh, chẳng hạn hoàn cảnh dịch bệnh Côvid hôm nay, phải chăng đã và đang có đó nhiều lý lẽ xem ra khá hợp lý để biện mình cho việc “không ra đi”, thiếu dấn thân của chúng ta? Phải chăng có đó một nguyên nhân sâu xa nằm ẩn sâu dưới nhiều lý lẽ “hợp lý” ấy là tâm trạng muốn an thân, thủ phận? Ngôn sứ Giona trong bài đọc thứ nhất dù có ra đi lên tàu nhưng lại đi hướng ngược với hướng Chúa sai ông. Phải chăng ngôn sứ sợ phải đối diện với nhiều bất trắc khi rao giảng cho vua quan, dân thành Ninivê, thủ đô của đế quốc Syria đang đô hộ nước mình? Tìm kiếm sự an thân, ngài Giona dám to gan qua mặt cả Thiên Chúa!

Một biểu hiện của sự ra đi khỏi tình trạng an thân, thủ phận đó là can đảm “liều một chút”. Trong tình yêu thì luôn có động thái liều. Quá cẩn trọng, quá cân nhắc đắn đo thì thật khó mà sống đạo yêu thương, sống tình liên đới. Chắc hẳn vị Samaritanô trong câu chuyện Chúa Giêsu kể ít nhiều cũng biết những trường hợp bọn cướp đã giăng mồi nhử trên quảng đường này. Thế nhưng khi đã chạnh lòng thương thì ông ta vượt qua mọi tính toán cân nhắc để rồi liều lĩnh xuống khỏi lưng lừa tiến đến nạn nhân thực thi các nghĩa cử ân tình đế nơi đến chốn.

Trong hoàn cảnh dịch bệnh hiện nay, ngoài hình ảnh các y bác sĩ và nhân viên y tế tuyến đầu thì hình ảnh các tình nguyện viên của các tôn giáo, đoàn thể xã hội là một lời khẳng định: “không dám liều thì đừng nói yêu”. Quả thật trong phận người bình thường thì ai cũng sợ, cũng lo khi ở trong tình trạng “phải liều”. Tuy nhiên điều đáng lo, đáng phải sợ hơn cả là khi nỗi sợ, nỗi lo này lại được khoác chiếc áo là sự cẩn trọng, là sự khôn ngoan và cả những luật lệ, những quy định lễ nghi tôn giáo.

Với tuổi đời đã tám mươi tư và sức khỏe không mấy dồi dào (vừa qua một cuộc phẫu thuật đại tràng), thế mà vừa qua Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã dám liều ra đi để sống đạo yêu thương tận Hungari và Slovakia. Phải chăng căn nhà riêng của tôi, căn nhà xứ hay căn phòng thánh còn là pháo đài giữ chân các Kitô hữu trong sự an thân với nhiều lý do nào đó thoạt nghe khá hữu lý nhưng thực ra không vắt được một chút giọt tình?

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây