Về quê Cống Hiền
Rời đảo Cát Bà, cha Duy đưa phái đoàn về quê của ngài ở Cống Hiền, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng. Đây cũng chính là quê hương của cha Stêphanô Nguyễn Văn Đậu –TĐD.
Trước khi vào làng, Phái đoàn dừng lại viếng Đất Thánh. Đất Thánh Cống Hiền được cha Duy quy hoạch lại khá đẹp. Hàng cây 2 bên đường tạo chiều sâu hun hút dẫn đến núi đá trung tâm, nơi đặt tượng Đức Mẹ sầu bi Pietà.
Nhà thờ Cống Hiền -niềm tự hào của dân làng- được xây dựng từ năm 1907 theo kiến trúc gothic, ngôi tháp có một kiểu dáng đặc biệt, tạo nên tiếng chuông ngân vang rất độc đáo. “Chuông làng Cống, Trống làng Hạ, Tù và Cúc Thủy”. Năm 2010, Nhà thờ được trùng tu tôn tạo theo kiểu dáng cũ, giữ nguyên cột, kèo và mái. Cung thánh sơn son thếp vàng vô cùng tinh tế và sang trọng tạo nên khung cảnh linh thiêng, huyền mỹ.
Giáo họ Cống Hiền thuộc Giáo xứ Hội Am là một cộng đoàn tín hữu có truyền thống kiên trung sống đạo và giữ đạo, đã trải qua hơn 100 năm gian nan, thăng trầm. Nơi đây từng sản sinh nhiều ơn gọi linh mục, tu sĩ và chứng nhân Tin Mừng. Quản xứ Giáo xứ Hội Am là một linh mục trẻ khá năng nổ, Cha Gioan Baotixita Nguyễn Văn Hải. Ngài cùng với giáo dân vui mừng tiếp đón Phái đoàn như những người thân lâu ngày gặp lại.
Sau bữa tiệc đậm đà tình nghĩa và hương vị quê hương, Phái đoàn trở về Trung tâm Mục vụ Giáo phận Hải Phòng chuẩn bị tham dự nghi thức Tuyên Thệ (5g00 chiều 30.3.2022) và Thánh lễ Khởi đầu sứ vụ của Tân Giám Mục Chính tòa Hải Phòng (9g00 ngày 31.3.2022).
Nhà thờ Cống Hiền
Bữa tiệc đậm đà tình nghĩa và hương vị quê hương
Hình ảnh lưu niệm tại Cống Hiền
Nhà thờ Giáo xứ Hội Am, GP. Hải Phòng
Theo chương trình, Phái đoàn sẽ ra sân bay Cát Bi – Hải Phòng trở về Ban Mê Thuột vào sáng ngày 01.4.2022, nên buổi chiều ngày 31.3.2022 cha Duy lại đưa Phái đoàn đến thăm di tích lịch sử Bạch Đằng Giang và bãi biển Đồ Sơn. Chuyến đi này có thêm các sơ NVHB nên không khí trên xe sinh động hơn, tươi vui hơn.
Có lẽ ai cũng nghe nói đến địa danh Bạch Đằng Giang khi học lịch sử Việt Nam, nhưng không phải ai cũng được đến tận nơi trải nghiệm dòng sông oanh liệt này. Bạch Đằng Giang thuộc vùng đất Tràng Kênh - Bạch Đằng (huyện Thủy Nguyên), cách trung tâm thành phố Hải Phòng chừng 18km về phía Đông Bắc, là địa danh nổi tiếng với 3 trận thủy chiến chống quân xâm lược trong lịch sử:
- Trận thứ nhất: Ngô Quyền đập tan quân Nam Hán năm 938, vang danh chiến thắng Bạch Đằng, đánh dấu đỉnh cao tài nghệ quân sự Việt Nam.
- Trận thứ hai: Vua Lê Đại Hành, dành chiến thắng trước đại quân nhà Tống trong năm 981.
- Trận thứ ba: Vang danh lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc là chiến thắng lẫy lừng của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn trước quân Nguyên Mông vào năm 1288.
Biển dâu lịch sử bao nhiêu độ
Mà vẫn còn đây Bạch Đằng Giang.
Buông chèo du khách nhìn sông nước
Có nhớ ngày xưa Hưng Đạo Vương?!
Mê mải ở Bạch Đằng Giang, không còn thời gian đi Đồ Sơn, chỉ kịp ghé quán Bà Cụ thưởng thức bánh đa cua bể, đặc sản Hải Phòng (ĐC: 179 Cầu Đất, phường Cầu Đất, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng).
Chưa đi chưa biết Hải Phòng,
Đi rồi mới thấy lòng vòng những sông.
Sông thì Cấm, cầu lại Rào,
Lạch Tray, Lạch Việt, biết vào nơi mô?!
Hồ Tam Bạc, Phố Máy Tơ,
Cát Bi, Cát Hải, nằm mơ chập chờn.
Chưa đi chưa biết Đồ Sơn,
Rừng vàng, biển bạc, hồng ân Chúa Trời.
Nguyện xin Thiên Chúa Ba Ngôi
Ban cho đất Việt muôn đời yên vui.
Di tích lịch sử Bạch Đằng Giang
Lưu danh Ngô Quyền, Lê Đại Hành và Trần Hưng Đạo
Mô hình bãi cọc trên sông Bạch Đằng
Vũ Đình Bình
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn