Chết thay cho nhiều người
Cuộc sống đáng quý biết bao đối với nhiều người. Khi một người hy sinh một phần nội tạng cho người thân, ông bà, anh chị em mình được sống. Đó là một hành vi chết thay cho người thân yêu mình một phần của sự sống. Người vô tội chết thay cho kẻ có tội, một người chịu chết để muôn người được sống.
Người mẹ hiến thận cho con, chỉ mong cho con được mạnh khoẻ, dù sức khoẻ người mẹ có ra sao. Một người cha khác hiến 60% lá gan mình cho con, rồi người bác ruột hiến một phần lá phổi cho cháu. Nhiều hình ảnh như thế từ người cha người mẹ nhường mạng sống mình cho con, chỉ mong con sống tươi vui, mạnh khoẻ.
Rồi những khoảng sống đẹp của những em học sinh đã liều mạng mình cứu sống những em nhỏ đuối nước. Có người hy sinh chiếc áo phao của mình, hy sinh mạng sống cho bà mẹ đang mang thai trong vụ lật canô ở sông Soài rạp. Có rất nhiều những hy sinh thân mình không tên, không tuổi, không được ghi trên báo chí, nhưng đâu đó trên sự sống những người ở lại, họ đang sống những gì người trao tặng chưa sống hết sự thiện.
Khi chúng ta nói về hy sinh của các bậc cha mẹ, anh em chú bác, chẳng bao giờ chúng ta có thể kể hết bao âm thầm chịu thiệt thân vì con cháu mình. Những vất vả thường ngày, ngày này tháng nọ, năm này qua năm khác, khi con cháu lớn khôn mới hiểu phần nào tấm lòng quảng đại hy sinh, khi chính mình phải bươn trải. Người ta vẫn thường nói: “Khi làm cha mẹ rồi mới hiểu tấm lòng cha mẹ đã thương mình”. Trải qua đau thương, đắng cay, tủi nhục mới hiểu những hy sinh người đi trước đã hy sinh thế nào cho người sau hạnh phúc.
Cuộc sống hy sinh cho đi chẳng bao giờ mất tất cả, họ dù không cứu sống được phận người nhưng vẫn ảnh hưởng điều tốt lành trên cuộc sống này. Chúng ta vẫn tin cuộc đời này còn bao điều tốt đẹp từng ngày mang đến, dù có những thương tật do thù hận, ghen ghét, vẫn tin rằng cuộc đời vẫn còn nhiều hy vọng để sống, để vươn lên.
Chúa chết thay cho chúng ta, không chỉ cho chúng ta mà thôi còn cho toàn thể nhân loại. Sự chết, đau khổ thảm thương, là hậu quả của tội lỗi. Đấng vô tội đã chết như một tội nhân là để chuộc lấy: “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta” như Isaia chương 53 diễn tả mọi đau khổ Chúa chịu vì nhân loại chúng ta. Thánh Phaolô lập lại chính những từ ngữ của tiên tri: “Ngài đã bị phó nộp vì các lỗi lầm của ta” (Rm 4, 25).
Sự chết của Chúa Giêsu giao hòa nhân loại với Thiên Chúa. “Vì nếu là nghịch thù, mà ta được giảng hòa với Thiên Chúa bởi cái chết nơi Con của Người” (Rm 5,10-11).
“Cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1, 20)
Chết thay là một biểu hiện sự giao hoà, tỏ bày tình yêu không giới hạn, không ngăn cách. Chúa đã chết thay để con người được sống, và sống dồi dào, để tiếng nói tình yêu không bao giờ lịm tắt. Con người có lý do để sống và tiếp tục hy sinh cho nhau.
Lm Giuse Hoàng Kim Toan