TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Xin hãy sai tôi đi

Thứ bảy - 10/07/2021 22:23 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   871
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án” (Mc 16, 15-16).
Xin hãy sai tôi đi

Chúa Nhật XV – TN – B

Xin hãy sai tôi đi

Đức Giê-su, trước khi về trời, Ngài đã có lời truyền dạy với các tông đồ, rằng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án” (Mc 16, 15-16).

Loan báo Tin Mừng và sai các môn đệ đi, đó là điều Đức Giê-su coi là một việc hệ trọng. Chính vì thế, ngay khi bắt đầu sứ vụ, Ngài đã cất tiếng mời gọi một số người để họ trở thành những người môn đệ, và họ sẽ là những người tiếp nối sứ mạng loan báo Tin Mừng.

Kinh Thánh cho biết, Đức Giê-su đã “lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người, và để Người sai các ông đi rao giảng”. Và, Nhóm Mười Hai đã được sai đi. Sự kiện này được ghi lại trong Tin Mừng Mác-cô. (Mc 6, 7-13).

**
Câu chuyện được ghi lại như sau: Sau cuộc trở về làng quê Na-da-rét đầy thất vọng, Đức Giêsu tiếp tục “đi các làng chung quanh mà giảng dạy”.

Hôm ấy, một sự kiện mới lạ xảy ra, đó là Đức Giê-su không cùng đi với các môn đệ, trái lại Ngài đã “gọi Nhóm Mười Hai lại và sai đi từng hai người một”.

Các môn đệ phải đi từng hai người một, cùng với lệnh truyền, rằng: “các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy, không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng, được mang dép, nhưng không được mặc hai áo”.

Sau lời chỉ thị này, Đức Giê-su có lời căn dặn, rằng: “Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở đó cho đến lúc ra đi. Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ”.

Các môn đệ đã “ra đi”. Các ông đã “đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối”. Thánh sử Mác-cô ghi lại rằng: “Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh”.

***
Chúng ta vừa nghe lại cuộc hành trình “truyền giáo” của các vị tông đồ xưa. Hành trang rất giản dị, thế mà kết quả thật mỹ mãn. Nhờ đâu thế nhỉ! Thưa, nhờ có “ơn Chúa”. Hồi ấy, Đức Giê-su đã ban cho các vị tông đồ ơn trừ quỷ. Thánh sử Mác-cô cho biết: “Người ban cho các ông quyền trừ quỷ” (Mc 6, …7).

Vâng, các ông không có tiền bạc, nhưng có niềm tin, tin vào Đức Giê-su, một Giê-su là Đấng quyền năng và giàu lòng thương xót. Tông đồ Phê-rô và Gio-an như là mẫu mực cho niềm tin này.

Ra đi không tiền bạc, nhưng hai vị vẫn được xem như là những vị sứ giả đem đến sự bình an và hạnh phúc cho tha nhân. Chuyện kể rằng: Một hôm, ông Phê-rô và ông Gioan lên Đền Thờ. Cùng lúc đó, người ta khiêng đến một người què từ khi lọt lòng mẹ. Ngày ngày người ta đặt anh ta bên cửa Đền Thờ, để xin kẻ ra vào Đền Thờ bố thí. Vừa thấy hai vị tông đồ đi đến, anh ta liền xin bố thí. Hai ông nhìn thẳng vào anh ta, và niên trưởng Phê-rô nói: “Anh nhìn chúng tôi đây”.

Nhìn vào ông Phê-rô, rồi sao nhỉ! Ông Phê-rô sẽ cho anh ta vài ký lô cá, chăng! Thưa không, ông Phê-rô nói: “Vàng bạc thì tôi không có, nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây”.

Cho cái gì vậy! Thưa, “lòng thương xót của Giê-su người Nazareth”. Hôm đó, ngài Phê-rô lớn tiếng nói với anh ta, rằng: “Nhân danh Đức Giê-su Ki-tô người Nazareth, anh đứng dậy mà đi”. Và, đúng là “đẹp thay dấu chân người sứ giả loan báo Tin Mừng”, ngay lập tức, anh què “đứng phắt dậy, đi lại được” (x.Cv 3, 1-10).

****
Trở lại câu chuyện “Đức Giê-su sai Nhóm Mười Hai đi giảng”. Nếu hôm nay, Đức Giê-su cũng chỉ thị cho chúng ta, như Ngài đã chỉ thị cho các môn đệ xưa, rằng: “không được mang gì… cả”, liệu chúng ta có đạt được kết quan mỹ mãn? Liệu chúng ta có “trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người ốm đau và chữa họ khỏi bệnh”, như các môn đệ xưa?

Thưa, có thể được. Chúng ta có thể làm được, chỉ cần hành trang của chúng ta có đức tin, đức cậy và nhất là đức mến.

Nói về đức tin và đức cậy, Mẹ Tê-rê-sa Calcutta như là mẫu mực cho chúng ta noi theo. Thưa quý vị, rất xúc động và phải bật khóc khi biết rằng: gia tài mà Mẹ Tê-rê-sa có được khi đến Calcutta để phục vụ cho những người nghèo khổ, tại những khu ổ chuột, vọn vẻn chỉ có “một cục xà phòng và 5 rupee”. (Tưởng chúng ta cũng nên biết: 5 rupee khoảng chừng 2.000$VN)

Ấy thế mà, thế mà với đức tin và đức cậy (tất nhiên là có cả đức mến), Mẹ đã trừ được rất nhiều quỷ, những con quỷ-cô-đơn, quỷ-bất-hạnh, quỷ-nghèo-đói v.v… cuối cùng Mẹ đã đem lại niềm vui và hạnh phúc cho nhiều người ốm đau, bệnh tật.

Còn nói về đức mến ư! Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận chính là mẫu mực để chúng ta noi theo. Có đức mến, ngài đã “tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả”, ngài đã lớn tiếng nói với những kẻ đầy đọa mình, rằng: “Cho dù các anh giết tôi, tôi vẫn yêu thương các anh. Tại vì Chúa Ki Tô đã dạy tôi phải yêu thương tất cả mọi người, cả những kẻ thù. Nếu tôi không làm như vậy, tôi không đáng được gọi là Kitô hữu”.

Kết quả là gì? Thưa, ngài đã “chữa (một số người) khỏi bệnh”, căn-bệnh-vô-thần. Ông Nguyễn Hoàng Đức, tác giả cuốn “Hành trình đức tin qua cây cầu FX Nguyễn Văn Thuận” như một điển hình.

Thế nên, hãy tin rằng, chúng ta cũng có thể trừ được rất nhiều quỷ, những con quỷ-thờ-quấy, quỷ-phù-phép, quỷ-ô-uế, hoặc những căn bệnh, bệnh-bè-phái, bệnh-hận-thù, bệnh-bất-hòa, bệnh-ghen-tuông, bệnh-nóng-giận, bệnh-tranh-chấp, bệnh-chia-rẽ, bệnh-ganh-tỵ v.v… nếu chúng ta có đức tin, đức cậy và đức mến. Bởi vì: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không tự đắc, không nóng giận, không nuôi hận thù”. (x.1Cor 13, 4-5).

Thế nên, đừng ngại khi chúng ta “không được mang gì đi đường” để phòng thân, phòng thân trước những sự hung hãn của thế gian. Bởi qua đó, chúng ta biết “phó thác”, phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Sự quan phòng đã được Thiên Chúa, qua môi miệng ngôn sứ Giê-rê-mi-a, phán hứa với chúng ta, rằng: “Chúng sẽ không còn phải hãi hùng, kinh khiếp và bị bỏ rơi…” (Gr 23, 4).

Cuối cùng, đừng ngại khi không có tiền bạc. Bởi qua đó, chúng ta dễ dàng thực hiện nếp sống nghèo khó. Tinh thần khó nghèo chính là tấm gương sống động, một tấm gương sống động để người sứ giả loan báo Tin Mừng không ngượng miệng khi rao giảng cho mọi người, rằng: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”.

Vâng, xin Chúa cho chúng ta, là những sứ giả của Người, có đức tin, đức cậy và đức mến. Và, xin Chúa cho chúng ta dám nói: “Lạy Chúa, xin hãy sai tôi đi”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây